Bệnh viện tư nhân đầu tiên tham gia mạng lưới cấp cứu 115
“BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) là BV tư nhân đầu tiên của cả nước chủ động tham gia vào mạng lưới cấp cứu 115 TP.HCM và đã được Sở Y tế TP ủng hộ. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết như trên tại lễ ra mắt Trạm Cấp cứu vệ tinh BV Đa khoa Xuyên Á thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM được tổ chức vào sáng 7-5.
"Hy vọng hơn 40 BV tư còn lại trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ tham gia vào mạng lưới cấp cứu 115 để kịp thời phục vụ các trường hợp bị tai nạn và bệnh hiểm nghèo trên địa bàn” - ông Tăng Chí Thượng nói.
TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á, cho biết trong bối cảnh tai nạn giao thông tăng, cùng với các bệnh lý cấp tính liên quan đến tim mạch ngày càng nhiều nên nhu cầu cấp cứu cũng tăng theo. Trong khi đó, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chịu nhiều áp lực, tình trạng kẹt xe liên tục xảy ra, hệ thống mạng lưới trạm vệ tinh cấp cứu 115 vẫn chưa bao phủ nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động cấp cứu ngoại viện. Theo ông Châu, với mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu của bà con huyện Củ Chi và các địa phương lân cận, BV Đa khoa Xuyên Á đề xuất với Trung tâm Cấp cứu 115 và Sở Y tế TP.HCM được gia nhập vào hệ thống cấp cứu 115 của TP.
"Hôm nay, khoa Cấp cứu của BV Đa khoa Xuyên Á chính thức trở thành trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. Trạm bắt đầu tiếp nhận những yêu cầu ứng cứu của bà con thông qua số điện thoại tổng đài quen thuộc 115” - ông Châu cho biết.
Được biết đến nay TP.HCM có ba trạm cấp cứu vệ tinh thuộc Trung cấp Cấp cứu 115 TP.HCM. Đó là trạm vệ tinh BV Đa khoa Sài Gòn, BV Bình Tân và BV Đa khoa Xuyên Á (Pháp luật TP.Hồ Chí Minh trang 15, Thanh niên trang 17).
Khen thưởng bốn bác sĩ, điều dưỡng hiến máu cứu bệnh nhân bị trâu húc
Ngày 7-5, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết sở này đã tặng giấy khen cho tổ cấp cứu BV Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và khen thưởng cá nhân bốn y, bác sĩ đã hiến máu cứu sống bệnh nhân bị trâu húc.
Trước đó, chiều 4-5, chị Lê Thị Dung (49 tuổi, trú xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê) bị một con trâu điên húc vào vùng bụng, nguy kịch đến tính mạng.
Chị Dung được đưa đến BV Đa khoa huyện Hương Khê cấp cứu trong tình trạng choáng nặng, huyết áp không đo được, vùng bụng và mông đa chấn thương, chảy máu nhiều. Bệnh viện triển khai hai kíp mổ, cần số lượng máu lớn để kịp thời truyền cho bệnh nhân, trong khi nguồn máu dự phòng nhóm AB thiếu. Trước tình trạng cấp bách này, BS Phạm Thanh Trà (khoa Sản), BS Nguyễn Văn Tuấn (khoa Gây mê hồi sức), BS Nguyễn Thanh Long và điều dưỡng Lê Thị Thủy (khoa Truyền nhiễm) đã hiến bốn đơn vị máu AB, kịp thời cứu sống chị Dung. Đến chiều 7-5, sức khỏe chị Dung đang bình phục dần (Pháp luật TP.Hồ Chí Minh trang 15).
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế tập trung nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn cầu, nhất là ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những nghiên cứu tổng thể về nhiễm khuẩn bệnh viện, nhưng một số nghiên cứu cắt ngang cho thấy số ca bệnh do nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng 6% trong tổng số ca bệnh, trong đó tập trung nhiều là viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ... Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa kiểm soát nhiễm khuẩn là một ưu tiên, với việc ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm tăng cường năng lực, như thiết lập hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn từ trung ương đến các bệnh viện; tăng cường sự phối hợp giữa y tế dự phòng và hệ điều trị trong phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chất lượng quản lý khám bệnh, chữa bệnh… Đến nay, cả nước đã có 611 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký cam kết tham gia chiến dịch “Bảo vệ sự sống hãy vệ sinh tay”; 668 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký cam kết thực hiện phong trào “Bệnh viện vệ sinh”…
Tuy vậy, thực tế còn nhiều khó khăn. Không ít lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác này, dẫn đến chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác này. Một số bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật đối với nhân viên y tế làm việc ở các bộ phận khác bằng cách điều chuyển về làm việc tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Hiện cả nước vẫn còn tới 36% số lãnh đạo khoa kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về chuyên ngành này, trong đó chủ yếu là ở bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực miền núi… Đặc biệt, phần lớn nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn và hầu hết các bệnh viện chưa bảo đảm được tỷ lệ một nhân viên giám sát/150 giường bệnh.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa hoàn thiện, khi cả nước còn 8,9% số bệnh viện chưa thành lập hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn; 15,1% số bệnh viện chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 33% số bệnh viện đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chưa bổ nhiệm trưởng khoa; vẫn còn gần 20% số lãnh đạo khoa/tổ kiểm soát nhiễm khuẩn có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học… Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức: 39,7% số bệnh viện không có đủ tối thiểu một buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng; 46,5% số bệnh viện không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn. Đặc biệt, nhân lực về kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu, phần lớn nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách; 49,1% số nhân viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tại các cơ sở đào đạo chưa có hệ thống và chương trình đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các trường thuộc khối ngành khoa học sức khỏe; chưa có giáo trình quốc gia chuẩn để đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn...
Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Cùng với đó là việc xúc tiến thành lập Hội đồng tư vấn, xây dựng chính sách, tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; bổ sung và hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật và các tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn (Nhân dân trang 5).
Từ tháng 5-2016, ngừng sử dụng vắc xin bại liệt uống tOPV
Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông đã ký Công văn số 6957/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Ban Quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) về việc ngừng sử dụng, thu hồi và tiêu hủy vắc xin bại liệt uống tOPV (số đăng ký: QLSP-H02-0801-14) chứa 3 týp vi rút bại liệt 1, 2 và 3.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 5-2016 sẽ ngừng sử dụng vắc xin tOPV bại liệt uống nói trên để thay thế bằng vắc xin bại liệt uống bOPV (chỉ chứa týp vi rút bại liệt 1 và 3), vắc xin IPV (vắc xin bại liệt tiêm, loại bất hoạt, chứa týp vi rút bại liệt 2). Hai loại vắc xin thay thế này mới được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng để giảm nguy cơ bị bại liệt do vi rút tái độc lực, sẽ giúp tăng tính an toàn, hiệu quả trong công tác phòng bệnh bại liệt tại Việt Nam.
Bộ Y tế yêu cầu dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tổ chức thu hồi triệt để toàn bộ số vắc xin nêu trên tại tất cả các cơ sở tiêm phòng trên toàn hệ thống, đồng thời phối hợp với nhà sản xuất để đề xuất phương án tiêu hủy (Hà Nội mới trang 7).