Nắng nóng, bệnh dại vào mùa
Đã bắt đầu vào "mùa cao điểm" của bệnh dại. Căn bệnh nguy hiểm này gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, Cục đã nhận được một số thông tin phản ánh về việc có nguy cơ chưa cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêm phòng dại của nhân dân tăng cao từ quý 1 và đặc biệt vào các tháng mùa hè, nên các đơn vị không có đủ vắc xin dự trữ; do giá dự thầu cao hơn giá mời thầu; một số đơn vị chưa chủ động thay thế nguồn vắc xin trong trường hợp nguồn cung hiện tại có nguy cơ thiếu đột ngột.
Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành y tế, số người tử vong vì bệnh dại cả nước trong các năm 2016, 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 lần lượt là: 91 (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014); 62 và 18 người.
Trước tình hình này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn Số 7545/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Parteur Nha Trang, Tây Nguyên và Tp Hồ Chí Minh yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại.
Về tình hình vắc xin phòng bệnh dại đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam, ông Cường cho hay, hiện tại có 4 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu).
Công văn của Cục Quản lý Dược cho biết, theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vắcxin phòng bệnh dại của năm 2018 là đủ để cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin cho tiêm chủng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn; đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện hoạt động tiêm chủng, tiêm vắc xin phòng dại cần có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, ký hợp đồng, đấu thầu, để cung ứng vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại, tuy nhiên bệnh này có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. (Tiền phong, trang 6).
Hoãn xử vụ chạy thận 8 người tử vong: Người nhà bệnh nhân mong bác sĩ Lương được tuyên vô tội
Đối với việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chị Tuyết và các gia đình nạn nhân đều cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội.
Ra về sau khi phiên tòa bị hoãn chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết: "Bác sĩ Lương đã hết lòng cứu chữa các bệnh nhân"
Sáng 7/5, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan đến vụ chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong, ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, vắng mặt. Phía lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng không có đại diện nào tới dự phiên tòa.
Chia sẻ với Báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thu (mẹ nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) cho biết, ông Dương là giám đốc BV thời điểm xảy ra vụ tai biến y khoa, là người chịu trách nhiệm chính thời điểm đó nhưng lại vắng mặt ở phiên tòa thể hiện sự thiếu trách nhiệm với nạn nhân, bệnh nhân là không thể chấp nhận được.
Theo bà Thu, ông Dương là người trực tiếp ký các quyết định thay đổi màng lọc nước, thiết bị... nên ông Dương phải là người chịu trách nhiệm chính, chứ không phải bác sĩ Hoàng Công Lương. Bà Thu kiến nghị phải xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương trong vụ việc này.
Cũng có mặ tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 người tử vong, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh) cho rằng, việc hoãn xử phiên toà của TAND TP Hoà Bình đúng theo quy định, do vắng quá nhiều luật sư bào chữa và nhiều người có trách nhiệm liên quan.
Tuy nhiên, về sự vắng mặt của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình - ông Trưong Quý Dương và lãnh đạo, cán bộ bệnh viện thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với các bệnh nhân và nạn nhân. Theo chị Tuyết, sau khi xảy ra sự cố, ông Dương chưa từng lần nào tới chia buồn hoặc gặp gỡ có lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân.
Ngoài ra, trong 4 lần bệnh viện và đại diện các bên gặp gỡ về việc bồi thường cho các gia đình, ông Dương cũng không có mặt. Gia đình 8 nạn nhân không chấp nhận mức bồi thường của bệnh viện và chờ phán quyết của toà án.
Chị Tuyết cũng cho rằng, cáo trạng chưa thể hiện hết trách nhiệm của những người liên quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Đối với việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chị Tuyết và các gia đình nạn nhân đều cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội.
"Bác sĩ Lương đã hết lòng cứu chữa các bệnh nhân. Chúng tôi mong muốn HĐXX sẽ công tâm, xem xét đúng người đúng tội"- chị Nguyễn Thị Tuyết nói.
Sau khi bắt đầu phiên tòa sáng 7/5, xét đề nghị của các bị cáo, đại diện gia đình các bị hại, luật sư, HĐXX sau khi hội ý đã ra quyết định hoãn phiên toà để triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến toà.
Phiên toà dự kiến sẽ được mở lại vào 8h ngày 15/5. (Tiền phong, trang 11).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Hoãn phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm tàm người chết”.
6.000 thầy thuốc trẻ sẽ tham gia Ngày hội tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng
Chiều 7-5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2018.
Ngày hội năm 2018 có chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”. Đây là năm thứ 9 liên tiếp chương trình được diễn ra; hướng tới chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15-10-1956/15-10-2018) và 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2018); với mục tiêu thu hút sự tham gia đông đảo của lực lượng thầy thuốc trẻ cũng như đoàn viên, thanh niên tình nguyện, góp phần vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Được tổ chức rộng rãi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, các thầy thuốc trẻ tham gia Ngày hội tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2018 dự kiến có sự tham gia của 6.000 thầy thuốc trẻ sẽ khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 100.000 người; mổ mắt miễn phí cho 500 người cao tuổi; tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho 5.000 giáo viên của 700 trường mầm non, tiểu học; 50.000 trẻ em tham gia Ngày hội sẽ được rửa tay bằng xà phòng phòng chống dịch bệnh... Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức dự kiến tiếp nhận được 13.000 đơn vị máu và sẽ tặng 20 bình lọc nước vi sinh cho các trường mầm non, tiểu học; khám sàng lọc cho chương trình tặng chân tay giả cho 1.200 trường hợp người khuyết tật...
Trong ngày hội năm nay, nhiều tỉnh, thành phố cũng sẽ triển khai các điểm tư vấn đăng ký hiến tạng tại các điểm hiến máu tình nguyện nhằm ủng hộ phong trào hiến tạng cứu người; tư vấn tuyên truyền về phòng chống các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường; khám sàng lọc ung thư vú; triển khai khám cho các đối tượng đăng ký chương trình “Tặng chân tay giả cho người khuyết tật” của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam…, hướng tới hỗ trợ người yếu thế, giúp người trong độ tuổi lao động và học tập sớm hòa nhập với cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Hơn 6.000 thầy thuốc trẻ tình nguyện vì cộng đồng”.
Cuối năm 2018, đồng loạt nối mạng tất cả nhà thuốc để kiểm soát giá, chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, dự kiến cuối năm 2018 này, việc nối mạng hệ thống nhà thuốc sẽ được triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc và chất lượng thuốc.
Tại buổi làm việc về Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 vừa diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện Đề án này đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh/ thành gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Theo lộ trình thực hiện đề án này mà Bộ Y tế đã đặt ra, đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng. Sau đó đến các tủ thuốc tại trạm y tế xã.
Về Đề án kê đơn và bán thuốc theo đơn, đến năm 2020 thì 100% kháng sinh phải bán thuốc theo đơn và 100% nhà thuốc bệnh viện, phòng khám công lập phải bán thuốc theo đơn. Các tại các cơ sở y tế ngoài công lập thì tỷ lệ này là 80%.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh, nối mạng hệ thống nhà thuốc không chỉ giúp kiểm soát được việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn mà còn góp phần kiểm soát được giá thuốc, việc thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.
Cụ thể, việc thực hiện kết nối mạng tại các nhà thuốc sẽ giúp đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Cùng đó, việc tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn là nhiệm vụ rất cấp bách trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh đang ngày nặng nề. Nếu chậm kiểm soát việc này thì người dân và ngành y tế sẽ chịu hậu quả nặng nề do sử dụng kháng sinh không hợp lý gây ra.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, tới đây, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra các nhà thuốc, nếu phát hiện nhà thuốc nào bày bán thuốc không có nguồn gốc xuất xứ thì sẽ vào kho kiểm tra ngay để truy nguồn gốc xuất xứ vì hiện nay có tình trạng thuốc xách tay đang bày bán khá nhiều... (An ninh Thủ đô, trang 7).
Công bố Quyết định chuẩn y chức vụ Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô
Chiều 7-5, đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì lễ công bố và trao Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn y chức vụ Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, nhiệm kỳ 2015-2020.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà (sinh ngày 9-8-1963), Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc kiêm Trưởng khoa mắt Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chuẩn y giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, đồng chí Đào Đức Toàn bày tỏ tin tưởng, trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Thanh Hà sẽ cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển của bệnh viện, đoàn kết, cố gắng tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bác sĩ, cán bộ quản lý; giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thanh Hà khẳng định, trên cương vị mới sẽ không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cùng tập thể Đảng ủy lãnh đạo thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nhất là trong bối cảnh bệnh viện đã thực hiện tự chủ về tài chính. (Hà Nội mới, trang 1).
Bộ Y tế dự kiến cắt giảm hơn 1.100 điều kiện kinh doanh: Đã đủ giảm phiền hà?
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; theo đó, đề xuất cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh và 168/338 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, bệnh viện và người bệnh cho rằng, vẫn còn không ít quy định cản trở việc kinh doanh thuốc chữa bệnh, khiến người bệnh khó tiếp cận với dịch vụ này tại cơ sở y tế.
Việc cắt, giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2017, Bộ Y tế xếp hạng thứ 18 trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính. Vì thế, việc Bộ công bố dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, theo hướng cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh (gần 70%) và 168/338 thủ tục hành chính (gần 50%), được coi là cuộc "cách mạng" về thủ tục hành chính. Riêng dược phẩm, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 77/144 điều kiện đầu tư, kinh doanh (hơn 53%) và 121/157 thủ tục hành chính (hơn 77%).
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quy định hiện hành muốn đưa ra hành lang pháp lý để quản lý thật chặt, rồi mới đến bảo đảm chất lượng và tiêu chí của các dịch vụ y tế. Song, thực tế đã bộc lộ một số hạn chế; mục tiêu quản lý chặt thị trường dược phẩm, giảm giá thuốc cho người bệnh chưa như mong muốn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không theo kiểu cơ học, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện. Tuyệt đối không giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
Không chỉ riêng thuốc chữa bệnh, nhiều bệnh nhân cũng chưa hài lòng về thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh; còn không ít phiền toái, khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu... Trước thực tế đó, dự thảo nghị định lần này được Bộ Y tế soạn thảo theo nguyên tắc cố gắng cởi bỏ những ràng buộc, các thủ tục gây khó khăn, kể cả với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng như bệnh viện và người bệnh. Mục tiêu đặt ra là nhằm thay đổi cách thức tiếp cận để quản lý chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, nhất là tăng sự hài lòng với người bệnh.
Lo thiếu thuốc do vướng quy định
Tuy cắt giảm hơn 1.100 điều kiện kinh doanh, song không ít bệnh viện, doanh nghiệp dược vẫn “than phiền” một số quy định gây khó cho hoạt động của nhà thuốc bệnh viện vẫn chưa được đưa vào dự thảo nêu trên.
Ví dụ, Khoản 2, Điều 136, Nghị định 54/2017/NĐ-CP (nghị định hiện hành) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, ban hành ngày 8-5-2017 quy định: Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám, chữa bệnh đó và thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng... đang gây rất nhiều khó khăn cho khối bệnh viện tư. Ông Phạm Văn Học, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương lý giải, cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước đấu thầu thuốc mới có thể áp dụng quy định này, còn cơ sở y tế tư nhân rất khó để thực hiện. Chưa kể, cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng giống cơ sở bán lẻ thuốc bên ngoài, tức là cùng kinh doanh các sản phẩm dược phục vụ khám, chữa bệnh. Nếu chỉ bán thuốc đã trúng thầu dẫn đến việc nhiều loại thuốc mới vào Việt Nam, đã được phép lưu hành nhưng chưa nằm ở gói thầu nào sẽ không được bán, gây khó cho cả bệnh nhân và bệnh viện.
Không chỉ bệnh viện tư, ngay cả bệnh viện công cũng gặp khó khăn khi trên thị trường có gần 30.000 loại thuốc, song danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả chỉ gần 900 hoạt chất (tương đương hơn 1.000 loại thuốc). Như vậy, còn rất nhiều thuốc sẽ không có trong danh mục đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, không có mặt trong nhà thuốc bệnh viện, nhất là các thuốc hiếm, thuốc đặc trị. Theo bà Trần Thị Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, các bệnh viện tuyến cuối cần dùng thuốc đặc trị, nếu những loại này không có trong bệnh viện, không chỉ gây khó khăn cho bác sĩ kê đơn, mà còn gây phiền hà, khốn khổ cho người bệnh khi phải tìm mua thuốc bên ngoài. Trong khi đó, trên thị trường, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng... chưa được kiểm soát hoàn toàn. Khi không có nhà thuốc bệnh viện cạnh tranh thì nhà thuốc ở ngoài tha hồ “hét” giá, khiến mục tiêu giảm giá thuốc cho người bệnh khó khả thi.
Ông Phạm Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 cũng đề nghị, đẩy nhanh việc công bố giá kê khai, kê khai lại trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Theo quy định, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được cơ quan quản lý công bố, vì thế nếu chậm trễ, thuốc nhập về không thể phục vụ ngay người bệnh.
Liên quan đến vấn đề trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo, gây khó khi thực hiện, trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên, của cả người bệnh và doanh nghiệp. (Hà Nội mới, trang 1).
Công đoàn Y tế Việt Nam biểu dương 204 cán bộ y tế giỏi năm 2018
Sáng nay (7.5), tại TP. Cần Thơ, CĐ Y tế Việt Nam tổ chức hội nghị biểu dương 204 cán bộ, CNVCLĐ giỏi ngành y tế năm 2018.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo CĐ Y tế Việt Nam, lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ và hơn 200 đại biểu là cán bộ, CNVCLĐ giỏi ngành y tế năm 2018 được biểu dương.
Sau phần phát biểu khai mạc hội nghị của đồng chí Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam, đồng chí Đào Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam đã báo cáo nêu rõ một số kết quả của CĐ Y tế Việt Nam thời gian qua. Trong đó, nổi bật là công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích đoàn viên, CNVCLĐ như 100% các đơn vị khối doanh nghiệp trực thuộc đã tổ chức kí kết TƯLĐTT, đối thoại tại nơi làm việc.
100% CĐCS khối doanh nghiệp đã xây dựng bếp ăn tập thể hoặc hỗ trợ tiền cho đoàn viên, NLĐ bữa ăn ca và thực hiện chế độ ăn trưa mức 20.000đ/người trở lên; 100% các CĐCS trực thuộc CĐ Y tế Việt Nam duy trì khám sức khỏe định kỳ, phân loại sức khỏe cho công chức, viên chức, lao động.
Dịp Tết nguyên đán 2018, chi từ quỹ xã hội từ thiện hỗ trợ 341 NLĐ có hoàn cảnh khó khăn số tiền hơn 225 triệu đồng; thăm và tặng quà cho các bệnh nhi tại nhiều bệnh viện; hỗ trợ 230 triệu đồng làm nhà Mái ấm công đoàn; tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người ở vùng sâu vùng xa...
Tại hội nghị, 204 cá nhân là công chức, viên chức, công nhân, lao động giỏi ngành y tế năm 2018 được biểu dương, vinh danh. Trong đó, 69 cá nhân được Bộ Y tế tặng bằng khen, 135 cá nhân được CĐ Y tế Việt Nam tặng bằng khen. Họ là những người đạt nhiều thành tích xuất sắc nhất với việc có nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố có giá trị ứng dụng cao và đạt giải thưởng trong các hội thi sáng tạo kĩ thuật, hội thi điều dưỡng giỏi...
Dịp này, CĐ Y tế Việt Nam cũng trao hỗ trợ sửa chữa 3 nhà mái ấm công đoàn, mỗi nhà trị giá 20 triệu đồng cho các đoàn viên khó khăn về nhà ở. (Lao động, trang 5).
Vinmec công bố ca mổ tim hở không morphin giảm đau đầu tiên trên thế giới
Vừa qua, tại Hội nghị gây mê giảm đau thế giới lần 43 diễn ra tại New York (Mỹ), Vinmec là bệnh viện đầu tiên trên thế giới công bố các ca phẫu thuật tim hở có sự hỗ trợ của kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) thành công.
Báo cáo đề cập đến khả năng giảm hoàn toàn đau trong và sau mổ không dùng morphin liều cao, thời gian phục hồi nhanh do bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga - Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TPHCM) trình bày tại hội nghị đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới ngoại khoa và gây mê hồi sức.
Xóa những cơn đau “không thở nổi” cho người bệnh
Mổ tim hở là phẫu thuật rất phổ biến, điều trị nhiều bệnh tim mạch hiện nay. Khi phẫu thuật, bệnh nhân thường phải mở lồng ngực bằng cách cắt dọc xương ức hoặc mở cạnh lồng ngực. Để giảm đau, cách thông thường là kết hợp morphin liều cao và các loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thường người bệnh vẫn không hoàn toàn hết cảm giác đau. Sau mổ, họ phải chịu đựng những cơn đau dữ dội từ vết mổ, vị trí cưa xương ức, vị trí dẫn lưu và khu vực lưng cao. Đau sau mổ tim còn có thể ảnh hưởng đến các nội tạng, các biến chứng sau phẫu thuật.
Bên cạnh đó, việc sử dụng morphin giảm đau còn có thể gây tác dụng phụ như: thời gian phục hồi và lưu viện lâu, người bệnh buồn nôn, nôn, ngứa, suy hô hấp, bị phụ thuộc, từ đó gây nên hội chứng tăng cảm giác đau và đau mạn tính sau mổ.
Để khắc phục các điểm trên, các bác sĩ Vinmec đã áp dụng kỹ thuật gây tê giảm đau vùng hoàn toàn mới: luồn catheter vào dưới cơ dựng sống bên cạnh cột sống từ sau lưng (ESP) để ngăn chặn tín hiệu đau trước khi được truyền tới cột sống. Kỹ thuật này tuyệt đối an toàn, đem lại hiệu quả giảm đau cao. Khi áp dụng ESP, Vinmec đã mang lại trải nghiệm mổ không đau cho hàng trăm người bệnh phẫu thuật tim hơn suốt 1 năm qua.
Bà Trần Thị Ngọc Diệp (50 tuổi, ở TPHCM) bị mắc nhiều bệnh tim phức tạp: hẹp van 2 lá sau sửa van, suy tim độ III, rung nhĩ, tăng áp lực động mạch phổi nặng, vừa được mổ tại Bệnh viện Vinmec Central Park đầu tháng 4-2018, có sử dụng ESP.
Năm 2008, bà đã từng phẫu thuật sửa van 2 lá. Ký ức những cơn đau “không thở nổi” lần trước mổ vẫn còn rất rõ nên 1 ngày sau ca mổ tại Vinmec Central Park với kỹ thuật ESP, khi vẫn đang được hồi sức tích cực, bà còn “băn khoăn”: Vì sao tôi mổ mà không thấy đau? Sáu ngày sau ca đại phẫu, bà Diệp đã được xuất viện.
Mở ra triển vọng mới
Chỉ vỏn vẹn 6 ngày nằm viện với một bệnh nhân suy tim nặng, mổ lần 2 với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, cảm giác mổ không đau là điều hơn cả mong đợi đối với người bệnh và các bác sĩ điều trị. Hàng trăm bệnh nhân mổ tim hở tại Vinmec từ đầu năm 2017 đến nay đều vượt qua ca đại phẫu một cách nhẹ nhàng khi không bị đau, rút ngắn thời gian đặt nội khí quản, có thể vận động sớm, rút ngắn thời gian nằm viện như vậy.
Kết quả tích cực tại Vinmec đã mở ra triển vọng áp dụng phương pháp gây tê này trong nhiều phẫu thuật, nên được đông đảo bác sĩ Việt Nam và thế giới rất quan tâm.
Đứng sau thành tựu này của Vinmec Central Park là những trăn trở và không ngừng sáng tạo của GS Philippe Macaire - Giám đốc Trung tâm Gây mê giảm đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Sau khi GS Ki Jinn Chin - Bệnh viện Tây Toronto (Canada) công bố thực hiện ESP trên thi thể năm 2016, GS Macaire đã nâng tầm khi tìm ra cơ chế tác dụng, hoàn chỉnh từ liều tiêm cho đến kỹ thuật tiêm truyền ở mức an toàn nhất, để phương pháp này được thực sự áp dụng trong điều trị thực tế và đem lại hiệu quả cao.
Với định hướng trở thành bệnh viện không đau đầu tiên không sử dụng morphin, Vinmec tuân thủ hoàn toàn các chương trình đào tạo chuẩn thế giới về tăng cường hồi phục sau phẫu thuật (ERAS). Với thành công trong phẫu thuật tim hở khi sử dụng ESP, Vinmec đã có bước tiến xa vượt bậc, đi đầu thế giới khi kiểm soát đau trong các đại phẫu mà không cần sử dụng morphin.
Để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của ESP, Vinmec đang hơp tác với Đại học Montpellier Pháp xây dựng chương trình đào tạo sau đại học về các kỹ thuật gây tê giảm đau vùng tiên tiến. (Sài Gòn giải phóng, trang Phụ trương A).
Ứng dụng phẫu thuật nội soi 3D loại bỏ khối u thận thành công
Sáng 7-5, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin, vừa phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u cho bệnh nhân bị khối u ác tính ở thận và vẫn bảo tồn được thận bên phải.
Bà N.T.M.Th., sinh năm 1949, là bệnh nhân được phẫu thuật nội soi 3D loại bỏ khối u thận thành công cho biết, mình bị “mụt nước” ở thận bên phải đã lâu, khám nhiều nơi và được chẩn đoán đây là “mụt nước lành tính”, chỉ cần theo dõi định kỳ hằng năm bằng siêu âm thận.
Trong một lần tình cờ theo người nhà đến khám tại BV Đại học Y Dược, bà N.T.M.Th. quyết định siêu âm để kiểm tra lại tình trạng của nang thận.
Sau khi thăm khám trực tiếp, bác sĩ quyết định cho bà N.T.M.Th. chụp cắt lớp vùng bụng. Kết quả, các bác sĩ phát hiện khối nang 5cm ở thận bên phải không “lành tính” như chẩn đoán trước đây. Ngược lại, khối nang này có nhiều đặc điểm của khối u ác tính nên tư vấn cho bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u nhưng vẫn bảo tồn được thận bên phải.
Theo TS.BS. Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y Dược là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, đã áp dụng phẫu thuật nội soi 3 chiều, một trong những phương tiện nội soi hiện đại nhất hiện nay để cắt bỏ khối u thận.
Kết quả xét nghiệm tế bào sau phẫu thuật cho thấy, đây là khối u ung thư thận. Theo các bác sĩ, bà N.T.M.Th. đã may mắn được xử lý kịp thời vì khối ung thư thận chưa phát triển đến mức phải cắt bỏ toàn bộ thận phải.
Các bác sĩ BV Đại học Y Dược cho biết, điểm vượt trội của phương pháp này là với ống kính 3 chiều, trong các phẫu thuật phức tạp, phẫu thuật viên có thể quan sát rõ các chi tiết, kiểm soát tình huống tốt hơn, rút ngắn thời gian phẫu thuật và giảm tai biến cho người bệnh.
Cũng theo TS.BS. Nguyễn Hoàng Đức, chỉ có khoảng 5% nang thận đơn giản trở nên phức tạp vì bên trong nang có chức các tế bào ung thư, không chỉ đơn thuần chứa dịch. Do đó, khi siêu âm thận kiểm tra định kỳ, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm.
“Khi siêu âm nghi ngờ có các dấu hiệu bất thường, người bệnh sẽ được chỉ định chụp cắt lớp CT – scan để đánh giá rõ bản chất của nang thận. Nếu có những dấu hiệu ác tính thì bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật nội cắt bỏ khối u mà không cần cắt bỏ hết toàn bộ quả thận như trường hợp của người bệnh nêu trên”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức thông tin. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Bệnh viện đầu tiên ứng dụng kỹ thuật nội soi 3D chữa bệnh lý tiết niệu phức tạp”; Báo Tuổi trẻ, trang14: “Nội soi 3D cắt bỏ khối u ung thư thận”.
Bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe người lao động
Trong tháng 5, Tháng hành động cấp quốc gia lần thứ 2 về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018, nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm an toàn cao nhất về tính mạng, sức khỏe cho người lao động (NLĐ). Mong muốn chung là những hoạt động ấy phải được thực hiện thường xuyên, liên tục từ người sử dụng lao động và cả NLĐ.
Từ cuối tháng 4, Phòng khám đa khoa của Công ty Pouchen Việt Nam (quận Bình Tân) hoạt động liên tục với từng đợt công nhân đến khám sức khỏe nhằm phát hiện và phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp. Hoạt động này được Công ty Pouchen Việt Nam duy trì một năm hai lần dành cho những công nhân làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc.
Theo Công đoàn Công ty Pouchen Việt Nam, DN này hiện có khoảng 72 nghìn lao động, trong đó có 2.500 lao động làm việc trong ngành nghề độc hại như quét keo, ép đế giày. Việc khám sức khỏe định kỳ, phòng, chống các yếu tố có hại trong môi trường lao động luôn được Ban Giám đốc và Công đoàn công ty quan tâm thực hiện. Ông Bùi Văn Ẩn, cán bộ Công đoàn phụ trách ATVSLÐ của công ty cho biết: "Hằng ngày, chúng tôi đều nhắc nhở công nhân chú trọng về sức khỏe và an toàn lao động, như luôn đeo khẩu trang, nút chống ồn, tránh tiếp xúc với hóa chất và hạn chế thấp nhất tai nạn lao động xảy ra. Trong mỗi quý, mỗi phân xưởng đều tổ chức tập huấn cho công nhân về phòng cháy, chữa cháy. Hiện, công ty đã xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp với 40 người, có một xe chuyên dụng và một xe thang cứu hộ".
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (quận 3), với gần 19 nghìn công nhân lao động hoạt động trên phạm vi cả nước, công tác bảo đảm ATVSLÐ luôn được đặt lên hàng đầu. Ðại diện Ban Giám đốc công ty cho biết, trước khi bắt đầu ngày làm việc, công nhân đều được phổ biến an toàn lao động cũng như luôn bảo đảm đồng phục bảo hộ lao động cho công nhân theo quy định. Trong năm 2017, công ty đã tập trung triển khai kiểm soát an toàn làm việc trên cao, xác định khu vực hoạt động an toàn cho cẩu tháp, an toàn vận hành thiết bị nâng và an toàn điện. Cùng với đó, đưa ra các giải pháp cụ thể như chuẩn hóa lan-can che chắn an toàn, hệ thống giàn giáo, hệ thống giằng chống shoring trong thi công hầm, vận chuyển vật tư an toàn và hiệu quả trên công trường. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp này mà công ty đã đạt gần 59 triệu giờ làm việc an toàn trong năm qua.
Hướng đến mục tiêu ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLÐ) và bệnh nghề nghiệp, mới đây, tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Ðức), Ban Quản lý các các Khu chế xuất và Khu công nghiệp (KCX, KCN) thành phố đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ đến các DN, đơn vị trong các KCX, KCN thành phố. Theo đó, yêu cầu các DN đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kịp thời phát động phong trào thi đua bảo đảm ATVSLÐ tại đơn vị, thăm hỏi, động viên gia đình công nhân bị TNLÐ và bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các DN cần thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho NLÐ. NLÐ phải chấp hành quy định về ATVSLÐ tại DN; tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về ATVSLÐ. Các DN trong các KCX, KCN thành phố đã ký cam kết bảo đảm ATVSLÐ.
Phó ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn cho biết, số vụ TNLÐ làm chết người phần lớn xảy ra trong lĩnh vực thi công, xây dựng. Trong số 102 vụ TNLÐ làm chết người trên địa bàn thành phố trong năm 2017, có 71 vụ thuộc lĩnh vực thi công, xây dựng (làm chết 66 người và bị thương nặng năm người). Do đó, công tác ATVSLÐ đối với các đơn vị, DN trong lĩnh vực thi công, xây dựng cần được tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm.
Ông Trần Anh Thành, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho rằng, việc gia tăng sử dụng hóa chất trong sản xuất và trong nông nghiệp cũng làm tăng số lượng NLÐ tiếp xúc với yếu tố tác hại nghề nghiệp dẫn đến gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Có tới hơn 80% cơ sở lao động chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động và chưa tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLÐ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tình hình TNLÐ tại thành phố vẫn còn diễn ra phức tạp. Trong quý I - 2018, toàn thành phố đã xảy ra 13 vụ TNLÐ làm chết 13 người. Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành chức năng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra về công tác bảo đảm ATVSLÐ. (Nhân dân, trang TP.HCM).
Cứu sống bệnh nhân bị chồng đâm 10 nhát
Do hoang tưởng vợ là công an đến bắt mình, người chồng dùng mũi tên đâm cá đâm thấu phổi, thủng động mạch chủ của người vợ trẻ. May mắn, người vợ được các Bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Chị Đặng Thị L, 26 tuổi, trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang nhập viện cấp cứu vào ngày 6-5 trong tình trạng rất nặng, khó thở, thiếu máu, do chảy máu nhiều. Trên người bệnh nhân có tới 10 vết thương ở ngực, bụng và cổ, thủng động mạch chủ.
Bác sĩ Vương Ngọc Chắt, Khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh nhân được tiếp nhận và cho hồi sức tích cực, truyền máu ngay. Kết quả cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân có dịch tự do quanh gan, quanh lách và túi cùng. Vết thương xuyên thấu nhu mô phổi phải gây tràn khí, tràn dịch màng phổi phải. Tính mạng bệnh nhân ngàn cân treo sợi tóc. Vì thế, các bác sĩ khẩn trương chuyên bệnh nhân lên phòng phẫu thuật để mổ cấp cứu.
Ca phẫu thuật rất phức tạp đã diễn ra trong 3 tiếng. Bác sỹ Vương Ngọc Chắt và bác sỹ Hà Văn Linh cùng kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật để khâu nhiều lỗ thủng ở ruột non, lỗ rách mạc treo, tìm mọi cách cứu sống bệnh nhân. Trong quá trình mổ, bệnh nhân phải truyền tới 10 đơn vị máu.
Nhờ được các bác sỹ có kinh nghiệm mổ cấp cứu khâu cầm máu động mạch chủ kịp thời, bệnh nhân L đã qua cơn nguy kịch. Sau một ngày bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt. Nếu không được mổ kịp thời, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao.
Đây là một thành công đáng ghi nhận của các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh. Nếu không có kỹ thuật cao, kinh nghiệm tốt, bệnh nhân sẽ phải chuyển tuyến thì khả năng tử vong rất cao. (Công an Nhân dân, trang 2).
Nhân ngày Thalassemia Thế giới (8/5/1986 – 8/5/2018): Nỗ lực ngăn ngừa và xóa bỏ bệnh tan máu bẩm sinh
Thalassemia là bệnh thiếu máu do tan máu bẩm sinh, là một trong những rối loạn di truyền đơn gene phổ biến nhất thế giới. Đây là một bệnh di truyền lặn, không phụ thuộc vào giới tính. Nếu cả bố và mẹ đều mang gene bệnh Thalassemia, khi có thai xác suất trẻ sinh ra mắc bệnh và mang gene bệnh tới 75%; nếu hoặc bố hoặc mẹ mang gene bệnh, xác suất trẻ sinh ra mang gen bệnh là 50%.
Có thể hạn chế được 90 - 95% số mắc mới
Nghiên cứu cho thấy, tần suất người mang gene bệnh Thalassemia ở Việt Nam khá lớn trong cộng đồng, phân bố ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và khác nhau tùy theo từng địa phương, từng nhóm dân tộc. Các đột biến gene Thalassemia xảy ra với tần suất cao ở những vùng dịch tễ sốt rét… đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng… Ở miền núi phía Bắc, tỷ lệ này lên tới 12-23%.
Tan máu bẩm sinh là bệnh lý của tế bào hồng cầu trong máu, kéo dài suốt đời. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng, tế bào hồng cầu có khả năng tồn tại khoảng 120 ngày, sau đó vỡ ra. Đối với người bị bệnh tan máu bẩm sinh thì tế bào hồng cầu vỡ ra sớm hơn và nhiều hơn người bình thường, nên gây thiếu máu và gây ứ đọng sắt trong cơ thể. Tủy xương phải làm việc nhiều hơn để sản xuất hồng cầu. Chính sự hoạt động quá sức này càng làm cho xương biến dạng nhiều hơn, do đó, những người bệnh thường có vẻ mặt có đặc điểm giống nhau như trán dồ lên, xương sọ u ra, mũi tẹt, xương hàm trên nhô ra.
Tan máu bẩm sinh là một trong những rối loạn di truyền đơn gene phổ biến nhất thế giới. Theo báo cáo năm 2008 của Liên đoàn Thalassemia và của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có khoảng 7% dân số trên thế giới mang gene bệnh, 71% các nước trên thế giới bị ảnh hưởng, có trên 330.000 trẻ em sinh ra hàng năm bị mắc bệnh; 1,1% các cặp vợ chồng sinh ra nguy cơ con mang bệnh. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10 triệu người mang gene bệnh, tỷ lệ gặp cao ở một số tỉnh, thành phố và ở một số dân tộc như: Dân tộc Kinh có 2-4%, dân tộc Mường, Tày 22%, dân tộc Ê đê 40%, dân tộc Thái 22%.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể hạn chế được 90 - 95% số mắc mới Thalassemia nếu được tiến hành các biện pháp dự phòng thông qua hạn chế việc kết hôn giữa người mang gene bệnh (dự phòng cấp 1); đồng thời tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước sinh (dự phòng cấp 2) sẽ góp phần phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh ở thai nhi để tư vấn chỉ định đình chỉ thai nghén với các trường hợp mắc bệnh thể nặng. Tuy nhiên, việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh rất tốn kém và khó khăn hơn nhiều so với dự phòng cấp 1 vì phải đầu tư cho các cơ sở y tế các loại trang thiết bị, máy móc chuyên dụng, đắt tiền; hơn nữa cần phải có sự phối hợp giữa các chuyên gia thuộc lĩnh vực sản phụ khoa và lĩnh vực y học phân tử. Việc sàng lọc, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sơ sinh (dự phòng cấp 3) dường như ít có giá trị thực tiễn, bởi nếu đứa trẻ có được phát hiện mắc bệnh thì cũng chỉ là để biết sớm và chuẩn bị cho việc điều trị sau này.
Truyền thông, vận động - giải pháp quan trọng
Trên cơ sở hiệu quả của Chương trình phòng bệnh Thalassemia, từ năm 2009, Tổng cục DS-KHHGĐ đã đầu tư từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ để triển khai các hoạt động về “Nghiên cứu, ứng ứng giảm tỉ lệ mắc bệnh Thalassemia” tại Bệnh viện Nhi Trung ương và tỉnh Hòa Bình.
Đến năm 2012, mô hình “Giảm tỷ lệ người mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại cộng đồng” được thực hiện tại 144 xã (72%) thuộc 11 huyện/thành phố (100%) của tỉnh Hòa Bình. Qua 3 năm triển khai, mô hình thí điểm đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu đã chuyển đổi được hành vi của người dân trong phòng chống mắc mới bệnh Thalassemia tại cộng đồng, thu hút được đông đảo người dân tại địa bàn tham gia xét nghiệm máu để phát hiện người mang gene bệnh trước kết hôn, các thai phụ tham gia sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Các nội dung phòng bệnh đã được đưa vào nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ (CLB) dân số và người dân đã tự tìm được đến địa chỉ tư vấn, khám phòng bệnh…
Năm 2013, ngoài tỉnh Hòa Bình triển khai trên diện rộng với quy mô toàn tỉnh, Tổng cục DS-KHHGĐ đã quyết định mở rộng phạm vi triển khai mô hình này tại 5 tỉnh là: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Đồng thời ngoài Bệnh viện Nhi Trung ương, Trường ĐH Y Dược Huế triển khai thí điểm sàng lọc trước sinh bệnh Thalassemia cho các cặp vợ chồng đến thăm khám tại Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Các tỉnh triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo đài, các phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi giao lưu văn nghệ lồng ghép các thông điệp truyền thông tại các CLB ở xã, phường… Nội dung tuyên truyền, giáo dục được tập trung vào: Nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh tại cộng đồng. Qua đó, tổ chức tuyên truyền vận động được 11 buổi với 10.000 lượt người tham dự; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của huyện đến các thôn bản về nội dung về bệnh tan máu bẩm sinh được 1.050 buổi; cấp phát được 33.500 tờ rơi, nhân bản 1.270 đĩa DVD truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh và cách phòng tránh bệnh… Duy trì sinh hoạt 780 CLB, tổ chức được 810 buổi với 940 lượt người tham gia sinh hoạt.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với các tỉnh, thành phố có địa bàn triển khai thực hiện mô hình Tổ chức tập huấn về kiến thức kỹ năng truyền thông tư vấn; kỹ năng xây dựng điều hành CLB và mạng lưới truyền thông xã để đáp ứng nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh và chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên chuẩn bị kết hôn, nhằm cung cấp kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh: Nguyên nhân, hậu quả, cách phòng tránh bệnh. Từng bước chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh cho cán bộ y tế các cấp cở sở của tỉnh Hòa Bình.
Trong 5 năm qua, đã tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn được 42 lớp cho 1.727 cán bộ cấp xã phường; tập huấn được 6 lớp cho 474 cán bộ cấp huyện thị... Khám sàng lọc và lấy máu xét nghiệm cho nam nữ trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên trong các trường THCS và THPT, những người trước kết hôn và người trong gia đình có người bị bệnh được 22.759 trường hợp, số người mang gene bệnh là 3.124. Lấy máu xét nghiệm cho đối tượng phụ nữ đang mang thai được 5.227 trường hợp, phân tích kết quả cho thấy đã phát hiện được 914 trường hợp mang gene bệnh chiếm tỷ lệ 17,5%.
Từ những kết quả trên, nhiều người dân đã tự nguyện tham gia sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm người mang gene bệnh tại cộng đồng; được tư vấn di truyền tiền hôn nhân nhằm hạn chế việc kết hôn giữa những người mang gene bệnh; tự nguyện tham gia sàng lọc, chẩn đoán trước sinh... Việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi của người dân thời gian qua của ngành Dân số là giải pháp quan trọng nhất góp phần làm giảm tỷ lệ mắc mới bệnh Thalassemia trong cộng đồng. (Gia đình & Xã hội, trang 6).