Nỗi lo ngộ độc thực phẩm gia tăng
Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc thực phẩm. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Nguy cơ ngộ độc có ở mọi khâu
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4-2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Mới đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, tan máu sau khi ăn thực phẩm trộn phẩm màu. Trước đó, người bệnh có mua 100g bột màu (còn gọi là bột mai quế lộ) ở chợ và trộn hơn một nửa lượng bột màu này với thịt lợn xay rồi gói nem rán. Bệnh nhân cùng con ăn nem vào các bữa trưa của 3 ngày liên tiếp. Sau bữa cuối cùng được 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu và phải nhập viện. Mẫu bột màu mà bệnh nhân sử dụng được xét nghiệm và phát hiện có a xít orange 7, là hóa chất được dùng làm chất màu công nghiệp, phụ gia thực phẩm nhưng nếu sử dụng với hàm lượng cao có thể gây tan máu.
Tương tự, thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân (32 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh) bị đau bụng, tiêu lỏng, sốt, nôn ói sau khi ăn bún cua ốc vào buổi trưa. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏi các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lưu ý, các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E.coli, Campylobacter, Listeria... gây ra. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo có thể kể đến ngộ độc thực phẩm do các loại hóa chất khác nhau như hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… được đưa vào trong thực phẩm với mục đích cố tình hay vô ý. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm tự nhiên có chất gây độc như cá nóc, sắn, nấm độc… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
“Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), bên cạnh việc triển khai theo kế hoạch và chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, các quận, huyện, thị xã đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Qua đó, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Toàn quận Bắc Từ Liêm hiện có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ giữa tháng 4-2023 cho đến nay, 16 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 cơ sở với số tiền 165,5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để đánh giá đúng thực tế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi” (Hà Nội mới, trang 5).
Cẩn trọng với chất lượng "thuốc đông y gia truyền" trên mạng xã hội
Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, xử lý, nhưng thời gian qua, các quảng cáo về các bài thuốc đông y "gia truyền" vẫn xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội với cam kết khỏi bệnh hoàn toàn. Không ít người đã tin tưởng mua và tự ý sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Ông Trần Văn Ý, ở Thạch Thành (Thanh Hóa), mắc bệnh gout đã lâu, từng điều trị và uống thuốc tây nhiều nhưng bệnh vẫn tái phát. Một lần vào mạng, ông Ý thấy có một kênh YouTube giới thiệu một bài thuốc của bà lang, người dân tộc Dao, chữa được các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh gout. Ðang đau, nhức trong người, ông gọi ngay số điện thoại hiện trên màn hình, sau đó nghe họ giới thiệu là thuốc gia truyền, thuốc được hái từ những lá, cây rừng. Cam kết uống sẽ khỏi hoàn toàn, ông Ý đặt mua về uống. Tuy nhiên, sau khi uống một liệu trình, ông Ý tái khám tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, nhưng thấy bệnh vẫn không thuyên giảm, gan còn có dấu hiệu dần tổn thương nên đã dừng sử dụng thuốc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ý cho biết, thấy quảng cáo rằng thuốc rất tốt, lại có hình ảnh những bệnh nhân sử dụng thuốc nói lời cảm ơn sau khi khỏi bệnh nên tôi cũng tin theo, ai ngờ lại "tiền mất, tật mang".
Cũng tin vào lời quảng cáo trên Zalo, chị Hoàng Thu Hương (Hoa Lư, Ninh Bình) đã lặn lội vào tận An Giang bốc thuốc với mong muốn chữa khỏi bệnh ung thư máu cho chồng. "Có bệnh thì vái tứ phương, cứ ai mách gì chị đều đi hết, vào nam, ra bắc, lên các huyện Mường Lát, Quan Hóa... chỗ nào nghe giới thiệu, quảng cáo chị đều tìm đến. Có lúc kết hợp cả hai đến ba loại thuốc, chi phí lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng kết quả không khả quan", chị Hương chia sẻ.
Là người có trình độ, hiểu biết xã hội, nhưng khi bác sĩ chẩn đoán mình bị u xơ tử cung, chị Kim Anh, ở Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội), rất lo lắng bởi chị sợ u xơ to lên sẽ phải cắt tử cung bán phần hoặc cắt bỏ tử cung hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng. Tin tưởng vào những lời quảng cáo của thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các loại thuốc đông y quảng cáo trên Facebook, với hy vọng uống thuốc sẽ ức chế sự phát triển của u, thu nhỏ u, suốt hơn hai năm trời chị đều đặn uống sản phẩm theo chỉ dẫn bên trong sản phẩm, nhưng rồi khối u của chị không những không nhỏ lại mà ngày một to lên, cuối cùng chị phải đi bệnh viện để mổ cắt u. "Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên mọi người nên thận trọng trước "ma trận" của những lời quảng cáo từ các sản phẩm", chị Kim Anh nói.
Ðó chỉ là ba trong số hàng trăm nghìn trường hợp có chung tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nên hễ nghe thông tin, quảng cáo, giới thiệu ở đâu chữa khỏi bệnh là tìm hoặc mua thuốc về uống mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc. Theo lời kể từ các nhân vật, chúng tôi truy cập vào các trang mạng xã hội lớn như: YouTube; Zalo; Facebook… và choáng ngợp trước vô vàn kết quả khi tra cứu từ khóa "thuốc gia truyền". Những loại thuốc này được cam kết điều trị khỏi mọi bệnh từ tiêu hóa, xương khớp đến các bệnh mãn tính.
Ðáng nói là những loại thuốc này được quảng cáo, chào bán rộng rãi dưới hình thức bài viết, hình ảnh hoặc video được xây dựng rất bài bản với một công thức chung là: Thuốc gia truyền ba đời; cam kết khỏi bệnh 100%; không gây tác dụng phụ; hoàn tiền 100% nếu không khỏi bệnh… Người bệnh khi có nhu cầu thì không cần đến tận nơi thăm khám, mà chỉ cần gọi điện sẽ được tư vấn và bốc thuốc qua lời kể về các triệu chứng. Chính những lời quảng cáo như "rót mật vào tai" cùng với sự tận tình hỏi han của người bán và các phản hồi tích cực từ những khách hàng sử dụng thuốc được đính kèm trên mỗi quảng cáo đã tạo niềm tin cho người bệnh khiến họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua những sản phẩm thuốc không biết là thật hay giả.
Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm rằng thuốc nam, thuốc đông y "gia truyền" có nguồn gốc từ cây cỏ tự nhiên nên không chữa được bệnh cũng không ảnh hưởng sức khỏe... Cũng chính vì nắm bắt được tâm lý của người bệnh cho nên nhà sản xuất, công ty, thậm chí có người tự xưng là lương y ở các phòng khám, bệnh viện lớn tung ra các "chiêu trò" quảng cáo trên mạng xã hội, tạo ra "ma trận" thông tin đánh đố người dùng, với tính năng chèn clip một cách tự động vào trong phim, trong những bản tin chính thống của các đài truyền hình, cơ quan báo chí để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Trước tình trạng này, thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang: https://phamgiadongy.vn, https://truemart.vn đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm… Ðể an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia quảng cáo trên các website nêu trên. Hay, vừa qua, tại đường link: https://congbotpcn.com/thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-ca-gai-leo-giai-doc-gan-mb.html quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cà Gai Leo Giải Ðộc Gan MB vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không phù hợp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành…
Theo các chuyên gia y tế, thuốc đông y, hay còn gọi là thuốc y học cổ truyền, ngày càng được nhiều người người sử dụng giúp bồi bổ sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng giống như thuốc tây y, khi sử dụng không đúng cách dẫn đến "tiền mất tật mang", thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng của người sử dụng. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức khi quyết định sử dụng các loại sản phẩm này. Nên sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng, vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc đông y có trộn thành phần thuốc tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi. Khi đi khám, nên tìm những cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp và người khám có chứng chỉ hành nghề. Ðặc biệt, không nên tìm mua thuốc đông y qua mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng (Nhân dân, trang 4).
Sau ca tử vong do bạch hầu: Tỉnh Điện Biên triển khai biện pháp phòng chống dịch
Ngày 7-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông vừa ghi nhận cháu Sủng Thị L. (10 tuổi) tử vong do mắc bệnh bạch hầu.
Trước đó, cháu L. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong tình trạng sốt cao. Mặc dù được các bác sĩ tập trung điều trị, cấp cứu nhưng bệnh nhi đã tử vong. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi L. tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho kết quả dương tính với bạch hầu.
Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm của bệnh nhi L., Sở Y tế Điện Biên đã lập tổ công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với 78 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (5 người trong gia đình bệnh nhân, 18 học sinh cùng lớp, 38 học sinh ở khu nội trú và 17 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên), lực lượng chức năng đã lấy 61 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Pú Nhi, nơi bệnh nhi L. từng học tập, cơ quan y tế đã đưa 347 học sinh và 28 cán bộ giáo viên vào diện theo dõi triệu chứng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Bệnh viện nhân ái: Giờ vàng trong điều trị
Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) là bệnh viện tuyến quận hạng 1 đầu tiên của cả nước. Bệnh viện này được biết đến với các hoạt động phiên chợ 0 đồng đầu tiên, quỹ giờ vàng cho bệnh nhân, câu lạc bộ bệnh nhân ung thư gắn kết nhiều năm.
Vừa phẫu thuật vừa xin tiền cứu người bệnh
Chiều 14.4, ông Phan Văn N. (62 tuổi, tạm trú tại TP.Thủ Đức) đang ăn hủ tiếu thì trở mệt, khó thở, ngồi không vững. Ông được người nhà gọi xe đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) TP.Thủ Đức.
Ông N. hành nghề chạy xe ôm và bán vé số mưu sinh, "ngày nào xào ngày đó". Gia cảnh ông khó khăn, phải ở trọ, các con của ông cũng không khá hơn. Ngày ông nhập viện, trong nhà không có tiền. Ông được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, có nguy cơ ngưng tim, cần số tiền khá lớn để can thiệp mạch vành. Chị Phan Thị H., con gái ông N., đi "vay nóng" cũng chỉ được 10 triệu đồng để tạm ứng viện phí 5 triệu đồng, số còn lại mua đồ để chăm sóc cha.
"Bác sĩ nói giờ chỉ có cách can thiệp mạch vành mới hy vọng qua cơn nguy kịch. Kinh phí tầm 70 triệu đồng, BV có giảm viện phí thì ít nhất cũng phải cần 40 triệu đồng. Cha tôi lại không có bảo hiểm y tế (BHYT). Lúc đó, tôi khóc nói với bác sĩ là cứu giúp cha, khi nào chạy được tiền tôi đưa vào trả sau", chị H. kể.
Trường hợp ông N., BV TP.Thủ Đức không chỉ đưa ra hội chẩn chuyên môn mà còn bàn cách kiếm tiền để chữa trị. Bác sĩ Lê Duy Lạc, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, cũng là trưởng kíp thông tim cho ông N., kể: "Trong cuộc giao ban, các bác sĩ báo bệnh nhân (BN) cả đêm nằm không được, ngực đau như đá đè. Anh em hỏi tôi, anh ơi làm được không, em xin gia đình góp được 8 triệu đồng. Một bác sĩ khác nói cố gắng làm sẽ góp 3 triệu đồng. Bây giờ cần ít nhất 30 triệu nữa. Vậy là quyết định nhanh chóng được đưa ra: cứ làm, tính sau, cùng lắm anh em trong khoa gom góp tiếp".
Ông N. được phẫu thuật cấp cứu nong tim đặt stent thành công. "Ngày xuất viện, tiền viện phí sau khi BV miễn giảm thì gia đình phải đóng 48 triệu đồng. Nhưng Phòng Công tác xã hội (CTXH) và các y bác sĩ xin được tiền, trao cho gia đình để đóng hết số tiền đó. Đặc biệt, sau khi đóng viện phí thì số tiền còn dư đến 11 triệu đồng, nếu trừ ra 5 triệu đồng ứng viện phí thì còn 6 triệu đồng", chị H. kể thêm.
"Cha tôi nhập viện, bệnh nặng mà viện phí 0 đồng, lại còn được dư 6 triệu đồng để mua BHYT, mua thuốc. Trước chỉ nghe nói vào BV được cho tiền đóng viện phí chứ chưa biết thế nào, giờ chính gia đình tôi được nhận, cứ như trong mơ", chị H. xúc động.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, nhân viên Phòng CTXH BV TP.Thủ Đức, nhớ lại câu chuyện chị trực tiếp hỗ trợ BN. Đó là ngày 18.2.2023, BN Nguyễn Trần T. nhập viện vì bệnh viêm phổi nặng, biến chứng tràn mủ màng phổi... Với tình trạng bệnh nặng, để cứu được mạng sống, BN phải chuyển sang khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị. Nhưng nằm ở khoa đó thì số tiền viện phí là không nhỏ.
Chị Liên kể: "Cha mẹ BN đứng ngoài lo lắng, thấp thỏm không yên. Người cha nói giờ con cái là trên hết, viện phí bao nhiêu cũng vay mượn để lo. Thấy ông hoàn cảnh nghèo khó, bác sĩ hỏi nếu ông vay sẽ trả cho người ta bằng cách nào, ông chỉ thở dài và lặng thinh, mắt rưng rưng...".
Bác sĩ BV TP.Thủ Đức tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, tìm ra phương pháp tốt nhất chữa trị cho BN T. Sau một tuần BN được chuyển về chuyên khoa điều trị. "Tôi luôn theo dõi tiến trình bệnh của BN T. mỗi ngày. Cứ đúng 9 giờ sáng, sau khi giao ban khoa, tôi lại gọi hỏi thăm bác sĩ điều trị về tình trạng BN hôm đó. Nghe trả lời ổn hơn là lại có thêm hy vọng", chị Liên tâm sự.
Sau 1 tháng điều trị, BN T. được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và nhân viên, y - bác sĩ BV. "Tôi lên chúc mừng và chia sẻ thêm nhiều chuyện nhằm xóa bớt sự lo lắng cho BN và người nhà. Ngày BN xuất viện, gia đình BN chỉ tạm ứng được 30 triệu đồng viện phí, số còn lại BV miễn phí. Ngoài ra, BV còn kêu gọi hỗ trợ cho BN được 15 triệu đồng để lo thuốc men sau này", chị Liên kể.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng CTXH BV TP.Thủ Đức, cho biết BV có quỹ "giờ vàng trong điều trị" ra đời từ năm 2021, nhằm hỗ trợ các ca cấp cứu cần can thiệp khẩn cấp mà không có người thân hoặc có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng chi trả viện phí.
Việc cứu chữa kịp thời cho người bệnh trong khung giờ vàng sẽ quyết định chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống sau này của BN. Bởi đây là giai đoạn cần can thiệp kịp thời, không thể trì hoãn, giúp BN vượt qua tình trạng nguy kịch, tăng khả năng hồi phục, giảm thiểu di chứng. "Giờ vàng trong điều trị" đã hỗ trợ kịp thời cho rất nhiều BN qua cơn nguy kịch, với tổng chi phí hơn 400 triệu đồng.
"Có rất nhiều ca bệnh nặng lại không có tiền mà BV TP.Thủ Đức và tập thể y bác sĩ BV đã kêu gọi giúp đỡ. Mỗi hoàn cảnh thương tâm là một câu chuyện đậm sâu tình người", bà Châu tâm sự (Thanh niên, trang 13).
Nắng nóng kỷ lục, bảo vệ sức khỏe thế nào?
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày qua nắng nóng liên tục xảy ra trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-39 độ C.
Tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) nhiệt độ cao nhất trong ngày 6-5 đo được trên 44,10C, đây là mức kỷ lục tại Việt Nam.
Thói quen tránh nóng bằng việc thường xuyên sử dụng máy lạnh có thực sự tốt? Làm sao để hoạt động, chơi thể thao an toàn trong thời tiết nắng nóng?
Coi chừng sốc nhiệt
Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) đã cấp cứu thành công cho một nam sinh ở Long An bị tổn thương gan, thận do bị sốc nhiệt sau khi tập chạy trong thời tiết nắng nóng. Nắng nóng kéo dài, nguy cơ xuất hiện những ca bệnh tương tự trong những ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: "Nếu chúng ta ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế cân bằng nhiệt của cơ thể sẽ không còn hiệu quả. Khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận; nếu nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật".
Theo bác sĩ Chi, những người có nguy cơ cao gặp sốc nhiệt là người phải làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng như nông dân, lao động ngoài trời, công nhân làm việc trên cao, ngoài trời, vận động viên thi đấu, luyện tập...
Dấu hiệu đầu tiên của sốc nhiệt là vã mồ hôi, nhiệt độ tăng dần. Ngoài ra, một số biểu hiện thường gặp như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, da đỏ, nóng và khô, yếu cơ hoặc chuột rút... Tình trạng nặng hơn có thể có biểu hiện mất phương hướng, thậm chí co giật. Trong các mùa hè nắng nóng trước đây đã ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện này do sốc nhiệt.
Để phòng tránh sốc nhiệt trong mùa nắng nóng, bác sĩ Chi khuyến cáo những người thường xuyên làm việc ngoài trời, di chuyển trên đường cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ đến 15 giờ, lúc cường độ nắng nóng cao nhất. Chú ý mặc quần áo chống nắng, che chắn nắng khi làm việc ngoài trời.
"Đặc biệt cần uống đủ nước để phòng mất nước, trung bình cần uống từ 2,5 - 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng. Nếu phải làm việc ngoài trời, sau một khoảng thời gian cần vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt, bổ sung thêm nước. Nên chia thành từng ngụm nhỏ, bổ sung nước thường xuyên, không để khi cơ thể quá khát mới bổ sung nước", bác sĩ Chi khuyến cáo.
Chú ý khi tập thể dục
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - cho biết khi chơi thể thao trong thời tiết nắng, nóng và cơ thể không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến sự cố đáng tiếc, nặng hơn nữa là sốc và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngoài việc cơ thể bị mất nước thì say nắng, say nóng cũng là một vấn đề nan giải vì nhiều người dân còn chủ quan. Tuy nhiên, các hậu quả do say nắng, say nóng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như người chơi thể thao hiểu được cách tự bảo vệ bản thân.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo, đối với những người đam mê các môn thể thao ngoài trời cần lưu ý tập trong giai đoạn này nên mặc các loại quần áo mỏng, thoáng mát để dễ thoát nhiệt, bắt đầu từ các bài tập nhẹ và nâng cường độ dần dần.
Đối với người chạy bộ, nên chạy chậm để cơ thể điều hòa nhiệt độ từ từ rồi mới chạy nhanh. Khi chạy bộ hoặc luyện tập trên 60 phút thì cần uống nước...
"Nhiều nghiên cứu cho thấy tập luyện thể thao vào thời điểm sáng sớm vừa giúp tránh các tác hại do thời tiết nắng nóng, vừa giúp cho người chơi thể thao có tinh thần tốt hơn và ngủ ngon hơn", bác sĩ Lộc nhấn mạnh.
Sử dụng máy lạnh ra sao?
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cần lưu ý khi sử dụng máy lạnh trong mùa nắng nóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí sốc nhiệt. Việc bước từ phòng lạnh ra ngoài trời đột ngột có thể dẫn tới sốc nhiệt.
Để tránh tình trạng này, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời.
Nếu đi từ ngoài vào phòng lạnh, nên mở cửa phòng lạnh và ngồi trước cửa phòng một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ - bác sĩ Tiến cho hay.
Bên cạnh đó, không nên để nhiệt độ phòng chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời, có thể dẫn đến cảm lạnh, sốc nhiệt. Theo các chuyên gia, nhiệt độ chỉ nên chênh lệch khoảng 7 độ so với môi trường bên ngoài.
Không nên ở trong phòng máy lạnh liên tục. Mùa hè nhiều người không muốn bước ra khỏi phòng lạnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến da, dễ mắc các bệnh về hô hấp. Cũng không để điều hòa rọi thẳng vào người.
Vị trí lắp đặt điều hòa cũng rất quan trọng, nhiều người lắp điều hòa và điều hướng gió thẳng vào người, đầu... để nhanh mát. Tuy nhiên, việc đưa gió lạnh trực tiếp vào cơ thể trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gây cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng..., đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ (Tuổi trẻ, trang 13).