Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Triển khai phương án cung ứng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em; Tăng đột biến viêm phổi ở trẻ em; Áp lực thi cử có thể làm gia tăng bệnh lý dạ dày; Bỗng dưng phụ nữ 'bốc hỏa'

 

Triển khai phương án cung ứng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như việc thay đổi phương án mua sắm vắc-xin cho nên từ đầu năm đến nay đã xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hai bộ Y tế và Tài chính đang cùng các địa phương triển khai các phương án nhằm cung ứng đủ lượng vắc-xin để tiêm phòng cho trẻ.

Trong nhiều năm qua, ngành y tế triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước, gồm: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản.

Đáng chú ý, hầu hết các vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR được sản xuất trong nước, chỉ có hai loại nhập khẩu từ nước ngoài là vắc-xin phối hợp 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và vắc-xin bại liệt tiêm (IPV).

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình mục tiêu y tế, dân số do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện mua sắm tập trung vắc-xin cho chương trình TCMR, ký hợp đồng với nhà cung ứng cấp phát cho các địa phương thực hiện.

Giai đoạn 2021-2022 do không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số, một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vắc-xin, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương.

Để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, năm 2020 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vắc-xin cho chương trình TCMR bảo đảm cho hai năm 2021 và 2022.

Năm 2023, Bộ Y tế có đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc-xin, nhưng theo quy định của Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách nhà nước Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ mua vắc-xin cho chương trình TCMR.

Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vắc-xin đã bị ảnh hưởng, dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vắc-xin cục bộ tại một số địa phương.

Đối với các vắc-xin sản xuất trong nước, chương trình TCMR đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023, riêng vắc-xin phòng viêm gan B, lao sử dụng đến tháng 8/2023; vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản sử dụng đến hết tháng 9/2023; vắc-xin phòng sởi, sởi-rubella, bOPV (bại liệt uống) đủ dùng đến hết tháng 7/2023; vắc-xin uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Riêng đối với vắc-xin 5 trong 1 (nhập khẩu) bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023.

Để bảo đảm vắc-xin năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây.

Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu đăng ký vắc-xin tiêm chủng mở rộng những tháng còn lại năm 2023 và đến tháng 6/2024; đồng thời đề xuất phương án bảo đảm cung ứng vắc-xin cho chương trình TCMR năm 2023 và 2024.

Theo đó, đối với vắc-xin sản xuất trong nước gồm: DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván); uốn ván hấp phụ (TT); phòng lao đông khô (BCG); uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); viêm não Nhật Bản; viêm gan B; sởi; sởi-rubella; bại liệt (bOPV) và Rota sản xuất trong nước thì giao cho Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vắc-xin gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.

Đối với vắc-xin nhập khẩu (gồm ba loại) thì vắc-xin bại liệt IPV hiện đã có đủ cho nhu cầu năm 2023 và 2024 từ nguồn viện trợ, sẽ cấp phát cho địa phương; vắc-xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib), Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm theo hình thức đàm phán giá, các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương; vắc-xin phòng bệnh do vi-rút Rota, Bộ Y tế sẽ thông báo đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu.

Bộ Y tế cũng kiến nghị giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc-xin cho chương trình TCMR từ năm 2024 (Nhân dân, trang 1).

 

Tăng đột biến viêm phổi ở trẻ em

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều trẻ em phải nhập viện vì viêm phổi, trong đó có nhiều trường hợp đến viện đã viêm cả 2 thuỳ phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do chủ quan của cha mẹ.

Nhiều cha mẹ thấy con ho, sổ mũi, sốt, nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp thông thường, tự mua kháng sinh về điều trị, tới khi bệnh nặng không khỏi mới đưa vào viện. Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, dễ dẫn đến biến chứng nặng và tử vong hơn.

Tăng bất thường bệnh nhi nhập viện

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện ghi số ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng đột biến, với khoảng 100 ca mắc, trong đó viêm thuỳ phổi chiếm 1/3 số ca mắc. Đặc biệt có những trường hợp bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do sự chủ quan của gia đình. Điển hình là trường hợp của bệnh nhi N.H.T.P (5 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long), vào viện ngày thứ 5 trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều đờm. Nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp trên bình thường nên gia đình tự điều trị tại nhà, mua kháng sinh không rõ loại về cho con uống. Thấy bệnh con không đỡ, ho nặng tiếng và tiếp tục sốt cao 39 – 40 độ C, gia đình vội vã đưa con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Qua chụp X-quang có đám mờ thùy giữa phổi phải, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy và phải điều trị tích cực 1 tuần mới đỡ.

Viêm phổi thùy là tình trạng tổn thương viêm một số thùy của một hoặc cả hai phổi. Nguyên nhân gây bệnh hàng đầu là do vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến thứ 2, ngoài ra kí sinh trùng cũng có thể gây viêm phổi thùy. BS Trần Nhị Hà, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy ở trẻ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi. Nguyên nhân viêm phổi được xác định do vi khuẩn không điển hình xâm nhập và lây lan qua đường hô hấp. Thông thường bệnh viêm phổi xuất hiện rải rác quanh năm, tuy nhiên khoảng 1 tháng trở lại đây số ca viêm phổi tăng đột biến bất thường so với mọi năm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn khi thấy các con có các triệu chứng sốt ho đợt này”.

Tương tự tại Hà Nội, những bệnh viện có chuyên khoa Nhi như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng ghi nhận các ca viêm phổi vào nhập viện. “Ban đầu cháu chỉ hung hắng ho, sụt sịt, không sốt, nghĩ con chỉ bị viêm đường hô hấp do thời tiết nóng, ở phòng điều hoà nhiều nên tôi mua thuốc ho và kháng sinh về cho con uống. Nhưng cháu không đỡ mà ngày càng ho mạnh hơn, thở khò khè, quấy khóc, ăn kém, sốt cao. Cho con tới bệnh viện, chụp X-quang mới biết con đã viêm phổi”, một phụ huynh cho con đến khám ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết.

Theo BS Hà, đa số viêm phổi không điển hình ở trẻ sẽ có triệu chứng ban đầu giống bị viêm đường hô hấp, như: sốt nhẹ, chảy mũi, ho khan... Vài ngày sau đó, trẻ bị viêm phổi có thể sốt cao liên tục từ 39 đến 40 độ C, mệt mỏi, ăn uống kém, ho nhiều, ho thành cơn, đờm đặc đi kèm khó thở, thở nhanh. Ngoài ra, những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ. Trong giai đoạn này, nếu không điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể có những biến chứng nặng, như: áp xe phổi, xẹp phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi hay màng tim, thậm chí có thể gây nhiễm trùng ngoài phổi là viêm não, nhiễm khuẩn huyết...

“Thủ phạm” nào gây bệnh viêm phổi ở trẻ em?

Từ đầu tháng 5 tới nay, tại Hà Nội và nhiều địa phương ở phía Bắc ghi nhận sự gia tăng đột biến của trẻ mắc viêm phổi do Mycoplasma. Điều đáng chú ý, nhiều gia đình cũng nghĩ con ốm sốt thông thường do thời tiết, tự mua kháng sinh kèm thuốc ho về điều trị. Chỉ tới khi triệu chứng không đỡ, cơn sốt không dứt, mới vội vàng đưa con đi khám, kết quả con bị viêm phổi do Mycoplasma. Do triệu chứng không điển hình nên cha mẹ dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường, dẫn tới xử trí sai cách, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Theo ThS.BS Ngô Thị Cam, Chuyên Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, đáng tiếc bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ vào viện trong tình trạng gia đình tự mua thuốc điều trị cho con. Bởi nhiều người chủ quan không biết, viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến, do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Đây là bệnh viêm phổi với các triệu chứng không điển hình, nên thường bị bỏ qua giai đoạn đầu hoặc điều trị theo kinh nghiệm, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Ngoài ra, “thủ phạm” gây viêm phổi ở trẻ nhỏ nguy hiểm và thường gặp nữa là vi khuẩn phế cầu. Vi khuẩn này được lan truyền nhiều nhất qua đường hô hấp và lây lan thông qua tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khoẻ mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.

“Viêm phổi ở trẻ diễn biến khó lường, có những trường hợp triệu chứng nhẹ, 2 ngày đầu chỉ sốt nhẹ, chảy mũi, không ho, nhưng đến ngày thứ 3 đi khám chụp phổi đã mờ. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tiếp nhận không ít trường hợp gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà, hoặc đi khám tại phòng khám tư không phát hiện viêm phổi nên chỉ cho dùng thuốc cảm sốt thông thường, đến khi vào viện bệnh đã trở nặng, phổi chụp X-quang mờ ở cả hai thùy phổi, suy hô hấp. Những trường hợp nặng nề như vậy phải sử dụng phương pháp điều trị tích cực dài ngày”, BS Trần Nhị Hà cho hay.

Viêm phổi là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, để phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho trẻ. Vi khuẩn phế cầu – tác nhân phổ biến gây bệnh viêm phổi đã có vaccine phòng ngừa, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi (Công an nhân dân, trang 7).

 

Áp lực thi cử có thể làm gia tăng bệnh lý dạ dày

Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), mới đây tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu điều trị viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng cho một học sinh trước kỳ thi lên lớp 10.

Thủng ổ loét do căng thẳng

Bệnh nhân (BN) là N.X.Đ (nam, 15 tuổi), học sinh lớp 9 đang chuẩn bị thi cuối cấp lên lớp 10. Nam sinh này có tiền sử viêm dạ dày tá tràng đã điều trị nội khoa nhiều đợt.

Theo chia sẻ từ gia đình, gần đây BN lo lắng chuyện thi cử, kèm theo đó là tình trạng đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Sau một ca học thêm buổi tối, BN về nhà thì bị đau bụng dữ dội kèm sốt cao, gia đình đưa vào BV Bạch Mai cấp cứu.

BN vào viện trong tình trạng có hội chứng nhiễm trùng rõ, bụng đau co cứng như gỗ. Sau các xét nghiệm cần thiết, BN được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. BN được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa vệ sinh ổ loét, dẫn lưu ổ bụng. BN được ra viện sau 5 ngày điều trị, đồng thời tiếp tục theo dõi. Theo bác sĩ Nguyễn Hàm Hội, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, BV Bạch Mai, thủng ổ loét là biến chứng nặng nề của bệnh loét dạ dày tá tràng và là hậu quả của mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công (axit, pepsin) và hệ thống bảo vệ niêm mạc của dạ dày, tá tràng.

Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng phát hiện và xử trí muộn có tỷ lệ tử vong từ 2,5 - 10%; tỷ lệ tử vong lên đến 30% ở BN già yếu. Tỷ lệ biến chứng của loét dạ dày, tá tràng khoảng 10 - 20%, trong đó biến chứng thủng chiếm 2 - 14%.

Dấu hiệu đau dạ dày - tá tràng

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, BV Bạch Mai, cho biết: Với trẻ em ở lứa tuổi học đường, cha mẹ và người thân cần sớm nhận biết dấu hiệu căng thẳng, lo âu, thậm chí sợ hãi của trẻ như: mệt mỏi, hay hồi hộp, lo lắng, vã mồ hôi, khó chịu, bồn chồn, rối loạn cảm xúc (cáu giận, bực bội, phản ứng thái quá trước những việc bình thường), ăn ngủ kém, hay đau bụng đi ngoài mỗi khi căng thẳng...

Khi đã có viêm loét dạ dày, trẻ sẽ có những cơn đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn âm ỉ, giống như rối loạn tiêu hóa. Cha mẹ thường chủ quan tự chữa bằng men tiêu hóa, tẩy giun… nên nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã biến chứng. Ngoài ra, trẻ còn có thể buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua…

Để giúp trẻ tránh áp lực, căng thẳng, cha mẹ cần giúp trẻ có kế hoạch học tập hợp lý, tránh dồn khối lượng lớn trước kỳ thi, có thời gian xen kẽ nghỉ ngơi, thư giãn, vận động thể chất. Ăn uống khoa học, vệ sinh, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya.

"Gia đình nên động viên, khuyến khích, tạo tâm trạng thoải mái cho trẻ, không đòi hỏi kết quả vượt quá xa năng lực thực tế của trẻ. Không trách mắng, xúc phạm trẻ khi kết quả không đạt được như kỳ vọng...", bác sĩ Minh chia sẻ (Thanh niên, trang 15). 

 

Bỗng dưng phụ nữ 'bốc hỏa'

Sau tuổi 40, nhiều chị em cảm thấy "khó ở" hơn khi thường xuyên mệt mỏi, dễ cáu gắt, thậm chí đối diện với những cơn 'bốc hỏa' khiến cơ thể nóng bừng, đổ mồ hôi.
Các chuyên gia cảnh báo những cơn bốc hỏa của phụ nữ tiền mãn kinh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đừng chủ quan.

Cáu gắt, nóng giận vô cớ

Chị T.M. (43 tuổi) đang là trưởng phòng của một công ty truyền thông tại Hà Nội. Thời gian gần đây chị thường có cảm giác nóng bừng người không rõ nguyên nhân, những cơn bốc hỏa kéo dài vài phút rồi ngừng. Ngoài ra, chị M. còn rất dễ cáu gắt, nóng giận với đồng nghiệp và người thân.

"Đặc biệt là khi ngủ đôi khi cảm thấy buồn ngủ nhưng lại tỉnh giấc vì người nóng ran, toát mồ hôi. Chưa kể tôi khó kiểm soát nóng giận, khi qua cảm xúc ấy lại thấy mình có lỗi với người thân", chị M. bộc bạch.

Theo bác sĩ Phan Chí Thành, chánh văn phòng đào tạo - chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phụ sản trung ương, đây là biểu hiện khá thường gặp và thường được gọi là cơn bốc hỏa của chị em phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh.

Chị H.Q. (53 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Việt Bỉ thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, chán nản, thiếu sức sống, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và xuất hiện những cơn bốc hỏa.

Tâm trạng của chị cũng dần thay đổi theo hướng tiêu cực, khiến chị thường xuyên cáu gắt với những người xung quanh và các thành viên trong gia đình. Do lo ngại ảnh hưởng đến những người xung quanh và cuộc sống hằng ngày, chị đã quyết định tìm đến các bác sĩ.

Các kết quả thăm khám của bác sĩ cho thấy chị Q. bị suy giảm estrogen, có triệu chứng của tiền mãn kinh. Do đó, chị được các bác sĩ điều trị bằng cách điều chỉnh nội tiết tố. Sau một thời gian, chị Q. có cải thiện về sức khỏe hơn như thay đổi tâm trạng theo hướng tốt hơn, chất lượng đời sống tình dục vợ chồng được cải thiện.

Đừng chủ quan với những cơn bốc hỏa

Bác sĩ Thành lý giải cơn bốc hỏa được hình thành do sự thay đổi hormone sinh dục, sự suy giảm estrogen ở nữ giới tiền mãn kinh, mãn kinh gây nên.

"Cơn bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột lan tỏa khắp cơ thể, dữ dội nhất thường ở vùng mặt, cổ và ngực. Trong cơn bốc hỏa, da chị em có thể đỏ bừng hoặc lấm tấm ửng đỏ. 

Ngoài ra, nhiều chị em có thể xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi, đặc biệt phần phía trên cơ thể. Những cơn bốc hỏa này có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống hằng ngày", bác sĩ Thành cho hay.

Bác sĩ Thành dẫn chứng một nghiên cứu kéo dài 20 năm trên khoảng 3.300 phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh cho thấy có 231 người bị đau thắt ngực, đột quỵ hoặc suy tim.

Trong đó, phụ nữ thường xuyên gặp cơn bốc hỏa có nguy cơ mắc bệnh tim gấp hai lần. Những người bị bốc hỏa liên tục có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 80% trong vòng 20 năm.

Nếu cơn bốc hỏa ở phụ nữ kéo dài sẽ khiến huyết áp tăng đột ngột, mạch máu thay đổi thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và đột quỵ hơn người bình thường.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thành cũng cho rằng cơn bốc hỏa khiến nhiều chị em tỉnh giấc ban đêm, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, các mối quan hệ khác.

"Chị em có thể cải thiện tình trạng bốc hỏa bằng cách mặc ít quần áo, uống nhiều nước, giảm cân và tập thể dục thường xuyên, có thể lựa chọn bộ môn yoga. Bên cạnh đó, duy trì lối sống, ăn uống lành mạnh, sử dụng các nhóm thực phẩm tăng nội tiết tố. 

Với những stress, căng thẳng cần được chia sẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi lối sống không làm giảm đi những khó chịu và cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề thì nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị", bác sĩ Thành khuyến cáo.

Theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh - trưởng khoa nam học Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Việt Bỉ, khi thấy mình xuất hiện các triệu chứng bốc hỏa, nữ giới có thể lựa chọn những thực phẩm có chứa estrogen như sữa đậu nành, tinh chất mầm đậu nành, thực phẩm chức năng… 

Bên cạnh đó, nên tham gia các hoạt động giao lưu xã hội nhiều hơn, giao tiếp với bạn bè xung quanh, không nên sống khép kín.

Nếu sau thời gian dài không thấy tình trạng sức khỏe cải thiện, nữ giới có thể đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được đánh giá tìm hướng điều trị (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang