Tạm đình chỉ phòng khám y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc
Ngày 7-7, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, Thanh tra Sở Y tế vừa ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với phòng khám y học cổ truyền Việt Tâm (987 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trước đó, ngày 5-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất phòng khám này và phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, giám đốc phụ trách chuyên môn của phòng khám Việt Tâm là một bác sĩ người Trung Quốc nhưng thời điểm kiểm tra vị bác sĩ này không có mặt.
Mặt khác, dù là phòng khám chuyên khoa, chẩn trị về đông y nhưng lại treo biển phòng khám đa khoa và chưa có số đăng ký. Phòng khám còn tự ý sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh.
Ông Nguyễn Việt Cường cho biết, với những lỗi vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội dự kiến sẽ xử phạt phòng khám Việt Tâm 50 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám. (An ninh Thủ đô (7).
Vi phạm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ vẫn rất phổ biến
Tại hội thảo phân tích tuân thủ và vi phạm Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo do Bộ Y tế tổ chức ngày 5-7, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 19,6%.
Từ 1-3-2015, Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực đã quy định nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, qua một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, vi phạm quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện vẫn rất phổ biến.
Cụ thể, qua khảo sát 814 phụ nữ, có đến 80% số phụ nữ cho biết họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con. Ngoài ra, khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (chiếm 44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. Thậm chí, có gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con cho biết họ được nhân viên y tế của các cơ sở y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ; nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng đại diện các công ty sữa đã đến cơ sở y tế tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
ThS Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, tôi biết có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ này khác. “Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy, cho thấy các hãng sữa bất chấp quy định pháp luật, vẫn tìm cách tiếp thị đến từng bà mẹ, tại các cơ sở y tế, thậm chí tại các cuộc hội thảo về dinh dưỡng…”, ThS Đinh Thị Thu Thuỷ nói.
Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Đông Nam Á cho biết, pháp luật cần được thực thi hiệu quả mới có thể tác động được tới sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế cũng như giúp thực hiện quyền phụ nữ và trẻ em. Một nghiên cứu mới đây được các chuyên gia kinh tế quốc tế trong lĩnh vực y tế phối hợp với UNICEF và Alive & Thrive thực hiện đã cho thấy, cái giá phải trả khi không bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, đối với Việt Nam, thiệt hại từ tổn thương trí tuệ do không được bú mẹ đầy đủ ước khoảng 70 triệu USD, còn tổn thất cho chi phí y tế rơi vào khoảng 23 triệu USD mỗi năm. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc đầu tư vào các chương trình nuôi con bằng sữa mẹ là 139%... Do vậy, cần thúc đẩy việc tuân thủ Nghị định 100 bằng các chính sách, giải pháp cụ thể hơn. (Hà Nội mới, Sức khỏe & Đời sống (trang 3).
Bệnh viện Đa khoa Sơn La trở thành bệnh viện vệ tinh Bệnh viện Bạch Mai
Sáng nay, ngày 22/6, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi khảo sát và ký kết tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Dự buổi làm việc có đồng chí: Phạm Văn Thủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở y tế Sơn La.
TSau khi tiến hành khảo sát, thăm quan trực tiếp tại các khoa điều trị, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra một số bất hợp lý trong việc sắp xếp, bố trí các khoa điều trị; những hạn chế, khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như máy móc, thiết bị lảm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Trên cơ sở đó, Đoàn công tác đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế sớm khắc phục những hạn chế này, nhằm đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cảm ơn sự quan tâm của Bệnh viện Bạch Mai đối với sự nghiệp y tế của tỉnh, đồng chí Phạm Văn Thủy, mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ về chuyên môn từ các bác sĩ của BV Bạch Mai và đề nghị Sở Y tế cũng như BV Đa khoa tỉnh cần có đề xuất cụ thể trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, điều kiện cần thiết để BV Đa khoa tỉnh trở thành BV vệ tinh của BV Bạch Mai, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
heo Quyết định số 1303 ngày 8/4/2016 của Bộ Y tế về việc “Phê duyệt bổ sung chuyên khoa ưu tiên, danh sách bệnh viện tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La được lựa chọn trở thành một trong 23 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương. Theo thỏa thuận Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm khảo sát đánh giá, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn các chuyên ngành: Thần kinh, nội tiết, huyết học, hồi sức cấp cứu, chống độc và một số chuyên khoa phụ trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn cho bệnh viện Đa khoa tỉnh trong các hoạt động y tế từ nguồn vốn khác giúp triển khai hiệu quả Đề án…(Sức khỏe & Đời sống).
Hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế ở Quảng Ninh: Chất lượng cần đi đôi với quyền lợi
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công bố quyết định chuyển giao quyền quản lý, vận hành và đầu tư BVĐK Cẩm Phả cho Công ty CP Đầu tư PT công nghiệp TTP. Theo đó, đây là BV đầu tiên của Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung vận hành theo hình thức đầu tư tư, quản lý tư và cung cấp dịch vụ y tế công. Việc chuyển giao quyền quản lý Nhà nước sang doanh nghiệp đối với BVĐK Cẩm Phả sẽ có tác động như thế nào đối với người bệnh cũng như cán bộ nhân viên BV – đó là những băn khoăn cần được giải đáp (chi tiết xem báo). (Sức khỏe & Đời sống (trang 6):
Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa: Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị đâm thấu ngực
Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa đã cấp cứu thành công bệnh nhân Thào Seo Dín, thường trú tại xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng do vết thương đâm thấu ngực.
Bệnh nhân Thào Seo Dín được Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa tiếp nhận ngày 26/6 trong tình trạng khó thở, vết thương ngực hở 5,3 cm, bên trái đứt ngang các sụn sườn số 7,8,9 do vật nhọn đâm.
Xác định bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, nên được đưa ngay vào phòng mổ, thực hiện đồng thời hồi sức và mổ cấp cứu. Kíp phẫu thuật do bác sỹ chuyên khoa I Phạm Lê Trung, Trưởng khoa Ngoại phụ trách nhanh chóng phối hợp thực hiện. Khi mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện vết thương lớn đâm xuyên từ lồng ngực trái vào khoang màng phổi, xuyên qua cơ hoành, làm rách mạch nối lớn gây chảy máu và xuyên vào dạ dày qua bờ cong lớn.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị mất máu nhiều, nên cán bộ của bệnh viện đã trực tiếp truyền máu cho bệnh nhân, đảm bảo cấp cứu an toàn cho ca phẫu thuật. Sau hơn 2 giờ căng thẳng giành sự sống cho bệnh nhân, ca mổ kết thúc thành công.
Bệnh nhân đã được cấp cứu khâu lại vết thương dạ dày, cầm máu mạch treo, hạ các tạng chui vào khoang màng phổi, khâu phục hồi cơ hoành và thành ngực…
Đến nay, sức khỏe bệnh nhân Thào Seo Dín đã ổn định, tự ngồi dậy, ăn uống và vận động nhẹ nhàng.
Được biết, ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa dù chỉ có một kỹ thuật viên duy nhất, nhưng đã tiến hành phẫu thuật an toàn cho nhiều trường hợp nặng có nguy cơ tử vong như shoock mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ, phẫu thuật các vết thương gan, vết thương mạch máu…(Sức khỏe & Đời sống (trang 4).