Cả gia đình mắc bệnh, 1 người tử vong vì cúm mùa
Ngày 7/7, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM xác nhận trên địa bàn thành phố vừa có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm mùa.
Sau chuyến du lịch từ Phú Quốc trở về, cả gia đình 4 người (gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) đều có biểu hiện ho, sốt, đau bụng. Dù nhập viện tại BV Nhân Dân 115 để điều trị, do tình trạng bệnh quá nặng người phụ nữ 38 tuổi đã tử vong.
Theo kết quả xét nghiệm của BV, cả gia đình bệnh nhân bị nhiễm cúm mùa, đây là một bệnh khá lành tính. Nhưng do trước đó, người bệnh có tiền sử bị nhiễm trùng đường hô hấp, dẫn đến rơi vào tình trạng bệnh nặng. (Tiền phong, trang 2)
Nỗi ám ảnh của ngành y
Làm nhiệm vụ cứu người nhưng nhiều y sĩ, bác sĩ lại bị chính bệnh nhân và người nhà hành hung trọng thương, thậm chí là mất mạng.
Giờ đây, thay vì chỉ lo chữa trị cho bệnh nhân, các cán bộ, nhân viên y tế còn nơm nớp lo sợ, canh cánh đề phòng vì có thể bị hành hung bất kỳ lúc nào…
Bác sĩ ăn đòn như… cơm bữa
Những vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế ngay tại bệnh viện (BV) xảy ra liên tục trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an ninh, an toàn trong BV. Tại BV Thể thao Việt Nam, 2 đối tượng (trong đó, có 1 người là bố của bệnh nhi đang điều trị tại BV) đánh bác sĩ ngay ngoài cổng, sau đó lôi vào trong BV và tiếp tục hành hung, bắt bác sĩ phải quỳ xuống xin lỗi. Một trường hợp khác, tại BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), người nhà bệnh nhân đã đánh bác sĩ Lê Quang Dương bị chấn thương sọ não. Tiếp đó là vụ một sinh viên y khoa thực tập tại BV Đa khoa Thái Nguyên bị hăm dọa và hành hung. Gần đây nhất, vào cuối tháng 6-2017, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại bãi gửi xe của BV Sản - Nhi Nghệ An, ông L.M H. bất ngờ bị một người đàn ông cầm dao đuổi đánh và đâm nhiều nhát, khiến ông H. bất tỉnh tại chỗ. Người dân và bảo vệ BV đã khống chế đối tượng, đưa ông H. đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, ông H. đã tử vong.
"Bệnh viện phải là đơn vị chủ động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho cán bộ, nhân viên y tế, khu cấp cứu phải bố trí lực lượng bảo vệ giỏi và được trang bị những dụng cụ cần thiết (roi điện, lưới tung…), để khi xảy ra sự cố thì có thể bắt đối tượng một cách nhanh chóng mà không gây thương tích. Bên cạnh đó, đội ngũ bảo vệ cần được tập huấn thường xuyên. Khi có sự cố gây mất trật tự, bác sĩ chỉ cần ấn nút, các bảo vệ có bộ đàm liên lạc với nhau, tập hợp nhanh chóng, xử lý ngay tại chỗ và báo cho công an địa phương phối hợp xử lý"
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ hành hung y bác sĩ, nhưng theo thông tin trên các báo đài, chỉ tính những sự việc gây tổn thương nặng đối với tính mạng của người bị hại, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có trên 22 vụ, trong đó 1 bác sĩ bị hành hung đến tử vong. Chia sẻ về những câu chuyện đắng cay trong nghề, Tiến sĩ Võ Xuân Sơn, bác sĩ từng làm việc tại Khoa Ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy, kể lại khi ông còn công tác ở BV Chợ Rẫy, các bác sĩ cấp cứu và ngoại thần kinh hàng ngày đều gặp những tình huống bệnh nhân hành hung, lăng mạ bác sĩ vô căn cứ; từ hành động đạp, đấm đá, phun nước miếng cho đến nắm áo, xé áo… “Túi áo blouse trắng của chúng tôi sau mỗi đêm trực nếu không rách thì cũng bị dơ, do bệnh nhân nắm trúng khi khám cho họ. Còn việc nghe người bệnh chửi rủa thì thường xuyên và là… chuyện nhỏ”, Tiến sĩ Võ Xuân Sơn chua chát nhớ lại.
Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ, Khoa Sản là nơi mà các y bác sĩ phải chịu nhiều áp lực. Đối với thai phụ, mặc dù có thể tầm soát nhưng cũng không thể dự đoán hết được những biến chứng y khoa sẽ xảy ra. Vì vậy, một số trường hợp dù bác sĩ thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn xảy ra tai biến, bị người nhà sản phụ đòi hành hung hoặc chửi rủa xúc phạm danh dự. “Chính điều này tạo nên áp lực lớn đối với người thầy thuốc. Khi tai biến y khoa xảy ra, có những bác sĩ bị đe dọa, bị ám ảnh tới mức không dám đi làm, phải sau một thời gian mới ổn định tâm lý, quay trở lại công việc”, bác sĩ Mỹ Nhi tâm sự.
Cơ chế nào bảo vệ nhân viên y tế?
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, việc thành lập hội nghề nghiệp trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ là bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người hành nghề y, các tai biến y khoa sẽ được xem xét cụ thể hơn. Từ đó, có thể giảm thiểu những hạn chế về việc hành hung, lăng mạ các y bác sĩ. “Hội sẽ xem xét sự cố thuộc về lỗi y khoa hay là tai biến y khoa không mong đợi. Người bệnh và thân nhân sẽ cảm thấy minh bạch hơn khi câu trả lời được đưa ra từ hiệp hội, không có điều gì che giấu cả”.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu về chống bạo hành nhân viên y tế, đồng ý bổ sung Điều 134 Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng đối với những trường hợp hành hung người đang chăm sóc sức khỏe cho mình. Việc thông qua bổ sung điều luật này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, đặc biệt là những người làm nghề y. Đây sẽ là cơ sở, là khung pháp lý đầu tiên giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực y tế cảm thấy được bảo vệ, có một môi trường làm việc an toàn. Tuy nhiên, luật pháp cũng nên quy định xử lý đối với người nhà bệnh nhân có hành vi hành hung bác sĩ. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Không mua bảo hiểm y tế, dân nghèo thêm “đau” khi bệnh tật
Những năm trước, việc thuyết phục người dân miền núi mua bảo hiểm y tế (BHYT) là rất khó khăn. “Nhưng giờ đây hầu hết dân trong bản đều mua thẻ BHYT bởi tấm thẻ được coi là bảo bối trong lúc bệnh tật” – ông Quàng Văn Phóng – Trưởng bản Hụm, xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết.
Càng tiết kiệm càng... xót ruột
Xã Chiềng Xôm là một địa bàn còn nhiều khó khăn của TP. Sơn La. Đây là nơi cư trú của hàng nghìn hộ gia đình dân tộc Thái, hầu hết đều làm nông nghiệp nên tiền bạc phải tính toán từng đồng. Bởi thế việc có tham gia “mua BHYT hay không mua” ở đây cũng được cân đong đo đếm cẩn thận.
Chúng tôi hiểu rằng không tham gia BHYT thì có thể thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Người nghèo như chúng tôi, khi cần vay mượn rất khó khăn. Trong khi, bệnh tật có chờ được đến khi có tiền mới chữa đâu”.
Anh Quàng Văn Phấn ở bản Hụm vẫn chưa hết xót xa bởi số tiền anh phải tự bỏ ra chi trả chữa trị vết thương do tai nạn lao động lên tới hơn 20 triệu đồng từ hơn nửa năm trước. Anh Phấn kể: “Trước Tết Nguyên đán vừa qua, do bất cẩn trong lao động, tôi bị lưỡi máy cưa cắt vào bàn tay trái. Cả 5 ngón tay đều bị thương, có ngón bị đứt gân, ngón thì đứt thấu xương, mất rất nhiều máu. Khi vào bệnh viện, do tôi không có thẻ BHYT nên gia đình đưa ra cơ sở y tế tư nhân làm dịch vụ, nối lại gân, xương. Tuy vết thương lành nhưng cái tết đó cả nhà đều ảm đảm vì không có tiền ăn tết”. Số tiền hơn 20 triệu đồng đó, anh Phấn dành dụm để mua lấy đôi bò, giờ đã đổ hết vào chữa bệnh.
Còn chị Đèo Thị Diên, (dân bản Hụm) thì không quên được câu chuyện sinh nở trong hoàn cảnh khó khăn: “Tôi sinh con đầu lòng khi chưa mua BHYT nên cũng tốn kém không ít tiền của. Miếng ăn phải tính từng bữa; cái áo, cái tã cho con không dám mua nhưng vẫn phải chi viện phí những khoản tiền rất lớn mà lẽ ra tôi có thể được BHYT chi trả. Khi ấy mới hiểu là không nên tiết kiệm khoản tiền mua BHYT”.
Mua tấm thẻ BHYT “lận lưng”
Những “cú sốc” về khoản tiền chi phí khám, chữa bệnh đã giúp gia đình anh Phấn, chị Diên ở bản Hụm đi đến quyết định tham gia BHYT. “Tôi không chỉ mua BHYT cho mình mà còn mua cho cả chồng, con và người thân. Tuy tốn kém lúc ban đầu nhưng chúng tôi hiểu rằng không tham gia BHYT thì có thể thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Người nghèo như chúng tôi, khi cần vay mượn rất khó khăn. Trong khi bệnh tật có chờ được đến khi có tiền mới chữa đâu” – chị Diên nói.
Đưa những tấm thẻ BHYT còn mới tinh cho chúng tôi xem, bà Lò Thị Uôn (bản Hụm), cho biết, nhà bà có 8 khẩu, trong đó 4 người nằm trong diện được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí (người già, trẻ em dưới 6 tuổi). 4 người còn lại đều đã tham gia BHYT từ 4 năm trước. “Con người bằng xương, bằng thịt chứ không phải sắt đá nên không thể tránh khỏi những lúc ốm đau, bệnh tật. Con nhà nông như chúng tôi quanh năm vất vả ruộng, nương, nắng gió nên ốm đau là không thể tránh khỏi. Khi ấy, thẻ BHYT sẽ đỡ gánh nặng tiền bạc cho mình. Ở đây, nhiều người nếu không có BHYT thì đã về với tổ tiên bởi người nghèo lấy đâu ra tiền mà chữa trị những bệnh nặng” - bà Uôn chia sẻ.
Ông Quàng Văn Phóng – Trưởng bản Hụm, cho biết bản có 140 hộ đồng bào dân tộc Thái, với hơn 500 khẩu. Đến nay, tỷ lệ người có BHYT chiếm hơn 70% dân số của bản, trong đó nhiều người tham gia BHYT tự nguyện. Cách đây mấy năm, việc vận động bà con dân bản mua BHYT rất khó khăn. Ban quản lý bản đã đến từng hộ tuyên truyền, giải thích về mục đích, ý nghĩa cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT tự nguyện, sẽ giảm được chi phí khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
“Mưa dầm thấm lâu, nhiều hộ gia đình đã tự giác tham gia BHYT cho tất cả thành viên trong nhà. Bản sẽ tiếp tục vận động và tìm cách hỗ trợ những hộ khó khăn để hết năm 2017 này, 100% người dân có thẻ BHYT”- ông Phóng vui mừng cho biết. (Nông thôn Ngày nay, trang 13)
4 bác sĩ hiến máu cứu sản phụ trong cơ nguy kịch
Ngay 7.7, bác sỹ Nguyễn Viết Đồng-Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “4 bác sỹ công tác tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh vừa hiến máu góp phần cứu sống sản phụ thai 26 tuần, sốc mất máu do nhau tiền đạo trung tâm, cài răng lược vào bàng quang”.
Bệnh nhân là sản phụ Đoàn Thị Thanh Hòa (33 tuổi ở tổ 2, Phường Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh) nhập viện vào rạng sáng ngày 5.7 trong tình trạng sức khỏe đặc biệt nguy hiểm, lơ mơ, da xanh tái vã mồ hôi, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp khó đo, máu chảy nhiều vùng âm đạo.
Sau khi nhập viện, hội chẩn cấp cứu tại khoa Cấp cứu - Chống độc, sản phụ Hòa đã được chuyển thẳng lên khoa Gây mê hồi sức phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, sau khi tiến hành cắt tử cung, bàng quang bán phần, bệnh nhân đã được truyền 12 đơn vị máu nhân đạo toàn phần và khối hồng cầu nhóm B, tuy nhiên tình trạng vẫn còn chảy máu, kíp phẫu thuật yêu cầu cần truyền máu tươi toàn phần.
Trước tình thế cấp bách 4 bác sỹ công tác tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh gồm Đinh Văn Bình (Khoa Chấn Thương), Nguyễn Việt Cường (Khoa Ngoại Tiêu hóa), Ngô Xuân Lam (Phó Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu) và Hoàng Bá Út (khoa Phẫu thuật gây mê-Hồi sức) đã lập tức hiến máu cứu sản phụ Hòa qua khỏi cơ nguy kịch.
Sau khi được truyền máu đến sáng nay sản phụ Hòa dần hồi phục, đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, với cháu bé do thai nhi mới được 26 tuần quá non, trong khi đó mẹ bị mất máu quá nhiều đuối sức nên các bác sỹ tập trung cứu sống mẹ còn thai nhi không giữ được. (Nông thôn Ngày nay, trang 13)
Tăng viện phí với người không có bảo hiểm y tế tại TP.HCM
Ngày 7.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết HĐND TP đã thông qua tờ trình quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB công lập thuộc ngành y tế TP.
Theo đó, từ ngày 1.8.2017 sẽ áp dụng tại các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Từ ngày 1.10.2017 sẽ áp dụng đối với các đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Về mức giá thu, thực hiện mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, gồm chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, điện, nước, duy tu bảo dưỡng...) và tiền lương (tiền lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp, đóng góp; phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật). (Thanh niên, trang 2)
Anti vaccine: Trào lưu nguy hiểm!
Lập Facebook kêu gọi anti vaccine, comment xúi giục, nghi ngờ vaccine… đang rộ trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều đứa trẻ bị virus tàn phá cuộc đời chỉ vì không được tiêm ngừa.
Chỉ cần gõ Google từ khóa “anti vaccine” sẽ cho ra rất nhiều ý kiến, kể cả trang Facebook kêu gọi chống tiêm vaccine. Các ý kiến còn dẫn cả các ca tử vong sau tiêm để đổ tội cho vaccine. Đáng lo nhất là nhiều người đã đọc và comment kiểu: “Trước nay tin tưởng vaccine, giờ mới biết nó nguy hiểm thế” (?).
Sống thực vật cả đời
Sáng 6-7, những tiếng tút tút của máy thở, thiết bị y tế vang lên giữa không gian yên tĩnh tại khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) bao trùm tuổi thơ của những đứa trẻ 7-8 tuổi, thậm chí có em chỉ mới tám tháng tuổi. Các em đến từ nhiều tỉnh khác nhau, xuất thân từ nhiều hoàn cảnh nhưng giờ tất cả đều nằm bất động như nhau. Thay vì chạy nhảy với bạn bè, được đến trường đi học, bây giờ các em chỉ có thể điều khiển đôi mắt vô hồn của mình, ngơ ngác nhìn mọi người. Các em đã hoàn toàn mất trí nhớ, sống đời sống thực vật vì di chứng của viêm não Nhật Bản, viêm não siêu vi, ho gà…
Hơn một năm ăn ở tại BV Nhi đồng 1 để chăm con gái bị di chứng viêm não, chị TNL (ngụ Mỹ Tho, Tiền Giang) sống như một robot lập trình. Mỗi sáng dậy chị trở người cho đứa con gái bảy tuổi, vệ sinh cá nhân, chờ điều dưỡng cho thuốc. Rồi chị ngồi nói chuyện với con, kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích lặp đi lặp lại, tự tay mình tạo buộc những kiểu tóc mới nhất trên giường bệnh mà không biết đến bao giờ cô bé mới có thể nói lời cảm ơn mẹ.
“Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị viêm não Nhật Bản đã hơn một năm, khi đưa con đến bệnh viện cháu đã mê man bất tỉnh. Bác sĩ nói không chữa được vì cháu đã bị biến chứng, phải phụ thuộc máy thở và có thể phải sống đời sống thực vật suốt đời. Trước đó tôi không hề biết gì về bệnh viêm não Nhật Bản, bản thân cũng không biết khi cháu còn nhỏ đã được tiêm vaccine này chưa. Khi bác sĩ hỏi tôi cũng ngơ ngác. Có lẽ ngày xưa tôi đã không cho cháu tiêm nên giờ mới ra nông nỗi này” - chị L. ân hận.
Cũng rơi vào trường hợp của người mẹ trên, chị NTP, mẹ của bé NNP, sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cứ dằn vặt mình khi nhìn con gái mất hoàn toàn tri giác do viêm não siêu vi. Chị P. kể thời điểm tiêm vaccine cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), gia đình đã nghe khá nhiều thông tin không tốt về vaccine và bắt đầu do dự. “Tôi đã quyết định không cho bé tiêm vaccine. Nhưng sau năm năm khỏe mạnh, thời điểm chuẩn bị nhận giấy khen mẫu giáo để vô lớp 1 thì con bé đổ bệnh. Mọi chuyện đến nhanh lắm, bé nóng sốt, mê man rồi nói mê nói sảng liên tục. Gia đình đưa bé lên BV Nhi đồng 1, qua chụp CT, làm xét nghiệm… Các bác sĩ nói con tôi mắc viêm não siêu vi, virus đã tấn công lên não và để lại di chứng viêm thần kinh trung ương khiến bé vô thức, hay nói sảng, như một đứa trẻ mới sinh. Suốt thời gian nằm ở bệnh viện bé khóc cả ngày cả đêm, không còn nhận ra bất kỳ ai trong gia đình. Một tuần sau, gia đình đành đưa bé về nhà và chấp nhận thực tế là con gái sẽ không thể đi học được, trở thành người đứa trẻ không có tương lai. Từ nay con tôi sẽ mãi sống như vậy mà không thể đến lớp, vui chơi như bao đứa trẻ khác nữa” - chị P. khóc.
“Ước gì có thể làm lại”
“Ước gì tôi được làm lại”, “Nếu quay lại mấy năm trước thì tôi sẽ cho con tiêm vaccine đầy đủ”. Đó là những hối hận muộn màng của những người cha, người mẹ có con mắc bệnh tại bệnh viện. Có người từng không biết, có người từng cho là vaccine không quan trọng và có rất nhiều người đã từng do dự.
Tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, hình ảnh người mẹ HTH (Gia Nghĩa, Đắk Nông) liên tục tự trách mình, hao gầy vì bệnh tật của đứa con trai 12 tuổi khiến người khác đau xót. Con trai chị bị động kinh, yếu tay chân vì viêm màng não đã hơn sáu tháng nay. Từ ngày con mắc bệnh, chị H. không dám rời khỏi con vì sợ xảy ra chuyện nguy hiểm.
“Cháu thường xuyên lên cơn động kinh, mỗi lần cháu lên cơn là vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột, có lúc tôi đã nghĩ quẩn, muốn tìm đến cái chết cho nhẹ. Là do tôi cứng nhắc không nghe lời mọi người, bỏ qua việc tiêm vaccine viêm não cho cháu. Ngày đó tôi nghĩ nó không quan trọng, sợ con bị tai biến nên không cho cháu đi tiêm, bây giờ hối hận quá rồi, không biết làm gì bù đắp cho tuổi thơ của thằng bé” - mắt chị H. ngấn nước.
Trên trang Facebook cá nhân, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, đã bức xúc: “Không có vaccine thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời nhiều, bị đậu mùa rổ mặt cả đời tuổi trẻ, sốt bại liệt teo hẳn một chân cả đời. Nếu tự anti vaccine cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội cho bé. Nếu anti vaccine kiểu nhóm, kiểu hùa thì có tội với một thế hệ”. (Pháp luật TP.HCM, trang 13)