Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/7/2020

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Dịch bạch hầu lan rộng: Bệnh nhân không được tiêm vắc-xin đủ, đúng lịch; Dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên: Những ca tử vong đã được cảnh báo trước; Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không khai báo y tế; Thêm một bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 tại nước ta

 

Thủ tướng giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Ngày 7-7, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 2228-QĐNS/TƯ về việc chỉ định Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định chỉ định đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 977/QĐ-TTg giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Cũng trong ngày 7-7, tại Quyết định 976/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi trực tiếp điều hành các công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày 10-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3-9-1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Từ tháng 3-2008 đến tháng 11-2011 là Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS. Từ tháng 12-2011 đến tháng 10-2018, là Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ngày 31-1-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 171/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Sau đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế (Hà Nội mới, trang 2).

 

Dịch bạch hầu lan rộng: Bệnh nhân không được tiêm vắc-xin đủ, đúng lịch

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm qua đánh giá, tình hình bệnh bạch hầu hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này hiện khá cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chiều 7/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, chủ trì cuộc họp với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm tìm ra các biện pháp ngăn chặn và dập dịch hiệu quả.

Ông Long nhận định, tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng, đến thời điểm này, số mắc đã gấp 3 lần năm ngoái. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan ngại bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp. Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay, từ đầu năm tới chiều 7/7, Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6/7). Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người; tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, tổng số ở đây có 15 ca; riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên số ca mắc là 22. 

“Đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%”, ông Tấn nói. Phân tích về 3 trường hợp tử vong do bạch hầu, ông Tân cho hay, các bệnh nhân đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn (có tới 16 năm tại đó không có ca bệnh).

Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương này tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng; triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Tại cuộc họp, các chuyên gia về điều trị và dự phòng đều chung nhận định nên tổ chức cấp cứu tại chỗ để đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh việc chuyển viện gây nguy hiểm cho người bệnh. Đặc biệt, do biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là viêm cơ tim, suy tim, gây ngừng tim…, trong điều trị cần chú trọng công tác hồi sức tim mạch.

GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như từng cố gắng để phòng chống dịch COVID-19. Bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Bệnh này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Rất may, bệnh này có vắc-xin và thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu. Hiện bạch hầu nhạy cảm với kháng sinh điều trị thông thường. Do đó, ông Long yêu cầu các cơ quan tập trung nỗ lực khống chế, kiểm soát bệnh một cách căn cơ. 

Lãnh đạo Bộ Y tế  giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. “Đây là việc cấp bách”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh. Với trẻ em, tiêm vắc-xin 3 trong 1, người lớn tiêm vắc-xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Ông Long yêu cầu rà soát, lập danh sách người dân trên địa bàn đã tiêm, chưa tiêm; tập huấn cán bộ. Việc này phải triển khai ngay và nhanh để đạt hiệu quả cao.

Các chuyên gia thống nhất cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Ví dụ, trong xã có người mắc thì lập tức mọi người trong xã phải uống thuốc dự phòng. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả những xã có người mắc (hạn chế ra vào, ra vào vùng dịch phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần)… Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng giám sát việc này chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng về việc xuất cấp khẩu trang cho người dân các địa phương này. 

Việc cấp thiết hiện nay được các chuyên gia nhấn mạnh chính là tập trung cao độ cho điều trị. Bệnh viện Bạch Mai được giao đào tạo, tập huấn cho cán bộ 4 địa phương có dịch, phối hợp Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư để thực hiện. Ông Long yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác vào “nằm vùng” ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, vừa “cầm tay chỉ việc”, vừa hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế ở địa phương điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương. Đồng thời rà soát lại tất cả các phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men chữa bệnh cho dân.

Vụ Kế hoạch Tài chính tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia; đề xuất cấp kinh phí chống dịch cho 4 tỉnh có dịch từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế. Đặc biệt, khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của khu vực này, cài ứng dụng Bluezone cho khu vực này (Tiền phong, trang 6).

 

Dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên: Những ca tử vong đã được cảnh báo trước

Chỉ hơn một tháng qua, tại các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 34 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, 3 ca tử vong. Vậy đâu là nguyên nhân khiến dịch bất ngờ bùng phát mạnh trong năm nay?

Nhiều người lành mang trùng, tỷ lệ tiêm chủng thấp

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ ngành y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có 58 ca nhiễm bệnh bạch hầu, 3 trường hợp tử vong. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 23 ca, Gia Lai 10 ca và Đắk Nông 25 ca. Hiện các địa phương trên đã cách ly hàng nghìn người để theo dõi, phòng bệnh.

Trên thực tế, tại những tỉnh này, các năm vừa qua vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh bạch hầu trong cộng đồng nhưng chưa bao giờ dịch bùng phát mạnh với số mắc tăng vọt như trong khoảng một tháng vừa qua. Bệnh nhân mắc hầu hết là trẻ trên 7 tuổi, 92% là người dân tộc thiểu số và ở vùng “lõm” về tiêm chủng, tức có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. 

Thống kê từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên bình quân rất thấp, thậm chí tại các ổ dịch bạch hầu xảy ra ở Đắk Nông mới đạt tỷ lệ phủ vaccine là 48-52%. Đây là một thực trạng báo động từ nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để cải thiện, và điều đó cũng cho thấy dịch bệnh bạch hầu bùng phát mạnh như hiện nay là thực trạng đã được cảnh báo trước.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp trong nhiều năm liền, vì thế trong cộng đồng vẫn còn những người lành mang trùng (người mang bệnh). Các nguồn lây đã có sẵn trong cộng đồng. Đến đầu mùa mưa, thời tiết lạnh, ẩm thấp là môi trường rất tốt để bệnh bạch hầu phát triển. Còn ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, lý do chính khiến các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số vẫn chưa thực hiện tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu vì người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch này, thường né tránh, ít quan tâm hoặc không có điều kiện đi tiêm.

Phân tích sâu hơn về thực trạng này, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, có quá nhiều vùng lõm tiêm chủng vaccine là nguyên nhân chính khiến cho bệnh bạch hầu quay trở lại ở Tây Nguyên. “Tình hình dịch bạch hầu tại Tây Nguyên sẽ xảy ra theo tình trạng xôi đỗ, tức là những vùng lõm về tiêm chủng nếu gặp phải tác nhân thì sẽ xuất hiện ca bệnh” - TS Viên Đình Chiến nhận định.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. 

Trước thực trạng số mắc bạch hầu tăng nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; tổ chức tiêm vaccine phòng chống dịch tại khu vực ổ dịch.

Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu đạt thấp cần đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại địa phương để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nhất là tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi, đúng lịch.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, để phòng chống dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, từ nay đến quý IV-2020, chương trình tiêm miễn phí vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (vaccine Td) cho toàn bộ trẻ 7 tuổi (sinh từ ngày 1-1-2013) hoặc đang học lớp 2 tại 35 tỉnh, thành nguy cơ cao, bao gồm toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Bắc và TP.HCM (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không khai báo y tế

Thông cáo báo chí về một số kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố Hà Nội từ ngày 29-6 đến 6-7-2020 nêu rõ, UBND thành phố vừa ban hành Văn bản số 2889/UBND-KGVX ngày 6-7-2020 về việc bảo đảm công tác cách ly y tế đối với các trường hợp nhập cảnh theo quy định.

UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ngay tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát lập danh sách, nơi cư trú, lưu trú của các trường hợp nhập cảnh vào thành phố, đặc biệt chú ý giám sát phát hiện các trường hợp người nhập cảnh qua đường bộ không khai báo y tế, chưa được cách ly y tế.

Công an thành phố cũng tổ chức củng cố hồ sơ, tài liệu, làm rõ các hành vi và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với người nhập cảnh trái phép, tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, không khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội, những người tiếp xúc gần với người nhập cảnh trên địa bàn để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời tổ chức cách ly y tế theo quy định (Hà Nội mới, trang 2).

 

Khởi tố thêm 2 bị can liên quan đến vụ án tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

Chiều 7-7, Cổng thông tin Bộ Công an phát thông tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) và một số đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/CSKT-P15 ngày 22-4-2020. Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 2-7-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đối với: Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC thành phố Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC thành phố Hà Nội).

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tập trung lực lượng, khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản của Nhà nước và tiến hành điều tra, mở rộng vụ án (Hà Nội mới, trang 7).

 

Thêm một bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 tại nước ta

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 7-7, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Như vậy, đã qua 82 ngày liên tiếp, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, ngày 7-7 có thêm bệnh nhân 336 (38 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 369 ca mắc Covid-19 tại nước ta có 229 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.047, trong đó có 100 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 12.628 cách ly tập trung tại cơ sở khác và 319 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú...

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện nước ta đã có 343 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 3 ca âm tính lần 1 và 3 ca âm tính lần 2 trở lên với vi rút SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 7).

 

Chưa phát hiện được nguồn lây dịch bạch hầu ở Tây Nguyên

Đắk Nông là địa phương phát bệnh đầu tiên trong năm nay, nhưng cơ quan chức năng tại đây chưa phát hiện ra nguồn lây từ đâu. Đến cuối ngày 7/7, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại Đắk Lắk ca đầu tiên, đánh dấu 4 tỉnh Tây Nguyên đều có bệnh nhân (trừ tỉnh Lâm Đồng). 

Tính tới ngày 7/7, tỉnh Gia Lai có 16 bệnh nhân bạch hầu, những ca mắc mới chủ yếu liên quan bệnh nhi tử vong (4 tuổi, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa). Sở Y tế Gia Lai đã gửi văn bản tới Bộ Y tế đề nghị cấp 100 nghìn liều vắc-xin bạch hầu để tiêm phòng cho người dân huyện Đắk Đoa. Ngành y tế Gia Lai chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh. 

Trong một cuộc họp tại Tỉnh ủy Gia Lai, sau khi nghe đại diện ngành y tế Gia Lai báo cáo tình hình dịch bạch hầu, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, yêu cầu bí thư 14 huyện, 2 thị xã và TP Pleiku phải theo dõi tình hình, kiểm soát dịch bạch hầu tại từng địa phương. Theo ông Niên, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan, đặc biệt trong cộng đồng người dân tộc thiểu số do phong tục tập quán của bà con. Ông cũng yêu cầu ngành y tế Gia Lai kiểm soát tình trạng khan hiếm vắc-xin. 

Tại tỉnh Kon Tum, chiều 7/7, phóng viên Tiền Phong đã về xã Diên Bình, huyện Đắk Tô - nơi có 5 ca dương tính với bạch hầu. Ông Thái Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, xã đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền cho hộ gia đình có ca bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu.

Ông Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, nói: “Toàn tỉnh Kon Tum đến ngày 7/7 có 22 ca dương tính với bạch hầu. Việc tiêm vắc-xin bạch hầu và những loại vắc-xin khác gặp nhiều khó khăn do người dân đồng bào thường đi làm trên rẫy nên phải thực hiện tiêm vét nhiều lần mới đạt hiệu quả. Hầu hết cán bộ làm công tác phòng chống dịch rất vất vả”.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, xác nhận có 1 ca bạch hầu. Đó là trường hợp của bà H’B.M (SN 1968, trú tại buôn Diệo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Đây là địa bàn tiếp giáp huyện Đắk G’Long (Đắk Nông), nơi dịch bệnh đang bùng phát.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức ngay việc tiêm vắc - xin phòng bạch hầu, uốn ván ở những khu vực có nguy cơ cao. Tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ trên 95%. Thành lập tổ công tác lưu động phòng chống dịch khi cần có thể triển khai đến các khu vực có nguy cơ cao để thực hiện 4 cùng, hướng dẫn nhân viên y tế và người dân chống dịch theo cách cầm tay chỉ việc”, ông Nay Phi La nói.

Đắk Nông hiện có 26 ca nhiễm, trong đó có điểm mới phát sinh ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) và thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô). Cả tháng nay, cơ quan y tế tỉnh này liên tục nhận định nguy cơ chủ yếu do vùng trũng tiêm chủng. Tuy nhiên, điểm phát sinh dịch mới tại Đắk Wer lại khá gần trung tâm huyện và TP Gia Nghĩa.

Khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong cuối tháng trước, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông nói rằng, dịch bùng phát có phần lỗi do người dân không đi tiêm chủng. Đa số ca bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số (Tiền phong, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang