Tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi nguồn lực điều trị HIV/AIDS sang quỹ BHYT
Theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Để thực hiện Quyết định trên, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉ lệ tham gia BHYT của người nhiễm mới đạt trên 50%.
Thực hiện chỉ đạo này, nhiều địa phương đã cân đối ngân sách để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn, để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 6-2017, cả nước có khoảng 82% cơ sở điều trị HIV thuộc bệnh viện và trung tâm y tế 2 chức năng; 43 cơ sở điều trị thuộc trung tâm y tế 1 chức năng tại 9 tỉnh/thành phố đã ký được hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Có 9/29 trung tâm phòng chống HIV ký được hợp đồng và 5/9 trung tâm đang cung cấp dịch vụ qua BHYT. Vẫn còn 20 tỉnh có cơ sở điều trị nằm trong trung tâm phòng chống HIV chưa thực hiện ký hợp đồng với cơ quan BHXH để khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS…
Việc tháo gỡ khó khăn khi chuyển đổi nguồn lực điều trị HIV/AIDS sang quỹ Bảo hiểm y tế đang được BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng y tế thực hiện (Công an nhân dân, trang 2).
Thi vẽ tranh chủ đề kế hoạch hóa gia đình
Ngày 7-8, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp Tổ chức DKT International, Inc tại Việt Nam phát động cuộc thi vẽ tranh Yêu an toàn - Vạn điều may trên mạng năm 2017, có chủ đề “Sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp là lựa chọn thông minh cho Bạn và Tôi”. Cuộc thi nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại, nhất là với nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) nhận thức đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc tránh thai…
Theo số liệu thống kê của các bệnh viện công lập, năm 2016 cả nước có hơn 265 nghìn ca nạo phá thai, trong đó phá thai ở độ tuổi VTN/TN khoảng 4.600 ca. Nguyên nhân chính do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về tình dục, sức khỏe sinh sản và các kỹ năng an toàn trong quan hệ tình dục (Nhân dân, trang 5).
Cứu sống bệnh nhân bị túi phình động mạch não
Ngày 7.8, bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa TƯ Cần Thơ cho biết, BV vừa cứu sống một bệnh nhân bị túi phình động mạch não. Đây là ca can thiệp mạch mãu não đầu tiên và thành công ở BV tuyến cao nhất ĐBSCL. Bệnh nhân là bà N.T.C (61 tuổi, ngụ H.Gò Quao, Kiên Giang), nhập viện trong tình trạng đau đầu, nôn ói, chóng mặt. Kết quả chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị túi phình động mạch thông trước kích thước 4x8 mm, cổ 2,5 mm, co thắt mạch mãu não. Ngày 1.8, với sự hỗ trợ của chuyên gia bệnh viện Nhân dân 115, ê kíp can thiệp mạch máu não BV đa khoa TƯ Cần Thơ đã tiễn hành can thiệp nội mạch làm tắc túi phình bằng vòng xoắn kim loại. Ca can thiệp thành công sau khoảng 2 giờ. Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, sự kiến ra viện trong vài ngày tới (Thanh niên, trang 5).
Hà Nội: Số mắc sốt xuất huyết sẽ vượt đỉnh 10 năm ngay trong tháng 8?
Chỉ trong tuần qua, tại Hà Nội đã ghi nhận thêm 2.745 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên gần 11.800 ca.
Ngày 7-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố vẫn đang gia tăng chóng mặt theo từng tuần với tốc độ gia tăng ở những tuần gần đây đều trên 2.000 ca/ tuần. Như vậy, nếu không kiềm giảm được tốc độ gia tăng số mắc mới, chỉ trong tháng 8 này có thể số mắc SXH của Hà Nội sẽ vượt đỉnh dịch lớn nhất trong 10 năm trở lại đây với 16.090 ca vào năm 2009.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương là một trong những cơ sở quá tải bệnh nhân SXH lớn nhất trên địa bàn Hà Nội vào thời điểm này. Sáng nay, 7-8, Bệnh viện này đã huy động sử dụng cả hội trường của bệnh viện để kê thêm 20 giường bệnh và thành lập Trung tâm chăm sóc ban ngày phục vụ riêng bệnh nhân SXH để giảm quá tải.
Cũng trong ngày hôm nay, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã đi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Thanh Trì – một trong những trọng điểm về SXH trên địa bàn thành phố. Báo cáo với Sở Y tế, bác sĩ Khuất Văn Sơn, Giám đốc TTYT huyện Thanh Trì cho biết, hiện tại quận vẫn đang có trên 10 ổ dịch SXH phức tạp và kéo dài. Tính từ đầu năm 2017, huyện đã ghi nhận tới 740 trường hợp mắc SXH với 60 ổ dịch.
Theo ông Sơn, hiện tất cả 16 xã, thị trấn của huyện đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát diệt bọ gậy phòng chống SXH theo chỉ đạo của UBND thành phố. Dù vậy, kết quả phát hiện và xử lý ổ bọ gậy trên địa bàn vẫn chưa triệt để, bằng chứng là sau khi thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường và kiểm tra sau chiến dịch vẫn phát hiện gần 10% dụng cụ chứa nước ở các hộ gia đình có bọ gậy. Số hộ ở ngay trong ổ dịch được phun hóa chất cũng chưa đạt yêu cầu là trên 95%...
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị huyện Thanh Trì tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch SXH để kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, giảm số người mắc, kiềm chế dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Tính trên phạm vi toàn quốc, từ đầu năm 2017 đến ngày 7-8, đã ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 60.000 trường hợp nhập viện, 19 người tử vong. So cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 24,8%; số người tử vong tăng 3 người (An ninh Thủ đô, trang 2; Hà nội mới, trang 5; Tiền phong, trang 6).
Nâng cao nhận thức để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả: Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời
Dịch sốt xuất huyết năm nay có nhiều diễn biến bất thường nên người dân không thể chủ quan. Đặc biệt, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa... Đó là trao đổi của PGS. TS Hoàng Đức Hạnh với Báo Hànộimới.
- Nhiều người cho rằng, sốt xuất huyết giống như một số bệnh truyền nhiễm khác, bị một lần sẽ không mắc lại. Điều đó có đúng không, thưa ông?
- Đây là hiểu nhầm chết người về bệnh sốt xuất huyết. Đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện đang lưu hành 4 chủng vi rút sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Cụ thể, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4.
Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các týp vi rút Dengue còn lại.
- Ông nói gì khi nhiều người bị sốt xuất huyết tự ý mua thuốc Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt?
- Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như: Đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do vi rút và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là Aspirin và Ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Lý do bởi bệnh sốt xuất huyết gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen.
Trong khi đó, hai loại thuốc trên cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, nôn ra máu. Do vậy, tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.
- Vậy làm thế nào để phân biệt sốt xuất huyết với các triệu chứng sốt thông thường và có phải giảm sốt là khỏi bệnh?
- Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt) trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, do vậy nhiều người bệnh cho rằng, đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, song chính giai đoạn này lại có thể xảy ra những biến chứng nặng. Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không. Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn… Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy triệu chứng trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
Biến chứng thứ 2 là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu để truyền tiểu cầu nếu cần. Người dân nên lưu ý, hiện tất cả các cơ sở y tế ở các tuyến đều có khả năng chữa trị được sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải đến tuyến trung ương gây quá tải, lây nhiễm chéo. Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trung ương bằng xe cứu thương.
- Các cơ sở y tế cần tăng cường những gì để đáp ứng nhu cầu điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất ca tử vong do sốt xuất huyết?
- Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2009 là 15.000 - 16.000, nhưng chỉ có 4 trường hợp tử vong; năm 2015 có 15.000 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Đến năm nay đã có gần 11.800 trường hợp mắc, song đã có 4 người tử vong. Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho hơn 100 bác sĩ của các bệnh viện trong, ngoài công lập, trưởng phòng khám đa khoa các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ phụ trách chuyên môn các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường thêm giường bệnh, nhân lực, thuốc, đồng thời tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị của Bộ Y tế, từ phân loại bệnh nhân, cách thức điều trị cho người lớn, trẻ em, khi nào truyền dịch, truyền bao nhiêu… Với những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện phải yêu cầu họ mắc màn, tránh lây truyền bệnh. Bản thân các bệnh viện cũng phải tổ chức vệ sinh môi trường thường xuyên… (Hà nội mới, trang 5).