Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/11/2022

  • |
T5g.org.vn - TP.HCM: Bệnh hô hấp tăng cao, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu trẻ bị viêm phổi, phải nhập viện cấp cứu; Ý kiến mới nhất của Chính phủ về kiến nghị dừng tự chủ toàn diện tại Bệnh viện K và Bạch Mai

TP.HCM: Bệnh hô hấp tăng cao, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu trẻ bị viêm phổi, phải nhập viện cấp cứu

Khu khám bệnh và Khoa Cấp cứu, Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua luôn trong tình trạng rất đông phụ huynh bồng bế trẻ xếp hàng chờ đợi khám bệnh, xét nghiệm và điều trị.

Trẻ nhập viện ồ ạt

Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhi.

TS. BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp cho biết, 1 tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa Hô hấp tăng cao. Số lượng bệnh nhi tăng nhanh vượt khả năng đáp ứng số giường nằm, trung bình một ngày khoảng 300 ca bệnh được tiếp nhận điều trị trong khi cả khoa chỉ có thể đáp ứng tối đa 150 ca.

TS. BS Trần Anh Tuấn cho hay, nếu như mọi năm, bước sang giữa tháng 11 số lượng bệnh sẽ giảm, nhưng năm nay, bệnh nhi bị các bệnh hô hấp vẫn còn ở mức cao.

Để giải quyết tình trạng quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: Tăng cường một số phòng khám để tiếp nhận đầy đủ bệnh nhân tới khám. Bệnh viện cũng đã ban hành và thực hiện chặt chẽ các chỉ định về nhập viện để tránh trường hợp nhập viện không cần thiết. Mặc dù số ca bệnh đông, bệnh viện vẫn duy trì tỷ lệ nhập viện vẫn ở mức 5% - đây là mức thấp so với bệnh nhân tới khám.

Đối với những trường hợp nhập viện, các bác sĩ sẽ thực hiện biện pháp xem những trẻ nhỏ nào tình trạng bệnh có thể điều trị ngoại trú. Theo đó, hằng ngày, bệnh nhi sẽ được điều trị thuốc tiêm, về nhà theo dõi và thường xuyên tái khám cho đến khi trẻ khỏe mạnh hoàn toàn.

Ngoài ra, với trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp không quá nặng, không đòi hỏi điều kiện chuyên khoa, thì các bác sĩ của khoa Nội tổng quát có thể "chia lửa" với khoa Hô hấp.

Theo ghi nhận, không chỉ tại các bệnh viện công mà ngay cả những bệnh viện tư, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp cũng tăng đột biến. Trẻ được đưa đến khám, chủ yếu mắc các nhóm bệnh: Viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, viêm mũi họng, viêm thanh khí phế quản...

Khuyến cáo phụ huynh phòng bệnh hô hấp cho trẻ

Trước thực trạng gia tăng bệnh hô hấp đáng báo động trên, TS. BS Trần Anh Tuấn lưu ý, vào thời điểm mùa mưa, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp và biểu hiện thường gặp là ho. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ của bệnh không phải liên quan đến mức độ ho ít hay ho nhiều.

Vấn đề phụ huynh cần quan tâm là trẻ có biểu hiện khó thở như thế nào. Bởi mức độ khó thở của trẻ có thể phản ánh được mức độ nặng của bệnh và trả lời được câu hỏi các cháu cần nhập viện hay không; nếu cần thì nhập viện ở đâu. Vì vậy, khi trẻ bị ho, phụ huynh không nên quá quan tâm đến tiếng ho mà để dành thời gian quan tâm đến vấn đề thở của trẻ như thế nào.

Triệu chứng trẻ bị viêm phổi

Theo bác sĩ Tuấn, phụ huynh cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh viêm phổi để đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời. Bởi nếu được điều trị kịp thời, kết quả điều trị sẽ rất là tốt vì chi phí thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi thấp.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm phổi là trẻ thở nhanh hơn bình thường. Triệu chứng này rất có ý nghĩa. Bởi trên phương diện khoa học, triệu chứng thở nhanh xuất hiện sớm nhất để báo hiệu trẻ bị viêm phổi, sớm hơn các dấu hiệu mà các bác sĩ nghe bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi. "Chỉ với đồng hồ có kim giây, các bậc cha mẹ vẫn có thể phát hiện được dấu hiệu thở nhanh của trẻ", bác sĩ Tuấn nói.

Thứ hai, làm thế nào để nhận biết được mức độ viêm phổi của trẻ nặng tới mức phải nhập viện? Đó là dấu hiệu khó thở khác - thở co lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này, phụ huynh cho em bé nằm yên trên giường hoặc nằm trong lòng của cha mẹ, sau đó vén cao áo của bé lên để thấy rõ ngực, bụng của bé thở như thế nào.

Thông thường, khi trẻ hít thở, phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ nở ra để tiếp nhận oxy dưỡng khí từ bên ngoài vào. Trường hợp bị nặng, trẻ phải ráng thở, hóp lồng ngực vào khi hít thở - đây là dấu hiệu báo hiệu trẻ đã bị viêm phổi nặng. Với trường hợp này cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và nhập viện.

Cơ địa trẻ mắc bệnh hô hấp trở nặng

TS. BS Trần Anh Tuấn cho biết, đa phần các trường hợp bệnh hô hấp sẽ dễ dàng vượt qua nếu như trẻ không có các yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
  • Có một số bệnh lý bẩm sinh (như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh);
  • Các bệnh lý thần kinh cơ (như bại não);
  • Suy dinh dưỡng nặng;
  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh;
  • Có bất thường về nhiễm sắc thể do hội chứng Down…

Đối với những trường hợp vừa kể trên, nếu trẻ mắc bệnh viêm phổi đa phần sẽ dễ trở nặng hơn, có nhiều biến chứng, thậm chí tỷ lệ tử vong cũng cao hơn nhiều. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

Ý kiến mới nhất của Chính phủ về kiến nghị dừng tự chủ toàn diện tại Bệnh viện K và Bạch Mai

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33. Trước đó, sau thời gian thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện cả 2 bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đều xin dừng thực hiện do nhiều nguyên nhân.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7499/VPCP-KGVX ngày 7/11/2022 về việc thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019.

Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Y tế tại Báo cáo số 1388/BC-BYT ngày 14/10/2022 về việc Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Việc tiếp tục thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm: Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33, báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy; 

Làm rõ bài học kinh nghiệm; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.

Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên; khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11/2022.

Trước đó, ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Trong đó nêu rõ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi Đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 2 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, 2 bệnh viện triển khai thực hiện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện do nhiều nguyên nhân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung tự chủ của các đơn vị công lập. Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết số 33 đều đã được quy định cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021.

Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 ngày 19/5/2019 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)

Cứu sống bệnh nhân vỡ và ngưng tim sau nhồi máu cơ tim

Bệnh nhân còn trẻ nhưng hẹp và tắc nhiều nhánh chính động mạch vành, mắc một số bệnh nền và có thể nhồi máu cơ tim tái phát.

Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) chiều 4/11 cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị vỡ và ngưng tim sau nhồi máu cơ tim.

Bệnh nhân nam B.S, 52 tuổi (ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM) nhập viện cấp cứu lúc 22h36 phút ngày 17/10 tại khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định do đau ngực dữ dội. Sau khi chụp mạch vành, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim do tắc hoàn toàn động mạch vành phải, hai nhánh chính còn lại hẹp khít từ 90-95%.

Bệnh nhân có chỉ định mổ bắc cầu nối động mạch chủ - vành và chuyển đến khoa Phẫu thuật Tim trong tình trạng đau ngực nhẹ, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh thận mãn, gout và suy van tĩnh mạch chi dưới nhưng huyết động vẫn ổn trong quá trình làm xét nghiệm chuẩn bị phẫu thuật.

TS. BS Bùi Minh Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận định đây là bệnh nhân nặng. Tuy bệnh nhân còn trẻ, nhưng hẹp và tắc nhiều nhánh chính động mạch vành, mắc một số bệnh nền và có thể nhồi máu cơ tim tái phát. 

Do vậy, bệnh nhân được điều trị suy tim tối ưu sau nhồi máu để có thể phẫu thuật tái tưới máu cơ tim càng sớm càng tốt.

Ngày 2/11, bệnh nhân được phẫu thuật. Quá trình gây mê diễn ra thuận lợi, huyết động ổn. Tuy nhiên, khi vừa kết thúc công đoạn lấy một đoạn tĩnh mạch dưới chân để làm cầu nối thì đột nhiên huyết áp tụt nhanh và bệnh nhân ngưng tim. Xoa bóp tim ngoài lồng ngực được tiến hành ngay kèm tiêm adrenaline (thuốc ưu tiên để điều trị ngừng tim), một vài phút trôi qua nhưng tim không đáp ứng.

"Với kinh nghiệm cấp cứu các ca bệnh trước đây, bác sĩ quyết định mở ngực ngay bằng cưa xương ức, mở màng ngoài tim để có thể xoa bóp tim trực tiếp sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời thực hiện các mũi khâu trên động mạch chủ và trên tim để khởi động tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất có thể. Tiến hành bắc ba cầu nối chủ - vành trên các động mạch vành bị tắc và hẹp khít để tái tưới máu cơ tim", bác sĩ Bùi Minh Thành cho hay.

Sau khi bắc cầu mạch vành, tim của bệnh nhân vẫn không đập lại. Các bác sĩ tiến hành dẫn nhịp tim bằng máy tạo nhịp và xoa bóp tim liên tục kèm vận mạch liều cao, sau 12-15 phút tim đập trở lại. Tiếp tục hỗ trợ tim trong hơn một giờ, huyết động ổn định dần và cai ngừng tuần hoàn ngoài cơ thể, tim bệnh nhân đã tự đập hoàn toàn.

Sau 16 tiếng hồi sức, bệnh nhân tỉnh dần. Sau mổ 36 giờ, bệnh nhân được rút nội khí quản, tự thở, vận động tay chân được và trí nhớ phục hồi dần.

Theo TS. BS Bùi Minh Thành, nhồi máu cơ tim gây biến chứng vỡ tim gặp từ 5 -10% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, thường xảy ra trong khoảng hai tuần sau nhồi máu và thông thường gây đột tử.

"Thật sự là tôi chưa nghĩ đến trường hợp vỡ tim này khi đã mở ngực và tiệm cận quả tim. Tình huống này xảy ra bất ngờ trong phòng mổ cũng là yếu tố may mắn mới có thể cứu mạng được bệnh nhân. Hy vọng sau khi bệnh nhân được bắc cầu mạch vành tái tưới máu toàn bộ tim, sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ vỡ tim ở các vị trí nhồi máu đã có trước đây", TS. BS Bùi Minh Thành chia sẻ.

Hiện tại tình hình sức khỏe bệnh nhân tạm ổn. Sau khi tiếp tục hồi sức, chăm sóc và điều trị tích cực sau mổ, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4)

Không thể tự chủ bệnh viện trên danh nghĩa

Theo Nghị quyết số 33, sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện, nếu không hiệu quả sẽ thực hiện theo quy định hiện hành, tức là Nghị định 60 (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) đang áp dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức...

Khám mãi chẳng ra bệnh

Trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn đề tự chủ bệnh viện, bác sĩ Trần Văn Phúc - một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, hiện công tác tại Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội, cho rằng, tự chủ hiện nay không phải tự chủ đúng nghĩa, chỉ tự chủ trên danh nghĩa, giao tự chủ cho các bệnh viện nhưng lại "trói chân, trói tay họ lại, quẳng xuống sông rồi bảo anh tự bơi đi" - vậy thì làm sao họ có thể bơi được?

Theo bác sĩ Phúc, cần sớm giải bài toán tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế. "Cứ nói rằng khống chế giá dịch vụ y tế, để có dịch vụ y tế giá rẻ, nhưng thực chất, nếu giá rẻ thì chỉ mua được rất nhiều rủi ro, chứ không mua được thuận lợi. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tính đúng tính đủ với các dịch vụ y tế, thứ 2 đảm bảo quỹ Bảo hiểm y tế để dân đi khám bệnh không cần bỏ tiền túi ra nữa"- bác sĩ Phúc nói. 

Phân tích cụ thể hơn, bác sĩ Phúc cho hay: Hiện nay, hầu hết giá dịch vụ y tế ở bệnh viện công "càng làm càng lỗ".

"Tôi đơn cử, giá dịch vụ siêu âm đang bị khống chế giá ở các bệnh viện công là 43.000 đồng. Như vậy, chúng ta chỉ có thể mua được máy siêu âm thế hệ cũ, tính năng kém, giá trị khoảng 500 - 600 triệu đồng, không thể nào mua nổi máy siêu âm đời mới, nhiều tính năng có giá 3 - 5 tỉ đồng. Vậy các bệnh viện phải làm sao?

Phải mua máy giá rẻ, phải cố gắng làm thật nhiều bệnh nhân để bù vào. Khi làm nhiều bệnh nhân, trên một cái máy kém chất lượng thì rất khó để chẩn đoán đúng bệnh. Và bệnh nhân phải đi hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia, làm 9-10 lần siêu âm cũng chẳng ra được bệnh". 

Vì vậy, theo bác sĩ Phúc, không thể "cào bằng" giá dịch vụ siêu âm là 43.000 đồng tại các bệnh viện trên toàn quốc được, mà phải tính trên máy siêu âm này thì 43.000 đồng, nhưng máy siêu âm hiện đại thì phải 430.000 đồng, thậm chí hơn...

Tất cả các giá dịch vụ phải khác nhau, miễn sao cơ sở y tế đưa ra được 7 cấu phần giá theo đúng quy định mà Bộ Tài chính, Bộ Y tế đưa ra quy định tại các thông tư, lý giải vì sao thu đắt hơn ở nơi khác những 10 lần? Bệnh viện phải chứng minh được thu như vậy là đúng.

Không thể áp giá chung cho tất cả các bệnh viện

Một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là nếu bệnh viện thu đúng thì bảo hiểm phải chi trả đủ 430.000 đồng chứ không để người bệnh phải chi trả. Khi đưa ra các giá đó, thu đúng, thu đủ thì sẽ đảm bảo trong đó có tiền công của nhân viên y tế, bệnh viện có chi phí để mua sắm trang thiết bị, đầu tư... 

"Cần làm lại tự chủ bệnh viện một cách đúng nghĩa. Còn tự chủ hiện nay, như các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K vừa xin dừng, đó không phải tự chủ mà là để bệnh viện tự hạch toán, nhưng lại khống chế mức giá và luôn là mức giá lỗ" - bác sĩ Phúc nói. 

Bác sĩ Phúc cũng cho rằng, không ít bệnh viện công hiện nay rơi vào tình trạng "càng mổ thì càng lỗ". Đơn cử như mổ ruột thừa, càng mổ nhiều thì càng lỗ nhiều. Vì thế, một số bệnh viện tuyến dưới không muốn làm, họ "lấy cớ" là không đủ khả năng và họ chuyển lên tuyến trên. Dẫn đến ùn tắc bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên, trong khi tuyến dưới thì không có bệnh nhân.

Về vấn đề tiền lương của nhân viên y tế, bác sĩ Phúc cho rằng, không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, phải giao các bệnh viện tự lo và các bệnh viện phải được tự chủ thực sự.

Như vậy, sẽ đảm bảo được chất lượng y tế, đảm bảo được thu nhập nhân viên y tế, sẽ giúp được cho người bệnh. Cơ chế bảo hiểm y tế cũng cần phải thay đổi để người bệnh đi khám không phải bỏ tiền túi ra nhiều như hiện nay. 

Tháng 8.2022, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K lần lượt xin dừng thí điểm toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP. 

TS-BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng, một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.

"Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa" - ông Hùng nói.  luật. (Lao động, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang