Vụ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hoàn trả 37,2 tỷ đồng cho nhà từ thiện: “Không trả lại thì ai quản lý”(?!)
Ngay sau khi Tiền Phong (cùng một số báo khác) phản ánh câu chuyện Ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tự ý chuyển trả lại số tiền 37,2 tỷ đồng cho nhà tài trợ là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, sáng 8/10, UBND TP Đà Nẵng cùng các sở ngành liên quan đã có buổi làm việc với bệnh viện này, cùng cựu giám đốc - ông Trịnh Lương Trân cũng như Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh.
Chỉ được phát biểu trong vài phút, chưa nói hết được tâm tư, dường như những bức xúc của ông Trịnh Lương Trân (nguyên GĐ BV Ung bướu, người đã quyết định trả 37,2 tỷ đồng ngay trước ngày chuyển giao) phát hết ngay khi tiếp xúc với báo chí… “Tôi không phải tội đồ, hôm qua tới giờ, khi báo đăng, tôi như bị khủng hoảng” – ông Trân nói.
Tại cuộc họp sáng qua, ông Trân cho hay, trước sau như một, ông tự cảm thấy ông không hề sai trong câu chuyện trả lại 37,2 tỷ cho nhà tài trợ. “Nếu không trả cho nhà tài trợ, họ sẽ đòi lại khi đến ngày chuyển giao qua bệnh viện công lập rồi mà vẫn chưa thể chi hết 37,2 tỷ đó. Chính nhà tài trợ họ nói đòi lại chứ” – ông Trân cho biết.
Theo ông Trân, ngoài 147 tỷ đồng ngân sách của BV Ung bướu đã được chuyển qua một tài khoản tạm của Sở Tài chính (được lập nên để quản lý tài chính của BV Ung bướu trong thời gian chuyển giao), thì đến sát thời điểm bàn giao, ông vẫn không biết nên giải quyết số tiền khoảng 40 tỷ đồng bằng cách nào. Trong số này, 37,2 tỷ đồng là của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ.
Ông Trân kể, ngày 28/8/2015, ông làm lệnh chi, cho nhập số tiền 37,2 tỷ đồng từ tài khoản BV Ung bướu Đà Nẵng (ở tại Chi nhánh NH Bưu điện Liên Việt tại Đà Nẵng) sang tài khoản của Sở Tài chính. Tuy nhiên, bên Hội đã ngăn cản không cho thực hiện điều này.
Tôi khẳng định, chuyển vào tài khoản của Sở Tài chính số tiền trên là chính xác, bởi khi bàn giao tất cả tài sản nguyên trạng cho nhà nước thì số tiền này cũng phải được chuyển. Tuy nhiên, khi bên Hội ngăn cản thì tôi cũng không biết làm sao. Đến ngày 31/8, tức còn 1 ngày nữa là bàn giao, khi đó tôi chính thức nghỉ. Mà 37,2 tỷ đồng không phải con số nhỏ, nếu không giao cho ai quản lý thì số này sẽ lơ lửng. Vậy thì chỉ còn cách trả lại cho nhà tài trợ. Để họ làm gì thì làm” - ông Trân nói.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Vân Lan cho rằng, ông Trân đã không thực hiện đúng với chỉ đạo của Thành ủy là bàn giao nguyên trạng tài sản BV Ung bướu. Về việc Hội (mà bà Vân Lan là người thực hiện) đã ngăn cản ông Trân chuyển tiền từ tài khoản BV Ung bướu sang tài khoản Sở Tài chính, bà Vân Lan giải thích, số tiền đó là của Hội, của cố bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh xin được nên không thể chuyển.
“Số tiền 40 tỷ đồng Hội đã làm công văn xin thành phố được để lại cho BV Ung bướu quản lý để tiếp tục làm công tác từ thiện. Cái này thành phố chưa trả lời, sao lại tự ý chuyển qua kho bạc rồi lại trả cho nhà tài trợ được” - bà Vân Lan nói.
Ông Trịnh Lương Trân cho hay, mọi việc sau này, khi ông đi Hà Nội làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt nhằm mục đích xin lại số tiền trên xong, ông về sẽ làm “ra ngô ra khoai” cho rõ trách nhiệm trắng đen.
“Tôi khẳng định tôi không sai. Ai chưa hiểu vấn đề cũng bảo tôi điên. 37,2 tỷ đồng, tôi trả lại cũng tiếc lắm chứ. Tôi là một trong những người tâm huyết đặt viên gạch đầu tiên ở BV Ung bướu này mà. Nhưng sau một ngày tôi nghỉ, ai quản lý 37,2 tỷ đồng. Nó lơ lửng thế, có chuyện gì xảy ra ai chịu trách nhiệm?”.
Tuy vậy, ông Trân cũng thừa nhận, từ ngày 28/8 đến ngày 31/8, khi thực hiện lần lượt các lệnh chi chuyển tiền từ tài khoản BV Ung bướu sang Sở Tài chính (bị hủy bỏ) rồi lệnh chi từ tài khoản BV Ung bướu sang Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, ông không hề hỏi ý kiến của bất kỳ ai. Một lãnh đạo thành phố cho hay, nếu ông Trân, kể cả trong ngày nghỉ gọi điện xin ý kiến, ngay lập tức thành phố sẽ có cách giải quyết, không đến nỗi phải vì sợ trách nhiệm mà trả lại tiền cho nhà tài trợ, gây nên một câu chuyện bi hài kịch không đáng có.
“Phải do anh Bá Thanh quyết!”
Là người sáng lập BV Ung bướu, người nhiều năm dày công đi quyên góp tiền từ các nhà tài trợ nhằm xây nên một BV Ung thư với mục đích chữa trị cho người nghèo, cố Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng là người đã xin được 37,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho BV Ung bướu. Tuy nhiên, không hiểu sao số tiền này (có từ tháng 7/2014), đến nay vẫn không được tiêu đồng nào.
Thật bất ngờ khi ông Trịnh Lương Trân cho biết, tiền này không thể tiêu được vì… anh Nguyễn Bá Thanh. “Trước khi đi Mỹ chữa trị, anh Thanh với tư cách là Chủ tịch Hội đã phê duyệt các hạng mục máy móc cần mua từ số tiền 37,2 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đã lên phương án trình bày cả rồi. Tuy nhiên, thời gian này anh Thanh đi chữa bệnh bên Mỹ, không ai có thể quyết được nên đành gác lại và… chờ” – ông Trân nói. “Nhưng với tư cách là GĐ Bệnh viện, ông có thể quyết. Thêm nữa, ông Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh đã có các Phó chủ tịch Hội ở nhà, có thể quyết thay ông?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trân nói: “Không thể được, phải do anh Bá Thanh quyết”.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng việc lãnh đạo BV Ung bướu tự ý chuyển trả lại tiền tài trợ trái với chủ trương của UBND thành phố. Ông Dũng yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan phải thu hồi lại số tiền 37,2 tỷ trên. Cũng liên quan đến câu chuyện giải ngân ở BV Ung bướu, ông Đặng Việt Dũng rất ngạc nhiên vì nhiều thiết bị y tế cho đến nay vẫn chưa được sắm mặc dù thành phố đã chi tiền. “Tiền thì có rồi, chỉ việc đi mua mà cũng lừng khừng” – ông Dũng chỉ đạo, hết quý 4/2015, bắt buộc phải mua xong các danh mục thiết bị mà Sở Y tế cũng như thành phố đã phê duyệt. Khi lãnh đạo bệnh viện cho rằng thủ tục rườm rà, ông Nguyễn Thanh Sang – GĐ Sở Tài chính cho hay, cái chính là BV Ung bướu lập xong các bước, phần Sở Tài chính thì chỉ mất 5 ngày là có tiền…
( Tiền phong trang 10)
Cùng chủ đề bài viết có các tin, bài sau:
* Thanh niên (trang 4) 9/10: Chuyện kỳ quặc ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
* Nhân dân (trang 8) 9/10: Cần làm rõ việc lãnh đạo Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (cũ) trả lại nhà tài trợ hơn 37 tỷ đồng
* Lao động (trang 2) 9/10: Vụ “Lãnh đạo Bệnh viện Ung thư trả lại hơn 37,2 tỉ đồng tài trợ”: Vẫn mập mờ trước công luận
* Sức khỏe & đời sống (trang 6) 9/10: BV Ung thư Đà Nẵng trả lại hơn 37 tỷ tiền tài trợ: Khó hiểu !
Thành lập Trung tâm Y tế quân – dân y đảo Cồn Cỏ
Ngày 10.8, UBND tỉnh Quảng Trị vừa quyết định thành lập Trung tâm Y tế Quân - dân y huyện đảo Cồn Cỏ trực thuộc Sở Y tế Quảng Trị. Theo đó, Trung tâm Y tế Quân - dân y huyện đảo Cồn Cỏ là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng cho nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đảo, trụ sở đặt tại huyện đảo Cồn Cỏ. Về khám chữa bệnh, trung tâm thực hiện các nhiệm vụ về cấp cứu, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Về dự phòng, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phòng chống sốt rét, bướu cổ, tiêm chủng, quản lý thai sản, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về kế hoạch hóa gia đình, cung ứng thuốc, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trên đảo theo quy định của Bộ Y tế. Về kinh phí khám, chữa bệnh cho nhân dân sẽ do Sở Y tế đảm nhận, kinh phí khám chữa bệnh cho lực lượng vũ trang do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, vùng III Hải Quân thanh toán theo chế độ quy định hiện hành.( Lao động trang 2)
Hải Phòng: Bệnh nhân hành hung bác sĩ
Ngày 10.8, bác sĩ Nguyễn Quang Tập – Giám đốc Bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng) – cho biết, đã báo Công an quận Lê Chân lập biên bản, xử lý vụ việc một bệnh nhân trong thời gian chờ cấp cứu đã nhảy ra khỏi cáng, lao vào hành hung bác sĩ.
Sự việc xảy ra vào 21 giờ 30 phút ngày 7-10, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp, TP Hải Phòng.
Theo hình ảnh từ camera an ninh của bệnh viện ghi lại, thời điểm trên, xe cấp cứu 115 đưa bệnh nhân Đỗ Văn Bình (31 tuổi, trú xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) nhập viện. Ngay sau đó, bệnh nhân được bác sĩ Khoa Cấp cứu thăm khám, chỉ định đi xét nghiệm, chụp chiếu để làm cơ sở điều trị do nghi ngờ bị sỏi thận.
Đến khoảng 10 phút sau, ông Đỗ Văn Bách (bố bệnh nhân Bình) nộp tiền viện phí rồi chỉ tay vào mặt bác sĩ trực và bị nhắc nhở.
Lúc này, đang nằm trên cáng cấp cứu, thấy có người to tiếng với bố, Bình đã vùng dậy lao tới đánh bác sĩ trực. Ngay sau sự việc, phía Bệnh viện đã gọi điện thoại trình báo cho Công an phường Cát Dài, Công an quận Lê Chân. Lực lượng công an đã có mặt, lập biên bản đối với hành vi gây rối của bệnh nhân.
Lý giải về hành vi của Bình, người nhà cho rằng, do anh ta phải chờ đợi lâu, trong khi đang đau đớn nên sinh ra bực tức. Tuy nhiên, theo hình ảnh từ camera an ninh thì thời gian tới khám bệnh của bệnh nhân này rất nhanh chóng.
Ông Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện Việt - Tiệp, khẳng định, các y bác sĩ trong ca trực cấp cứu đã làm hết trách nhiệm, đúng quy trình.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên bác sĩ của Bệnh viện Việt-Tiệp bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hành hung.( Lao động trang 2)
Tập huấn về truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá: Ít kinh phí, vẫn nhiều mô hình hiệu quả
Công tác triển khai phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ở nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và phía Nam vẫn còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Trong khi đó, nhiều địa phương đã vận dụng một số mô hình linh hoạt đem lại hiệu quả.
Dựa vào truyền thông địa phương
Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) vừa tổ chức tập huấn “Lập kế hoạch truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá” tại TP.HCM trong 2 ngày 1 và 2.10. Đại biểu của 31 tỉnh thành khu vực miền Trung và phía Nam đã về tham dự lớp tập huấn. Mọi người đều nhận định việc tuyên truyền PCTHTL là cần thiết, tuy nhiên hiện nay nguồn kinh phí truyền thông còn hạn hẹp. Ông Phan Công Duẩn - đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại, kinh phí cho các hoạt động in ấn tờ rơi, đặt bảng tuyên truyền tác hại của thuốc lá… trên địa bàn hết sức ít ỏi. Thêm vào đó là sự phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền hoạt động PCTHTL cũng còn rất hạn chế.
“Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền PCTHTL được thông tin qua kênh phát thanh và truyền hình của địa phương là chính, tuy nhiên công tác này lại không được thường xuyên” - ông Duẩn nói.
Cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí, đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Do nguồn lực và điều kiện chưa cho phép nên công tác PCTHTL mới được triển khai gần 1 năm nay nhưng chủ yếu là làm ở các bệnh viện, riêng hoạt động phòng chống thuốc lá ở cộng đồng thì vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm kinh phí để triển khai hoạt động tuyên truyền không hút thuốc lá ở 12 trường THPT trong tỉnh”.
Ngoài nguồn kinh phí eo hẹp, nhiều đại biểu tham dự tập huấn cũng cho rằng việc xử phạt hành vi vi phạm- hút thuốc lá nơi công cộng- hiện nay cũng không nghiêm nên khó… “chữa dứt bệnh”. Ông Phạm Văn Thăng - Phòng Y tế Hội An (Quảng Nam) nhận định: “Dù có đưa ra mức xử phạt cao thì cũng khó triển khai. Tôi lấy ví dụ, có lần đi kiểm tra hút thuốc lá ở bệnh viện, khi đưa ra mức xử phạt thì người vi phạm cũng chẳng có tiền nộp. Vậy cũng huề cả làng vì chẳng lẽ người ta không nộp tiền thì bắt giữ người ta lại hay sao?”.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Trước những khó khăn của nhiều địa phương trong công tác triển khai chiến dịch truyền thông PCTHTL, tại buổi tập huấn, nhiều kế hoạch truyền thông đã được đưa ra. Đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang triển khai mô hình thí điểm “Không khói thuốc lá trên các chuyến xe bus” tại Công ty CP Vận tải Sóc Trăng. Cụ thể, công ty có 60 đầu xe buýt, mỗi ngày xuất bến 40 lượt. Theo khảo sát, mỗi lượt có khoảng 15% hành khách hút thuốc, 45/50 tài xế của công ty nghiện thuốc lá. Do vậy, cần phải có sự tuyên truyền PCTHTL trên xe bus. Mục tiêu của mô hình là 90% số hành khách không hút thuốc trên xe; 90% số tài xế và nhân viên bán vé hiểu luật, không hút thuốc và nhắc nhở khách không hút thuốc trên xe.
Trong khi đó, đến từ một tỉnh thành nổi tiếng thực hiện nghiêm môi trường không khói thuốc, ông Đặng Văn Sơn- Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nói: “Chúng tôi xác định các em học sinh là yếu tố “truyền thông đa chiều” tốt nhất để hạn chế hút thuốc lá trong các gia đình và PCTHTL nơi công cộng. Cụ thể, thông qua các hoạt động phong trào, hội đoàn, nhà trường sẽ tuyên truyền cho các em biết rõ tác hại của thuốc lá, cho các em xem hình ảnh về tác hại thuốc lá đến sức khỏe con người. Từ những kiến thức này, các em về gia đình và có những can thiệp nhỏ để bố mẹ, anh chị bỏ thuốc dần”.
Ngoài những ý kiến đóng góp của các đại biểu, với vai trò là giảng viên tập huấn, bà Mego Lien - đại diện Tổ chức Quỹ Lá phổi thế giới cũng “hiến kế” thêm, chẳng hạn ở các địa phương, có thể sử dụng các kênh truyền thông gây chú ý như: Lập đường dây tư vấn cai nghiện, lập các trang facebook đăng tải hình ảnh tác hại của thuốc lá; tập huấn cho lãnh đạo khu dân cư; triển khai cho các cơ sở y tế cộng đồng, các cán bộ y tế cùng với tờ rơi…
Bà Mego Lien cho rằng: “Dù bằng biện pháp nào thì chúng ta cũng cố gắng xây dựng các thông điệp. Như việc áp đặt những nguy cơ sức khỏe lên những người không hút thuốc lá không công bằng, những người đang cố gắng kiếm sống và hưởng thụ những nơi công cộng. Hoặc đưa ra một giải pháp, tốt nhất là định hướng chính sách hay các chuẩn mực xã hội có liên quan, ví dụ như người không hút thuốc có quyền được thở không khí trong lành tại nơi làm việc và công cộng, các chính sách về không khói thuốc cần được quan tâm và hỗ trợ”.
( Nông thôn ngày nay trang 4)
Bệnh viện quốc tế Green: Nơi nỗi lo được chia sẻ, hạnh phúc nhân đôi
Những năm gần đây, cũng như các đô thị lớn khác, các bệnh viện công lập ở Hải Phòng luôn trong tình trạng quá tải. Sự ra đời của một số bệnh viện ngoài công lập, trong đó có Bệnh viện Quốc tế Green – do Tập đoàn Hapaco đầu tư đã phần nào hạ nhiệt cơn sốt quá tải ở các bệnh viện Hải Phòng…( Nông thôn ngày nay trang 5)
Trường học tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Theo đó, các nhà trường có trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm an toàn thực phẩm tại đơn vị mình…( Gia đình & xã hội trang 12)
Quét sạch tội phạm ở các bệnh viện
Thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo ANTT trong lĩnh vực Y tế trên địa bàn thành phố, lực lượng Cảnh sát bảo vệ CATP Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) và Công an các quận đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn môi trường chăm sóc sức khỏe người dân tại 15 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố.
Xử lý nhanh tin báo tố giác tội phạm
19h20 ngày 4-10, trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại khu vực Bệnh viện Việt - Đức, tổ công tác của Đại đội 1 do Trung sĩ Nguyễn Minh Đức làm tổ trưởng, nhận được trình báo của chị Nguyễn Thị Tân (SN 1973), ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Cách đó mấy hôm, chị Tân chăm sóc chồng nằm điều trị tại khoa Nhiễm khuẩn, nhà B5, Bệnh viện Việt -Đức, đã bị một phụ nữ lừa đảo, chiếm đoạt 7,5 triệu đồng bằng chiêu trò hứa hẹn nhờ bác sĩ cấp thuốc khám chữa bệnh. Sau đó trong lúc đi mua nước nóng, chị Tân tình cờ nhìn thấy người phụ nữ lạ đã lừa mình hôm trước liền báo cho tổ công tác Đại đội 1 biết. Ngay lập tức, các chiến sỹ đã phối hợp với bảo vệ bệnh viện và CAP Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, kiểm tra, bắt giữ đối tượng là Phạm Thị Liên (SN 1950), trú tại huyện Lục Nam, Bắc Giang. Đối tượng này khai nhận đã lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người từ tỉnh xa đến trông nom bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Đức để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của họ.
Được biết, do nắm chắc tình hình địa và tiếp nhận, xử lý nhanh các thông tin về ANTT, trong tháng 9-2015, lực lượng CSBV đã phát hiện và bắt giữ, xử lý 2 đối tượng chuyên “cò mồi” khám chữa bệnh tại Bệnh viện K; 3 vụ 3 đối tượng chuyên trộm cắp tài sản tại các Bệnh viện Việt - Đức, Viện huyết học và truyền máu Trung ương và Bệnh viện Xanh Pôn; bắt 4 vụ, 4 đối tượng gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và hành hung bác sỹ xảy ra tại các Bệnh viện phụ sản Trung ương (Hoàn Kiếm) và Bệnh viện Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng).
Cũng trong tháng 9, CSBV Công an Hà Nội đã phối hợp với Phòng CSHS và công an các quận truy quét, giao cho công an các phường xử lý 39 xe taxi dừng, đỗ đón khách không đúng quy định, xử lý nghiêm những người bán hàng rong, gây mất trật tự công cộng ở cổng các bệnh viện.
Thế trận hiệp đồng
Trao đổi với phóng viên ANTĐ về công tác đảm bảo ANTT tại 15 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng CSBV - CATP Hà Nội cho biết: “Công tác phối hợp đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Hà Nội đã được Phòng CSBV thực hiện tròn 2 năm.
Lực lượng CSBV - CATP luôn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cấp trên giao phó, với
tinh thần tập trung cao độ, mưu trí, sáng tạo, kiên quyết tấn công đến cùng các loại
tội phạm”. Phòng CSBV phối hợp với phòng CSHS và các đơn vị chức năng ở cơ sở tổ chức điều tra toàn diện tất cả các lĩnh vực về công tác đảm bảo ANTT trong và ngoài bệnh viện như tình hình trộm cắp, móc túi, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản và “cò” khám chữa bệnh, cấp phát thuốc.
Ngoài ra, lực lượng CSBV cũng tham gia điều tra cơ bản xung quanh bệnh viện về tình hình TTATGT, TTĐT và số đối tượng lang thang có biểu hiện hoạt động phạm tội để có đối sách phòng ngừa. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với bảo vệ chuyên trách của 15 bệnh viện để hiệp đồng giải quyết những trường hợp người nhà bệnh nhân có thái độ quá khích đánh, chửi bác sỹ, nhân viên y tế hoặc gây rối tại các khoa điều trị. “Phòng CSBV thường xuyên phối hợp với lực lượng CSHS - CATP tuần tra mật phục, áp dụng các biện pháp đấu tranh, trấn áp và bắt giữ đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong 2 năm qua lực lượng CSBV đã phát hiện, bắt giữ 87 vụ phạm pháp hình sự các loại, xử lý 214 trường hợp các phương tiện dừng đỗ sai quy định, không để nảy sinh phức tạp về ANTT tại môi trường chăm sóc sức khỏe nhân dân” - Đại tá Phùng Anh Lê cho biết.( An ninh thủ đô trang 5)
Hà Nội: Quyết tâm khống chế dịch sốt xuất huyết
Ngày 8-10, UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng chống sốt xuất huyết (SXH). Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy vào các ngày thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 10-10…( Hà Nội mới trang 7, Sức khỏe & đời sống trang 2)
Kiến ba khoang “tấn công” bệnh viện
Nhiều ngày qua, nhiều người bệnh tại bệnh viện đa khoa thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long) hoang mang vì bị kiến ba khoang tấn công, gây tổn thương da cho nhiều người.
Trong những ngày sinh con tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, chị Phạm Thị Hiền (xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) tỏ ra lo lắng vì trong phòng xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang và loài kiến này đã gây tổn thương nhiều phần da trên mặt và cổ chị.
“Kiến ba khoang ở đây rất nhiều, nhiều nhất là buổi tối. Khi nó cắn thì mình không có cảm giác, tới khi ngủ dậy thấy những vết đỏ mới biết mình bị kiến cắn. Tôi cũng mong bệnh viện có phương án nào khắc phục, để tránh gây hại cho những bé sơ sinh”, chị Hiền nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Phạm Thị Nương (xã An Bình, H.Long Hồ, Vĩnh Long), cho biết: “Tôi nuôi cháu bị bệnh ở đây 4 ngày, kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào ban đêm, tôi không dám ngủ mà ngồi lo bắt kiến và bị cắn trên mặt”.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa (BVĐK) thành phố Vĩnh Long, kiến ba khoang xuất hiện tại bệnh viện rất lâu nhưng mật độ thấp. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây loài kiến này xuất hiện rất nhiều và hầu như khoa phòng nào cũng có sự hiện diện của chúng. Đặc biệt là buổi tối, kiến ba khoang xuất hiện với mật độ rất dày và đã có không ít bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh bị độc tố của kiến làm tổn thương da.
Bác sĩ Dương Đình Vũ, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK thành phố Vĩnh Long, nói: “Kiến ba khoang đi tới đâu gây phỏng da người bệnh tới đó, BV cũng có khuyến cáo người bệnh không chà sát kiến ba khoang. BV cũng đề nghị cơ quan chức năng đến phun xịt nhưng sau đó tái phát. Trung tâm y tế dự phòng cũng tìm hết cách phun mọi hóa chất nhưng không diệt được loài kiến này. BV đang cố gắng liên hệ với các công ty phun diệt côn trùng, để ký hợp đồng tiến hành phun diệt kiến, giúp người bệnh yên tâm điều trị".
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, Phó GĐ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hiện nay là mùa phát triển của kiến ba khoang, do đó bà con có thể phòng tránh chúng bằng các biện pháp: Thứ nhất, không nên đứng dưới ánh sáng đèn vào ban đêm đặc biệt là những nơi công cộng có đồng cỏ. Thứ 2, khi mở đèn lên vào ban đêm nên đóng cửa kín hoặc sài cửa lưới hoặc che rèm tránh kiến 3 khoang vào nhà".
"Ngoài ra, kiến ba khoang có bám trên người thì không nên dùng tay bắt hoặc đập, chà sát, giết kiến trên nền da, để tránh dịch có độc tố của kiến 3 khoang gây tổn thương. Khi tiếp xúc với kiến 3 khoang trên nền da phải lập tức rửa ngay bằng xà phòng với nước sạch và nên đưa đến cơ sở y tế khi có xuất hiện những bóng nước trên nền da do tiếp xúc với kiến 3 khoang để được tư vấn và điều trị”, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói thêm.( Công an nhân dân trang 7)
Triển khai chiến dịch tiêm vắc – xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ sáu đến 14 tuổi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ sáu đến 14 tuổi bằng vắc-xin tiếp nhận viện trợ của Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng. Vắc-xin viêm não Nhật Bản đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 cho trẻ từ một đến năm tuổi; diện triển khai vắc-xin này được mở rộng dần qua các năm. Năm 2014, vắc-xin này được thực hiện tại tất cả các địa phương trên toàn quốc thông qua hình thức tổ chức chiến dịch.
Việc tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong các chiến dịch thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai trong các năm qua đã góp phần phòng bệnh hiệu quả trong cộng đồng. Từ năm 2015, vắc-xin này được đưa vào tiêm chủng thường xuyên sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng phòng bệnh viêm não Nhật Bản.( Nhân dân trang 5, Công an nhân dân trang 2, Sức khỏe & đời sống trang 2)
Việt Nam hiện có khoảng 409 nghìn người mù lòa
Đó là số liệu được công bố tại mít-tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2015 với chủ đề “Chăm sóc mắt cho mọi người” do Bệnh viện Mắt T.Ư tổ chức ngày 8-10 ở Hà Nội. Tuy nhiên hơn 80% trong tổng số 409 nghìn người bị mù lòa đó có thể phòng, chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa và 15% có thể phòng ngừa). Qua điều tra cho thấy các nguyên nhân gây mù chính hiện nay là: đục thủy tinh thể (chiếm tới 66,1%), sau đó là các bệnh lý đáy mắt, glô-côm, tật khúc xạ, bệnh mắt hột.
Đáng chú ý, tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên với tỷ lệ mắc khoảng 10 đến 15% ở học sinh nông thôn và 35 đến 40% ở học sinh thành thị. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ sáu đến 15 tuổi, cả nước có gần ba triệu trẻ mắc tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị) cần được chỉnh kính.( Nhân dân trang 5)
Cho thôi học vì sai điểm ưu tiên
Sau gần 1 tháng học ngành y đa khoa tại Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), ngày 5.10 Nguyễn Xuân Anh Tuấn (quê Quảng Ngãi) nhận thông báo của ĐH Huế cho thôi học vì sai đối tượng ưu tiên trong hồ sơ tuyển sinh nên không đủ điểm trúng tuyển.
Trước đó, Anh Tuấn xét tuyển khối B vào ngành Y đa khoa (ĐH Y dược Huế) với tổng điểm 27,25 điểm. Trong đó có 0,5 điểm ưu tiên KV2 và 1 điểm ưu tiên đối tượng 06.
Theo giấy báo nhập học của ĐH Huế, ngày 10.9, Tuấn Anh làm thủ tục nhập học. Đến ngày 5.10, Anh Tuấn được ĐH Huế thông báo cho thôi học ngành Y đa khoa tại đây vì sai đối tượng ưu tiên nên không đủ điểm trúng tuyển.
“Khi được thông báo như thế em như chết đứng. Em đã học tại đây gần một tháng, giờ thông báo em rớt và không thể tiếp tục học ngành Y đa khoa nữa”, Anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cho biết, khi làm hồ sơ, Anh Tuấn khai mình thuộc đối tượng 06 vì có bố là ông Nguyễn Xuân Bách từng làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và được tặng Huân chương Chiến công và có quyết định hưởng trợ cấp một lần do Bộ tư lệnh Quân khu 4 cấp.
PGS-TS. Lê Văn Anh, Phó giám đốc ĐH Huế, cho biết theo quy chế thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời khai của mình trong hồ sơ. Tuy nhiên, để giải quyết mang tính nhân văn, thí sinh này sẽ được xét các nguyện vọng khác có số điểm thấp hơn.( Thanh niên trang 2)
Đột phá trong điều trị tim nhanh gây đột tử
Bệnh viện Nhi T.Ư vừa cứu sống bệnh nhi nhỏ tuổi nhất bị loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm bằng công nghệ cao. Đây là một trong rất hiếm trường hợp trên thế giới được báo cáo. Trước đó 3 tuần, các bác sĩ cũng cứu sống trẻ nặng 6kg mắc bệnh tương tự.
Bệnh nhân Vũ Chính Dương (Hải Phòng), sinh ra nặng 2.6 kg. Mẹ bé phải sinh mổ vì suy thai. Ngay sau khi chào đời, trẻ bị suy hô hấp nên được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sang Bệnh viện Nhi Hải Phòng. Các bác sĩ phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh. Điều trị tuyến dưới không hiệu quả nên bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng cho thấy trẻ bị bệnh tim kết hợp có tăng áp động mạch phổi nặng và hội chứng rối loạn nhịp nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim, có cơn nhịp nhanh nguy kịch. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm can thiệp Tim mạch và Điện sinh lý cho biết, nhiều lần bệnh nhân lên cơn nhịp nhanh (250 lần/phút) kháng các thuốc điều trị loạn nhịp thông thường, trong cơn nhịp nhanh bé suy thở và suy giảm huyết động nặng, và đã phải cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh nhiều lần.
Bác sĩ Hải chia sẻ, bé Dương là một ca bệnh rất hiếm gặp và vô cùng nguy kịch, trẻ có thể tử vong do suy tim nếu cơn nhịp nhanh không được kiểm soát hoặc có thể đột tử bất cứ lúc nào nếu xuất hiện loại loạn nhịp nguy hiểm. Bằng kỹ thuật triệt đốt đường dẫn truyền xung điện kíp bác sĩ đã can thiệp thành công cho bệnh nhi. Đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất Việt Nam và cũng là một trong ít các trường hợp nhỏ nhất thế giới được điều trị thành công bằng phương pháp này. Bệnh nhi sơ sinh còn quá nhỏ, các mạch máu rất bé, tim bệnh tật cộng với cấu trúc dị thường nên từng động tác dịch chuyển catheter trong tim phải hết sức nhẹ nhàng và chính xác, nếu không có thể gây thủng tim, tổn thương mạch máu, hoặc tổn thương hệ thống dẫn truyền trong tim.
Trước đó, các bác sĩ của Trung tâm đã can thiệp cho bệnh nhân Lưu Đình Đức K. Được biết, bé K. sinh ra và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác ngoại trừ một u máu nhỏ ở trán trái. Khi 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có những biểu hiện bất thường như thở nhanh, bú kém, hay quấy khóc, da tái và tụt cân nhanh, cùng với u máu ngày càng to lên. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư các bác sĩ còn phát hiện bé còn bị bệnh cơ tim giãn và suy tim nặng.
Các bác sĩ nhận định, đây là một ca bệnh rất nguy kịch, trẻ có thể đột tử hoặc tử vong bất cứ khi nào nếu có cơn tim nhanh xuất hiện. Các phương án điều trị cũng được đưa ra bàn luận và cân nhắc một cách hết sức cẩn thận. Phương án điều trị nội khoa bằng các thuốc chống loạn nhịp như thường dùng hiện nay có hiệu quả hạn chế nhất là dự phòng nguy cơ đột tử, hơn nữa thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm rất khó tiên lượng. Phương án điều trị can thiệp triệt để bằng năng lượng sóng cao tần là phương pháp lựa trọn ưu tiên cho người lớn và trẻ lớn cũng được đưa ra cân nhắc. Tuy nhiên phương pháp này bị hạn chế đối với trẻ nhỏ dưới 15 kg do nguy cơ tai biến của thủ thuật và chỉ có thể được thực hiện tại rất ít trung tâm tim mạch trên thế giới.
Ngày 3/9 tại Trung tâm can thiệp tim mạch và điện sinh lý, kỹ thuật can thiệp điều trị được tiến hành với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa rối loạn nhịp, tim mạch, gây mê hồi sức và chẩn đoán hình ảnh. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản và thở máy, huyết áp xâm nhập và các dấu hiệu chức năng sống được theo dõi liên tục qua hệ thống theo dõi monitor.Thủ thuật kéo dài trong khoảng 2 giờ và không có một bất kỳ tai biến nào xảy ra. Sau đốt, thể trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, các triệu chứng suy tim biến mất. Siêu âm tim lại sau 4 ngày, các chỉ số siêu âm gần như trở về bình thường, điện tim không còn hình ảnh của sóng điện tim bất thường.
Bệnh viện Nhi T.Ư được đánh giá là đứng đầu thế giới về can thiệp điều trị tim nhanh ở trẻ nhỏ. Mặc dù kĩ thuật điều trị rối loạn tim nhanh bằng năng lượng sóng cao tần mới được triển khai tại bệnh viện nhưng hiện này hầu hết các rối loạn tim nhanh đều đã được thực hiện thường quy với số lượng bệnh nhi gia tăng theo từng năm, tỉ lệ thành công trong điều trị can thiệp trên 95%. Đặc biệt đối với can thiệp ở trẻ nhỏ dưới 15 kg với gần 30 trẻ được điều trị thành công và an toàn.( Tiền phong trang 4)