Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, nước oxy già không đăng ký; Đình chỉ lưu hành Hoạt huyết dưỡng não Khải Hà; 7 người ngộ độc do uống nhầm rượu thuốc; Bộ Y tế đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh; …

 

Nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, nước oxy già không đăng ký

Ngày 8-10, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, qua công tác hậu kiểm, cơ quan chức năng  đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý), nước oxy già và dung dịch iod có nhãn sản phẩm như thuốc dùng ngoài nhưng chưa có giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm theo quy định.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sản phẩm dung dịch NaCl 0,9%, nước oxy già, dung dịch iod dùng trong y tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ các sản phẩm trên.

Xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở vi phạm về quản lý các sản phẩm trên dùng trong y tế.

Cục quản lý Dược cũng vừa có quyết định gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và Công ty cổ phần Thương mại Dược vật tư Y tế Khải Hà thông báo việc đình chỉ lưu hành thuốc viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não, SĐK: VD-24472-16, Số lô 01.03.17, NSX 02/3/2017, HSD 1/3/2020 do công ty Công ty cổ phần Thương mại Dược vật tư Y tế Khải Hà sản xuất trên toàn quốc.

Lô thuốc viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não bị đình chỉ vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ lệ các thành phần của cao bạch quả và định lượng Ginkgo flavonoid toàn phần.

Công ty cổ phần Thương mại Dược vật tư Y tế Khải Hà phải phối hợp với nhà thuốc, tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. (Sài Gòn giải phóng, trang 11)

 

Đình chỉ lưu hành Hoạt huyết dưỡng não Khải Hà

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ban hành Quyết định số 15326/QLD-CL về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi trên phạm vi toàn quốc đối với viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não do Công ty cổ phần Thương mại Dược - Vật tư y tế Khải Hà sản xuất.

Theo đó, thuốc viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não (SĐK: VD-24472-16; Số lô: 01.03.17; ngày sản xuất: 2-3-2017; hạn sử dụng: 1-3-2020), do Công ty Khải Hà sản xuất, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ lệ các thành phần của Cao bạch quả và định lượng Ginkgo flavonoid toàn phần. Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty Khải Hà báo cáo việc thu hồi sản phẩm nói trên (nêu rõ số lượng sản xuất, số lượng phân phối, bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ…).

lCục Quản lý dược cũng vừa có Công văn 15818/QLD-TTra gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường quản lý thuốc dùng ngoài Natri Clorid (NaCl) 0,9%, nước oxy già, dung dịch iod, do phát hiện tình trạng kinh doanh các mặt hàng trên có nhãn sản phẩm như thuốc dùng ngoài trong khi chưa có giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm theo quy định. (Hà Nội mới, trang 1)

 

7 người ngộ độc do uống nhầm rượu thuốc

Thông tin từ BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết khoảng 21 giờ 30 ngày 6-10, bệnh viện đã tiếp nhận 7 bệnh nhân bị ngộ độc nghi do uống nhầm rượu ngâm thuốc bóp chân.

Theo đó, vào 19 giờ ngày 6-10, một nhóm gồm 12 người, 7 nam và 5 nữ (trú xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) tổ chức liên hoan. Khi đó, họ có uống một loại rượu ngâm cây, trong số 12 người chỉ có 7 người nam uống rươu, 5 người nữ không uống. 40 phút sau uống, 7 người cùng xuất hiện triệu chứng nôn, chóng mặt, co giật và được đưa ngay vào BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh lúc 21 giờ 30.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh khẩn trương tiến hành các biện pháp cấp cứu; phối hợp với Sở Y tế, công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân.

Bệnh viện đã huy động tăng cường nhân lực để xử trí, đồng thời hội chẩn với các giáo sư của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) để thống nhất hướng xử trí. Đến 7 giờ sáng 7-10, có 3 bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định; 4 bệnh nhân còn lại có tiến triển tốt, tiếp tục được điều trị tích cực. Các bệnh nhân không có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng. (Pháp luật TPHCM, trang 8)

 

59 tỉnh bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến năm nay Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều địa phương đến nay đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm của tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi, nhiều nơi dự kiến bội chi 500-1.000 tỷ như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình,

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh của Quỹ BHYT chủ yếu là do  việc điều chỉnh các chính sách như điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng; chính sách thực hiện thông tuyến xã lên huyện và liên huyện. Cùng với đó, ngành Y tế cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình chuyển giao kỹ thuật từ trung ương về tỉnh, huyện, xã đã giúp các dịch vụ kỹ thuật cao được cập nhật thường xuyên, thực hiện nhiều ở các tuyến cơ sở khám chữa bệnh.

Theo thống kê, từ 2015-2016, kỹ thuật phẫu thuật tim hở tăng 17%, can thiệp tim mạch tăng 12%, phẫu thuật thay khớp gối tăng 71%, hay phẫu thuật thay khớp háng tăng 48%...

Cùng với đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao do thay đổi mô hình bệnh tật, già hóa dân số (người già thường mắc 3-4 bệnh mạn tính). Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, tiểu đường làm gia tăng chi phí điều trị xét nghiệm, thuốc…

Liên quan đến vấn đề lạm dụng dịch vụ y tế, ông Khảm cho rằng phải nhìn nhận khách quan, công bằng từ nhiều phía, cả người dân tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian qua, có trường hợp cơ sở khám chữa bệnh, có hiện tượng chỉ định sử dụng dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa thực sự cần thiết, hoặc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian nằm viện không cần thiết. Đó là hiện tượng đơn lẻ, xảy ra tại một số cơ sở, tình trạng này không phải mang tính hệ thống.

Tổng hội Y học Việt Nam mới đây thực hiện nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh án các bệnh nhân đã ra viện tại một số cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, tư nhân, trạm y tế xã để đánh giá sự gia tăng chi phí y tế. Theo kết quả ban đầu, số chi do lạm dụng chiếm khoảng 5% tổng chi. Ông Khảm cho hay, lạm dụng gồm 2 cấp độ: chỉ định phù hợp với chẩn đoán nhưng không cần thiết và chỉ định không phù hợp chẩn đoán. Vì thế, theo đại diệnVụ BHYT: “Việc Bảo hiểm xã hội kiểm tra trên hệ thống thông báo từ chối thanh toán hàng triệu hồ sơ bệnh án, với hàng trăm tỷ đồng không phải tất cả là do “làm ăn gian dối” mà có thể chuyển dữ liệu bị lỗi, nhập mã sai, lỗi kỹ thuật...; ngoài ra cũng có trường hợp chỉ định không cần thiết. Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai có trường hợp chụp Xquang 12 lần trong một ngày nhưng không có chuyện đó mà do bị lỗi”.

Trước thực trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, nhiều người lo ngại, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng vì quỹ đang bị thu hẹp lại. Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: “Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này. Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền tràn lan, không hợp lý, làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn…”. (Tiền phong, trang 6)

 

9 tháng, Bộ Y tế chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng

Thanh tra Bộ Y tế vừa có báo cáo Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính T.Ư về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Y tế 9 tháng năm 2017.

Theo báo cáo này, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời kỳ chưa phát hiện cá nhân, đơn vị tham nhũng.

Dự báo về tình hình tham nhũng, Thanh tra Bộ Y tế cho rằng thời gian tới tình hình tham nhũng diễn biến khó lường trong bối cảnh nền kinh tế biến động phức tạp, đời sống cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn.

Nhóm hành vi tham nhũng có thể tập trung ở nhân viên “nhũng nhiễu” trong công tác khám, chữa bệnh; trong đấu thầu, xây dựng cơ bản và mua sắm công… ( Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề  Báo Tuổi trẻ trang 4: “Bộ Y tế : Không ai nhận quà sai quy định”

 

Bộ Y tế đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết để phù hợp với mức sinh và quy mô dân số, bộ này đang đưa ra 3 phương án điều chỉnh mức sinh, đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết định số con. Theo đó, phương án 1: duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt; thực hiện thông qua vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Với những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) tiếp tục vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Những nơi tỷ lệ sinh thấp (khu vực Đông Nam bộ) phải vận động nâng mức sinh.

Phương án 2: tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1 - 2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.

Phương án 3: cho sinh thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái, các địa phương sẽ phải có chính sách điều chỉnh cho sát mức sinh thay thế. Với phương án 3, nhiều chuyên gia lo ngại dân số tăng trở lại. Vì thế, Bộ Y tế mong muốn thực hiện phương án 1.

Dù vậy, đại diện ngành dân số cũng khẳng định việc khuyến khích sinh thêm con ở những vùng mức sinh thấp là rất khó. Theo ông Tân, từ năm 1993 đến nay chính sách dân số chủ yếu là vận động sinh ít con, hầu như không phạt ngoại trừ một số địa phương. Ngay cả với nhóm đối tượng là đảng viên, từ năm 2011 - 2012 cũng đã thay quy định về xử phạt đối với người sinh đến con thứ 5 mới bị khai trừ Đảng, thứ 4 mới cảnh cáo, con thứ 3 khiển trách.

Ông Nguyễn Văn Tân cho hay, số con trung bình của phụ nữ tuổi sinh đẻ đã giảm các năm qua, hiện ở mức 2,09 con và duy trì hơn 10 năm qua. Riêng khu vực Đông Nam bộ số con trung bình hiện rất thấp (1,7 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ); TP.HCM thấp nhất nước với 1,4 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ; Cao nhất thuộc về khu vực trung du và miền núi phía bắc (2,69 con). Tại Hà Nội, số con trung bình là 2,1 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ. Dự báo năm 2017 dân số nước ta khoảng 93,4 triệu người. (Thanh niên, trang 4)

 

Ngộ độc thức ăn đường phố: Rước bệnh vào thân vì quá dễ dãi

Tại nhiều địa điểm kinh doanh, thức ăn đường phố không phải mang đi xét nghiệm mà có thể nhìn rõ bằng mắt, ngửi bằng mũi đã nhận thấy thực phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đông khách.

Điều này cho thấy người tiêu dùng quá dễ dãi với an toàn thực phẩm (ATTP). Hà Nội hiện có khoảng 20% số cơ sở không đảm bảo ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Gần 20% cơ sở bán thức ăn đường phố ở Hà Nội không an toàn

TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là quản lý ATTP tại các cơ sở này không hề dễ dàng. Theo thống kê của Cục ATTP, năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố, nhiều nơi xảy ra 2 - 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn.

Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 26.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín), 5.218 cơ sở thức ăn đường phố. Hàng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chí ATTP trên 80%, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt.

Vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị, dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa kể đến việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị...

Từ thực tiễn, ông Tụ thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố, nguyên nhân là do số cơ sở lớn, luôn di biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... Những nơi này có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo điều kiện ATTP nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, theo ông Tụ, một số địa phương chưa quan tâm thường xuyên, còn nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm. Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Nhìn đã thấy thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn... đông khách

Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, TS. Lâm Quốc Hùng cho rằng, rất khó có thể kiểm soát được một cách triệt để thức ăn đường phố. Nguyên nhân đến từ tính thiếu tự giác, làm ăn gian dối của một số cơ sở kinh doanh cũng như sự dễ dãi, đồng tình với nguy cơ mất ATTP của người tiêu dùng.

“Thậm chí, tại nhiều địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không phải mang đi xét nghiệm mà có thể nhìn rõ bằng mắt, ngửi bằng mũi đã nhận thấy thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn đông khách. Có cầu ắt có cung, như vậy khiến cơ quan chức năng có dẹp đến mấy cũng khó. Hơn nữa những cơ sở trên thường hoạt động ngoài giờ hành chính, cơ quan chức năng có theo dõi 24/24 giờ cũng khó có thể kiểm soát triệt để” - TS. Lâm Quốc Hùng nói.

Ông Lâm Quốc Hùng cũng cho biết thêm, hiệu lực quản lý thức ăn đường phố các cấp quận huyện còn chưa thường xuyên, chưa cao, chỉ khi nào UBND vào cuộc một cách quyết liệt, triệt để các cơ sở mới không thể làm ăn dối trá. Bởi chính chính quyền nắm rõ trong tay từng cơ sở một.

Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tuần 1 lần, Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần... Tuy vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo ATTP cho Trạm Y tế phường nên dễ dẫn tới quá tải.

Mặt khác, thực tế có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ như quán trà sữa, cháo dinh dưỡng nhưng đứng tên công ty và do thành phố cấp giấy chứng nhận kinh doanh nên ở cấp xã phường, quận huyện khó vào kiểm tra kịp thời. Do vậy, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy kiến nghị thành phố Hà Nội cần hướng dẫn phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa. (Sức khỏe & Đời sống, trang 12)

 

Xua tan nỗi sợ... dùng trang phục người bệnh

Nhờ làm tốt công tác quản lý đồ vải bệnh viện, gần đây, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, thay vì nghi ngại, người bệnh đã cảm thấy thoải mái và chấp hành nghiêm chỉnh với quy định trang phục người bệnh.

Tâm lý chung của không ít người bệnh điều trị nội trú trong các bệnh viện, đó là cảm thấy không thoải mái khi phải sử dụng các đồ vải như quần áo, chăn, ga, gối, màn… do bệnh viện cung cấp. Họ nghi ngại quần áo bệnh viện thường không sạch, dễ bị lây nhiễm, thậm chí có người còn cảm thấy hãi khi tưởng tượng bộ quần áo này là của người vừa qua đời hay là đồ giặt chung với quần áo người bệnh mổ, dính máu mủ…

Xua tan nỗi sợ... dùng trang phục người bệnhQuần áo cấp phát đến tay người bệnh phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, là phẳng và được gấp gọn gàng, bọc trong túi nilon kín, không thấm nước, có dán nhãn ngày giặt, ghi kích cỡ cụ thể.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tiêu biểu như Bệnh viện Phổi Trung ương (BV) đã có sự quan tâm đầu tư, mở thêm dịch vụ và chú trọng quy trình cũng như công tác quản lý đồ vải bệnh viện nên chất lượng phục vụ đã ngày càng đáp ứng không chỉ sự hài lòng mà còn được đánh giá cao từ phía người bệnh.

Theo khảo sát mới nhất (tháng 5/2017) của Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) - BV cho thấy:  95,4% người bệnh rất hài lòng và hài lòng về chất lượng đồ vải do bệnh viện cung cấp; 100% đánh giá đồ vải đựng trong túi nilon là gọn gàng, phẳng; 98% đánh giá thái độ của nhân viên y tế cấp phát đồ vải là cởi mở, hòa nhã, đúng mực…

Anh Chu Minh Nhì - Trưởng khoa KSNK - BV cho biết: Việc thăm dò ý kiến người bệnh về công tác cung cấp đồ vải cho người bệnh được chúng tôi tiến hành hàng năm với mục đích nghe các ý kiến phản hồi từ phía người bệnh, nếu có chỗ nào chưa tốt mà người bệnh phản ánh đúng, chúng tôi sẽ dần hoàn thiện để nâng cao chất lượng phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Chẳng hạn trước kia, khi cấp phát quần áo người bệnh, chúng tôi thường đóng 4 - 5 chiếc áo và 4 - 5 chiếc quần vào một túi nilon, nay để thuận tiện cho người bệnh hơn, chúng tôi chỉ đóng một bộ quần áo vào một túi nilon và ghi kích cỡ, ngày giặt là cụ thể…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng ngày, BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng 750 - 800 người bệnh nội trú, mỗi tháng BV tiếp nhận 150 - 200 người bệnh phẫu thuật, việc xử lý số lượng đồ vải người bệnh đã qua sử dụng tương đối lớn, quá trình thu gom được thực hiện tại các khoa lâm sàng, đồ vải thông thường được thu gom vào túi vải buộc kín miệng và đồ vải nhiễm khuẩn được gom vào các túi nilon riêng biệt bên ngoài ghi “đồ vải nhiễm khuẩn” và được chuyên chở bằng các xe đẩy chuyên dụng của BV tập kết đến kho lưu giữ tạm thời để bàn giao cho đơn vị hợp đồng. Cũng như Bệnh viện Bạch Mai, quy trình xử lý khử khuẩn, giặt, là đồ vải người bệnh của BV được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Dịch vụ và Môi trường y tế (MESCO).

Về việc cấp phát đồ vải như quần áo người bệnh, trước kia được thực hiện 2 lần/tuần và khi cần thì hiện nay là cách nhật và khi cần theo nhu cầu đối với những bệnh nhân nặng, tiểu tiện không tự chủ… Nhìn chung, khi quần áo, vỏ chăn, ga, màn… được cấp phát đến tay người bệnh, chúng tôi phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, là phẳng và được gấp gọn gàng, bọc trong túi nilon kín, không thấm nước, có dán nhãn ngày giặt, ghi kích cỡ cụ thể (gồm 9 kích cỡ, 6 kích cỡ cho bệnh nhi và 3 cho người lớn)… Chính những điều này đã làm thay đổi tâm lý của người bệnh, giúp họ dần vơi đi nỗi sợ hãi và cảm thấy tin tưởng, thoải mái khi sử dụng các trang phục của người bệnh - anh Nhì chia sẻ.

Được biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh và người nhà, BV còn có nhiều dịch vụ xã hội khác như: từ ngày 18/7/2016, BV đã triển khai thêm dịch vụ giặt, là đồ vải cá nhân của người bệnh và người nhà người bệnh, việc thu phí dịch vụ được tiến hành theo quy định của BV và có hỗ trợ như không thu phí đối với những người bệnh nghèo, có xác nhận của trưởng khoa hay giảm một nửa phí dịch vụ đối với những bệnh nhi và người nhà của bệnh nhi... (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang