Hơn 800 ĐVTN hiến máu Chủ nhật đỏ
Ngày 8/1, anh Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ - Trưởng Ban tổ chức Ngày Chủ nhật đỏ tại Cần Thơ cho biết, đến nay đã có hơn 800 ĐVTN đăng ký hiến máu ở Ngày hội Chủ nhật đỏ đầy ý nghĩa do báo Tiền Phong tổ chức. Cụ thể, Ngày Chủ nhật đỏ ở Cần Thơ sẽ diễn ra vào ngày 16/1 tại trường Cao đẳng y tế Cần Thơ, dự kiến thu 200 đơn vị máu và ngày 17/1 chính thức khai mạc tại Nhà văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều, dự kiến thu 600 đơn vị máu. Cùng ngày 8/1, Đoàn trường đại học Cần Thơ tổ chức tuyên dương 319 cá nhân có thành xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Năm 2015, Ngày hội Chủ nhật đỏ do báo Tiền Phong tổ chức tại trường Đại học Cần Thơ đã thu được 388 đơn vị máu.
Sau lễ, hơn 400 ĐVTN của trường tham gia hiến máu tình nguyện. Kết quả, thu được 345 đơn vị máu. “Đây là lần thứ 3 phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức hiến máu tình nguyện vào dịp Tết đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu nguồn máu xảy ra trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng đến ĐVTN có đủ sức khỏe tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và tạo nét đẹp văn hóa hiến máu cứu người nhân dịp năm mới”, Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ chia sẻ (Tiền phong trang 7).
Chất lượng bệnh viện: Cần cơ quan độc lập đánh giá
Ngày 8/1, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện năm 2015, đồng thời đưa ra chương trình hành động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh năm 2016. Theo đó, có một tổ chức độc lập để có thể đánh giá đúng chất lượng bệnh viện là mong muốn của ngành y tế cũng như định hướng của Chính phủ trong tương lai.
Chưa bệnh viện nào hoàn thiện
Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng 93 bệnh viện trên địa bàn thành phố trong năm 2015 cho kết quả 10 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (tính theo thang điểm 5), trong đó có 2 bệnh viện tư nhân. Theo Sở Y tế, kết quả này phản ánh đúng nỗ lực của các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nếu như năm 2014 chỉ có 1 bệnh viện đạt điểm trên 4, thì năm nay có đến 10 đơn vị. Đây là những bệnh viện xứng đáng để các bệnh viện khác tham quan, học tập về hoạt động chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực, lấy người bệnh làm trung tâm và luôn cải tiến chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, sở nhắc nhở Ban Giám đốc 31 bệnh viện chỉ đạt điểm dưới 3, trong đó có 7 bệnh viện công.
Ngoài ra, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh trong năm qua cho thấy, điểm của bệnh viện tư cao hơn bệnh viện công. Trong 8 nhóm tiêu chí khảo sát, bệnh nhân dành điểm hài lòng thấp nhất cho thời gian chờ, cảnh quan, vệ sinh, an ninh trật tự trong các bệnh viện.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sở đã chủ động thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh. Đây là hội đồng đầu tiên trên cả nước, vì theo Thông tư 19 của Bộ Y tế, chỉ cần thành lập hội đồng của bệnh viện. “Do thành phố hiện có rất nhiều bệnh viện, mỗi bệnh viện đều nỗ lực triển khai những hoạt động để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, nếu xét từng cái một, thì chưa bệnh viện nào hoàn thiện đầy đủ hết các yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh. Chúng tôi chủ động thành lập hội đồng thuộc sở và mời thành viên nhiều nhiệt huyết, kinh nghiệm từ các bệnh viện tham gia vào”, ông Thượng nói.
Cần cơ quan đánh giá độc lập
Năm 2016 sẽ là năm đầu tiên Bộ Y tế công bố xếp hạng chất lượng cho các bệnh viện hạng 1 trên toàn quốc. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, ý nghĩa của việc này là giúp các bệnh viện tự nhìn lại thực trạng, xác định những vấn đề tồn tại, lựa chọn các vấn đề cấp bách và “những việc cần làm ngay” để nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng mong mỏi của người dân. Dự kiến năm nay sẽ áp dụng bổ sung thêm 20 tiêu chí mới cho phù hợp nhất thực tế bệnh viện tại Việt Nam, với quan điểm chủ đạo “lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”.
Vậy làm sao để đánh giá một bệnh viện đúng, đủ, công bằng? Trao đổi với Tiền Phong về vai trò của các đơn vị kiểm định độc lập trong việc đánh giá chất lượng bệnh viện, bác sĩ Thượng nói: “Đây là một xu thế của cả thế giới mà tôi nghĩ cũng sẽ là của Việt Nam trong tương lai. Bộ Y tế rất muốn và Chính phủ cũng định hướng”.
Theo ông Thượng, khi nhân lực đầy đủ, cần phải có một tổ chức độc lập trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện. “Khi đó kết quả đánh giá sẽ gắn liền với quyền lợi của bệnh viện. Ví dụ gắn liền với mức thu viện phí chẳng hạn. Nếu anh được đánh giá 100%, thì anh được thu 100% viện phí đưa ra, nếu được đánh giá đạt 80% thì chỉ thu 80% thôi”, ông nói. Tổ chức này phải do Bộ Y tế công nhận và TPHCM khẳng định khi nào bộ triển khai, thành phố sẽ ủng hộ lập tức. Tại hội nghị, Sở Y tế thành phố đã phát động giải thưởng Chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện với các tiêu chí bình chọn như tăng sự hài lòng người bệnh, giảm nguy cơ tai biến điều trị, rút ngắn thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả điều trị (Tiền phong trang 10, Tuổi trẻ trang 5).
Bệnh viện Bạch Mai: Ngừng thử nghiệm tái chế rác thải nguy hại
Chiều 8/1, Ban Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tổ chức họp báo giải đáp thắc mắc xung quanh việc kiểm soát và xử lý rác thải tại BV này. Chủ trì cuộc họp báo là 2 Phó Giám đốc BV Bạch Mai, GS.TS Ngô Quý Châu và ông Nguyễn Ngọc Hiền cùng PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. GS.TS Ngô Quý Châu thông tin, ngay sau báo chí phản ánh, sáng 8/1 Giám đốc BV Bạch Mai đã yêu cầu ngừng ngay các hoạt động hấp, sơ chế rác thải tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời BV này cũng khẳng định, không tuồn rác thải nguy hại ra ngoài môi trường.
GS Châu nhấn mạnh: “BV không có chủ trương cho làm những việc như vậy. Những việc làm chưa đúng phải được chấn chỉnh một cách nghiêm túc. Cá nhân nào chưa đúng sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc”. GS Châu thừa nhận, đây là bài học rất lớn để BV chấn chỉnh lại công tác quản lý rác thải nói riêng và quản lý trong BV nói chung. Lý giải về việc trong số 800 kg rác thải nguy hại mỗi ngày mà BV Bạch Mai thu gom từ các khoa bệnh, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn giữ lại vài chục kg mỗi ngày, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Đây là số rác thải dùng để thực hiện xử lý chất nguy hại nằm trong nghiên cứu khoa học của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang làm từ vài tháng nay bằng công nghệ lò hấp tiệt trùng. Kết quả ban đầu cho thấy, sau khi được sấy hấp tiệt trùng 30 mẻ rác thải y tế nguy hại không phát hiện vi khuẩn còn trong rác thải này nên bán cho các cơ sở tái chế. Vì thế không có chuyện chúng tôi tuồn rác thải nguy hại ra bên ngoài”.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định: “Nghiên cứu này chưa được hội đồng khoa học BV thông qua. BV Bạch Mai có quy trình kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu phân loại, cô lập, vận chuyển. Tôi là người trực tiếp hàng tháng họp 1 lần để kiểm điểm việc này. Với phân loại, đơn vị nào phân loại sai thì khoa đó bị phạt tiền. Còn đơn vị nào để rác thải nguy hại thẩm lậu ra môi trường thì sẽ chịu hình thức kỷ luật cao nhất”.
Vẫn theo ông Hiền, lãnh đạo BV đã giao khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn kiểm tra, giám sát phân loại, xử lý thì trách nhiệm này thuộc về khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Ban Giám đốc sẽ xem xét sai phạm đến đâu kỷ luật cá nhân, tập thể đến đó.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Trong quá trình thực hiện thử nghiệm, nhân viên phải làm biến dạng bơm kim tiêm, dây truyền, bình nhựa để đưa vào hấp tiệt trùng... Có thể lúc báo chí phản ánh là lúc nhân viên đã làm sai quy trình. Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với Ban Giám đốc BV và với ngành y tế về sai phạm này”. Được biết tổng số rác thải của BV Bạch Mai mỗi ngày khoảng 5,7 tấn. Trong đó rác thải thông thường khoảng hơn 4,5 tấn. Rác thải được phép tái chế theo quy định của Bộ Y tế khoảng 300 kg, rác thải nguy hại khoảng 800 kg (Tiền phong trang 10).
Học sinh... tăng huyết áp
Đột quỵ vì tăng huyết áp không còn là bệnh của người lớn mà ngày càng phổ biến trong độ tuổi học sinh khi tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tăng cao. Theo số liệu công bố năm 2015 của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, trong khi trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì chiếm 21,9% thì độ tuổi THCS và THPT là 33,5%; tiểu học lên đến 51,8%.
Nhiều biến chứng từ béo phì
Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: “Hằng năm khoa tiếp nhận rất nhiều học sinh (HS) tới khám và điều trị béo phì. Đa số phụ huynh khi thấy con có những biểu hiện bất thường như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, suyễn... đưa tới bệnh viện khám thì phát hiện thêm béo phì và những biến chứng như rối loạn mỡ máu, cao huyết áp...”.
Bác sĩ Tín khẳng định hầu hết HS được đưa tới khám thì đã bị béo phì độ 2. Việc phát hiện muộn ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị vì ở giai đoạn này béo phì sẽ có những biến chứng ảnh hưởng đến xương khớp, làm dậy thì sớm, u nang buồng trứng (ở nữ), rối loạn mỡ máu. Thậm chí, có thể làm xuất hiện hội chứng u giả não làm cho trẻ đau đầu thường xuyên... ảnh hưởng rất lớn tới việc học.
Cũng theo điều tra của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, tỷ lệ cao huyết áp ở HS tiểu học là 13,4%, THCS 16,9%, THPT 19,1%; trong đó ở nam nhiều hơn nữ. Hầu hết các bác sĩ cho biết cao huyết áp là bệnh lý có thể trở thành bệnh mãn tính và thường xuất hiện ở người già. Khi HS bị cao huyết áp thường là biến chứng của bệnh béo phì trước đó. Bệnh trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hệ thận niệu, gây mệt mỏi, nhức đầu, tăng hoạt động của hệ cơ tim gây ảnh hưởng lâu dài và có nguy cơ bị xơ vữa động mạch dẫn tới đột quỵ.
Phải cứu lấy con em mình
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết tỷ lệ HS thừa cân béo phì liên tục tăng trong khoảng 15 năm trở lại đây. Bác sĩ Diệp chia sẻ: “Hầu hết phụ huynh đều thích con mình mũm mĩm nên khi thấy con hao hao là lo thúc ăn nhiều. Thậm chí, có phụ huynh còn đưa con tới bệnh viện, trung tâm để khám vì sợ thiếu dinh dưỡng, nhưng sau khi kiểm tra thì đã ở mức thừa cân”.
Trong khi trẻ cần những bữa ăn gia đình để cân bằng dinh dưỡng thì phụ huynh lại không có thời gian dành cho con. Mặt khác, HS quá bận rộn với việc học nên không có thời gian để tập thể dục và thường ăn các loại thức ăn nhanh như pizza, gà rán… Việc trẻ hấp thụ thức ăn công nghiệp với dư chất lớn và sinh hoạt theo xu hướng dinh dưỡng, vận động không có lợi như ăn nhanh, ngồi nhiều, chơi điện thoại thông minh nhiều... cũng là nguyên nhân dẫn tới béo phì.
Bác sĩ Tín cho biết các vấn đề dinh dưỡng nói trên cũng đến từ việc thiếu kiến thức về dinh dưỡng và vận động hợp lý. Ngoài ra, do tâm lý trẻ càng béo phì thì càng sợ hoạt động nên trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn: lên cân thì lười hoạt động, lười hoạt động thì lại tăng cân… Hậu quả là trẻ khi đã tăng cân thì cứ tăng cân hoài; khi béo phì, tập thể dục trẻ cảm thấy bị đau cơ, mệt mỏi dẫn đến càng lười hoạt động.
Theo bác sĩ Tín, để trẻ có những thói quen tốt cần phải thay đổi lối sống, hành vi của những người cùng sống, cùng sinh hoạt. “Khi nói trẻ không ăn đồ ngọt thì trong nhà không nên để nhiều đồ ngọt, hạn chế mua thức uống có ga. Nói trẻ không xem ti vi thì mọi người nên cùng thực hiện… Bên cạnh đó, nhà trường và xã hội cũng cần tạo ra những sân chơi, những nơi hoạt động thể lực thể dục, thể thao miễn phí, có chương trình cho học sinh. Trường học nên tăng cường những môn học ngoại khóa, phải có sân chơi. Áp lực học hành cần được giảm bớt, nhà trường phải sắp xếp lại chương trình học để giảm tải cho HS, đồng thời tăng những môn hoạt động thể lực”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Bác sĩ Diệp cũng đề nghị ngành giáo dục cần rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định cụ thể trong vận động, dinh dưỡng. Trong trường cần có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì ở HS. Mục tiêu là phát hiện sớm để báo gia đình phối hợp cùng với nhà trường theo dõi, đánh giá, khống chế tình trạng thừa cân béo phì trước khi có những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó trường học cũng cần sửa đổi và xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp. Cần rà soát xem căn tin nên bán và không bán những gì (Lao động trang 11).