Thêm 3.000 đơn vị máu trong 3 ngày phát động
Sau 3 ngày gửi đi thông điệp thiếu trầm trọng máu cho điều trị, đặc biệt là nhóm máu O, đến ngày 8-1, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đạt gần 10.000 đơn vị (9.814 đơn vị), trong đó máu nhóm O là 3.500 đơn vị, chiếm 35,6%. Như vậy, tỷ lệ máu nhóm O trong ngân hàng máu đã tăng lên 16,9 so với ngày 4-1 chỉ là 1.295 đơn vị, chiếm 18,7%.
Chiều 8-1, đại diện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, lượng máu nhóm O tiếp nhận được tăng lên nhanh chóng chính là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của cả cộng đồng. 3 ngày qua tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mỗi ngày đều có hàng trăm người dân sẵn sàng xếp hàng chờ đợi để hiến máu. Rất nhiều người từ cán bộ, viên chức, đến người lao động… ; bên cạnh các bạn trẻ còn có cả các cô bác đã cao tuổi đều cùng đến sẻ chia dòng máu cho người bệnh.
Trước tình trạng thiếu nhóm máu O, các cán bộ, nhân viên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã tích cực hiến máu cho chính người bệnh của mình, đồng thời kêu gọi người thân, cộng đồng cùng chung tay khắc phục tình trạnh thiếu máu cho người bệnh. Đặc biệt, không chỉ làm tốt công tác truyền thông, kêu gọi cộng đồng hiến máu mà nhiều nhà báo còn tham gia hiến máu với tinh thần "Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”.
Mặc dù lượng máu đã tăng lên, nhưng nhu cầu máu cho điều trị vẫn còn rất lớn, nhất là kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài sẽ khiến hoạt động hiến máu tạm thời gián đoạn trong một thời gian khá lâu, trong khi người bệnh vẫn phải điều trị và nhu cầu máu phục vụ cấp cứu dự kiến còn tăng cao do tình hình tai nạn giao thông, tai nạn lao động trong những ngày này thường cao hơn.
Vì thế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vẫn tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức và nhất là những người nhóm máu O đủ điều kiện sức khỏe hãy tiếp tục tham gia hiến máu. (Công an Nhân dân, trang 1)
Chuyển công tác bác sĩ chẩn đoán sai thai chết lưu
Trước vụ việc gia đình một thai phụ tố bác sĩ Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Giang, Hà Nội khẳng định thai nhi chết lưu và đã chỉ định hút thai, nhưng khi sang BV khác khám thì thai nhi vẫn phát triển bình thường, chiều ngày 8-1, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo BVĐK Đức Giang xác minh và báo cáo nhgay về diễn biến trưởng hợp của thai phụ này, cung cấp thông tin trung thực cho gia đình bệnh nhân và cơ quan truyền thông, đồng thời giải quyết dứt điểm thông tin về trường hợp nêu trên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ en tại BV, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ trong khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Sở Y tế Hà Nội phải báo cáo tình hình và việc giải quyết vụ việc trước ngày 10-1.
Cũng trong ngày 8-1 bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK Đức Giang điều chuyển công tác đối với bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, người trực tiếp khám, chẩn đoán và chỉ định thai phụ đi hút thai.
Theo bà Hà, Sở Y tế điều chuyển hẳn bác sĩ này sang Phòng Kế hoạch tổng hợp với công việc cụ thể là làm sổ sách, giấy tờ chứ không được trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Quan điểm của Sở Y tế là phải làm đến nơi, đến chốn trường hợp này, cũng để cảnh báo tất cả các cán bộ y tế khác thuộc Sở Y tế Hà Nội trong việc thực hiện chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao. Bởi việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bác sĩ, mà đến còn cả ngành y tế nên Sở Y tế phải làm nghiêm túc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, với những ca bệnh khó, bác sĩ phải tiến hành hội chẩn hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Bởi khi chưa tiên lượng, chẩn đoán ngay được thì bác sĩ tuyến dưới phải xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, thay vì vội vàng đưa ra kết luận chuyên môn vì sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc BVĐK Đức Giang cũng cho biết đã nhận được chỉ đạo từ Sở Y tế và ngay trong sáng 8-1, lãnh đạo BV đã tổ chức họp về việc điều chuyển công việc với bác sĩ Nguyễn Văn Tiến. Trước đó, sau khi có thông tin về vụ việc, lãnh BVĐK Đức Giang đã yêu cầu các bác sĩ liên quan viết tường trình, để xem xét toàn bộ quy trình và xử lý sai phạm nếu có.
Vụ việc xảy ra vào ngày 4-1, chị Nguyễn Thị Thanh Mai (27 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) mang thai 7 tuần, bị ra máu nên đến khám ở BVĐK Đức Giang. Tại đây, chị Mai được bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khám và kết luận thai lưu, rồi chỉ định chị Mai phải làm thủ thuật hút thai. Vì theo kết quả xét nghiệm là thai chắc chắn đã chết lưu, không có tim thai.
Nghe tin, chồng chị Mai đến xin cho vợ chuyển viện, nhưng bác sĩ khẳng định thai đã chết lưu không cần chuyển viện. Chồng chị Mai vẫn nhất quyết đưa vợ sang BV Phụ sản Hà Nội kiểm tra, nên viết giấy xin ra viện và cam đoan tự chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra. Ở BV Phụ sản Hà Nội, chị Mai được kiểm tra lại và kết quả là thai nhi bình thường, chỉ hơi bị động thai nên bác sĩ kê đơn thuốc về nhà vừa uống, vừa nghỉ ngơi theo dõi, hẹn 2 tuần sau đến khám lại.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Mai quay lại BVĐK Đức Giang để trả viện phí và hỏi rõ vấn đề, tuy nhiên ban đầu bác sĩ vẫn không nhận trách nhiệm, chỉ khi có giấy tờ chứng minh, bác sĩ mới xin lỗi gia đình. (Công an Nhân dân, trang 7)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Luân chuyển bác sĩ Bệnh viện Đức Giang đình chỉ sai khiến thai phụ suýt mất con”; Hà Nội mới, trang 7: “Cho thôi làm công tác chuyên môn với bác sĩ chẩn đoán nhầm cho thai phụ”
Ngân hàng máu cạn kiệt, nhiều người tình nguyện hiến máu
Mặc dù đã đến lịch hẹn vào viện để được truyền máu, thải sắt theo định kỳ do bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) nhưng những ngày qua, hàng trăm bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vẫn không được truyền do lượng máu O lưu trữ tại kho đã cạn kiệt.
Bệnh nhân xanh xao vì không có máu truyền
Có mặt tại Khoa Thalassemia - tan máu bẩm sinh của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chúng tôi chứng kiến hình ảnh hàng trăm bệnh nhân với khuôn mặt xanh xao mệt mỏi do căn bệnh tan máu quái ác đang ngóng chờ các bác sĩ đọc tên để được truyền máu mà không khỏi thắt lòng.
Trò chuyện với anh Giàng Seo Chính, người dân tộc Mông (Hà Giang) đang thẫn thờ ôm con nhỏ bên giường bệnh, chúng tôi được biết, con trai anh bị mắc bệnh thiếu máu từ khi 8 tháng tuổi cho đến giờ đã được 6 năm.
Khi mới sinh ra, Giàng Seo An cũng như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng đến tháng thứ năm, gia đình thấy An xanh xao, nhợt nhạt và hay quấy, đưa xuống bệnh viện tỉnh thì các bác sĩ kết luận bé bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh do di truyền từ bố mẹ và để điều trị tốt nhất thì chỉ có chuyển bé tới Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương…
Cứ vậy đằng đẵng 6 năm nay, mỗi tháng gia đình lại đưa cháu xuống Hà Nội để điều trị. Anh Chính chia sẻ: “Cũng không biết khi nào cháu được truyền máu để được về, chờ đợi mỗi ngày ở đây mọi chi phí tốn kém lắm nhưng vẫn phải đợi vì nếu về, tiền xe đi lại còn tốn kém hơn… Các bác sĩ cũng khuyên đợi thêm 1, 2 ngày nữa vì rất nhiều người đang hiến máu rồi”.
Cũng bị bệnh như như Giàng Seo An, chị Quàng Thị Mây 30 tuổi, dân tộc Thái (Điện Biên) cũng đang chờ từng đơn vị máu để có thể trở về nhà. Chị Mây buồn bã cho biết, chị phát hiện ra mình bị bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 12 tuổi, 18 năm nay là quãng thời gian chị coi bệnh viện như nhà của mình.
Mọi lần xuống theo lịch hẹn, chị được truyền máu luôn nên người đỡ mệt mỏi, nhưng những ngày qua, do bệnh viện khan hiếm nhóm máu O nên vẫn chưa có máu truyền… “Hồi nhỏ, nhu cầu cơ thể cần máu không nhiều, mỗi lần chỉ truyền khoảng 350ml là đủ nhưng bây giờ, mỗi lần truyền phải gấp đôi như vậy… nhưng cũng chỉ trụ được 15 ngày là lại phải xuống đây” - chị Mây nói.
Những chia sẻ từ cộng đồng
Theo Ts Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tình trạng thiếu máu như thế này thường xảy ra vào các dịp hè và cuối năm nhưng năm nay tình trạng thiếu máu, đặc biệt là nhóm máu O thiếu trầm trọng khiến công tác điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều ảnh hưởng.
Ts Bạch Quốc Khánh cho biết, hiện nay, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Riêng nhóm máu O phải cần tối thiểu 45% tổng lượng máu, tương đương gần 700 đơn vị máu mỗi ngày, trong khi đó ở Khoa Lưu trữ và phân phối máu của viện, tính đến ngày 7-1 chỉ còn 8.153 đơn vị máu, trong đó nhóm máu O chỉ còn 2.154 đơn vị, chiếm 26% tổng dự trữ.
“Những đơn vị máu thiện nguyện là những giọt máu đào quý giá. Hy vọng ngày mai, ngày kia, và những ngày sau nữa, chúng tôi sẽ liên tục được đón tiếp những tấm lòng thiện nguyện dành cho bệnh nhân. Tôi cũng phải xin gửi lời xin lỗi của mình tới tất cả các bệnh nhân cần truyền máu mà chúng tôi đã không đáp ứng được đầy đủ và kịp thời. Tôi xin lỗi vì đã không hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Mong các bệnh nhân và cộng đồng lượng thứ”
Sau khi thông điệp kêu gọi cộng đồng hiến máu cứu người được chia sẻ, hàng trăm người dân đã tìm đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương làm thủ tục hiến máu. Có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bác Phan Văn Đôi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi biết bệnh viện đang cần máu để cứu chữa cho các bệnh nhân, bác đã cùng người thân đến xét nghiệm để hiến máu.
Sau khi làm các thủ tục cần thiết, bác Đôi xúc động chia sẻ: “Tôi đọc báo nên biết tình trạng khan hiếm máu, may mà tôi đạt tiêu chuẩn cho máu… chỉ sợ không đạt chuẩn vì mỡ máu hay huyết áp cao. Nhìn những cháu bé chỉ bằng tuổi cháu mình không may mắc phải căn bệnh này đang ngày ngày ngóng chờ có máu để truyền, tôi không kìm được lòng mình”.
Nhờ những lời chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng và cộng đồng mạng 3 ngày qua, số lượng người hiến máu tăng lên, đồng nghĩa với việc lượng máu dự trữ cần thiết tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang dần được bổ sung để đáp ứng cho hàng nghìn bệnh nhân. Ts Bạch Quốc Khánh hy vọng sẽ tiếp tục được đón tiếp những tấm lòng thiện nguyện dành cho bệnh nhân bởi những đơn vị máu thiện nguyện lúc này là những giọt máu đào quý giá, nhân lên việc làm ý nghĩa và nghĩa cử tốt đẹp trong cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 2: “Dòng máu nghĩa tình”; Tuổi trẻ trang 4: “Xếp hàng hiến nhóm máu O”
Tiết kiệm trên 27 triệu ngày công nhờ giảm thời gian chờ khám bệnh
Bộ Y tế cho biết, thực hiện đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2015-2017, đến nay thời gian khám bệnh đã giảm trung bình 48,5 phút/ 1 lượt khám, tiết kiệm được 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra như: Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh; Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình…
Kết quả đạt được nhờ triển khai thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2015-2017 là khá tích cực. Cụ thể, ở khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.
Tương tự, ở khu vực điều trị nội trú, tình trạng quá tải cũng đang từng bước được khống chế. Đến nay, 37/39 bệnh viện tuyến trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24-48 giờ kể từ khi nhập viện. Nếu như năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến trung ương là 58%, tuyến tuyến tỉnh là 47% thì sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép chỉ chiếm 16,7% ở tuyến trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.
Đồng thời, nhờ phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên trung ương giai đoạn vừa qua đã giảm từ 73-99% theo các chuyên khoa. Cụ thể: Chuyên khoa tim mạch có tỷ lệ chuyển tuyến giảm tới 98,5%; bệnh nhân ung thư chuyển tuyến giảm tới 97%; ngoại khoa giảm tới 98,5%; sản khoa giảm tới 99%; nhi khoa giảm tới 73%...
Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình trạng quá tải bệnh viện nhìn chung có giảm song số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn.
Đặc biệt, số giường bệnh thực kê tăng nhanh nhưng không song hành với tăng nhân lực để đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng tương ứng với nhu cầu điều trị tăng. Do Bộ Y tế chỉ đạo tránh nằm ghép nên các bệnh viện buộc phải tận dụng không gian còn trống để kê thêm giường bệnh. Thực tế trong thời gian qua có nhiều bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang, hội trường, dồn phòng làm việc của nhân viên…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện với một số chỉ số cơ bản như sau:
Năm 2018: 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện; 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia trong Đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương…( An ninh Thủ đô, trang 6)
Nữ sinh Hà Nội nghiện facebook nặng tới mức hoang tưởng, phải vào viện tâm thần
Một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội nghiện facebook nặng đến mức nửa đêm vẫn trốn vào nhà vệ sinh ngồi lướt mạng, tính nết thay đổi bất thường, bố mẹ cô gái thậm chí phải “đánh thuốc mê” để đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trịTheo bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trường hợp nữ bệnh nhân kể trên nhập viện với chẩn đoán trầm cảm nặng, cấp tính do nghiện mạng xã hội.
Người nhà bệnh nhân cho biết họ phát hiện những dấu hiệu bất bình thường của con gái từ 4 tháng nay. Con gái họ không còn là học sinh giỏi chăm ngoan, mà thay đổi tính nết bất thường, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, lực học giảm sút. Thậm chí nhiều khi đến bữa ăn cũng bỏ bữa, trốn học ở nhà ôm điện thoại hoặc thường xuyên thức đêm đến 2-3h sáng, chui nhà vệ sinh tắt đèn chỉ để lướt mạng…
Khuyên bảo không được, bố mẹ cô gái đành phải cắt mạng internet, không ngờ bị con gái phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc trong nhà, cáu bẳn, mắng cả bố mẹ. Bố mẹ cô gái mời bác sĩ tâm lý đến nhà nhưng bất thành vì con không hợp tác, cho rằng mình không bệnh, bất đắc dĩ đành đánh thuốc mê để đưa con gái đến bệnh viện tâm thần.
Đáng chú ý, những trường hợp nghiện facebook nặng đến mức trầm cảm, phải vào viện tâm thần điều trị như cô gái 18 tuổi kể trên đang ngày càng gia tăng nhanh, nhất là ở nhóm nữ sinh trẻ tuổi.
Trước đó chưa lâu, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai từng phải tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin cảnh báo về sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện do nguyên nhân nghiện mạng xã hội.
Điển hình như trường hợp một nữ sinh 16 tuổi ở Hà Nội, do nghiện facebook nặng đến mức bỏ bê mọi việc, lướt mạng suốt ngày đêm, sau khi bị bố mẹ có hành động cấm đoán thì bất ngờ lên cơn co giật, xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, trong đầu luôn nghe như có ai đó nói vọng lại rằng “mày phải chơi facebook đi, lúc thì thấy tiếng nói của đàn ông, lúc thì thấy tiếng nói của đàn bà”… Phải mất một thời gian điều trị ở viện tâm thần, nữ sinh này mới dần ổn định lại và cai nghiện được facebook.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, ngày càng nhiều người trẻ ngày đêm cắm cúi nhìn và điện thoại vì nghiện mạng xã hội, thậm chí gây ảo giác, phản ứng tiêu cực khi bị ngăn chặn không cho sử dụng facebook. Qua khai thác tiền sử các bệnh nhân, hầu hết đều sử dụng facebook từ 4 – 5 tiếng/ngày.
TS Nguyễn Doãn Phương khuyến cáo, dấu hiệu của người nghiện facebook đến mức trầm cảm phải điều trị ngay gồm: đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook mà không thành công; cảm thấy một sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều; trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng fcebook; sử dụng facebook nhiều đến nỗi đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập…
Khi có những dấu hiệu như vậy, tốt nhất hãy nên đến viện khám ngay bởi nghiện facebook gây nên nhiều rối loạn cho cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, học tập và công việc. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Một nữ sinh nghiện Facebook nhập viện”
Bệnh thủy đậu vào mùa tấn công trẻ nhỏ
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo hiện là thời điểm có khả năng bùng phát bệnh thủy đậu nếu không được phòng tránh đúng cách. Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho nhiều trẻ mắc thủy đậu, có bé chỉ mới 1,5 tháng tuổi.
Bé N.X.G.B (1,5 tháng tuổi) nằm ngủ li bì, trên mặt và đầu mọc chi chít cả trăm nốt thủy đậu bôi thuốc xanh lè. Chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu, cơ thể còn non nớt nên hệ miễn dịch của bé rất yếu nên bị lây bệnh từ chị gái mới 2 tuổi. Trước đó, chị gái của bệnh nhi chơi với 3 người em họ từ 1-5 tuổi bị thủy đậu nên lây bệnh. Không chỉ bé G.B nhiễm virus thủy đậu từ chị gái mà chị N.T.H (25 tuổi), mẹ của 2 bé, người chưa từng tiêm vắc-xin phòng thủy đậu cũng bị lây bệnh từ con mình. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết do không biết cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu nên chị H. đã vô tình làm vỡ những nốt thủy đậu trên người bé G.B dẫn đến bệnh nhi bị bội nhiễm, tình trạng bệnh khá nặng.
Cùng phòng bệnh nhân G.B còn 3 bé khác từ 1-6 tuổi cũng bị bệnh này đang được điều trị tích cực. Tất cả những trẻ này đều lây bệnh từ lớp học. Chị Mai Thanh, mẹ bệnh nhân H.T (6 tuổi) cho biết, con chị được tiêm vắc-xin từ khi 2 tuổi nhưng đến nay lại mắc bệnh.
Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Theo ông Phu, năm 2017 cả nước ghi nhận gần 39.000 ca mắc (tăng 45,9% so với 2016. Các chuyên gia dịch tễ nhận định, bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 1, tăng mạnh, đỉnh điểm vào tháng 3 với khoảng 8.000 ca mắc, rồi giảm dần. Các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca mắc.
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Bác sĩ Hải cho hay, tuy đây là một bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm và chăm sóc chu đáo, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.
Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra không hiếm. Cụ thể, sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh.
Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này. Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là tiêm vắc-xin. (Tiền phong, trang 4)
47 công nhân đi cấp cứu sau bữa trưa
Ngày 8-1, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết đã tiếp nhận hàng chục công nhân thuộc Công ty TNHH Friwo Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hoà) nhập viện điều trị nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết khoảng 13h30, 47 công nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn…
Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thuốc bù điện giải, xét nghiệm chức năng gan, thận, cho thuốc điều trị triệu chứng.
Chị Trần Thị Minh (30 tuổi, công nhân Công ty TNHH Friwo Việt Nam) cho biết trước đó một số công nhân xưởng 2 chọn ăn trưa tại công ty với món chay gồm cơm, bầu, nấm xào…
Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cho biết đã cử đoàn xuống ghi nhận, lấy mẫu thức ăn đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân vụ việc.
Theo bác sĩ Hoàng, đến khoảng 16h cùng ngày, hầu hết công nhân đã ổn định và có thể ra về trong ngày. (Tuổi trẻ, trang 14)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “47 công nhân phải vào viện cấp cứu , nghi do ngộ độc sau ăn trưa”
Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án 'Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS' do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) tài trợ.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Dự án sẽ cung cấp các gói dịch vụ dự phòng HIV gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bơm kim tiêm, bao cao su, thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn cho các Nhóm chính trong ứng phó với HIV, đồng thời chuyển gửi các ca dương tính với HIV tới các cơ sở y tế để điều trị HIV bằng thuốc ARV và các đối tượng nghiện chích ma túy tới Chương trình Methadone tại 15 tỉnh của dự án.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020 tại 15 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn ODA không hoàn lại là gần 6,5 triệu USD, vốn đối ứng bằng hiện vật. (Hà Nội mới, trang 7)
Di hại nặng nề do “làm đẹp”
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, song có không ít trường hợp chấp nhận di chứng, thậm chí đánh đổi sinh mạng của mình để quyết “sửa sang” nhan sắc. Bên cạnh sự chủ quan của nạn nhân, đã có tình trạng những thẩm mỹ viện chui lừa khách hàng sử dụng các chất làm đẹp kém chất lượng.
Cơ thể biến dạng
Mới đây, chị N.T.Loan gửi đơn kiện bà H., chủ Thẩm mỹ viện Hà Anh (110/20/1 Bà Hom, quận 6, TPHCM) lên Tòa án nhân dân quận 6 vì cho rằng mình bị tiêm filler (chất làm đầy) nâng mũi khiến chị bị hỏng mắt trái, đồng thời đòi bồi thường hơn 360 triệu đồng. Sau đó, Phòng y tế quận 6 kiểm tra đột xuất và xử phạt cơ sở này 12,5 triệu đồng vì có sai phạm trong quá trình hoạt động. Theo lời kể của chị Loan, năm 2016, chị đến Thẩm mỹ viện Hà Anh đăng ký khóa học về nhấn mí, tiêm filler... Bà H. yêu cầu chị Loan đi mua 2 mũi filler về tiêm cho khách hàng. Tuy nhiên, một mũi trong số đó được bà H. tiêm “miễn phí” cho chị Loan với mục đích vừa có clip học, vừa được làm đẹp. Khi tiêm được nửa mũi thì chị bắt đầu có biểu hiện đau, choáng váng rồi gục ngã.
Bà H. liền gọi chồng đưa chị Loan đến bệnh viện gần nhà cấp cứu. Sau đó, chị được chuyển qua Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị. Chị Loan kể lại chẩn đoán của bác sĩ rằng trong lúc tiêm filler, bà H. để mũi kim đâm trúng động mạch ở mũi và chất này tràn vào mắt khiến chị đột quỵ, xuất huyết não… Trong hơn 1 năm sau đó, chị Loan đến nhiều bệnh viện để chữa trị, tuy nhiên các bác sĩ kết luận mắt chị bị teo nhãn cầu, mất thị lực mắt trái, viêm muống thể mi... không có cách nào chữa khỏi.
Hay như thông tin kèm hình ảnh về “tai nạn” trong quá trình làm đẹp của hot girl chuyển giới Linda (tên thật là Mai Kim Trí) sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người giật mình. Do sử dụng silicon kém chất lượng, gương mặt của Linda bị biến dạng đến 70%. Được biết đến là người đẹp chuyển giới, Linda từng trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tiêm silicon vào khuôn mặt để nữ tính hơn, nhưng khi “nạo silicon” ra khỏi gương mặt đã để lại di chứng. Dù Linda đã tiêm rất nhiều thuốc, thậm chí tìm đến cả những bác sĩ giỏi nhất trong nước nhưng vết thương bên trong vẫn chưa lành mà còn ứ dịch và sưng phù nhiều hơn.
Cần cảnh tỉnh
Theo GS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tiêm filler không rõ nguồn gốc hoặc kỹ thuật tiêm có vấn đề nên bị hoại tử da, bắt buộc phải rạch da xử lý để lại sẹo, mất thẩm mỹ. Biến chứng nguy hiểm nhất của việc tiêm silicon là gây thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi gây hôn mê, tử vong. Nếu đã tiêm silicon vào cơ thể thì không thể nạo được mà phải xử lý cắt bỏ silicon và cả mô lành xung quanh, gây nên tình trạng lồi lõm, phải tái tạo mô hay dùng túi độn đối với vùng ngực.
Qua tìm hiểu của phóng viên, nắm bắt tâm lý những người làm đẹp “ngại” nghe tên gọi silicon - một chất đã bị cấm sử dụng từ lâu, nên những thẩm mỹ viện chui đánh tráo tên gọi, tìm cách tư vấn cho khách hàng các chất như mỡ nhân tạo hoặc filler, trên thực tế chính là silicon. Nguy hiểm ở chỗ, các chất filler hay silicon lỏng đa phần là hàng trôi nổi, được các cơ sở thẩm mỹ mua với giá khoảng 2 - 3 triệu đồng/mũi nhưng khi tiêm cho khách thì lấy giá gấp 2 - 3 lần.
“Nhiều người không có trình độ và kiến thức về y tế vẫn nhận tiêm filler khiến khách hàng lãnh đủ hậu quả. Ngoài việc sử dụng filler không rõ nguồn gốc tại các cơ sở chui hoặc bác sĩ không có tay nghề, thì việc sử dụng filler cũng ẩn chứa đầy hiểm họa như làm liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng dùng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da và gây nên những biến chứng khó lường. Đáng sợ hơn, tiêm filler nhầm mạch máu sẽ gây mù mắt”, GS-TS-BS Đỗ Quang Hùng cảnh báo.
Còn theo BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, các cơ sở spa chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da. Các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn thì chỉ những phòng khám chuyên khoa về thẩm mỹ, da liễu mới được phép thực hiện. Do đó, người dân muốn làm đẹp nên tìm hiểu kỹ cơ sở có uy tín, có sự cấp phép của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế; không nên đến những nơi “làm chui”, “mổ lậu” và phải biết chất được bơm vào cơ thể mình là chất gì, có được công nhận hay không để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
“Bất kỳ cơ sở có giấy phép nào cũng có danh sách các sản phẩm làm đẹp được cấp giấy chứng nhận và người đi làm đẹp có quyền được biết mình sẽ phải sử dụng chất gì, tránh các trường hợp tai biến”, BS Quốc Khanh chia sẻ thêm. (Hà Nội mới, trang 7)