Dân số Việt 'già trước khi giàu'?
Dân số Việt Nam đang đối diện với thách thức "kép": là nước nằm trong nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm.
Làm sao để người cao tuổi... sống khỏe? Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông PHẠM CHÁNH TRUNG, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nói: "Chúng ta sẽ khó có thể thích nghi được với quá trình già hóa dân số nếu không có sự chuẩn bị phù hợp ngay từ bây giờ. Các nhà nhân khẩu học thường dùng một thuật ngữ đó là dân số của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "già trước khi giàu".
Ngoài mức sinh thấp, câu chuyện thời gian tới của TP.HCM sẽ là thích nghi như thế nào với "già hóa dân số".
Một người cao tuổi đối mặt ít nhất ba loại bệnh
* "Già hóa dân số" của TP.HCM đang ở mức độ nào, thưa ông?
- Già hóa dân số chịu tác động sâu sắc bởi mức sinh thấp, mức tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của TP.HCM khoảng trên 841.000 người, chiếm tỉ lệ 9,3 - 9,6% trên tổng cơ cấu dân số. Với tỉ lệ này, TP.HCM đã ngấp nghé tiến trình già hóa dân số (từ 10% là già hóa).
* Như số liệu vừa công bố, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,2 tuổi nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Như vậy có thể hiểu người cao tuổi có 12 năm sống trong bệnh tật?
- Không hẳn 12 năm này người cao tuổi sống trong bệnh tật. Nhưng số năm còn lại người cao tuổi phải sống với những thách thức khi đối mặt với vấn đề về mặt sức khỏe.
Các cuộc khảo sát cho thấy người cao tuổi cả nước và TP.HCM đang đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ về sức khỏe. Bình quân mỗi người mắc khoảng ba loại bệnh mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...), chưa kể tuổi tác cũng làm cho các chức năng của cơ thể suy giảm đáng kể.
Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm suy yếu khả năng tham gia các hoạt động xã hội, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi...
Hướng đến "già hóa thành công"
* Theo ông, người cao tuổi hiện nay cần gì?
- Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận rằng có trên 80% người ở độ tuổi trung niên mong muốn khi về già được sống ở nhà, cùng với gia đình và con cháu.
Còn với người cao tuổi, họ quan tâm ba điều là sống bao lâu, sống ở đâu, qua đời như thế nào? Và mong muốn của nhiều người là sống thọ, sống ở nhà, qua đời trong khỏe mạnh.
Như vậy, người làm chính sách phải tạo ra các mô hình sinh hoạt cho người cao tuổi thích nghi, chẳng hạn như mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng.
Cần truyền thông việc đón nhận tuổi già một cách vui vẻ. Họ cần được hỗ trợ để có kỹ năng tự chăm sóc, và nếu có thể, góp sức hỗ trợ người cùng tuổi bị suy giảm sức khỏe. Đây là những kỹ năng cần thiết giúp người cao tuổi bước vào giai đoạn "già hóa thành công".
* Cần làm gì để chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi, thưa ông?
- Hiện nay các bệnh viện đều tập trung phát triển chuyên ngành lão khoa. Như vậy, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi có thể nói là khá tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu.
Đề xuất này theo tôi là cần thiết nhưng chưa đủ. Song song việc này, cần bổ sung hướng tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật, tức làm sao hạn chế tối đa việc phải vào bệnh viện điều trị bằng các giải pháp chuẩn bị sức khỏe từ giai đoạn trước khi già. Đồng thời, có các biện pháp chăm sóc quản lý sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng.
* Biện pháp đó là gì, thưa ông?
- Hiện nay, một số mô hình chúng tôi đã xây dựng như câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi tại cộng đồng. Ở đó, người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn hỗ trợ cho người cao tuổi có sức khỏe yếu hơn từ vấn đề hỗ trợ thông tin, kiến thức đến chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang trong quá trình thí điểm mô hình Tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi già yếu, neo đơn. Với các trường hợp neo đơn không có khả năng tự chăm sóc, các tình nguyện viên sẽ định kỳ đến chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các sinh hoạt, trò chuyện, thăm hỏi...
Tại sao chúng ta có "nhà trẻ" mẫu giáo nhưng mô hình "nhà già" cho người cao tuổi hầu như còn rất hạn chế? Đây cũng chính là trăn trở và chúng tôi mong muốn xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày.
Với mô hình này, người cao tuổi sẽ được người nhà đưa đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí cùng những người bạn cùng tuổi vào ban ngày, được đón về vào buổi chiều tối. Tôi cho rằng đây là xu hướng trong tương lai, đòi hỏi sự chung tay từ các nguồn lực xã hội hóa (Tuổi trẻ, trang 14).
Bé gái 11 tuổi mắc bệnh hiếm, ca đầu tiên trên thế giới
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trung tâm U máu - cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa điều trị một trường hợp rất hiếm gặp.
Đây là trường hợp được báo cáo đầu tiên trên thế giới về mối liên quan giữa bệnh lắng đọng canxi ở da dạng như hạt kê, rụng tóc toàn phần và bệnh cường giáp ở bé gái T.T.N.A. (11 tuổi, ngụ ở Bình Phước) không mắc hội chứng Down.
Khi nhận được thông tin về ca bệnh hiếm gặp này, Viện hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ chấp thuận cho bác sĩ Hoàng Văn Minh báo cáo online tại hội nghị da liễu hằng năm vào tháng 3-2023.
Đây là hội nghị chuyên khoa da liễu lớn nhất trên thế giới, với sự tham dự của gần 20.000 bác sĩ đến từ gần 100 nước trên thế giới.
Theo người nhà bé kể lại, từ 2 tuổi bé bắt đầu bị rụng tóc, 8 tuổi thì rụng tóc hoàn toàn. Bệnh nhi còn có bướu ở cổ, có các sẩn màu vàng với đường kính 1-3mm quanh cổ, nách và chi trên.
TS Trần Quang Khánh, trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết trước đó bệnh nhi này đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám về bướu cổ.
Khám trên lâm sàng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi còn bị rụng tóc toàn phần và lắng đọng canxi ở da.
Bệnh hiếm trên thế giới
Trong khi y văn thế giới chưa thấy mô tả những trường hợp như vậy, nên sau khi điều trị bướu cổ ổn định cho bệnh nhi, bác sĩ đã chuyển bệnh nhi qua Trung tâm U máu (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM).
Tại đây, bác sĩ Minh cho làm thêm xét nghiệm gien thì phát hiện thêm có các biến thể RBM28 dị hợp tử mới. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lắng đọng canxi ở da dạng hạt kê. Lắng đọng canxi ở da dạng hạt kê là một tình trạng lành tính do canxi lắng đọng trong mô dưới da.
Lắng đọng canxi ở da có thể có nhiều nguyên nhân như chấn thương, viêm nhiễm, giãn tĩnh mạch, khối u, bệnh mô liên kết, tăng phosphate huyết, tăng canxi huyết và nhiễm trùng.
Hầu hết các ca bệnh lắng đọng canxi ở da được mô tả trong y văn đều có liên quan đến hội chứng Down, ảnh hưởng đến bệnh nhân trẻ từ 6 đến 13 tuổi.
Tuy nhiên, nếu không có hội chứng Down thì đến nay chỉ có 6 ca báo cáo trên thế giới. Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh này bị rụng tóc toàn phần, cường giáp và đột biến gien trên thì chưa được báo cáo trên thế giới.
Ca bệnh hiếm gặp này đã được bác sĩ nội tiết phối hợp với bác sĩ da liễu điều trị. Hiện tình trạng cường giáp của bé đã ổn định. Còn sau hơn 9 tháng điều trị, tóc bệnh nhi đã bắt đầu mọc lại (Tuổi trẻ, trang 14).
TPHCM: Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 vào dịp tết
Ngày 8-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện TPHCM đã xuất hiện biến thể XBB thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10-2022.
Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ… Tổ chức y tế Thế giới (WHO) khẳng định, đại dịch Covid-19 hiện vẫn chưa kết thúc, một số nước trên thế giới liên tiếp ghi nhận có số ca mắc, tử vong đã gia tăng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nên chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh.
Tại TPHCM, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, tết nên nguy cơ bùng phát, lây nhiễm Covid-19 cũng như xuất hiện các biến thể mới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo HCDC, tại thời điểm tháng 9-2022, theo một khảo sát ngẫu nhiên ghi nhận, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 tại TPHCM đạt 98,7%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vaccine sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…
Do đó, ngành y tế kêu gọi người dân TPHCM hãy cùng trách nhiệm bảo vệ gia đình và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bằng cách tiêm đủ liều, đúng lịch, đưa người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vaccine Covid-19 nếu chưa tiêm, và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.
Đợt cao điểm tiêm Covid-19 sẽ được thực hiện từ ngày nay đến hết 2-2, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. HCDC sẽ tiếp tục phân phối vaccine đến các quận huyện, TP Thủ Đức và sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm trên khắp các địa bàn cũng như các bệnh viện (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Phòng bệnh tim khi trời lạnh
Thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp tác động tiêu cực tới trái tim, khiến các bệnh về tim mạch gia tăng. Đối tượng nhập viện chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Do đó, mỗi người dân cần trang bị những kiến thức về cách phòng bệnh tim mạch, duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe.
Gia tăng bệnh tim mạch
Xuất hiện những cơn trống ngực, khó thở, ông H.V.M. (70 tuổi ở tỉnh Hải Dương) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị, nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, ông M. được chuyển đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhịp nhanh thất - một rối loạn nhịp nguy hiểm, có thể gây ra tụt huyết áp, suy tim cấp, sốc tim, thậm chí đe dọa tính mạng. Sau gần 3 tuần điều trị với 20 lần sốc điện, bệnh nhân đã hết cơn nhanh thất, tình trạng suy tim cải thiện rõ rệt và được xuất viện.
Vào thời điểm hiện nay, không chỉ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà tại các trung tâm tim mạch lớn đều tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng từ 5% đến 10%, chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Lý giải nguyên nhân khiến bệnh tim mạch gia tăng trong mùa lạnh, Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, kéo theo tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thêm vào đó, trời lạnh còn làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc. “Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Khi huyết áp tăng đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, với những người bị bệnh tiểu đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm”, Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh lưu ý.
Với người có bệnh mạch vành, theo các bác sĩ, khi trời lạnh nhu cầu ô xy cho cơ tim tăng hơn, do đó có thể xuất hiện dấu hiệu như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, từ đó tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Các cách để giữ trái tim khỏe
Theo Bộ Y tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, ước tính 17,9 triệu người mỗi năm. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh này, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm và đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế.
Dù vậy, hơn 70% trong số các bệnh tim mạch, như: Mạch vành, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, suy tim... gây ra bởi các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Chính vì vậy, để giữ trái tim khỏe, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, điều quan trọng là những người có tiền sử bệnh tim không được bỏ thuốc, cần uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.
“Không phải vì mùa đông, cuối năm liên hoan, tổng kết, gặp mặt… mà cho phép ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, hút thuốc, uống rượu nhiều hơn, người bệnh vẫn cần thực hiện tiết chế dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý… Tuy nhiên, không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh. Khi ra ngoài trời cần giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang. Riêng với người cao tuổi cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền khuyến cáo.
Các bác sĩ cũng đưa ra lưu ý, người có tiền sử bệnh tim mạch nếu không cảnh giác với cái lạnh, không giữ đủ ấm, hoạt động ngoài trời trong thời tiết lạnh có thể dẫn đến hạ thân nhiệt đột ngột, làm bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, nếu tập thể dục cảm thấy đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm… hoặc nói ngắt quãng một cách bất thường khi đang tập thể dục, cần ngừng tập ngay lập tức (Hà Nội mới, trang 7).
Cẩn trọng với những món khoái khẩu
Các chuyên gia cảnh báo, nhiều món khoái khẩu trong dịp lễ tết như tiết canh, gỏi, nem chạo hay rau sống… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh kí sinh trùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Nhiễm kí sinh trùng là căn bệnh âm thầm, do các loài kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người. Chúng có thể chung sống hòa thuận trong cơ thể người nhiều năm liền để sinh sôi, nảy nở và hút dinh dưỡng, máu từ cơ thể vật chủ. Người bệnh có thể vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hay khám bệnh thông thường có thực hiện các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu.
Khoảng 3 tháng nay, ông T.V.N. (sinh năm 1968, tỉnh Nam Định) đau dữ dội một mảng đầu bên phải nhưng điều trị ở bệnh viện tỉnh một thời gian không hiệu quả. Kết quả chụp chiếu, bác sĩ nghi ngờ có u não. Bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và sau đó được chuyển tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương) vì nghi ngờ mắc bệnh kí sinh trùng. Kết quả chụp cộng hưởng từ, phát hiện có tổn thương ở não. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương (sán não). Bệnh nhân cho biết ngoài đau đầu còn bị tê yếu, khó cử động toàn bộ nửa người bên phải. Theo bệnh nhân, dù không thường xuyên nhưng trong các dịp lễ tết, hội hè, ông có ăn tiết canh, thịt lợn tái… TS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết những bệnh nhân mắc sán não phải tuân theo phác đồ điều trị làm 3 đợt, có thể kéo dài tới 7 tháng đến 1 năm.
Giống như nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, anh H.V.K đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Trước đó, tháng 9/2022 anh K. sốt 38,50C và mệt mỏi, chán ăn và giảm 8kg trong thời gian ngắn. “Do có tổn thương, nghi áp xe gan nên sau đó tôi được chuyển tới Bệnh viện K để kiểm tra và tiếp tục được đưa đến bệnh viện này điều trị”, anh K. chia sẻ. Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết qua các kết quả thăm khám, nam bệnh nhân được chẩn đoán sán lá gan lớn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thói quen thường xuyên ăn các món rau thủy sinh, ăn rau sống…
Hàng loạt biểu hiệnn ảnh hưởng sức khỏe
PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Kí sinh trùng (Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết dịp Tết Nguyên đán, đây là lúc tăng các bệnh về kí sinh trùng do thói quen ăn uống của nhiều người dân. Các món như gỏi cá, lẩu cá có thể là nguyên nhân gây nhiễm sán lá gan nhỏ, gây rối loạn tiêu hóa… Kí sinh trùng có thể có mặt trong thực phẩm hoặc nguồn nước, khi chúng ta ăn thực phẩm chưa nấu chín, nước uống chưa nấu sôi. Nhiễm kí sinh trùng đường tiêu hóa sẽ có một số biểu hiện như: tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi… nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Bệnh kí sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ kí sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, viêm nhiễm.
Chuyên gia cho biết các loại rau sống như rau muống, rau ngổ, cải, rau cần, rau diếp cá… không được rửa kĩ có thể gây nhiễm sán lá gan lớn, khiến áp xe gan, tổn thương gan. Ăn thịt lợn, thịt bò tái, sống hoặc chưa nấu chín có ấu trùng sán dây thì có thể nhiễm sán dây trưởng thành. “Ấu trùng sán đi vào cơ thể phát triển thành sán dây trưởng thành kí sinh tại ruột non, gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó chịu, gầy sút. Đốt sán già chứa nhiều trứng sán có thể rụng ra trong ruột, nguy cơ nhiễm nhiều trứng sán theo cơ chế tự nhiễm dẫn đến nhiễm ấu trùng sán lợn rất nguy hiểm”, bác sĩ ông Đỗ Trung Dũng phân tích.
“Tuy nhiên, có một số bệnh có biểu hiện cấp tính như bệnh giun xoắn. Khi chúng ta ăn thịt lợn chưa nấu chín như thịt tái, thịt chua, nem chua, nem chạo, tiết canh… thì có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun xoắn kí sinh trong lợn. Tùy vào mức độ nhiễm mà người bệnh có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy kéo dài, phù mắt, phù mặt sau đó phù toàn thân, sợ ánh sáng, đau nhức cơ toàn thân, gầy sút, li bì, biểu hiện của nhiễm trùng nhiễm độc cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ dẫn đến suy đa phủ tạng và có thể tử vong”, TS Dũng nói.
Nếu nhiễm kí sinh trùng, tâm lí của người bệnh sẽ thay đổi trở nên lo lắng, bất an, thậm chí ảnh hưởng thần kinh qua các biểu hiện kém tập trung, suy giảm trí nhớ. Bệnh do kí sinh trùng nếu như không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: giun đi lạc chỗ đến cơ quan quan trọng, tắc ruột, tắc ống mật, viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, viêm ruột, thiếu máu, suy dinh dưỡng. Đặc biệt, với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời (Tiền phong, trang 13).
Chủng mới SARS-CoV-2 đang chiếm ưu thế, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine đủ, đúng lịch
Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus SAR-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.
Theo WHO, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10-2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra. WHO dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron; tuy nhiên vaccine phòng Covid-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.
Cục Y tế Dự phòng cho biết, ở Việt Nam, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 giảm mạnh; bao phủ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tính đến hết ngày 4-1-2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được trên 265 triệu liều vaccine phòng Covid-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.
Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng.
Hiện đang là giai đoạn giao mùa đông - xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp; thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa đông - xuân, trong dịp Lễ Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh (An ninh thủ đô, trang 4).