Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Báo động trẻ chảy máu não vì thiếu Vitamin K; Chuyển giao kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới; Gần ¼ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; …

 

Chuyển giao kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới

Gần bốn năm triển khai đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) đã đem lại những kết quả tích cực với hàng nghìn kỹ thuật cao trong chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân được các bệnh viện tuyến trên chuyển giao cho tuyến dưới. Nhờ đó, các bệnh viện, thầy thuốc tuyến dưới được nâng cao uy tín, trình độ chuyên môn thu hút người bệnh và giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh là một trong những hình mẫu tiêu biểu về cách làm và hiệu quả của mô hình BVVT. Từ năm 2014 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh là BVVT của Bệnh viện Nhi T.Ư. Với vai trò là bệnh viện hạt nhân (BVHN), Bệnh viện Nhi T.Ư đã xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; tư vấn trong mua sắm trang thiết bị y tế. Bệnh viện Nhi T.Ư đã cử nhiều lượt cán bộ là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành xuống kiểm tra, giám sát, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn, phẫu thuật cấp cứu... Kết quả sau hai năm, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã phát triển nhanh chóng về chuyên môn kỹ thuật, triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu về lâm sàng và cận lâm sàng của tuyến trung ương; giúp gần 98% số người bệnh thuộc chuyên khoa phụ sản và nhi khoa được khám và điều trị tại tỉnh không phải chuyển tuyến trên. Nhiều kỹ thuật lâm sàng mới được triển khai như phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ dưới 12 tháng, lọc máu liên tục trẻ sơ sinh, thở máy HFO... hay các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm Real-time PCR chẩn đoán các chủng vi-rút, vi khuẩn, xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, sàng lọc ung thư sớm, sàng lọc trước sinh, xét nghiệm tiền sản giật...

Từ những kết quả của giai đoạn thí điểm (2013-2015), Ðề án BVVT giai đoạn 2016-2020 đã được nhân rộng ra cả nước với 23 BVHN trên toàn quốc và hơn 100 BVVT tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó tất cả bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là vệ tinh của bệnh viện tuyến trên. Ðáng chú ý, một số bệnh viện đa khoa của các huyện Mường Khương (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Quảng Xương (Thanh Hóa)... cũng tham gia mạng lưới BVVT. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), việc các bệnh viện tuyến huyện tham gia Ðề án BVVT là tín hiệu đáng mừng và đáng khích lệ, khẳng định sự năng động của các bệnh viện tuyến huyện khi tham gia đề án để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân ngay tại địa phương.

Quá trình triển khai cho thấy, các BVHN đã khảo sát rất kỹ nhu cầu khám, chữa bệnh của các BVVT, tập trung vào các nhóm bệnh chuyển tuyến, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển như cấp cứu tim mạch, cấp cứu sản khoa, chấn thương sọ não… Sau khi khảo sát, các BVHN và BVVT thống nhất các gói kỹ thuật cần thiết, gói kỹ thuật phụ trợ để chuyển giao. Các BVHN chuẩn bị chương trình đào tạo, đề cương chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ có trình độ cao thực hiện chuyển giao kỹ thuật. BVVT cũng chuẩn bị nhân lực, kíp bác sĩ, điều dưỡng đi học, nhận chuyển giao kỹ thuật. Sau khi được đào tạo, chuyển giao, kíp kỹ thuật sẽ về thực hiện kỹ thuật tại địa phương dưới sự hướng dẫn, giám sát của bác sĩ BVHN. Các đơn vị cũng đã thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa BVHN với BVVT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) bảo đảm toàn bộ số BVVT thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa với BVHN.

Nhờ triển khai đề án BVVT, đến nay tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã được cải thiện; thời gian chờ khám bệnh giảm; người dân được khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao tại nhiều BVVT, bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên giảm từ 73% đến 99% theo các chuyên khoa. So với trước khi triển khai đề án, một số chuyên khoa giảm mạnh như Tim mạch (giảm 98,5%); Ung thư (giảm 97%); Ngoại khoa (giảm 98,5%); Sản khoa (giảm 99%); Nhi khoa (giảm 73%).

Bộ Y tế đề ra mục tiêu đến năm 2018, tất cả các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ hai người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện. Ðến năm 2020, không còn tình trạng quá tải bệnh viện (đạt mục tiêu đề ra của Ðề án giảm quá tải bệnh viện). Ðể đạt các mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục mở rộng mạng lưới BVVT. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các bệnh viện. Ðồng thời công bố danh sách các bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm BVHN để các BVVT lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các BVHN có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các BVVT. Không phân biệt bệnh viện nhà nước hay bệnh viện tư nhân trong lựa chọn BVHN cũng như BVVT. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (Telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các bệnh viện. Thực hiện chế độ cơ sở y tế tuyến trên định kỳ cử chuyên gia, bác sĩ đến khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến dưới, nhất là ở các vùng khó khăn; chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Nhân dân trang 5)

 

Gần ¼ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng

Ngày 8/12, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (SCI) tổ chức hội thảo "Tăng cường công tác truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số." (DTTS). Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trương Tuyết Mai cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm trong 5 năm qua; tỷ lệ trẻ em nhẹ cân giảm từ 17,5% vào năm 2010 xuống còn 13,8% trong năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gần 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi (24,3% năm 2016). (Nông thôn Ngay nay trang 5)

Cùng chủ đề báo Nhân dân trang 5: “Gần một phần tư trẻ  em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi”

 

Không dừng hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế với các cơ sở Y tế tư nhân

Ngày 7-12, trao đổi với Báo CAND, BHXH Việt Nam khẳng định: Không chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) với các cơ sở y tế tư nhân.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết:  Trong công văn 5163/BHXH-CSYT, ngày 17-11-2017, gửi BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn về ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2018, BHXH Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế- Tài chính.

Theo đó, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục ký hợp đồng KCB BHYT trong năm 2018 phải có thêm Quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Ông Lê Văn Phúc khẳng định: Theo quy định của Luật BHYT, để cơ quan BHXH ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT thì cơ sở y tế phải được phân hạng để xác định mức giá thanh toán và tuyến chuyên môn kỹ thuật để làm căn cứ xác định mức hưởng BHYT của bệnh nhân khi KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu.

Đối với cơ sở y tế, việc được xếp hạng và phân tuyến còn là căn cứ pháp lý để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc và chuyển tuyến người bệnh. Các yêu cầu về ký hợp đồng KCB BHYT được cụ thể trong Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên bộ Y tế- Tài chính.

Tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư này đã nêu rõ: Các cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT phải có Quyết định phân hạng bệnh viện của cấp có thẩm quyền (nếu có); đối với cơ sở KCB ngoài công lập phải có Quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền.

Cũng theo BHXH, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng bệnh viện tư nhân

Trên thực tế, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện tư nhân. Việc chậm ban hành đã gây khó khăn vướng mắc cho cơ quan BHXH và các bệnh viện tư nhân trong việc xác định mức giá thanh toán và mức hưởng BHYT cho người bệnh.

Ví dụ: Cùng quy mô bệnh viện như nhau nhưng có địa phương thì áp mức giá tương đương hạng 3 và tạm phân tuyến huyện, có địa phương lại áp mức giá tương đương hạng 2 và tạm phân tuyến tỉnh. Đặc biệt, khi áp dụng quy định KCB thông tuyến huyện, đã xảy ra tình trạng các bệnh viện tư nhân được tạm xếp tương đương bệnh viện công lập hạng 2, tuyến tỉnh lại xin xuống hạng 3, tuyến huyện.    

BHXH Việt Nam đã nhiều kiến nghị với Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến cho các bệnh viện tư nhân để giải quyết các vướng mắc này. Như vậy, việc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát các cơ sở KCB chưa đủ điều kiện để yêu cầu bổ sung các hồ sơ tài liệu để ký hợp đồng là phù hợp với quy định của Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong thực hiện Luật BHYT.

Lời giải cho vướng mắc hiện nay chính là việc Bộ Y tế cần kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xếp hạng bệnh viện, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với bệnh viện tư nhân, hoặc ít nhất là có các tiêu chuẩn tạm thời làm căn cứ để đánh giá, xếp hạng và xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật cho tất cả cơ sở y tế tư nhân tham gia KCB BHYT... (Công an Nhân dân trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 3: “Tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với bệnh viện tư”

 

Biến chứng đông dược: Hiểm họa khôn lường

Với quan niệm thuốc đông y, thuốc có nguồn gốc từ thảo dược, cây cỏ thiên nhiên luôn an toàn, lành tính và ít tác dụng hơn thuốc tây, nhiều người đã tìm mua và sử dụng đông dược tràn lan, vô tội vạ.

Tuy nhiên, đông dược cũng có những tác dụng phụ khó lường nếu không dùng đúng liều, điều trị tùy tiện sẽ dẫn đến những phản ứng, biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Thậm chí, nếu sử dụng phải đông dược không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hoặc bị pha trộn hóa chất, có thể dẫn tới tử vong.

Tiền mất, tật mang

Tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các phòng bệnh lúc nào cũng đông kín bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bị dị ứng với thuốc đông y trong tình trạng rất nặng. Mệt mỏi và đau đớn vì nhiều mảng da trên cơ thể bị phồng rộp, bong tróc, ông Nguyễn Xuân H. (62 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết bị đau nhức xương đã vài năm nay, chạy chữa nhiều nơi cũng chẳng đỡ được bao nhiêu. Một người quen đã chỉ ông mua thuốc nam của một thầy lang ở Lạng Sơn. Ông H. sắc uống được mấy thang đầu thì xương cốt đỡ đau, nhưng uống đến thang thứ 10 thì cơ thể nổi ngứa, mẩn đỏ, vài ngày sau thì mẩn đỏ lan rộng khắp người rồi phồng rộp thành từng mảng lớn rất đau, phải nhập viện vì dị ứng nặng.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, chiếm tới 70% nguồn dược liệu trên thị trường là được nhập từ Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau. Cơ quan chức năng đã phát hiện không ít loại dược liệu giả, kém chất lượng, hoặc bị sao tẩm, trộn lẫn hóa chất.

Cũng là một trong những nạn nhân của việc sử dụng thuốc đông y theo lời “mách bảo” trên facebook, chị Lê Thu M. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải nhập viện trong tình trạng khuôn mặt sưng húp tấy đỏ, nổi mụn, cùng với đó là men gan tăng cao gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Theo chị M., sau khi đọc được thông tin về hiệu quả của thuốc nam đối với việc phòng tránh một số bệnh u bướu, cùng với suy nghĩ thuốc từ cây cỏ chẳng có hại gì cả, chị M. đã không ngần ngại bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua một số loại thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội là chiết xuất từ thảo dược. Tuy nhiên, sau khi uống được hơn 2 tuần, sức khỏe không cải thiện mà còn nhiều dấu hiệu bất thường nguy hiểm, buộc phải vào viện điều trị.

Nhiều bác sĩ y học cổ truyền cho biết, phần lớn các bệnh nhân bị dị ứng hay phản ứng với đông dược thường diễn biến chậm, nên khi phát hiện ra thì cũng là lúc bệnh chuyển rất nhanh do trước đó đã sử dụng một lượng lớn thuốc. Thậm chí không ít trường hợp bị biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã cứu sống một cụ ông 80 tuổi bị tiểu đường nhiều năm nhưng khi người quen mách bảo, cụ ông này đã chuyển từ việc tiêm Insulin hàng ngày sang uống thảo dược dạng viên được giới thiệu có tác dụng hạ đường huyết tốt, rẻ tiền, dễ mua. Sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân cao tuổi này đã bị các triệu chứng mệt mỏi, ói mửa kéo dài, không ăn uống được và khi vào bệnh viện cấp cứu, bệnh đã chuyển sang suy thận cấp và toan máu nặng.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Trao đổi với chúng tôi, một lương y nổi tiếng tại Hà Nội thẳng thắn cho biết, đối với các loại thuốc nam hay thuốc có nguồn gốc đông dược thường là lành tính, song cũng có nhiều vị thuốc là độc dược, cần có sự kết hợp với các vị thuốc khác để trung hòa chất độc và phát huy đúng tác dụng. Hơn nữa, nếu người dùng không biết cách sử dụng mà chỉ nghe người này, người kia mách bảo với những loại thuốc không xác thực thì rất nguy hiểm. Bởi lẽ không phải ai cũng dùng được đông dược vì còn tùy thuộc vào từng cơ địa, nhất là những người dễ mẫn cảm.

Trong khi đó, là người từng điều trị cho nhiều bệnh nhân bị dị ứng thuốc rất nặng, Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, cho biết thuốc nào cũng có thể gây dị ứng cho người bệnh. Tuy nhiên, với những loại thuốc đông y, hay thuốc nguồn gốc từ đông dược, nếu sử dụng bừa bãi, không có chỉ dẫn liều lượng cụ thể thì nguy cơ gây dị ứng, phản ứng cho bệnh nhân rất lớn. Tiến sĩ Phạm Huy Thông cảnh báo, biểu hiện của dị ứng, phản ứng với thuốc có nhiều dạng như mẩn ngứa, nổi ban, mề đay, đến những trường hợp nặng như nhiễm độc da gây phồng rộp, lở loét. Trong đó đáng lưu ý, việc điều trị những trường hợp nhiễm độc da do dị ứng nặng thì cần nhiều thời gian và rất tốn kém.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi dùng thuốc gì cũng cần tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu dùng thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc, cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cơ quan chức năng cấp phép, tránh mua thuốc về dùng theo kiểu mách bảo, truyền miệng về công dụng, vì trên thực tế, bất cứ thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng khó lường.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác với các loại dược liệu, đông dược được quảng cáo trên mạng xã hội, cũng như không nên mua dược liệu trôi nổi trên thị trường, cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và trên bao bì phải có đầy đủ thông tin tên dược liệu, cơ sở sản xuất, chỉ tiêu chất lượng, cùng số đăng ký. (Sài Gòn giải phòng trang 3)

 

Báo động trẻ chảy máu não vì thiếu Vitamin K

Theo Bệnh viện Nhi trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 3 trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị xuất huyết não nhập viện trong tình trạng hôn mê, li bì.

Tiến sĩ Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, cho biết ngay sau khi nhập viện, cả 3 trẻ đã được làm các xét nghiệm chẩn đoán với kết quả là xuất huyết do giảm tỷ lệ Prothrombin trong máu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu Vitamin K. Sau khi truyền các chế phẩm máu để cầm máu, ngăn chặn chảy máu màng não và ổn định chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn… cho các cháu, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ cho 3 bệnh nhi.

Theo các chuyên gia y tế, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30 - 40 ngày tuổi. Nếu trẻ bị xuất huyết não, dù được điều trị tích cực nhưng tỷ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao, từ 40% - 50%.

Các di chứng hay gặp nhất là teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.

Do đó, để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo trẻ cần được cung cấp Vitamin K ngay sau khi sinh theo 2 phương pháp: tiêm (bắp) hoặc uống. Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi Vitamin K1 1mg, hoặc Vitamin K3 2mg. Hoặc cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần: lần đầu sau khi sinh, lần 2 lúc 7 ngày tuổi và lần 3 khi 1 tháng tuổi. (Sài Gòn giải phòng trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang