Suýt chết vì uống thuốc chứa chất cấm
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo về việc sử dụng thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, Trung tâm này vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (63 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Thông tin từ người nhà, nam bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Sau khi nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, ông đã mua 20 gói loại thuốc nam dạng viên với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau bụng, khó thở. Sau khi được điều trị hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện.
Xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền mà bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã cấm sử dụng từ những năm 1970. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường dỏm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ngộ độc.
Các bác sĩ cảnh báo, ở Việt Nam những năm gần đây đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc nặng và tử vong. Các trường hợp ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường chứa phenformin thường xảy ra sau khi sử dụng thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hoặc các sản phẩm trôi nổi khác.
Do đó bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn, cần cảnh giác và tránh xa lời quảng cáo không tin cậy (Tiền phong, trang 10).
Mua sắm thuốc, thiết bị y tế: Đấu thầu không phải phương án duy nhất
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (Đại biểu Quốc hội) cho rằng, “đấu thầu không phải phương án duy nhất” đối với việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế mà phải nâng cao tính tự chủ của các bệnh viện trên cơ sở đổi mới quy trình mua sắm.
Ngày 7/2, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị tại các bệnh viện, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối đã nhiều lần bàn thảo nhưng chưa tìm được lối ra. Điều đó đang gây nhiều khó khăn trong chuyên môn của lĩnh vực y tế và người chịu thiệt chính là bệnh nhân.
PGS.TS Phong Lan cho rằng, thiếu thuốc tại các bệnh viện có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, trong những năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, có những bệnh viện trúng thầu nhưng không lấy thuốc vì bệnh nhân không đến bệnh viện khám và điều trị do dịch bệnh. Các gói thầu bị hủy nhưng những đơn vị đã nhập thuốc về bị quá hạn sử dụng, nhiều công ty thiệt hại rất lớn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các bệnh viện kêu gọi đấu thầu, hầu hết công ty không còn đủ nguồn lực để tham gia.
Ngoài ra, thiếu thuốc còn đến từ tình trạng cấp số đăng ký chậm trễ do bị đứt đoạn thủ tục giữa các quốc gia. Nhiều thuốc đến hạn nhưng không được gia hạn số đăng ký nên không còn đủ điều kiện để doanh nghiệp tham gia dự thầu. Tình trạng cấp số đăng ký ở Bộ Y tế hiện nay không quyết được vì những người liên quan sợ trách nhiệm. Điều đó dẫn đến hàng chục nghìn loại thuốc không có số đăng ký.
“Vừa qua, Quốc hội đã họp và quyết định cho phép gia hạn số đăng ký cho các loại thuốc trước khi hết hạn đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có văn bản thông báo danh mục các loại thuốc được gia hạn cấp số đăng ký. Do đó, các công ty vẫn không dám sản xuất, nhập khẩu thuốc, đến khi bệnh viện cần thì không có nguồn cung ứng” - PGS.TS Phong Lan nói.
Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là những vướng mắc trong đấu thầu. Hiện nay, bệnh viện đều đã được tăng quyền tự chủ nhưng thực tế là bệnh viện phải tự lo về tiền lương và chi phí vận hành. Việc mua sắm thuốc, vật tư y tế tiêu hao vẫn phải tuân thủ theo quy trình đấu thầu với quy định chọn mức giá rẻ nhất. Giải quyết bài toán thiếu thuốc cần nâng cao tính tự chủ của bệnh viện.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, không phải chỉ căn cứ trên công bố của đơn vị sản xuất mà còn rất cần nhận xét thực tế để biết đâu là thuốc tốt, đáp ứng điều trị được cho nhiều người. Đây là vấn đề cần sự đánh giá của những người làm công tác chuyên môn. Tuy nhiên, trên thực tế việc đấu thầu không có tiêu chí đánh giá liên quan ý kiến của hội đồng điều trị.
PGS.TS Phong Lan đề xuất: “Một cách mạnh dạn, theo tôi, nếu không làm tốt được thì nên bỏ đấu thầu. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng định suất. Hãy cố gắng sao cho bệnh viện công lập hoạt động như bệnh viện tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để họ tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, công tác quản lý sẽ ràng buộc bằng tiêu chí mỗi năm bệnh viện sẽ phải tiếp nhận, điều trị và đem lại sự hài lòng cho số lượng bệnh nhân cụ thể cùng cơ cấu bệnh tật. Từ thực tế trên, các bệnh viện sẽ tính định suất và dự trù kinh phí để tự thực hiện hoạt động mua sắm thuốc như bệnh viện tư nhân... Đại biểu Quốc hội này cho rằng, với phương án tính định suất, nếu cơ quan có thẩm quyền chưa đủ tự tin để cho phép áp dụng đồng loạt thì cần cho một số bệnh viện thí điểm. Các bệnh viện sẽ có trách nhiệm tự thương lượng với các công ty và tự mua sắm thuốc.
Nếu phải đấu giá thì nên đấu giá công khai, minh bạch với sự tham gia của các nhà cung cấp và sự đồng thuận của hội đồng điều trị cho người bệnh. Bệnh viện cần được tự quyết định mọi hoạt động của mình trong đó có mua sắm và trách nhiệm của bệnh viện là chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Cần có giá sàn
Về hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, PGS.TS Phong Lan cho rằng: “Chi phí mua sắm trang thiết bị cho y tế mỗi năm rất lớn. Do đó, hoạt động mua sắm diễn ra rất chậm từ khâu thủ tục hành chính đến khâu đào tạo bác sĩ, đến khi đấu thầu mua thiết bị về thì thiết bị mua được đã bị lạc hậu. Từ thực tế trên cần phải tìm ra công thức thỏa đáng cho vấn đề mua sắm cũng như mượn máy, đặt máy tại các bệnh viện công lập để phát triển kỹ thuật hiện đại, giúp người bệnh được thụ hưởng”.
Hiện nay, việc đấu thầu vật tư thiết bị y tế chưa có giá sàn, điều này khiến các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong mua sắm. Ngoài những trường hợp cố ý lách luật, vi phạm để trục lợi thì nhiều người vì muốn phát triển bệnh viện nên đã nỗ lực để mua sắm nhưng khi bị thanh tra lại vô tình đối mặt với những sai phạm, vướng vào vòng lao lý. Điều này khiến tất cả đều thiệt hại.
Theo PGS.TS Phong Lan, cơ chế thị trường, kinh doanh thì phải có lãi, những mặt hàng hiếm thì giá phải cao. Nếu lấy tiêu chí rẻ để đấu thầu thì cần phải có mặt bằng giá và cho phép giá trị thặng dư là bao nhiêu. Do đó, cần phải nhìn vào thực tế để thấy chúng ta đang can thiệp quá nhiều vào cơ chế thị trường.
"Nếu không có phương án giải quyết hài hòa thì các bệnh viện sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng bác sĩ giỏi nhưng thuốc không đủ, trang thiết bị không đủ, người giỏi sẽ tiếp tục rời bỏ bệnh viện công", bà Lan cho rằng, nếu tiếp tục triển khai đấu thầu máy móc, trang thiết và vật tư y tế thì khi xây dựng quy định đấu thầu cần tham khảo giá của thị trường quốc tế. Các bộ, ngành liên quan sẽ có nhiệm vụ phân tích giá cả trên cơ sở thương lượng với chính hãng, sau đó đưa ra mức giá sàn cho từng thời điểm. Khi có giá sàn của hãng trên thị trường quốc tế thì giá mua sắm tại Việt Nam sẽ không thể đội lên cao, từ đó ngăn chặn được các sai phạm. Mặt khác, Bộ Y tế nên tính toán nhu cầu vật tư, trang thiết bị của các bệnh viện, từ đó đề xuất các bệnh viện trên cả nước mua sắm những loại máy móc, thiết bị phù hợp (Tiền phong, trang 15).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất luật về quyền chuyển giới
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 8-2, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết toàn bộ các nội dung liên quan hồ sơ dự án Luật bản dạng giới liên quan đến quyền chuyển giới của công dân đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị xem xét.
Chưa có quy định cụ thể về chuyển giới
Về lý do đề nghị xây dựng dự án luật, ông Trí nêu rõ dựa trên 3 yếu tố là đảm bảo nhân quyền hay quyền con người, hội nhập với quốc tế và thể hiện sự văn minh của đất nước.
Cụ thể, theo ông Trí, Bộ luật dân sự 2005 và 2015 đã nêu rõ cá nhân có quyền được chuyển đổi giới tính, một số nghĩa vụ của người xác định lại giới tính và người chuyển đổi giới tính.
Ông nêu thêm hiện nay có 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp. Có 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến 16-18.
Tuy nhiên, theo ông Trí, Bộ luật dân sự 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật", mà đến nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.
Cũng do chưa có quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới.
Chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỉ lệ người chuyển giới ở Việt Nam gặp khó khăn do sự kỳ thị của xã hội.
Từ đó ông cho rằng cần xây dựng luật trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật dân sự, nhằm khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân, đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội. Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính.
Kỳ vọng thông qua năm 2024
Ông Trí đề xuất điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận giới tính mới là đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự của mình; tình trạng hôn nhân độc thân.
Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích, hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Hà Nội, cũng là một bác sĩ, mong dự án được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3-2023), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10-2024) (Tuổi trẻ, trang 5).
Lễ hội của lòng nhân ái
Lễ hội Xuân hồng là sự kiện hiến máu lớn nhất được tổ chức ngay những ngày đầu xuân. Không chỉ góp phần tạo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị bệnh mà Lễ hội Xuân hồng còn làm thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện, nhất là hình thành văn hóa, nhân văn đúng với thông điệp "Hiến máu đầu xuân-Nhân lên hạnh phúc".
Mặc dù chưa đến giờ khai mạc Lễ hội Xuân hồng lần thứ 16, năm 2023, nhưng trước cổng và trong khuôn viên Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) đã có hàng trăm người đến xếp hàng để nhận các tờ phiếu kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia hiến máu tình nguyện. Ðưa cậu con trai 16 tuổi đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để kiểm tra sức khỏe định kỳ sau hơn hai năm điều trị ung thư máu, anh Dương Bá Tuấn (51 tuổi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã thu xếp thời gian cùng với nhiều bậc cha mẹ học sinh khác đang có con điều trị tại đây tham gia hiến máu tình nguyện với mong muốn chung tay đẩy lùi tình trạng thiếu máu phục vụ công tác điều trị tại các cơ sở y tế.
Anh Tuấn nhớ lại, năm 14 tuổi con trai anh hay mệt, kém ăn trong thời gian dài. Gia đình đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì phát hiện bị ung thư máu, rồi chuyển về Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để điều trị. Trong hành trình chiến đấu với bệnh tật cùng con, anh biết được máu giá trị như thế nào đối với người bệnh. Do vậy, từ đó đến nay anh Tuấn đã nhiều lần trực tiếp hiến máu và vận động những người khác cùng tham gia. Sau những lần tham gia hiến máu đó, anh Tuấn và nhiều người đều có chung suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống, biết chia sẻ, yêu thương, gắn bó nhiều hơn với hoạt động hiến máu tình nguyện, cũng như phát huy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống...
Theo Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương, PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, những năm trước đây, sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra khá trầm trọng tại các bệnh viện. Xuất phát từ thực trạng nêu trên, từ năm 2008, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội đã lên ý tưởng tổ chức một sự kiện hiến máu lớn ngay sau Tết Nguyên đán mang tên Lễ hội Xuân hồng. Với ý nghĩa và kết quả thu được, từ năm 2010, Lễ hội Xuân hồng được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động trên toàn quốc, trở thành điểm nhấn, nét riêng có cho phong trào hiến máu nước ta.
Ðến nay, mỗi kỳ Lễ hội Xuân hồng được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức kéo dài trong nhiều ngày, tại nhiều địa điểm và tiếp nhận được hàng nghìn đơn vị máu. Trải qua 15 năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, tiếp nhận hơn 100 nghìn đơn vị máu, qua đó đã góp phần khắc phục được tình trạng khan hiếm nguồn máu điều trị sau Tết Nguyên đán; đồng thời thay đổi quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện, hình thành nét đẹp, thói quen hiến máu mỗi dịp đầu xuân mới. Khác với hàng nghìn lễ hội đầu xuân diễn ra trên cả nước, Xuân hồng là lễ hội duy nhất mà những người đến tham dự không mong điều gì cho bản thân mình mà đến để trao tặng những món quà sự sống.
Lễ hội Xuân hồng năm nay, chính thức diễn ra từ ngày 6 đến 12/2 với thông điệp "Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc" nhằm vận động, kêu gọi những người đủ điều kiện sức khỏe, sẵn sàng hiến tặng những đơn vị máu quý giá, như món quà ý nghĩa ngay đầu năm mới tới người bệnh, góp phần mang lại niềm vui cho cộng đồng và chính bản thân người hiến máu. Lễ hội Xuân hồng năm 2023 tổ chức tại bảy địa điểm trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến sẽ tiếp nhận được 8.000 đơn vị máu. Trước đó, từ ngày 1 đến ngày 5/2, hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng tại các địa điểm hiến máu trên địa bàn TP Hà Nội đã tiếp nhận được hơn 4.000 đơn vị máu.
Ðáng chú ý, nhờ sự chung sức của cộng đồng, việc chuẩn bị máu cho dịp Tết năm nay đã được cải thiện hơn nhiều. Trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận gần 57 nghìn đơn vị máu, nhờ đó lượng máu dự trữ trước và sau Tết luôn duy trì đạt 12 nghìn đơn vị. Cùng với Lễ hội Xuân hồng và các lịch hiến máu sắp tới, Viện hoàn toàn có thể bảo đảm việc cung cấp máu cho điều trị tại hơn 180 bệnh viện khu vực phía bắc.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Nguyễn Hải Anh cho rằng, Lễ hội Xuân hồng là một trong những sự kiện thành công trong 15 năm qua, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, số người đăng ký hiến máu cũng như số đơn vị máu tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo và đưa "Lễ hội Xuân hồng" thành hoạt động cao điểm của "Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" trên phạm vi cả nước.
Ðến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tổ chức "Lễ hội Xuân hồng" hoặc "Ngày hội Xuân hồng" trong dịp đầu năm mới và trở thành một trong những sự kiện hiến máu lớn nhất của cả nước. Qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện và nhất là góp phần hình thành nét đẹp văn hóa hiến máu cứu người vào mỗi dịp đầu năm mới. Ðể phát huy những kết quả đã đạt được, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị các địa phương trong cả nước tiếp tục có nhiều cách làm sáng tạo, vận động các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người bệnh, nhất là khơi dậy và lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, để Lễ hội Xuân hồng thêm đẹp và giàu tính nhân văn hơn (Nhân dân, trang 5).
Tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động khám, chữa bệnh
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9/1/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật mới ban hành được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập; giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân; đồng thời tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, sau 13 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (năm 2009), công tác khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật cũng đã tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân… Tuy nhiên, cùng với những thay đổi về chủ trương, định hướng về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì mô hình tổ chức, quản lý công có những điều chỉnh đòi hỏi hành lang pháp lý cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
Trên tinh thần đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được thông qua đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Ðổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và người nhà người bệnh. Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, đã đưa ra quy định thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Ðối với người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo. Việc áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật cũng có nhiều điều chỉnh hướng tới nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân, thay đổi từ bốn tuyến chuyên môn thành ba cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh, nhưng tối đa không quá 72 giờ; phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, nhất là đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng cụ thể hóa một số quy định liên quan điều kiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ðó là việc có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu; hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước...
Ðối với công tác tài chính, bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế. Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật (Nhân dân, trang 8).
'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Sở Y tế TP.HCM xác định nhiều phòng khám vi phạm
Liên quan loạt bài điều tra "Cò" khám chữa bệnh lộng hành trên Thanh Niên (đăng từ ngày 6 - 8.2), trong 5 phòng khám được ngành chức năng TP.HCM kiểm tra, có 1 phòng khám ngừng hoạt động tại thời điểm kiểm tra, 1 phòng khám được xác định có "cò" khám chữa bệnh; các phòng khám còn lại vi phạm chuyên môn.
UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý
Liên quan loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành, ngày 8.2, UBND TP.HCM có công văn gửi Sở Y tế, Công an TP.HCM, UBND Q.5, Q.10 và Q.Bình Thạnh về việc kiểm tra, xác minh nội dung được Báo Thanh Niên phản ánh.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an TP.HCM và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung được phản ánh trên Báo Thanh Niên; đồng thời xử lý nghiêm đối với các phòng khám (PK), cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế; tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự công cộng tại bệnh viện (BV), cơ sở y tế; báo cáo kết quả về UBND TP.HCM.
Sở Y tế vào cuộc
Ngày 8.2, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo cáo UBND TP.HCM về vụ việc "cò" KCB lộng hành. Theo báo cáo, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh vấn nạn "cò" KCB lộng hành, lãnh đạo Sở Y tế đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Công an TP.HCM, Phòng Y tế Q.3, Phòng Y tế Q.10, BV Da liễu, PK đa khoa Hòa Hảo (Medic - Hòa Hảo) để làm rõ thông tin và tăng cường các giải pháp, phối hợp kiểm soát tốt hơn cũng như xử lý nghiêm tình trạng "cò" KCB.
Song song đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý dịch vụ y tế phối hợp Công an TP.HCM, phòng y tế và công an địa phương triển khai ngay, duy trì việc thanh kiểm tra sự tuân thủ pháp luật hành nghề y tế và an ninh trật tự của các địa bàn có PK tư nhân còn phức tạp.
Ngày 7.2, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM triển khai 3 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở y tế xung quanh khu vực có thông tin về hiện tượng "cò" KCB (theo thông tin đăng trên Báo Thanh Niên), gồm: các khu vực xung quanh BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh), BV Da liễu (Q.3) và PK đa khoa Hòa Hảo (Q.10). Tổng số cơ sở kiểm tra là 5 PK (1 PK đa khoa, 4 PK chuyên khoa), trong đó có 1 PK đóng cửa, không hoạt động tại thời điểm kiểm tra.
Phòng khám "dính" nhiều vi phạm
Kết quả, số cơ sở có dấu hiệu "cò" dẫn dụ đến KCB là phòng khám chuyên khoa đối diện BV Ung bướu. Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận có dấu hiệu "cò" đưa bệnh nhân đến cơ sở KCB rồi bỏ đi. Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với 2 bệnh nhân (BN). 1 BN cho biết đến trước cổng BV Ung bướu KCB, thì có người hướng dẫn vào PK trên (chỉ đóng tiền phí KCB, không đóng thêm khoản nào khác). Còn trường hợp thứ 2 bị thu phí dẫn đi KCB là 50.000 đồng.
Các PK còn lại tuy chưa phát hiện có dấu hiệu "cò" KCB, nhưng các PK có những hành vi vi phạm trong hoạt động KCB. Cụ thể, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật PK vắng mặt. Người hành nghề không đăng ký hành nghề KCB. Nhân sự tham gia KCB không mang biển tên đầy đủ theo quy định. Niêm yết giá dịch vụ KCB không đầy đủ. Bác sĩ KCB không đúng với chuyên khoa đã đăng ký. Bác sĩ không lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định. PK chưa thực hiện niêm yết biển tên các phòng chức năng đúng theo biên bản thẩm định của Sở Y tế.
Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng "cò" tại các cơ sở KCB.
Công an và các quận tăng cường công tác phối hợp
Cũng trong ngày 8.2, TS-BS Nguyễn Anh Dũng cũng ký công văn gửi Giám đốc Công an TP.HCM về việc tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.
Sở Y tế TP.HCM cũng có văn bản gửi UBND Q.3, Q.10 và Q.Bình Thạnh đề nghị chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành quận thực hiện kiểm tra thường xuyên; giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật tình trạng "cò" KCB tại các cơ sở y tế trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ; đặc biệt tại khu vực xung quanh các BV, trung tâm y tế nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở KCB.
"Cò" lui vào hoạt động lén lút
Sau khi Thanh Niên phản ánh, Sở Y tế TP.HCM vào cuộc, các nhóm "cò" cũng biến mất, những PK tư liên kết với "cò" cũng trở nên vắng vẻ. Tuy nhiên, vấn nạn "cò" KCB vẫn còn tiềm ẩn phức tạp khi các nhóm "cò" lui vào hoạt động lén lút.
Khác với cảnh tượng lộn xộn, nhiều "cò" tụ tập, chèo kéo người bệnh như mọi ngày, sáng 8.2, PK Medic - Hòa Hảo vắng bóng "cò" KCB. BN vẫn tấp nập đến PK này, nhưng từng lượt người, xe máy thong thả vào cổng mà không gặp bất kỳ sự truy cản, lôi kéo nào. Không còn cảnh bát nháo là vậy, nhưng một số ít "cò" giả dạng xe ôm, BN để kín kẽ hoạt động.
Tương tự, trước cổng BV Da liễu và BV Ung bướu, các nhóm "cò" không còn lộng hành như trước, lực lượng chức năng tuần tra sát sao.
Cũng trong ngày 8.2, khu vực bến xe ôm tự quản (trước cổng BV Chợ Rẫy), dán một tờ giấy với nội dung: "Thông báo, tất cả anh em xe ôm tự quản tuyệt đối không làm cò số khám bệnh. Nếu xảy ra sự việc, bị bắt quả tang, công an phường đuổi ra khỏi bến". Thông báo này được ông Nguyễn Hồng Nhựt (tổ trưởng) ký tên.
Trong vai người nhà BN đến KCB tại BV Chợ Rẫy muốn bốc số nhanh, PV tiếp cận nhóm xe ôm, thì được trả lời vừa bị báo chí phản ánh, công tác quản lý đang siết chặt, không dám nhận bốc số giúp. Tuy nhiên, qua điện thoại, nhóm của bà "Th. Chợ Rẫy" ("cò" bốc số nhanh, trực trước cổng BV Chợ Rẫy mà Thanh Niên phản ánh) cho hay "đã lui về hoạt động từ xa".
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nạn "cò" KCB tại các BV tuyến cuối luôn là vấn đề nóng, là thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho BN, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng môi trường phục vụ văn minh, hiện đại, nghĩa tình tại các BV trên địa bàn.
Mặc dù ngành y tế và ngành công an TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong sự phối hợp hoạt động để ngăn chặn nạn "cò" KCB, nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ sức răn đe tệ nạn này tại các BV. Hơn nữa, hoạt động KCB hiện nay đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, cũng chính là thời điểm để nạn "cò" KCB tái diễn phức tạp.
Do đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả BV và các cơ sở KCB phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ. Tăng cường phối hợp lực lượng công an địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực đông người, nhất là khu vực đăng ký khám bệnh. Các BV cần đẩy mạnh triển khai các ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; tăng cường truyền thông để BN cảnh giác với nạn "cò" KCB. Đặc biệt, tất cả BV phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng "cò" ngang nhiên hoạt động trong BV (Thanh niên, trang 5).
Nhanh chóng tìm nguyên nhân khiến 88 người ngộ độc, 1 người tử vong khi ăn chè ở An Giang
Ngày 8/2, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi một số trang báo điện tử đưa tin về vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè đậu trắng miễn phí ở huyện Chợ Mới, An Giang, khiến nhiều người phải nhập viện điều trị, một số bệnh nhân có triệu chứng nặng, Cục đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực cho các bệnh nhân.
Đồng thời tiến hành điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm nghi ngờ, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Sở Y tế An Giang phải tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, chú ý kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện (nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm...).
Liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn chè do bà Nguyễn Thị Ánh T. (Chợ Mới, An Giang) phát từ thiện vào ngày 4/2, có 88 người bị ngộ độc, trong đó có 35 người nhập viện Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, 4 ca nặng chuyển Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, 53 ca đau bụng nhẹ tự mua thuốc uống tại nhà. Các bệnh nhân nằm viện tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới đã xuất viện về nhà, hiện còn 5 bệnh nhân đang nằm viện.
Đến trưa 7/2, bà Nguyễn Thị H. (63 tuổi, trú xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, do suy đa cơ quan sau 3 ngày điều trị, do ngộ độc chè đậu trắng.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đang điều trị 3 bệnh nhân trong vụ ngộ độc do ăn chè đậu trắng. Trong đó, 2 bệnh nhân đã chuyển Khoa Nội tiêu hóa, 1 bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và đã ngưng lọc máu.
Hiện, các ngành chức năng An Giang đang điều tra, thu thập thông tin, thu giữ các mẫu và đang chờ giám định làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc (Công an nhân dân, trang 8).