Bác sĩ gia đình không thể thành công trong sớm chiều
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kế hoạch phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) từ đây đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: - Việc gì mang lại lợi ích cho người dân thì dù khó khăn mấy cũng phải cố gắng làm. Khó bởi vì cái gì mới bắt đầu, chưa làm bao giờ cũng khó. Thứ hai là người dân, cán bộ y tế chưa quen tiếp cận với mô hình này. Nhưng các chuyên gia về BSGĐ ở các nước khác đều nói VN có trạm y tế đến từng xã, nên việc triển khai BSGĐ khá thuận lợi.
* Sau ba năm thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ tại VN, bộ trưởng có hài lòng với kết quả đạt được?
- Do là mô hình thí điểm nên khó nói là hài lòng hay chưa, mình đang mày mò để tìm mô hình thiết thực. Quá trình thực hiện có những thuận lợi nhưng cũng có những cái chưa đạt được, những cái mới chưa có hành lang pháp lý...
Qua nhiều lần họp, kể cả mời chuyên gia BSGĐ nước ngoài góp ý sau khi họ đi thực tế ở nhiều địa phương, đa số họ đồng ý với mô hình BSGĐ do chúng ta đề ra. Từ đó Bộ Y tế mới xây dựng và triển khai kế hoạch BSGĐ giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu chung của hội nhập thế giới và thực tiễn tại VN.
* Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển mạng lưới BSGĐ nên dựa vào lực lượng chính là các phòng mạch tư, bộ trưởng có đồng tình với quan điểm này?
- Không phải thế. Phải xác định mô hình tổ chức hệ thống BSGĐ gồm trạm y tế (lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ BSGĐ), phòng khám BSGĐ tư nhân (đặt ở phòng mạch tư, phòng khám đa khoa tư nhân), phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước.
Tại TP.HCM và ở phía Nam có sẵn phòng mạch tư, phòng khám ngoài giờ hoạt động tương đối giống mô hình BSGĐ nên có thể đưa vào hoạt động được ngay.
Tôi cho rằng mô hình dễ nhất, rộng nhất và phải nhân lên nhiều nhất là BSGĐ ở trạm y tế xã phường. Cả nước đang có hơn 10.000 trạm y tế xã phường có sẵn nhân lực, cơ sở vật chất tương đối tốt để làm phòng khám BSGĐ.
Để phòng mạch tư trở thành phòng khám BSGĐ phải có nhiều điều kiện: một là bác sĩ đó phải được đào tạo thêm về kiến thức y học gia đình.
Hai là hoạt động không chỉ dừng ở việc khám chữa bệnh mà còn theo dõi sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, lối sống, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ba là phải có gắn bó với hệ thống quản lý y tế, phải được chi trả bằng hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) và có quyền chuyển tuyến cho bệnh nhân theo yêu cầu chuyên môn.
Đấy là một hướng nhân rộng BSGĐ trong tương lai Bộ Y tế định làm nhưng thực hiện cũng không phải dễ dàng. Hướng thuận lợi nhất, dễ phổ cập nhất như tôi đã nói là triển khai ở các trạm y tế xã phường.
* Nhiều người cho rằng mở phòng khám BSGĐ ở trạm y tế là hình thức “bình mới rượu cũ”, người dân cũng chưa tin cậy trạm y tế. Bộ trưởng nghĩ sao?
- Thời gian đầu do chưa có tập huấn, đội ngũ bác sĩ chưa có kiến thức y học gia đình, chúng ta chưa có chính sách phù hợp, chưa tuyên truyền đến người dân hiểu được ích lợi trước mắt, lâu dài nên có thể còn ý kiến phản biện.
Hiện nguồn nhân lực ở trạm y tế là bác sĩ đa khoa. Có những địa phương như TP.HCM và một số tỉnh có đến hai bác sĩ ở trạm y tế. Bước đầu phải dựa vào lực lượng này, chỉ cần đào tạo kiến thức bổ sung về y học gia đình là thực hiện được.
Về cơ sở vật chất chúng ta có sẵn và các trạm y tế xã đang đảm đương các việc như tiêm chủng, sức khỏe bà mẹ - sơ sinh, phòng chống dịch và khám chữa bệnh cho người bệnh BHYT, bây giờ làm thêm nhiệm vụ lập hồ sơ theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời cho người dân tại cộng đồng.
Phòng khám BSGĐ sắp tới sẽ còn thực hiện thêm cả xét nghiệm, những mẫu xét nghiệm sẽ được gửi tập trung về một nơi là bệnh viện huyện. Về tài chính, chắc chắn phòng khám BSGĐ phải gắn với BHYT để chi trả cho người dân.
* Nhiều người còn than phiền thủ tục BHYT rườm rà, chuyển tuyến khám bệnh khó khăn. Bộ Y tế làm gì để đơn giản hóa thủ tục?
- Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội VN, làm việc với Bộ Tài chính để có những quy định phù hợp cho việc thanh toán BHYT ở các phòng khám BSGĐ. Trong tương lai, phòng khám BSGĐ sẽ tiến tới mở thêm gói dịch vụ y tế cơ bản cho người dân, gói dịch vụ này cũng sẽ được BHYT chi trả hết. Với những phòng khám BSGĐ có chất lượng cao hơn nữa, nếu bệnh nhân có điều kiện thì chi trả thêm chênh lệch cho gói dịch vụ y tế.
Về chuyển tuyến, Bộ Y tế có quy định BSGĐ có thể chuyển bệnh nhân tới bất cứ nơi nào phù hợp với yêu cầu, không phải chỉ chuyển bệnh lên tuyến huyện mà có thể chuyển thẳng tới bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo yêu cầu bệnh tật.
Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nếu không cần thì không nhất thiết phải tới bệnh viện, vừa tốn kém vừa mất thời giờ, còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh khác, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.
* Để nhân rộng mô hình BSGĐ phải có sự liên thông nhiều thứ giữa các phòng khám BSGĐ với bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế có chỉ đạo gì để thúc đẩy sự liên thông này?
- Để có sự liên thông tốt bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Bộ Y tế đã có đề án ứng dụng, đổi mới công nghệ thông tin để liên thông các dữ liệu trên toàn quốc nhưng cần phải có lộ trình mới kết nối được từ trạm y tế xã đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh với bảo hiểm xã hội.
Chúng ta xây dựng phần mềm tin học quản lý hoạt động phòng khám BSGĐ cũng là để có phản hồi thông tin về sức khỏe của bệnh nhân chuyển tuyến, xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử y học gia đình, mẫu bệnh án BSGĐ (Tuổi trẻ trang 3).
Sốt xuất huyết tăng do chống dịch hình thức
Ngày 8-3, ông Lâm Quang Chứng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh này ghi nhận gần 2.750 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một người lớn tử vong vào cuối tháng 1-2016.
Số ca mắc sốt xuất huyết đầu năm nay gấp hơn 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 và gần gấp ba lần số ca mắc năm 2014. Ông Chứng nói rằng đây là số liệu rất đáng lo ngại, bởi dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa thường bùng phát vào nửa cuối tháng 5 và đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10, tháng 11.
Tại hội nghị triển khai công tác tháng 3-2016 vừa tổ chức, ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nhận định rằng một trong những nguyên nhân dịch sốt xuất huyết gia tăng đáng ngại là vì “cách chỉ đạo của mình quá hình thức, ai cũng nói tăng cường phòng chống dịch nhưng không biết cấp dưới làm gì vì lãnh đạo địa phương thiếu kiểm tra, sâu sát”. Ông Vinh yêu cầu lãnh đạo ngành y tế Khánh Hòa và chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn phải có phương án hành động quyết liệt hơn.
Trước đó, trong hội nghị bàn giải pháp phòng chống sốt xuất huyết năm 2016, nhiều ý kiến nhận định nguyên nhân dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa lập kỷ lục trong 12 năm qua và dẫn đầu miền Trung năm 2015 với 9.165 ca (2 ca chết) là do chủ quan. Theo ông Lê Trung Nghĩa, cán bộ Viện Pasteur Nha Trang, biện pháp phòng chống dịch “đang nhàm chán” khi các biện pháp đưa ra chỉ là hô hào tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng không có đánh giá xem mỗi xã mỗi tuần diệt hiệu quả thế nào, chỉ số bọ gậy giảm hay tăng (Tuổi trẻ trang 14).
Hơn 3000 liều vacxin dịch vụ Pentaxim đợt 3 đã được đăng ký thành công
Chiều 8.3, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa ra thông báo kết thúc việc đăng ký tiêm vacxin Pentaxim 5 trong 1 (đợt 3) của Trung tâm dịch vụ KHKT & YTDP (số 131 Lò Đúc).
Theo đó, chỉ trong thời gian 1 tiếng đồng hồ, 3.080 liều vacxin dịch vụ Pentaxim đã được đăng ký trực tuyến thành công qua website: tiemvacxin.vn. Danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công được niêm yết công khai tại các địa chỉ website của Viện và Trung tâm. Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo: Khi đưa trẻ đến tiêm vacxin Pentaxim (5 trong 1) cần mang theo: Bản in phiếu đăng ký tiêm Pentaxim thành công hợp lệ đã gửi email; Bản photo giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ; Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của cha/mẹ đã đăng ký để đối chiếu thông tin. Nếu mang bản photo giấy chứng sinh của trẻ thì cần cung cấp Chứng minh nhân dân của mẹ để đối chiếu. Khách hàng chỉ phải trả tiền sau khi được khám sàng lọc và chỉ định tiêm vacxin Pentaxim. Tiêm phòng vacxin Pentaxim cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi – tính đến ngày tiêm.
Chỉ đưa trẻ đi tiêm khi trẻ khỏe mạnh (không bị ốm: hiện tại không sốt, không mắc bệnh hoặc đang điều trị bệnh).
Với các trẻ tiêm từ mũi 2 không tiêm vacxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib trong vòng 4 tuần trước tính đến ngày tiêm đều có thể đăng ký tiêm (Lao động trang 3).
Chuyên gia Pháp "thị phạm" phẫu thuật nội soi 3D
Sáng 8-3, GS.BS Joel Leroy - Giám đốc khoa học Trung tâm Phẫu thuật nội soi đại trực tràng của Pháp cùng các chuyên gia đã trực tiếp tham gia phẫu thuật nội soi 3D “thị phạm” và trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ, phẫu thuật viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Sau khi được GS Leroy hội chẩn, bệnh nhân nữ, 51 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư biệt hóa K, giai đoạn T2N0 được chỉ định cắt nửa đại tràng trái bằng phương pháp phẫu thuật nội soi 3D. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Xanh Pôn triển khai kỹ thuật này dưới sự hướng dẫn của GS Leroy - chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật nội soi tiêu hóa, đặc biệt là phẫu thuật nội soi đại trực tràng. Ca phẫu thuật nội soi 3D cho bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn đã thành công tốt đẹp. GS Leroy cho biết, kỹ thuật phẫu thuật bằng hệ thống nội soi 3D giúp thời gian phẫu thuật giảm hơn 15% so với mổ thông thường, thời gian phục hồi nhanh. Phương pháp này có thể áp dụng với ung thư đại trực tràng và các cơ quan khác trong cơ thể như ung thư dạ dày, ung thư gan, thực quản… Được biết, GS.BS Leroy là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật đại trực tràng không để lại vết sẹo trên thành bụng. Ông cũng được Hiệp hội Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng danh giá “Người mở đường” cho lĩnh vực này (An ninh thủ đô trang 2, Công an nhân dân trang 6, Gia đình & Xã hội trang 7).
160.000 liều vaccine viêm não mô cầu sắp về nước
Chiều 8-3, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế thông tin, đến tháng 4-2016 tới đây, sẽ có 60.000 liều vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu Polysaccharide meningococcal A+C (do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất) và 100.000 liều vaccine VA-MENGOC-BC, do Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu được cung ứng cho Việt Nam. Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay có 2 vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực (vaccine A+C) hoặc đã được cấp giấy phép nhập khẩu. Báo cáo của các công ty nhập khẩu cho biết, từ tháng 7-2015 đến nay, đã có hơn 90.000 liều vaccine A+C và 400.000 liều vaccine VA-MENGOC-BC được nhập khẩu về Việt Nam và hiện tại kho của Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 còn tồn gần 150.000 liều vaccine VA-MENGOC-BC.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh theo dõi sát diễn biến bệnh trên địa bàn và nhu cầu tiêm chủng của nhân dân để kịp thời chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng lập dự trù, có kế hoạch mua và sử dụng vaccine với các công ty nhập khẩu, kinh doanh vaccine. Cục cũng đề nghị các công ty nhập khẩu, kinh doanh vaccine khi nhận được dự trù của các cơ sở tiêm chủng phải chủ động lập kế hoạch và liên hệ với các đối tác nước ngoài để đặt hàng với mục tiêu cung ứng đủ vaccine theo nhu cầu của các đơn vị (An ninh thủ đô trang 8, Hà Nội mới trang 2, Nhân dân trang 8, Gia đình & xã hội trang 2).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bảo hiểm y tế có lợi cho người bệnh
Ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 8, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Chánh và quận 8. Đại biểu Lê Trọng Sang và đại biểu Trần Hoàng Ngân đã báo cáo cử tri huyện Bình Chánh và quận 8. Theo đó, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 21-3, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề lớn. Thứ nhất là xem xét thông qua 7 dự án luật. Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác khác. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Đồng thời Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các vị đại biểu Quốc hội sẽ xem xét một số báo cáo về tiến độ triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tính tới ngày 21-3-2016…
Cử tri quận 8 và huyện Bình Chánh tiếp tục kiến nghị lên QH những vấn đề quan trọng như: Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; biển đảo của Tổ quốc; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là với người nghèo; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nông thôn mới; việc làm cho người lao động khi tham gia các hiệp ước quốc tế và khu vực; những vấn đề cụ thể về quy hoạch, xây dựng bệnh viện; Bảo hiểm y tế… Cử tri đã đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu Quốc hội, đồng thời kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2…
Phát biểu với cử tri, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi lời cảm ơn những ý kiến đóng góp, đánh giá đầy tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của cử tri. Riêng về dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Bộ Y tế rất cảm ơn bà con ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã giải tỏa mặt bằng rất nhanh. Về tiến độ xây dựng bệnh viện, Bộ Y tế rất muốn khởi công vào cuối năm 2016. Nhưng các nhà thầu Nhật Bản không chịu vì theo họ thiết kế có thể mất 6 năm nhưng khởi công xây dựng chỉ khoảng 2 năm. Khâu thiết kế rất kỹ nên sẽ có một bệnh viện khang trang và rất hiện đại để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân”.
Nhiều cử tri cũng thắc mắc về vấn đề mua bảo hiểm theo hộ gia đình. Bộ trưởng nói rõ, đóng mua bảo hiểm là một sự chia sẻ. Chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, chia sẻ với cộng đồng xã hội. Ngay mỗi bản thân cũng rất có lợi. Bởi mệnh giá của bảo hiểm y tế là thấp, nhưng vào những lúc không may mắc phải bệnh, đặc biệt là các bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch, thận…thì sẽ rất có lợi cho người bệnh. Trong trường hợp mắc những căn bệnh này mà không có bảo hiểm y tế thì thực sự là một thảm họa. Hơn nữa, trong thời gian tới, giá viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ nếu người dân không mua bảo hiểm y tế sẽ phải chịu mức viện phí rất cao. Nên theo Bộ trưởng Kim Tiến, ai chưa mua bảo hiểm thì nên mua để đảm bảo cho việc khám chữa bệnh được tốt nhất (Sức khỏe & Đời sống trang 3).