Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/3/2018

  • |
T5g.org.vn - Đỡ đẻ thành công thai nhi bị dao phạm thủng đầu; Sự hài lòng của người bệnh là thước đo; Phẫu thuật thành công ung thư lưỡi bằng vi phẫu tạo hình...

 

Sự hài lòng của người bệnh là thước đo

Đó chính là mục tiêu phấn đấu thực hiện của ngành y tế thành phố trong năm 2018, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo Sở Y tế, năm 2017, ngành y tế thành phố đã khám, chữa bệnh cho 42 triệu lượt bệnh nhân, chiếm 26% số lượt khám, chữa bệnh, trong đó số lượng nội trú chiếm 14% so với cả nước. Các hoạt động y tế được triển khai đạt hiệu quả cao như mô hình "Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận đặt tại trạm y tế" của quận Thủ Ðức và Tân Phú. Nhiều bệnh viện quận, huyện khởi sắc, thu hút đông người đến khám, chữa bệnh, đã có 10 trong số 23 bệnh viện tuyến quận, huyện có số lượt khám hơn 1.000 bệnh nhân trong ngày. Năm 2017, ngành y tế đã ngăn chặn được nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, bệnh tay, chân, miệng, dịch Zika và các bệnh nguy hiểm khác. Nhân viên y tế cứu sống được rất nhiều người bệnh trong tình trạng nguy kịch thông qua "Quy trình báo động đỏ". Nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện phấn đấu vươn lên tạo uy tín đối với người bệnh. Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố nhấn mạnh: Năm 2018, là năm bản lề đối với thành phố và của ngành y tế, cũng là năm đầu triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Do đó, ngành y tế tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế với các chỉ số như: 42 giường bệnh/10.000 dân, 18 bác sĩ/10.000 dân, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ dưới một tuổi. Thành phố vừa có thêm Bệnh viện Nhi đồng chính thức đi vào hoạt động, "Quy trình báo động đỏ" nội viện và liên viện của Sở Y tế phát huy hiệu quả trong phối hợp cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch. Ngành y tế hoàn chỉnh mạng lưới cấp cứu 115, trong năm qua bảo đảm bao phủ mỗi quận, huyện đều có trạm cấp cứu 115 vệ tinh. Ðồng thời tổ chức thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh thật sự hiệu quả, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình song song với phát triển y tế chuyên sâu kỹ thuật cao. Thực hiện tốt các chương trình phòng, chống bệnh tật mới phát sinh, quản lý sức khỏe người dân theo hướng toàn diện, liên tục và nâng chất lượng của dân số thành phố với các mục tiêu như: toàn bộ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt hơn 95%… Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc những quy định về hoạt động cung ứng các dịch vụ y tế, bảo đảm an toàn cho người bệnh, đem lại sự hài lòng cho người dân khi đến các cơ sở y tế.

Ðể hoàn thành những mục tiêu nêu trên, năm 2018 ngành y tế thành phố tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng y tế thông minh bằng việc áp dụng các phần mềm tiện ích trên các thiết bị điện tử thông minh. Qua đó, góp phần cùng thành phố nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập. Sở Y tế đã xây dựng tiêu chí chất lượng phòng khám đa khoa, ban hành 21 bộ khuyến cáo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu đánh giá cao sự nỗ lực trong toàn ngành. Ðó là, Sở Y tế nghiên cứu thành lập tập huấn và thực hành thuần thục "Quy trình báo động đỏ" nội viện và liên viện đã giúp cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch, điều phối lưu lượng bệnh nhân nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố; hình thành các khoa vệ tinh để giảm tải, chuẩn hóa phát triển phòng khám bác sĩ gia đình. Ðảng ủy, giám đốc các bệnh viện luôn suy nghĩ, tìm tòi, thể nghiệm, thực hành các sáng kiến mới để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh tốt hơn. Năm 2018, bên cạnh tiếp tục phấn đấu thực hiện năm mục tiêu trong công tác khám, chữa bệnh là an toàn hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn, người bệnh hài lòng hơn, ngành y tế thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện tự chủ tài chính và xã hội hóa tại các cơ sở y tế, tiếp tục xây dựng đề án Trung tâm điều hành 115 thông minh, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân. (Nhân dân, chuyên trang TPHCM)

 

Xử lý ổ dịch viêm gan siêu vi A tại Đắc Lắc

Ngày 8-3, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ cuối tháng 1-2018 đến nay, tại buôn Drung, xã Yang Tao, huyện Lắc đã ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh viêm gan siêu vi A.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn công tác về phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lắc tiến hành giám sát tại cộng đồng và phát hiện đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Drung có thói quen ăn uống, vệ sinh chưa phù hợp; chuồng trại gia súc, gia cầm làm gần khu vực nhà ở, không xử lý phân, rác thải từ chăn nuôi. Để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân buôn Drung thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; vệ sinh khu vực nhà ở; xử lý môi trường bằng hóa chất Chloramin B và chất thải hợp lý. (Nhân dân, trang 5)

 

Phẫu thuật thành công ung thư lưỡi bằng vi phẫu tạo hình

Lần đầu tiên bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công ca bệnh ung thư lưỡi lan rộng với phương pháp vi phẫu tạo hình. Đây là một tin vui, hy vọng mới cho các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện và khu vực miền Trung.

Ngày 7-3, thông tin từ Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng cho hay, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một ca ung thư lưỡi lan rộng hiếm gặp.

Trước đó, bệnh nhân Phạm Ngọc K, 46 tuổi ở Hòa Quý – Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng vào viện trong tình trạng u lưỡi bên phải lan rộng, khối u xâm lấn gần hết phần lưỡi di động, xâm lấn xuống sàn miệng và đáy lưỡi và di căn hạch cổ, được chẩn đoán: Ung thư lưỡi TN2Mo. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ tại khoa ngoại 2 bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đã quyết định phẩu thuật để cứu bệnh nhân. Sau hơn 10 tiếng đồng hồ, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ hết khối ung thư và nạo hạch, sau đó lấy một phần da, cơ, cân, cuống mạch và thần kinh vùng đùi để tái tạo lại lưỡi thành công cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhân K đã dần hồi phục các chức năng của lưỡi.

Theo các bác sĩ khoa ngoại 2 bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng thì đây là ca mổ khó, phức tạp đòi hỏi ekip kíp phẫu thuật phải nắm vững kỹ thuật mổ cũng như chuyên môn cả hai chuyên ngành ngoại khoa khác nhau là: ngoại khoa ung thư và vi phẫu tạo hình.

Với kỹ thuật này, bệnh nhân không phải nằm việc lâu để xạ trị và tăng thời gian sống cho bệnh nhân.

Được biết, hiện nay kỹ thuật mổ này mới chỉ được áp dụng tại một vài bệnh viện trên toàn quốc. Tại Đà Nẵng, đây là ca mổ ung thư lưỡi đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này. (Công an Nhân dân, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Phẫu thuật thành công ung thư lưỡi lan rộng bằng phương pháp vi phẫu tạo hình”

 

Ăn cá nóc mít, 5 người bị ngộ độc

Đến sáng 8-3, nhiều người vẫn còn hôn mê sâu, tình hình rất nguy kịch sau khi ăn cá nóc mít bị ngộ độc.

Trước đó, vào chiều ngày 7-3, Bệnh viện Đa khoa Trung ương thành phố Cần Thơ tiếp nhận và cấp cứu 5 ca ngộ độc do ăn cá nóc mít. Đây là những người dân ở Xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Trong đó, có 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, phải thở bằng máy.

Vụ ngộ độc xảy ra khoảng trưa ngày 7-3, khi ông Trần Văn Ái bắt được khoảng 2 ký cá nóc mít đem nấu canh chua và rủ người em trai của mình là ông Trần Thanh Sơn cùng vài người hàng xóm sang nhậu. Mặt dù được một phụ nữ cảnh báo nguy hiểm tính mạng khi ăn loại cá này, nhưng mọi người vẫn chủ quan.

Hơn 2 tiếng sau, 5 người ăn cá nóc mít có triệu trứng tê lưỡi, tay chân và nôn ối, được gia đình nhanh chóng đưa các lên Trung tâm Y tế ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cấp cứu. Tuy nhiên, do tình hình ngày càng trở nặng nên từ khoảng 17 giờ đến 20 giờ cùng ngày, tất cả đều được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương thành phố Cần Thơ cấp cứu.

Bác sĩ Huỳnh Trọng Nghĩa, chuyên Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: “Cá nóc không có thuốc đối kháng trực tiếp, chủ yếu điều trị trực tiếp. Thông thường tùy từng người sau khoảng vài phút đến vài giờ bệnh nhân có biểu hiện ra ngoài…”

Dù được bệnh viện chữa trị tích cực, nhưng 3 bệnh nhân vẫn còn hôn mê sâu, tình hình rất nguy kịch phải thở bằng máy, 2 người còn lại sức khỏe được ổn định và được chuyển sang phòng hồi sức.

Theo các bác sĩ, tình trạng ngộ độc cá nóc đã được thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều người vẫn không hề lo sợ. Hiện nhiễm độc cá nóc chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khả năng tử vong rất cao khi không phát hiện và chữa trị kịp thời. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Ăn cá nóc mít, 5 người ngộ độc”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Ăn lẩu cá nóc, 5 người ngừng tim, ngừng thở”

 

Hà Nội kiểm tra hàng loạt nhà thuốc bệnh viện, tư nhân

Sở Y tế Hà Nội vừa thành lập 2 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở trực tiếp làm trưởng đoàn và ngay từ đầu tháng 3 này sẽ bắt đầu kiểm tra hàng loạt nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố.

Ngày 8-3, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động công tác dược trong bệnh viện, nhất là hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn.

Trong 2 ngày 6-7/3, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Qua kiểm tra 2 nhà thuốc của bệnh viện này đều chưa phát hiện tình trạng bán thuốc ngoài danh mục, giá thuốc không vượt quá giá kê khai, không bán thuốc hết hạn.

Dù vậy, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu hai đơn vị nói trên cần rà soát lại toàn bộ hoạt động của khoa dược cũng như nhà thuốc, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác dược, đầu tư thích đáng cho công tác quản lý chất lượng thuốc, cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng phục vụ người bệnh và nhân dân.

Theo ông Trần Văn Chung, trong năm 2017, Chính phủ cũng như Bộ Y tế ban hành hàng loạt các văn bản liên quan đến công tác dược như Nghị định 54 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Dược; Thông tư 06 của Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc; Thông tư 07 về danh mục thuốc không kê đơn; Thông tư 22 quy định tổ chức và hoạt động của khoa dược bệnh viện…

Vì thế, sau khi được thành lập, ngay từ tháng 3 này, hai đoàn kiểm tra của Sở Y tế sẽ kiểm tra công tác dược tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện về cung ứng thuốc, phân phối đến các khoa phòng.

Các đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra hoạt động của hàng loạt nhà thuốc bệnh viện, kể cả các nhà thuốc của bệnh viện trung ương và tiến tới sẽ kiểm tra nhà thuốc bệnh viện tư nhân, nhà thuốc của các công ty dược.

Trong đó, với các nhà thuốc, đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra về danh mục thuốc, giá bán, cơ sở vật chất để bảo quản thuốc... Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang quản lý 110 nhà thuốc các bệnh viện công lập của Hà Nội và các bệnh viện của trung ương, bộ, ngành. (An ninh Thủ đô, trang 6)

 

Dùng thuốc Đông y không nguồn gốc chữa tiểu đường: Nhiều người nguy kịch

Như báo Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU)- Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ đã tiếp nhận 10 bệnh nhân nguy kịch, đến thời điểm hiện tại hai bệnh nhân trong số này đã tử vong và hai người bệnh nặng xin về, nghi do tác dụng phụ của thuốc.

Những bệnh nhân này có đặc điểm chung là đều mắc bệnh tiểu đường và đều dùng một loại thuốc Đông y được đóng trong túi nilong không rõ nguồn gốc xuất xứ.  Đáng nói là nhiều bệnh nhân ở các tỉnh lân cận cũng nhập viện vì thuốc Đông y không nguồn gốc...

Dùng thuốc Đông y không nguồn gốc chữa tiểu đường: Nhiều người nguy kịchCơ sở bán thuốc Đông dược không rõ nguồn gốc bị ngành chức năng quận Ô Môn - Cần Thơ kiểm tra và thu giữ.            

Qua khai thác tiền sử được biết, những bệnh nhân này đều cùng mua thuốc tại nhà bà Lâm Kim Xuyến, sinh năm 1946, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Người nhà nạn nhân cho biết, chồng chị bị mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Khi phát hiện bệnh, có điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ ở BV. Nhưng sau đó, nghe người chị ruột chồng giới thiệu thuốc hạ đường huyết “gia truyền” nên mới tìm mua về uống, cũng thấy có hiệu quả. Được biết, trước đây chồng bà Xuyến cũng bị tiểu đường, dùng thuốc này và thấy đỡ, sau đó chia sẻ cho những người cùng bị bệnh để dùng, dần dần nhiều người mua và bà đã nhận về bán, giá thuốc là 100.000 đồng. BS. Phụng cho biết, hiện tại các bệnh nhân còn lại đã được xuất viện về nhà.

Trước thông tin hàng chục người nhập viện do suy thận vì dùng thuốc của bà Xuyến, Phòng Y tế quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra nhà bà Xuyến, phát hiện và tịch thu hơn 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Đoàn kiểm tra lập biên bản, tịch thu tất cả số thuốc và mời bà Xuyến đến Phòng Y tế làm việc.

Theo nguồn tin riêng của báo Sức khỏe&Đời sống, tại BVĐK TP. Cần Thơ đã tiếp nhận rải rác bệnh nhân ở các tỉnh xung quanh như Vĩnh Long, Đồng Tháp nhập viện với tình trạng tương tự như các bệnh nhân trên và cũng có dùng chung một loại thuốc này, tuy nhiên các bệnh nhân cho biết họ mua thuốc tại địa phương mình đang sinh sống chứ không mua trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Chiều 8/3, BS. Phụng cũng khẳng định: “Thông tin trên mạng nói thuốc đã được kiểm nghiệm thành phần là không chính xác, BVĐK TP. Cần Thơ chưa gửi mẫu kiểm nghiệm này. Qua trao đổi với đồng nghiệp ở các bệnh viện khác như An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp thì đồng nghiệp của chúng tôi cũng gặp các trường hợp tương tự như các bệnh nhân tại BVĐK TP. Cần Thơ”.

Trước thông tin trên, trao đổi với Sở Y tế Cần Thơ, BS. Bùi Thị Lệ Phi  - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra vấn đề sử dụng thuốc trên địa bàn. Theo đó, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm TP. Cần Thơ tiến hành kiểm tra mẫu thuốc của bà Xuyến, đồng thời đề nghị bà Xuyến ngưng ngay hoạt động bán thuốc tại nhà và yêu cầu bà Xuyến cung cấp danh sách những người đã sử dụng thuốc của bà để có những khuyến cáo kịp thời. Các trung tâm y tế quận, huyện của thành phố tăng cường tuyên truyền đến người dân.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung,  không có loại thuốc nào, dù Tây y hay y học cổ truyền có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn đối với bệnh tiểu đường. Trong Đông y, tiểu đường được gọi là “tiêu khát”, do cơ thể âm luật ô tổn, táo nhiệt nội sinh gây ra. Nguyên tắc điều trị bệnh này là ích khí dưỡng âm, sinh luật thanh nhiệt để dự phòng. Trong Đông y cũng có những bài thuốc và những vị thuốc điều trị tiểu đường.

Tuy nhiên, ngay cả trong bài thuốc Đông y thì cũng phải nói rõ vị thuốc này có thành phần bao nhiêu gram, vị kia bao nhiêu. Vì vậy, đối với các loại thuốc hoàn tán nếu sử dụng cũng phải được công bố thành phần cụ thể, được công bố và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nếu không rất nguy hại. Mặt khác, thuốc có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác từ đó sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả đối với thuốc Tây y, khi điều trị tiểu đường phải kiểm tra xét nghiệm đường thường xuyên, nếu không cũng có thể đối mặt nhiều nguy cơ xấu khi dùng thuốc. Do vậy, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị và được hướng dẫn bởi những người có chuyên môn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Việt Nam được vinh danh trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

Bộ Y tế Việt Nam đã được vinh danh vì những thành tựu trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và nhận giải thưởng MPOWER (Giải thưởng về thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả) tại Hội nghị Thế giới về Phòng, chống tác hại thuốc lá với chủ đề “Thuốc lá hay sức khoẻ” lần thứ 17 được tổ chức tại thành phố Cape Town, Nam Phi ngày 7-3.

Bộ Y tế Việt Nam là nước duy nhất được vinh dự nhận giải thưởng trong việc thực hiện chính sách theo dõi, giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá tại Hội nghị. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế duy nhất về theo dõi, giảm sát sử dụng thuốc lá”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 16: “Bộ Y tế nhận Giải thưởng Toàn cầu về Phòng chống tác hại thuốc lá”

 

Đỡ đẻ thành công thai nhi bị dao phạm thủng đầu

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đã đỡ đẻ thành công một trẻ sơ sinh bị thủng đầu.

Nguyên nhân là do sản phụ tự sinh con tại nhà, được mẹ chồng đỡ đẻ nhưng do quá khó, không biết xử trí thế nào nên bà mẹ đã dùng dao rạch bộ phận sinh dục của con dâu. Kết quả cháu bé bị rách da đầu với vết dài.

Bác sĩ Lê Minh Thủy, trưởng kíp trực ngoại sản Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng, cho biết vào 4h ngày 2-3, bệnh viện tiếp nhận sản phụ  21 tuổi ở Cốc Pục, Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai trong tình trạng huyết động ổn, tầng sinh môn phù nề nhiều máu. Đầu thai nhi đã lọt qua eo dưới, thập thò ở âm hộ.

Sản phụ được hỗ trợ sinh thường. Sau sinh trẻ khóc ngay, không có dấu hiệu ngạt, không có dị tật ngoài.

Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu có nhiều vết xây xát da, có một vết thương dài 7cm, rộng 4cm. Ngay lập tức trẻ được chuyển mổ khâu phục hồi các lớp.

Sau phẫu thuật trẻ đã ổn định, vết mổ khô, không quấy khóc và được ra viện ngày 7-3. (Tuổi trẻ, trang 14)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang