Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 9/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế giám sát phòng chống bệnh do virus Zika tại Đồng Nai; Bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm: Vào cuộc mạnh mẽ, giải quyết triệt để; TP Hồ Chí Minh công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô cấp phường, xã...

Bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm: Vào cuộc mạnh mẽ, giải quyết triệt để

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội rất lớn trong khi nguồn cung vẫn phụ thuộc nhiều vào các địa phương lân cận. Mặc dù, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực và có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát, ngăn chặn nhưng trên thực tế, thực phẩm "bẩn" vẫn tràn lan trên thị trường, trở thành nỗi ám ảnh với người tiêu dùng.

Trong “Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” (ATVSTP) sắp diễn ra, đại diện cơ quan chức năng cho biết sẽ đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh, xử lý nghiêm vi phạm nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Lỏng lẻo và chưa kiểm soát tốt

Hà Nội mới tự đáp ứng được 60% lượng thực phẩm từ gia súc, gia cầm, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Theo ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, song còn khó khăn, vướng mắc như: Công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội của một số địa phương còn chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong việc quản lý, xử lý vi phạm.

Chẳng hạn, có trường hợp cấp giấy kiểm dịch 500 con lợn nhưng lại vận chuyển trong vòng 1 tuần, như vậy là sai quy định và cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được; đó là chưa kể giấy kiểm dịch có thể bị sửa chữa, tẩy xóa, không ghi rõ ràng nơi đi và nơi đến. Trong tháng 3 vừa qua, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt và tiêu hủy 1.000 con gia cầm nhập lậu từ tỉnh Quảng Ninh về.

Điều đáng nói là lô hàng này có giấy kiểm dịch của các tỉnh đi qua, nhưng không có chữ ký của kiểm dịch viên và con dấu, nên thương lái tẩy xóa số lượng gia cầm để tăng số lượng vận chuyển về Hà Nội. Thậm chí, sản phẩm động vật nhập về Hà Nội của một số tỉnh chưa được kiểm tra, kiểm soát và niêm phong chặt chẽ, nên trong quá trình vận chuyển, chủ hàng đã thay đổi, đánh tráo hàng hóa không bảo đảm chất lượng tiêu thụ trên thị trường.

Tại hội nghị đánh giá kết quả phối hợp trong công tác thú y giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 8-4, các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, công tác kiểm soát sản phẩm động vật từ các địa phương về Hà Nội còn nhiều bất cập, do một số địa phương chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm ATTP nên gây khó khăn cho việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

 Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) cho rằng, việc quản lý sản phẩm động vật của các tỉnh qua các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố còn bất cập. Lực lượng thú y muốn dừng xe vận chuyển gia súc, gia cầm để kiểm tra nhưng không có chức năng, thẩm quyền nên phải chờ cảnh sát giao thông, nhưng không phải lúc nào cũng có đầy đủ các bộ phận liên quan gồm: Quản lý thị trường, công an, thú y hoạt động, dẫn tới vẫn còn hiện tượng xe vào thành phố chưa được kiểm tra.

Còn theo ông Đinh Quốc Sự, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình, hiện 50% sản lượng gia súc, gia cầm của địa phương được dành cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc kiểm soát sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc, do chăn nuôi còn nhỏ lẻ, lực lượng thú y mỏng, không tránh khỏi những sai sót trong kiểm dịch, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận.

Nếu phát hiện bao che sẽ cách chức lãnh đạo

Ở một góc độ khác, tại hội nghị sơ kết ATVSTP quý I-2016 và triển khai Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2016 do Cục ATVSTP (Bộ Y tế) tổ chức sáng 8-4, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, ở đâu chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ, thanh tra, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm, thì ở đó công tác bảo đảm ATVSTP tốt hơn. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra ATVSTP ở nhiều nơi vẫn chỉ mang tính nhắc nhở là chính.

Để kiểm soát thị trường thực phẩm, trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2016 với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" (diễn ra từ 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc), các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Ông Nguyễn Hùng Long lý giải, việc quản lý ATVSTP là vấn đề thường xuyên, liên tục, Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP không phải để giải quyết một vấn đề cụ thể, mà để tăng cường hoạt động, tập trung nhiều lực lượng, huy động toàn xã hội vào cuộc, bảo đảm thị trường thực phẩm an toàn.

Năm nay, ngành chức năng vẫn chọn chủ đề của năm ngoái, bởi chất lượng rau, thịt vẫn là vấn đề "nóng" hiện nay. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Mục tiêu và kế hoạch của Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP đã rõ, nhưng làm thế nào để triển khai có hiệu quả, nhất là quản lý chặt việc cung ứng sản phẩm rau, thịt trên địa bàn Thủ đô? Ông Nguyễn Hùng Long cho rằng phải giảm các cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch và tăng cường thanh tra đột xuất. Tới đây, khi thanh tra, kiểm tra ATTP, nếu phát hiện địa phương nào bao che cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn", Cục ATTP sẽ kiến nghị cách chức lãnh đạo quản lý. Cùng với đó, Cục ATTP luôn mong có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng. Người tiêu dùng phát hiện cơ sở chăn nuôi, trồng trọt có sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, thuốc BVTV, chất bảo quản… không cho phép, lập tức tố giác với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. (* Hà Nội mới (trang 1))

TP Hồ Chí Minh công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô cấp phường, xã

Ngày 8-4, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô cấp phường, xã trên địa bàn thành phố. Địa điểm xảy ra dịch bệnh là phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Theo quyết định, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch do vi-rút Zika đúng quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch trên địa bàn.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình, không để phát sinh ổ dịch mới.

* Ngày 8-4, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại tỉnh Đồng Nai. Đại diện đoàn kiểm tra cho rằng, nguy cơ xảy ra dịch bệnh do vi-rút Zika tại tỉnh khá cao, đề nghị các bệnh viện trên địa bàn chú trọng sàng lọc người bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika, điều trị kịp thời. Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương, trọng tâm là những vùng đông dân cư, khu vực nhà trọ, các trường mẫu giáo; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh do vi-rút Zika nói riêng. Đến nay Sở Y tế tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố ở Đồng Nai đã ký cam kết tăng cường chỉ đạo, huy động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết. (*Lao động, Sài Gòn Giải phòng, Tiền phong, Tuổi trẻ, Hà Nội mới, Nhân dân (trang 8))

Báo Pháp luật trang 4: “TP.HCM: Công bố dịch tại phường Thạch Mỹ Lợi”; Nông thôn Ngày nay trang 2: “TPHCM công bố dịch bệnh do vi rút Zika”

Tiện lợi dịch vụ xe cấp cứu tư nhân

Ngày 8.4, ông Lê Văn Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Quảng Ngãi), cho biết đến thời điểm này Sở đã cấp phép hoạt động dịch vụ vận chuyển cấp cứu hỗ trợ người bệnh cho hai đơn vị là Phòng khám đa khoa Phúc Hưng và Đội xe cấp cứu vận chuyển người bệnh, tổng cộng với 13 xe.

Theo ông Phương, sau khi tự xây dựng phương án hoạt động riêng và giá vận chuyển bệnh nhân tùy theo từng địa bàn trong và ngoài tỉnh, các đơn vị đăng ký những nội dung trên với Sở Y tế Quảng Ngãi để theo dõi kiểm tra thường xuyên.

Điểm bắt buộc là trên các xe cấp cứu phải có các trang thiết bị y tế sơ cấp cứu ban đầu. Ngoài ra, các đơn vị còn hợp đồng với cán bộ y tế được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề để đi cùng trên xe cấp cứu, phục vụ người bệnh khi người nhà bệnh nhân có nhu cầu.

"Dịch vụ xe cấp cứu tư nhân ở Quảng Ngãi chủ yếu vận chuyển, trợ giúp bệnh nhân từ nhà đến các bệnh viện trong tỉnh và chuyển người bệnh có nhu cầu điều trị đến các bệnh viện tại Huế, Đà Nẵng, TP.HCM... Đối với những trường hợp mắc bệnh nặng, tình trạng nguy cấp, xe cấp cứu của các bệnh viện công phải có nhiệm vụ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được cấp cứu, điều trị kịp thời", ông Phương lưu ý.

Cũng theo ông Phương, trong khi phương tiện vận chuyển cấp cứu, chuyển viện của các bệnh viện công lập trong tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc ra đời dịch vụ xe cấp cứu tư nhân đã tạo tiện lợi cho bệnh nhân. Đây là hoạt động xã hội hóa cần được khuyến khích.

“Việc đưa dịch vụ xe cấp cứu tư nhân ở Quảng Ngãi đi vào quy củ, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đã chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến xe cứu thương “dù” hoạt động bát nháo như trước đây. Từ ngày hai đơn vị được cấp phép thực hiện dịch vụ vận chuyển cấp cứu hỗ trợ người bệnh, đến nay Sở Y tế Quảng Ngãi chưa nhận bất kỳ phàn nàn, kêu ca của người dân”, ông Phương nói.

Ông Đỗ Tiến Ngại, Đội trưởng Đội xe cấp cứu vận chuyển người bệnh, cho biết đội có 10 xe cấp cứu, được đầu tư nhiều tỉ đồng, luôn túc trực sẵn sàng 24/24 giờ.

“Bất kể đêm khuya, mưa gió, khi người nhà bệnh nhân có nhu cầu, chúng tôi lập tức điều xe cấp cứu đến ngay vì chỉ cần chậm trễ một chút tính mạng của bệnh nhân càng nguy hiểm hơn. Anh em trong đội xe đều thấu hiểu điều này”, ông Ngại nói và cho biết thêm: “Tiền bạc ai cũng cần nhưng quan trọng nhất là tình người. Vì thế, nhiều lần vận chuyển người bệnh tử vong từ bệnh viện về nhà, thấy nhiều gia đình ở các huyện miền núi trong tỉnh vì hoàn cảnh quá nghèo khó nên chúng tôi không những miễn phí tiền vận chuyển mà còn ủng hộ ít tiền để giúp đỡ họ lo hậu sự cho người thân”. (* Thanh niên (trang 4))

Lập được bản đồ cấu trúc vi rút Zika

Lần đầu tiên cấu trúc của vi rút Zika đã được tiết lộ, đánh dấu một lợi thế chủ chốt trong nỗ lực phát triển những phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Một nhóm chuyên gia của Đại học Purdue (Mỹ) đã công bố bản đồ phân tử của vi rút Zika trên chuyên san uy tín Science, cho thấy những đặc điểm quan trọng về mặt cấu trúc hứa hẹn có thể giúp giới khoa học gia phát triển thành công những liệu pháp đầu tiên có thể đối phó dịch bệnh đáng sợ ở Nam Mỹ. Theo đó, bản đồ cung cấp những khác biệt về mặt cốt lõi của một protein chủ chốt có thể giải thích tại sao Zika lại tấn công các tế bào thần kinh trong khi các vi rút khác cùng họ lại không làm như vậy. Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Richard Kuhn nhận xét rằng phát hiện mới của nhóm ông cung cấp một mục tiêu đầy hứa hẹn để giới chuyên gia có thể tiến hành những cuộc thử nghiệm và các nghiên cứu tiếp theo nhằm đẩy lùi bệnh tật.

Được biết, Zika hết sức tương đồng với những thành viên của gia đình, bao gồm sốt xuất huyết, sốt vàng da và sốt West Nile, theo bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ. Tuy nhiên, các biến thể trong protein ở lớp ngoài cùng, tức màng bao, của Zika có thể giải thích cách thức vi rút nguy hiểm xâm nhập tế bào người, có thể giúp mở ra một hướng mới trong nỗ lực điều chế thuốc men hoặc vắc xin. Sự khác biệt về cấu trúc đồng thời có thể giải thích mối liên hệ giữa Zika và hai chứng rối loạn di truyền nguy hiểm là chứng thai nhi bị đầu nhỏ và hội chứng Guillain-Barre gây liệt ở người.

Hãng tin Reuters dẫn lời bác sĩ Fauci cho biết: “Có một dải protein khó thấy được trên màng bao khiến Zika hoàn toàn khác với các flavivirus còn lại”. Dưới con mắt chuyên gia “đây là một tín hiệu hết sức nổi bật”. Để có thể phát hiện được tín hiệu “ẩn” này, đội ngũ các nhà nghiên cứu của Đại học Purdue đã tạo ra một hình ảnh của phân tử vi rút Zika trưởng thành, nhờ vào kỹ thuật hiện đại cho phép cung cấp ảnh có độ phân giải cực cao của mầm bệnh. Khi phân tích hình ảnh thu được, các nhà khoa học tìm thấy một điểm khác trong cấu trúc của Zika so với những vi rút tương tự, nằm ở khu vực chứa protein màng bao nhiều khả năng được vi rút sử dụng để bám vào tế bào người. Protein này cũng là một mục tiêu chủ chốt bị hệ miễn dịch của người “khoanh vùng” để phản công, có nghĩa là nó có tiềm năng sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin.

Dịch Zika đã và đang lan rộng tại Mỹ Latin và vùng Caribê trong vài tháng qua. Tính đến nay, Brazil xác nhận hơn 900 trường hợp trẻ sơ sinh mắc dị tật đầu nhỏ, và đang tiến hành điều tra hơn 4.000 ca khả nghi. Mối liên hệ giữa tật đầu nhỏ và Zika vẫn chưa được chứng minh, nhưng ngày càng có nhiều chứng cứ xuất hiện buộc Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Zika là mối đe dọa khẩn cấp trên toàn cầu vào tháng 2.2016. (* Thanh niên (trang 15))

Cho phép bán thuốc chữa bệnh tại siêu thị: Chỉ bán thuốc không cần kê đơn

Luật Dược (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1-1-2017) với rất nhiều điểm mới như cho phép bán thuốc tại siêu thị; bán thuốc lưu động ở miền núi hay cấm kê đơn thực phẩm chức năng... Theo đánh giá của các chuyên gia, những quy định mới này tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, song quá trình thực hiện cần thận trọng để tránh biến tướng.

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nhận định, việc Luật Dược (sửa đổi) quy định cấm kê đơn thực phẩm chức năng là rất tiến bộ. Nếu thực hiện nghiêm túc được quy định này, kết hợp với thực hiện tốt các quy định quản lý về thực phẩm chức năng trong Luật An toàn thực phẩm sẽ tạo được bước chuyển biến trong lĩnh vực vốn đang rất lộn xộn hiện nay, bảo vệ được quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Tương tự, về quy định cho phép bán một số loại thuốc tại siêu thị, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, phù hợp với xu thế của thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Việc cho phép bán thuốc tại siêu thị cũng giúp người dân có quyền tiếp cận, lựa chọn, mua thuốc dễ dàng hơn. Tất nhiên, không phải thuốc nào cũng được bán trong siêu thị, sẽ chỉ cho phép bán các loại thuốc thông thường, không cần kê đơn như thuốc cảm, sổ mũi, vitamin…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tiên phân tích, Luật Dược (sửa đổi) không “lấn sân” Luật An toàn thực phẩm bởi luật này chỉ đề cập đến việc “cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh…” với tất cả các sản phẩm chứ không chỉ đích danh thực phẩm chức năng. Về quy định cho phép các doanh nghiệp tổ chức quầy thuốc lưu động tới miền núi, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Thực tế, ở một số vùng núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay, việc tiếp cận mua thuốc của nhân dân rất khó khăn, có khi trên cả địa bàn rộng lớn không có nổi một dược sĩ, một nhà thuốc nào. Do đó, quy định này là cần thiết”.

Quản lý chặt để tránh biến tướng

Theo các chuyên gia y tế, những điểm mới trong Luật Dược (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi và đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Song từ quy định của luật đến triển khai trong cuộc sống lại là một câu chuyện dài. Chẳng hạn, với quy định cho phép bán thuốc trong siêu thị, Bộ Y tế sẽ phải lập danh mục các loại thuốc được phép bán và hệ thống quy định để đảm bảo an toàn cho người sử dụng…

Bà Phạm Khánh Phong Lan phân tích, thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người nên nếu không quản lý chặt, để xảy ra biến tướng trong kinh doanh mặt hàng này thì nguy hại khôn lường. Chẳng hạn, nếu không quản lý chặt chẽ mà để siêu thị bán cả thuốc kê đơn thì rất nguy hiểm. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thực tế hiện nay, ngay cả những nhà thuốc đã đạt mức thực hành tốt vẫn có vi phạm nên khi cho phép bán thuốc ở siêu thị, nếu quản lý không nghiêm thì sai phạm càng dễ xảy ra hơn. “Luật đã có cải tiến nhưng kết quả thực hiện ra sao, tác động thế nào đến đời sống người dân vẫn cần thực tế trả lời”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nói.

Tương tự, với quy định cho phép doanh nghiệp tổ chức quầy thuốc lưu động tới miền núi, vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ, từ điều kiện hoạt động tới yêu cầu về bảo quản thuốc, chất lượng thuốc… đều phải được giám sát. “Nếu không quản lý tốt, rất có thể xảy ra tình trạng lạm dụng, biến tướng vì mục đích lợi nhuận, chẳng hạn doanh nghiệp cố ý trà trộn thuốc kém chất lượng, thuốc sắp hết hạn sử dụng lên miền núi bán. Cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý chặt, nếu không quy định nhân văn lại biến thành có hại”, ông Nguyễn Văn Tiên nói. (* Thanh niên (trang 15))

Phát hiện nhiều mẫu thịt lợn giả thịt bò

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia ngày 7.4 cho biết cơ quan này vừa tiến hành lấy mẫu giám sát chủ động với 109 mẫu được giới thiệu bán là: Thịt bò tươi, phở bò và một số thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò (xúc xích, giò bò).

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nhiều mẫu sản phẩm không có thịt bò hoặc thành phần bò không đáng kể, thậm chí thịt bò là thịt heo, thịt trâu.

Các mẫu này được lấy tại các cửa hàng bán lẻ, một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, là các sản phẩm bán lẻ tại hộ gia đình và của một số công ty. Cụ thể, trong số 44 mẫu thịt bò tươi được lấy phân tích, có 35 mẫu là thịt bò, còn lại 1 mẫu là thịt trâu, 8 mẫu là thịt heo. Với 12 mẫu nạm bò, phân tích đã xác định có 10 mẫu thịt là nạm bò thật, 2/12 mẫu là thịt heo.

Trong số 10 mẫu thịt bò được lấy tại các cửa hàng bán phở bò, có hai cửa hàng bán phở bò thực chất là phở thịt heo. Đáng lưu ý, 23 mẫu xúc xích bò được lấy phân tích, có 8 mẫu không phát hiện hàm lượng thịt bò, 15 mẫu hàm lượng thịt bò rất thấp.

Ngoài ra, 20 mẫu giò bò được phân tích có 9/20 mẫu không thấy thịt bò; 8/20 mẫu hàm lượng bò rất thấp (ở mức 13%); 2/20 mẫu xác định thịt bò chiếm khoảng 30 - 33%; chỉ một mẫu có lượng bò cao nhất nhưng cũng chỉ chiếm 60%.

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các mẫu thịt, sản phẩm nói trên bao gồm cả các mẫu sản phẩm được sản xuất bởi các công ty được cấp phép, công bố chất lượng với cơ quan quản lý.

Theo nhóm nghiên cứu, các sản phẩm chế biến khi phân tích không thấy nguyên liệu thịt bò thật, hoặc lượng thịt bò rất thấp nhưng vẫn cho mùi, màu sắc đặc trưng của sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thịt bò. Việc này đòi hỏi cần có các nghiên cứu mở rộng, làm rõ hơn về hương liệu, phụ gia, chất tạo màu đã được sử dụng trong các thực phẩm nguyên liệu từ heo nhưng lại mang “vỏ” thịt bò. Nếu sử dụng phụ gia, hương liệu tổng hợp không được kiểm soát, không đúng liều lượng, không rõ nguồn gốc sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. (* An ninh Thủ đô (trang 17))

Cùng chủ đề Tiền phong trang 2: “Phát hiện phở bò, thịt bò, xúc xích bò làm từ thịt lợn”

Hà Nội: Lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa giao Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm khẩn trương thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra toàn diện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn TP, thời gian từ tháng 4 đến hết năm 2016.

Trong Công văn số 2026/UBND-TH, ban hành ngày 7/4/2016, UBND TP cho biết cơ quan báo đã có bài: “Tác hại khủng khiếp của gia vị "thần thánh” 1 lạng nấu 20 nồi nước phở” phản ảnh nhiều loại đường hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng được giới thiệu có độ ngọt gấp 20 lần đường cát bày bán tại nhiều chợ trên địa bàn TP.

 Bên cạnh đó, các báo cũng đưa thông tin: “Vùng rau sạch lớn nhất Hà Nội: Rau độc, rau sạch trông chờ... lương tâm” phản ảnh tình trạng phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng phổ biến trên các cánh đồng sản xuất rau an toàn Vân Nội, huyện Đông Anh. Bài viết “Rùng rợn rau muống "tắm” nước đen trước giờ xuống chợ”, cơ quan báo phản ảnh rau muống tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì rửa dưới dòng nước đen bẩn, ô nhiễm trước khi đem bán.

Đài truyền hình Việt Nam cũng mới phát phóng sự: “Rùng mình” hành trình mỡ trộn phân, hóa chất... lên bàn ăn”. Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội và báo chí có nhiều phóng sự phản ánh chất lượng thực phẩm tại các khu vực xung quanh trường học trên địa bàn TP.

Để kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng trên, UBND TP yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất lượng thực phẩm trên địa bàn TP sẽ gồm đại diện: Sở Y tế, Công an TP, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường (mỗi đoàn 5 người) thực hiện kiểm tra toàn diện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn TP.

Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm chế biến (thực phẩm, rau quả), phụ gia, nguyên liệu chế biến thực phẩm đường phố, thực phẩm cung cấp tại các trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp... Qua đó tăng cường công tác quản lý của chính quyền các cấp trong việc kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm, định kỳ hàng tháng báo cáo Thành ủy, UBND TP.

Báo Nông thôn Ngày nay trang 6: “Vụ Rùng rợn giau muống tắm nước đen trước giờ xuống chợ: Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm”. (* Hà Nội mới, An ninh Thủ đô (trang 17))

Uống nhầm thuốc nhỏ mũi, trẻ 2 tuổi phải cấp cứu

Bệnh viện Nhi T.Ư vừa cứu sống bệnh nhi 2 tuổi (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào viện trong tình trạng hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh. Trẻ được chẩn đoán bị ngộ độc do uống nhầm nửa lọ thuốc Naphazolin 0,5%, thường dùng để nhỏ mũi.

Gia đình cho hay, khi xảy ra sự việc bố mẹ cháu không xử lý gì. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau khi uống thuốc trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, vã mồ hôi, chân tay lạnh nên gia đình đưa trẻ đến bệnh viện. Bác sĩ cho bệnh nhi truyền dịch, dùng thuốc lợi tiểu, ủ ấm và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Khoảng 8 giờ sau khi vào viện, trẻ đã trở lại trạng thái bình thường.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu - chống độc cho biết, hiện nay thuốc Naphazolin là loại thuốc nhỏ mũi mà các gia đình vẫn sử dụng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc sử dụng không đúng chỉ định hoặc kéo dài sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Sử dụng Naphazolin cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đây là loại thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết khi nhỏ hoặc xịt thuốc vào niêm mạc mũi. Nếu sử dụng quá liều hoặc không đúng chỉ định có thể gây các biểu hiện ngộ độc như vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, lơ mơ. Khi đó cần ngừng thuốc, ủ ấm và khám bác sĩ. (* Hà Nội mới, An ninh Thủ đô (trang 17))

Báo Sài Gòn Giải phóng trang 3: “Nhập viện vì ngộ độc nhỏ mũi”

Loại bỏ chất cấm, đảm bảo an toàn thực phẩm

Tại diễn đàn về quản lý chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, các cơ quan quản lý, chủ trang trại chăn nuôi, giết mổ đã có những trao đổi thẳng thắn, chung mục đích loại bỏ chất cấm, phát triển chăn nuôi bền vững.

Cách nhận biết thịt lợn dùng chất cấm

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) vừa phối hợp với Cục Chăn nuôi tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc” tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức đúng vào đợt cao điểm Bộ NN&PTNT triển khai kế hoạch kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản. Là thời điểm “nóng” về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). 

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, gần đây, vấn đề sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi đã gây hoang mang trong dư luận người tiêu dùng. Những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại trong thịt. Người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính và mãn tính với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, nguy cơ sảy thai…

Không phải tất cả các hóa chất đều bị cấm trong chăn nuôi, bà Hảo chỉ rõ danh mục 27 loại hóa chất, kháng sinh bị cấm. Nếu lợn được kích thích bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ. Đặc điểm rõ nhất khi dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là lợn bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 lợn sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 lợn bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao.

Bà Hảo cũng chỉ ra cách nhận biết lợn chứa chất cấm để người tiêu dùng nhận biết: Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh; Màu sắc: thịt lợn có chứa các độc chất thuộc nhóm β -  agonist thường có màu đỏ khác thường, sáng và bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da; Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất; Lợn dùng chất cấm, khi giết thịt thì thịt thường có màu đỏ sậm ngả sang đen, mất đi tính hấp dẫn vốn có.

Nâng cao nhận thức người chăn nuôi

Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không sử dụng chất cấm nữa. Chất cấm sử dụng hiện nay còn chủ yếu ở trang trại, thông qua thương lái và các kênh tiếp thị khác. Mới đây Bộ trưởng Cao Đức Phát đã họp rất quyết liệt, mục tiêu thực hiện dứt điểm 4 trọng tâm lớn: Chất cấm trong chăn nuôi; Kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Phân bón hữu cơ và vô cơ; Thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng và nhập lậu.

Bên cạnh đó, các bộ đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 19 và Bộ luật Hình sự, qua đó đưa hành vi sử dụng và buôn bán chất cấm vào Luật Hình sự. Sau ngày 1/7, mức phạt kịch khung lên đến 3 tỷ đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể lĩnh án chung thân. “Đây là mức phạt rất nặng, có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng sử dụng chất cấm.

Chắc chắn vấn đề vệ sinh ATTP ngày càng được cải thiện”, ông Việt khẳng định. Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết thêm, người chăn nuôi có thể giám sát, tố giác các vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi qua số điện thoại đường dây nóng: 08042526 hoặc 0917808113; email: thongtinvipham@mard.gov.vn.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định: Diễn đàn hôm nay là một hoạt động rất hữu ích với những người chăn nuôi. Khuyến khích các hộ chăn nuôi không dùng chất cấm, dùng kháng sinh ở mức độ hợp lý. Trên cơ sở đó tăng cường hệ thống cung cấp, đại lý. Đưa ra các định chế về mặt pháp luật để tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan tuân thủ chỉ đạo của lực lượng chức năng. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khẳng định, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi.

Kết luận diễn đàn, ông Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG khẳng định, với vai trò là cầu nối giữa 4 nhà, TTKNQG đang tiếp tục triển khai sâu và rộng các hoạt động khuyến nông theo định hướng của bộ và của ngành, đặc biệt vấn đề đang được toàn xã hội rất quan tâm là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, TTKNQG đang tích cực hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGap... Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. (* Tiền phong (trang 6))

Thực phẩm bẩn: Có lỗi của người dùng

Cục An toàn thực phẩm sẽ đề nghị các UBND tỉnh, TP cách chức lãnh đạo các chi cục nếu có dấu hiệu bao che cho thực phẩm bẩn.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế), khẳng định như trên tại lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tổ chức sáng 8-4 tại Hà Nội. ATTP đang trở thành vấn nạn, bức xúc nổi lên trong thời gian gần đây. Đặc biệt là việc phát hiện chất salbutamol gây ung thư được sử dụng trong chăn nuôi và chất vàng ô được sử dụng trong việc ngâm măng, cho gà ăn…

Chưa xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Hùng Long khẳng định vấn đề đảm bảo ATTP hiện nay vẫn bức xúc, nổi cộm khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tỉ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao. Tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản cũng ngày càng tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.

Theo ông Long, măng nhuộm vàng ô thì chắc chắn người kinh doanh, sản xuất mặt hàng này sẽ bị xử lý. Nhưng những trường hợp khác như tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ thì phải xác minh xem mức độ tồn dư là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa thì mới có thể xử lý được. Nếu là tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản thì chỉ cần xác minh được có tồn dư là có thể xử lý vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép.

Hiện nay, đối với những thực phẩm dẫn đầu về nguy cơ tồn dư kháng sinh như rau củ quả thì có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật; các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản có khả năng tồn dư kháng sinh. Tôm, loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao. Trong khi đó, người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép vẫn chưa được xử nghiêm.

Nhiều địa phương xử lý chậm

Ông Nguyễn Hùng Long cho rằng quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các đơn vị vi phạm, cá nhân vi phạm thì Cục ATTP sẽ công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đối với từng sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm. Đối với các địa phương cũng phải công khai kết quả thực hiện đối với những thực phẩm không an toàn.

Cũng theo ông Long, thực tế tại nhiều địa phương có cơ quan quản lý nhà nước ATTP thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng xử lý ít, xử lý không dứt điểm những cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn. Chính vì vậy để xảy ra hiện tượng thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

“Bên cạnh quá trình thanh tra, kiểm tra Cục ATTP, tổ chức chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP nâng cao nhận thức của người dân nhằm phòng ngừa, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói chung và rau, thịt nói riêng” - ông Nguyễn Hùng Long khẳng định. (* Pháp luật (trang 13) )

Báo động chất vàng ô trong thực phẩm

Báo động chất vàng ô trong thực phẩm. Tiểu thương tẩm hóa chất theo “phong trào”, vì mẫu măng tươi có màu vàng đẹp, trên thị trường được tiêu thụ mạnh...

Sau hàng loạt vụ sử dụng chất cấm nguy hại dùng trong thực phẩm bị phanh phui như thịt heo, rau muống, trái cây..., nay người tiêu dùng tại Đà Nẵng, Nghệ An và Huế rúng động trước thông tin măng tươi và dưa muối được ngâm bằng chất vàng ô - chất có thể gây ung thư!

Trong sáng 8-4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho biết vừa có kết quả xét nghiệm mẫu dưa cải muối chua được lấy tại ba chợ trên địa bàn là chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh, kết quả có 7/7 mẫu dưa muối bị nhiễm chất cấm Auramine O, còn gọi là chất vàng ô.

Trước đó một tuần, đơn vị này cũng đã lấy mẫu măng tươi tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm ở Đà Nẵng và gửi đến Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) để kiểm tra chất vàng ô. Kết quả, 10/13 mẫu măng tươi có tồn dư chất vàng ô.

Nguy cơ gây ung thư

Đại diện ban quản lý chợ Đống Đa cho biết những ngày qua đã tăng cường lực lượng kiểm tra và nhắc nhở các tiểu thương nghiêm cấm buôn bán các mặt hàng có chất cấm.

Ngày 8-4, ghi nhận thực tế tại chợ Đống Đa, các tiểu thương đã không còn bày bán các loại măng tươi có màu vàng do ngâm hóa chất. Đa số măng bày bán giờ đã có màu trắng tự nhiên.

Theo chị T. - một tiểu thương ở hàng rau củ quả, măng tươi ở đây chủ yếu được nhập về từ chợ đầu mối nhưng từ sau khi có thông tin măng có chất cấm vàng ô thì các tiểu thương chợ Đống Đa không nhập loại măng này về nữa.

Người dân đi chợ cũng cảnh giác nên mặt hàng này bán khá ế ẩm. Trong khi đó, tại khu chuyên bán dưa cải muối, các tiểu thương cho biết họ tự làm dưa muối để bán chứ không dám nhập từ các chợ về sợ không đảm bảo chất lượng.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, tình hình tiêu thụ vô cùng ế ẩm, nhiều tiểu thương đã ngừng bán loại thức ăn này.

“Bột vàng bỏ vô măng ni tụi tui dùng từ lâu rồi vì măng có màu vàng mịn, để được lâu nên khách chuộng. Tui cũng không biết nó là chất cấm vì nhà tôi cũng sử dụng hằng ngày trong bữa ăn. Nay không dùng bột này nhưng tình hình tiêu thụ cũng không khả quan” - chị N.T.H., tiểu thương kinh doanh ngoài trời chợ Hòa Cường, nói.

Theo ông Nguyễn Tứ - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng, chất vàng ô nằm ngoài danh mục được sử dụng khi sơ chế thực phẩm.

Ông Tứ cũng cho hay vừa qua khi phát hiện vụ việc, các cơ sở kinh doanh đều cho biết họ tẩm hóa chất theo “phong trào”, vì mẫu măng tươi có màu vàng đẹp, trên thị trường được tiêu thụ mạnh, chứ không hề biết các hóa chất này gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người.

Theo ông Hà Công Tuấn - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chất vàng ô là hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp. Hóa chất này được phép kinh doanh và bày bán công khai trên thị trường.

Trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số nhà sản xuất sử dụng chất vàng ô này để trộn vào thức ăn tạo màu vàng óng rất đẹp, kích thích vật nuôi...

Tuy nhiên, vật nuôi ăn thức ăn có chứa chất này sẽ không đào thải được, gây tồn dư và vào cơ thể người qua đường thực phẩm. Tồn dư chất này sẽ dẫn tới việc giảm chức năng của nội tạng như thận, gan và đặc biệt là nguy cơ gây ung thư trên cơ thể người.

Chưa xử phạt được 
thì phải cấm ngay

Trong khi đó, mặc dù đã xác định đích danh các cơ sở, cá nhân buôn bán măng và dưa cải muối chua dùng chất vàng ô nhưng ngành nông nghiệp Đà Nẵng cho biết vẫn chưa thể xử phạt.

Tại cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm sáng 8-4, ông Nguyễn Đỗ Tám - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng - cho biết dù những vi phạm bị phát hiện trong thời gian vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có cơ chế xử phạt.

“Hiện nay trên cả nước vẫn chưa có bất cứ một cơ sở kiểm định, cơ sở kiểm nghiệm chất cấm nào được bộ chỉ định để pháp lý mà căn cứ xử phạt. Trong khi đó, dù những kết quả kiểm tra chất vàng ô mà vừa qua chúng tôi nhờ trung tâm phân tích thí nghiệm ở TP.HCM thực hiện có giá trị khoa học nhưng đơn vị này chưa được chỉ định nên chúng tôi không ra quyết định xử phạt được” - ông Tám cho biết.

Còn thượng tá Đặng Hữu Quế, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an Đà Nẵng, cho biết công an TP đã báo cáo sự việc lên Bộ Công an và nhận được khẳng định rằng đây là chất cấm đưa vào chăn nuôi.

“Nhất định phải cấm ngay, không thể để các cơ sở chế biến tiếp tục sử dụng chất vàng ô nhuộm thức ăn. Chưa xử phạt được thì cấm buôn bán” - thượng tá Quế nói.

Ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu hành động quyết liệt, không vì bất cứ quy định nào mà chùn tay. “Phát hiện rõ là chất độc hại thì xử lý ngay, cơ sở nào sử dụng chất vàng ô đình chỉ ngay cơ sở ấy, cứ tuyên truyền mà không có hành động cụ thể chỉ khiến người dân hoang 
mang hơn”. (* Tuổi trẻ (trang 5))

An toàn thực phẩm trường học còn nhiều nỗi lo

Trong 3 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại nhiều trường học trên cả nước. Trong đó, riêng tại TPHCM, trong tháng 2 và 3 đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đối với cả trăm học sinh của các trường tiểu học, THCS. Đây thực sự là hồi chuông báo động, bởi thực tế một số bếp ăn trong trường học có tổ chức bán trú hoặc ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài vẫn còn bỏ ngỏ, quà vặt trước cổng trường chưa được kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.

Liên tiếp các vụ ngộ độc

Giữa tháng 3 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM đã kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra ngày 10-3 tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) với 44 học sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói liên tục, choáng váng… Sự việc bắt nguồn từ bữa cơm trưa bán trú tại nhà trường với các món thịt xá xíu, canh khoai mỡ nấu thịt bằm, su su xào với cà rốt, bông cải và một món tráng miệng.

Trường Tiểu học Trần Quang Khải không có bếp ăn tập thể nên đặt suất ăn công nghiệp từ một đơn vị cung cấp ở quận Thủ Đức. Hàng ngày, công ty này cung cấp dao động trong khoảng 200 suất ăn cho học sinh bán trú của trường.

Trước đó chỉ 2 tuần, một vụ ngộ độc tập thể tương tự đã xảy ra với học sinh của Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). Ngày xảy ra sự việc, học sinh chỉ học một buổi, nhà trường không tổ chức ăn uống nên nhận định có thể các em bị ngộ độc do ăn uống đồ ăn bên ngoài cổng trường. Tuy vụ ngộ độc không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng và quan ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm “bủa vây” con em mình…

Thực tế, đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn ở trong trường học. Điển hình như vụ gần 100 học sinh Trường Tiểu học Long Bình (phường Long Bình, quận 9) bị nôn ói, chóng mặt, đau đầu phải nhập viện xảy ra cách nay chưa lâu. “Thủ phạm” chính là món cơm chiên dương châu được phục vụ tại căn tin nhà trường. Trong khi đó, tình trạng hàng rong, quán cóc, quà vặt vẫn nhan nhãn vây quanh các cổng trường học. Tại cổng Trường Tiểu học L.Đ.C. (quận 3), cứ mỗi buổi tan trường có rất nhiều cô gái chào mời bán bánh ngọt trên những cái khay mà chẳng hề biết nguồn gốc. Hay trước các cổng trường trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), Nguyễn Thái Học (quận 1)... là những gánh - xe đẩy bán phá lấu bò, bò khô bánh tráng trộn, xoài trộn, cóc trộn… không đảm bảo ATVSTP.

Trách nhiệm… bỏ ngỏ!

Theo Chi cục ATVSTP TPHCM, hiện thành phố có trên 2.820 trường học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp có dịch vụ ăn uống. Trong đó, 1.620 trường có bếp ăn tập thể, trên 880 trường có căn tin, gần 320 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, trong các năm qua, năm nào cũng có ngộ độc thực phẩm trong trường học; ngành y tế nhiều năm qua đã phối hợp với ngành giáo dục kiểm soát ATVSTP trong trường học nhưng xem ra vẫn chưa triệt để.

Đối phó với nguy cơ mất ATVSTP trong trường học gia tăng, Sở GD-ĐT TPHCM vừa có công văn yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện; hiệu trưởng các trường học tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, căn tin trường học.

Theo đó, đối với trường tổ chức bếp ăn bán trú tại trường, phải có chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn hiệu lực; cơ sở vật chất phục vụ bán trú đảm bảo đúng quy định bếp một chiều, thức ăn nấu chín phải có dụng cụ che đậy. “Chỉ ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các công ty có tư cách pháp nhân và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn…”, công văn của Sở GD-ĐT TPHCM nêu rõ. Trường hợp ký hợp đồng với đơn vị cung cấp từ bên ngoài, chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; bảo đảm vệ sinh, đúng quy trình chế biến thực phẩm một chiều; xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng, bảo đảm ATVSTP.

Theo Thạc sĩ Cao Văn Trung, Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên 47% ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng), hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên. “An toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học vẫn còn phức tạp, vẫn còn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do nguồn thực phẩm, nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường rất đa dạng, khó kiểm soát”, ông Trung nhìn nhận. (* Sài Gòn giải phỏng (trang 3))

Bộ Y tế giám sát phòng chống bệnh do virus Zika tại Đồng Nai

Chiều 8-4, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống và loại trừ dịch bệnh nguy hiểm tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trưởng đoàn giám sát của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika, nhấn mạnh Đồng Nai là một trong những địa phương có nguy cơ mắc bệnh do virus Zika cao.

Thời gian tới, tỉnh phải chủ động, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh. Bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt giống như sốt xuất huyết và rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai trong thời kỳ 3 tháng đầu vì là nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Công tác tuyên truyền diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt rất quan trọng, phải có hướng dẫn thật cụ thể cho người dân. Bên cạnh đó, ngành y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế phát hiện các ca bệnh sớm, trọng tâm rà soát đối tượng là bà mẹ mang thai 3 tháng đầu; cần có lớp tập huấn riêng cho các bác sĩ sản khoa trong tầm soát, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ.   

Sáng cùng ngày, đoàn đã đi kiểm tra, giám sát thực tế tại nhà dân và công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika tại Trạm y tế xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Cửu và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. (* Lao động (trang 3))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang