Vụ 20 nghìn viên thuốc hết “đát” do thủ tục: Lỗi do đường... công văn
Trước sự lửng lơ trách nhiệm của các sở ngành liên quan đến việc gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị Tasigna hết “đát” phải tiêu huỷ vì thủ tục rườm rà, chiều 8/5, ông Phùng Công Dũng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM (Liên hiệp) khẳng định, đơn vị mình làm đúng quy trình, tuy nhiên có có chậm mấy tháng là do đường công văn?!
Ông Dũng dẫn giải, tháng 2/2014, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM mới gửi công văn xin thực hiện chương trình thuốc đến Sở Y tế TPHCM. Đầu tháng 3/2014, Sở Y tế gửi công văn xin chấp thuận cho bệnh viện nhận lô thuốc đến 2 nơi là UBND TPHCM và Liên hiệp, nhưng công văn đó thì Liên hiệp không nhận được. “Thông thường thì khi Liên hiệp nhận được sẽ tham mưu ngay cho UBND TP, hoặc lãnh đạo UBND TP có bút phê chuyển về Liên hiệp. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian thì Liên hiệp ngay khi nhận được công văn từ Sở Y tế là tham mưu ngay cho UBND TP”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng thì trường hợp này, UBND TPHCM không làm phiếu chuyển về cho Liên hiệp. Thấy chậm trả lời, đại diện Bệnh viện Truyền máu& Huyết học TPHCM hỏi UBND TPHCM và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị. “Lúc này chúng tôi mới biết có việc như vậy và cho biết mình chưa nhận được công văn nào có liên quan từ Sở Y tế TPHCM. Biết vậy nên phía bệnh viện mới chuyển cho chúng tôi một bản phô tô xin thực hiện chương trình thuốc vào ngày 4/6/2014. Ngay sau đó, ngày 10/6/2016, chúng tôi đã có công văn tham mưu ngay cho UBND TP chứ không phải 2-3 tháng như thông tin” - ông Dũng khẳng định và cho biết, mỗi năm, Liên hiệp vận động các nguồn viện trợ phi chính phủ từ 35 - 50 triệu USD nên chuyện này rất chuyên nghiệp. “Đây là thuốc đặc trị, chỉ dùng cho 1 số bệnh nhân đặc biệt chứ không đưa ra bên ngoài được nên chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng cũng như tính khẩn thiết. Do “đứt đoạn” từ Sở Y tế như thế nào đó thôi. Có chuyện trục trặc này là giữa bệnh viện với Sở Y tế, liên quan đến đường công văn” - vị này nói.
Ông Dũng cho rằng, về thông tin lô thuốc bị tiêu hủy trị giá 14 tỷ đồng là chưa chính xác. Thực tế, trị giá số thuốc viện trợ phải tiêu hủy tính theo đơn giá vào thời điểm tiếp nhận năm 2015 là gần 3,8 tỷ đồng do giá viện trợ 199.000 đồng/viên, không phải gần 14 tỷ đồng (700.037 đồng/viên) như kết luận thanh tra của TPHCM. “Sau vụ việc đáng tiếc này, tôi sẽ kiến nghị UBND TP về việc phối kết hợp giữa các sở ban ngành chặt chẽ, liên thông hơn; tránh để tình trạng đáng tiếc xảy ra như vừa rồi chỉ vì vấn đề đường công văn. Các sở như Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh & Xã hội… nên có một người chuyên trách theo dõi về mảng phi Chính phủ nước ngoài. Đặc biệt Sở Y tế là nơi tiếp nhận nguồn viện trợ nhiều nhất, đa số các nguồn Liên hiệp vận động đều liên quan đến y tế (chiếm 70 – 80%)” - ông Dũng giải bày.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong chiều 8/5, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện vẫn chưa báo cáo cho Bộ Y tế về vụ việc do các phòng ban có liên quan đang họp để kiểm điểm về trách nhiệm trong vụ việc này. “Hiện Bệnh viện Truyền máu & Huyết học đã có báo cáo giải trình trong khi nhiều bộ phận khác đang kiểm điểm tìm nguyên nhân sự chậm trễ. Trong tuần này, sở sẽ có báo cáo về vụ việc và trả lời cho báo chí”- bác sĩ Mai cho hay. Bác sĩ Phù Chí Dũng- Giám đốc Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM nói, nơi đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình viện trợ nhân đạo thuốc Tasigna cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Tuy nhiên, quy trình nhập được thuốc về vô cùng khó khăn và phức tạp do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng quá lâu. Phía bệnh viện phủ nhận mình làm sai, vì cho rằng, là đơn vị thụ hưởng nên rất tích cực xin nhập thuốc. Tuy nhiên, ban giám đốc bệnh viện không trả lời tại sao lại dự trù với một số lượng thuốc nhiều như vậy?
Muốn cho cả nước dùng nhưng không được chấp nhận
Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết, khi thuốc về đến kho do các thủ tục rườm rà nên chỉ còn hạn sử dụng 10 tháng. Số bệnh nhân tham gia chương trình từ 50 người giảm còn một nửa nên bệnh viện không thể sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. “Để tận dụng được tối đa số thuốc, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Công ty Novartis đề nghị cho bệnh nhân được dùng thuốc miễn phí, mở rộng chương trình đến các bệnh viện trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh này hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên các đề nghị này không được phía công ty chấp nhận và đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết (Tiền phong, trang 4).
Bắt 6 đối tượng vào phòng cấp cứu chém người
Chiều 8/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đã bắt giữ 6 đối tượng liên quan vụ truy sát xảy ra ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ngày 7/5. Nhóm này gồm: Lê Tất Đạt (SN 1993, trú quận Hoàng Mai); Lê Công Thành (SN 1995), Nguyễn Xuân Huy (SN 1996), Vương Văn Nam (SN 1997), cùng trú huyện Ứng Hòa; Nguyễn Minh Đức (SN 1997, quê Hòa Bình) và Doãn Tiến Nam (SN 1999, trú huyện Chương Mỹ).
“Cơ quan CSĐT vẫn đang truy bắt những đối tượng còn lại, đồng thời củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố nhóm đối tượng với tội danh giết người”, một lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 3h ngày 7/5, nhóm của Đạt xảy ra mâu thuẫn với Đinh Giang Nam (SN 1980, trú phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) tại cầu Trung Tự. Đạt bị Nam dùng máy tính bảng đập vào đầu dẫn đến xô xát, nhóm Đạt đánh Nam ngã gục rồi bỏ đi. Nhiều người dân đã đưa nạn nhân vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu.
Một giờ sau, nhóm của Đạt tiếp tục đi xe máy mang theo dao, kiếm vào Bệnh viện Đại học Y. Gặp tổ bảo vệ trước khoa cấp cứu, nhóm Đạt dùng hung khí kè cổ khống chế, đe dọa nhân viên bảo vệ và bác sỹ trực, sau đó xông vào phòng cấp cứu truy sát Nam. Phát hiện Nam trên giường bệnh, Đạt và 2 đối tượng dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người khiến nạn nhân bị thương, chảy nhiều máu, bất tỉnh…
Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Lê Thăng Đức cho biết, nạn nhân Đinh Giang Nam đã qua cơn nguy kịch, song sức khỏe yếu và có vết thương đứt khí quản cùng nhiều vết chém vùng đầu. Sau khi cấp cứu, người này được đưa vào phòng hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi. Theo ông Đức, sau khi xảy ra sự việc, tổ bảo vệ bị nhóm côn đồ uy hiếp đã được lãnh đạo bệnh viện cho nghỉ ca trực kế tiếp để phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra xác minh, truy tìm những người liên quan. Hình ảnh từ camera cũng được trích xuất cung cấp cho cảnh sát (Tiền phong, trang 4; Lao động, trang 2; An ninh thủ đô, trang 9).
Bệnh viện tư đầu tiên ở Việt Nam ghép gan thành công
Ngày 8/5, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City thông báo vừa ghép gan thành công từ người cho sống và trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam làm chủ được kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng. Đây cũng là ca mới nhất trong số khoảng 20 ca ghép gan từ người cho sống đã được thực hiện trên toàn quốc tính từ năm 2004 đến nay. Ca ghép gan từ người cho sống đầu tiên trong khối y tế ngoài công lập được thực hiện vào ngày 15/4 với thời gian kéo dài 13 giờ. Bệnh nhân được ghép gan là ông Mai Văn Tuân (46 tuổi, Thanh Hóa) bị xơ gan do viêm gan B và tiến triển lên ung thư gan từ tháng 12/2013, bệnh nhân đã được mổ cắt gan trái cắt 2/3 dạ dày từ năm 2014 và đến 3/2017 phát hiện ung thư gan tái phát ở gan phải. Người tình nguyện hiến gan là em rể bệnh nhân. Nhóm phẫu thuật ghép gan là các bác sĩ Vinmec và các chuyên gia Hàn Quốc do GS Chong Woo Chu chủ trì - đã lấy 60% phần gan của người cho, tương đương thể tích 700cm3 và ghép thành công cho người nhận. Hai tuần sau ngày phẫu thuật, các chức năng gan của người cho đã thích ứng với hoạt động, men gan giảm, chức năng bài tiết mật được cải thiện dần. Người nhận gan ghép cũng ổn định sức khỏe và bắt đầu đi lại và phục hồi vận động, các chỉ số sinh tồn cơ thể đang trở về giới hạn cho phép. “Có thể nói, ca ghép gan đã thành công, khi đảm bảo người cho sống an toàn sau khi lấy gan, phần gan còn lại đang được tái sinh và lấp đầy. Người nhận cũng đã bắt đầu thích ứng với lá gan mới” - GS.TS Bùi Đức Phú – GĐ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chuyên gia điều phối cho ca ghép nhận định. Trước đó, ngày 3/4, các bác sĩ Vinmec Times City đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép gan được cho là phức tạp nhất từ trước đến nay cho bệnh nhi suy gan cấp Dương Thị Phương Mai (Thanh Hóa). Hiện cả bệnh nhân Mai Văn Tuân và Dương Thị Phương Mai đều đang được tích cực chăm sóc tại Vinmec để sớm phục hồi sau ca đại phẫu. Thành công của Vinmec đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hệ thống y tế tư nhân trong bối cảnh tại Việt Nam có một số ít bệnh viện công triển khai , nhưng chỉ có 2 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này thường quy, với khoảng 20 ca ghép gan từ người sống. Hiện nhu cầu ghép mô, tạng, trong đó có ghép gan ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng, ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan. Bệnh viện Vinmec đã lên kế hoạch thực hiện từ 20 – 30 ca ghép gan; 80 – 100 ca ghép thận và hàng trăm ca ghép tế bào gốc mỗi năm. Vinmec cũng đang xây dựng các quy trình kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não để mở rộng sang các lĩnh vực ghép tim, ghép tụy trong tương lai gần nhất. GS.TS Phú cho biết thêm, ca ghép gan được bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Hiện người cho gan tốt nên đã được xuất viện. Với người nhận gan hiện sức khoẻ ổn định, gan mới hoà hợp với cơ thể. Dự kiến, 1 tuần nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện (Tiền phong, trang 6; Tuổi trẻ, trang 14).
Trạm y tế dành cho công nhân dưới hầm lò sâu 220 mét
Là một đơn vị sản xuất than đóng trên địa bàn TP.Hạ Long, nhưng Cty than Hòn Gai lại có diện sản xuất trải rộng, nhỏ lẻ không tập trung, địa chất phức tạp và vỉa than phân bố không đồng đều... Dù còn nhiều khó khăn, công tác chăm lo đời sống người lao động (NLĐ) luôn được doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là việc chăm sóc thợ lò trong và sau mỗi ca làm việc vất vả...
Chăm sóc sức khỏe công nhân tại hầm lò
Cụm từ “lập trạm y tế” ngay dưới đường lò sâu ở mức -220 mét xem ra khá xa lạ với nhiều người. Xuất phát từ thực tiễn với đặc thù công việc, ý tưởng nêu trên được triển khai trong hơn 1 năm qua tại công trường khai thác hầm lò Cty than Hòn Gai - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau khi đi thăm, giới thiệu mặt bằng sản xuất, khu vực ăn, nghỉ khá quy củ, sạch đẹp tại khu Thành Công, trước sự tò mò của PV Báo Lao Động về trạm y tế cấp cứu, khám bệnh cho người thợ thường trực dưới hầm lò khai thác than trong lòng đất, kỹ sư Phạm Văn Dũng - Phó phòng điều khiển sản xuất Cty than Hòn Gai - khái lược: Theo quy định của ngành, ở bất cứ khu vực sản xuất dù hầm lò, hay lộ thiên, các đơn vị thường vẫn bố trí bộ phận thường trực là các y-bác sĩ để kịp can thiệp những trường hợp CNLĐ bị cảm ốm và không may bị tai nạn lao động trong ca sản xuất.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hơn cho CN, Cty đã triển khai thêm trạm trực cấp cứu, khám xử lý, sơ cứu tức thời những trường hợp thợ lò đau ốm, hoặc bị tai nạn lao động ngay tại khu vực khai thác. “Qua thời gian triển khai, chúng tôi và thợ lò đánh giá rất hữu dụng, ưu việt trong các tình huống xử lý va chạm, sây sát và băng bó sơ cứu ban đầu, khiến CN luôn cảm thấy yên tâm sản xuất” - KS Dũng nhận xét.
Trong ca trực ở trạm cấp cứu dưới lò, y sĩ Đặng Thái Sơn kể: Thợ lò thường hay mệt do đặc thù công việc vất vả. Có trường hợp huyết áp tăng, đau bụng, sốt nhẹ là anh em vào khám, lấy thuốc uống và nghỉ ngơi ít phút bình phục rồi lại tiếp tục làm việc. Mở sổ theo dõi ca trực, chúng tôi xem trường hợp mới nhất là thợ lò Nguyễn Văn Đệ - bị tai nạn do một viên đá nhỏ rơi vào đầu (dù có mũ bảo hộ). Ngay lập tức, CN này được y sĩ trực tại trạm xử lý vệ sinh, băng sơ cầm máu và sau đó chuyển lên trên điều trị.
Theo lãnh đạo Cty than Hòn Gai, chỉ riêng khu vực sản xuất Thành Công mỗi ngày luôn có trên 1.200 người thợ thay phiên làm 3 ca trong các đường lò dài hàng km dưới lòng đất. Do vậy, không chỉ có phòng y tế phía trên mặt đất luôn túc trực, mà trạm y tế dưới hầm lò cũng được đơn vị bố trí đủ 3 y sĩ thay phiên đi ca, nhằm xử lý nhanh các vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của người thợ. Sản xuất than luôn đối mặt với nhiều bất trắc và rủi ro, do đó, việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người thợ luôn là ưu tiên hàng đầu với các đơn vị hầm lò. Việc đưa trạm y tế thường trực xuống các hầm lò sản xuất được hai đơn vị là Cty than Hòn Gai và Hà Lầm tiên phong áp dụng. “Đây là hình mẫu chăm sóc sức khỏe thợ lò rất đáng học tập, biểu dương. Những đơn vị khác nên đến tham quan, nhân rộng” - Chủ tịch HĐTV TKV - ông Lê Minh Chuẩn - phát biểu trong cuộc họp có mặt nhiều giám đốc mỏ.
Sức khỏe, an toàn cho công nhân là trên hết
Dù cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Than - Khoáng sản năm 2016 không mấy khả quan, nhưng với Hòn Gai, đơn vị này vẫn đảm bảo sản lượng khai thác và tiêu thụ hơn 2,3 triệu tấn than, tạo thu nhập ổn định cho gần 5.500 LĐ trong Cty. Năm 2017, đơn vị này vẫn tiếp tục duy trì sản lượng khai thác như năm trước, phấn đấu nâng thu nhập cho NLĐ đạt bình quân 10,3 triệu đồng/người/tháng và đối với thợ lò sẽ ở mức 13,5 triệu đồng/người.
Năm 2016 đánh dấu nhiều bước tiến lớn trong việc chăm lo NLĐ. Theo lãnh đạo Cty than Hòn Gai, đơn vị đã cải thiện điều kiện làm việc, công nghệ khai thác, bảo hộ an toàn cho NLĐ. Tại các công trường hầm lò, CN đến nơi sản xuất bằng hệ thống tời chở người, tời hỗ trợ đi bộ dưới lò giếng nghiêng; hệ thống vận chuyển Song Loan và tàu đưa thợ lò đến các vị trí xa hàng km không mất sức di chuyển đến nơi làm việc. Vệ sinh công nghiệp luôn được NLĐ trong Cty xem trọng. Đi dưới các đường lò của Hòn Gai đều nhận thấy sự ngăn nắp, lò thoáng gió, ít bụi và bố trí khoa học. “Chúng tôi giao trách nhiệm từng phân xưởng, từng đoạn lò, khu sản xuất luôn phải giữ vệ sinh công nghiệp; NLĐ ý thức nơi vứt rác, đất đá vãi phải quét dọn...” - Phó GĐ Cty Đàm Đức Thân nói về ý thức NLĐ.
Quan tâm thường xuyên đến sức khỏe CNLĐ là thế mạnh của Hòn Gai so với các đơn vị bạn. Trong năm 2016, đã có 9.343 lượt người được khám sức khỏe định kỳ 2 lần; chăm lo điều trị, bố trí công việc phù hợp cho LĐ có sức khỏe loại 4 và 5; bình chọn 580 LĐ đi nghỉ điều dưỡng phục hồi sức khỏe và tổ chức cho gần 800 LĐ xuất sắc (phần lớn là thợ lò) đi du lịch với tổng kinh phí trên 8,2 tỉ đồng. Cty phục vụ bữa ăn tự chọn tại các nhà ăn tập thể trên các khai trường, đảm bảo đủ chất lượng, dinh dưỡng... “NLĐ luôn được quan tâm, môi trường làm việc thân thiện, than Hòn Gai đang đặt đích tới là mỏ xanh - đẹp - hiện đại và an toàn” - một đại diện thế hệ quản lý trẻ ở Cty nhận xét (Lao động, trang 5).
Cần xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung y, bác sĩ
Chỉ trong chưa đầy một tháng qua, đã xảy ra hàng loạt vụ việc bác sỹ, nhân viên bệnh viện bị hành hung; hết bác sĩ bị đánh bất tỉnh tại Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội), đến nhân viên thực tập tại Bệnh viện Thái Nguyên bị tát sưng mặt, rồi côn đồ xông vào Bệnh viện Đại học Y khống chế bác sĩ, truy sát người bệnh… khiến nhân viên y tế thực sự hoang mang.
Ngày càng manh động
Như ANTĐ đã đưa tin, rạng sáng 7-5, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong khi các bác sĩ đang tích cực cấp cứu cho một nạn nhân vừa được chuyển đến thì một nhóm người cầm hung khí đã xông vào khống chế bác sĩ và chém đứt khí quản người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Phạm Đức Huấn cho biết, do sự việc xảy ra bất ngờ, nhóm côn đồ đông lại có vũ khí nên nhân viên bệnh viện không kịp phản ứng. Dù không có nhân viên y tế nào bị thương trong vụ việc, song theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: “Hành động côn đồ xông vào bệnh viện truy sát nhau khiến bệnh nhân nguy kịch, nhân viên y tế và các bệnh nhân khác đang điều trị tại đó cảm thấy sợ hãi là hành động rất đáng lên án”.
Sau khi vụ việc xảy ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đã ký công văn đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an điều tra, làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với nhóm đối tượng đã tổ chức hành hung người bệnh. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, các đối tượng côn đồ xông vào bệnh viện hay nạn hành hung y bác sĩ đang ngày càng đáng báo động. Trước đó chỉ vài ngày, tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, sinh viên Phạm Lê Tùng, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên - đang thực tập tại bệnh viện - cũng bị người nhà bệnh nhân bất ngờ tát liên tiếp vào mặt chỉ vì từ chối yêu cầu của người này là “bế bệnh nhân đi chiếu chụp”, trong lúc đồng nghiệp của Phạm Lê Tùng đang đi lấy cáng để vận chuyển bệnh nhân.
Nghiêm trọng hơn là vụ việc bác sĩ Lê Quang Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhi đánh bất tỉnh, phải khâu 7 mũi ở đầu vào ngày 16-4 vừa qua ngay tại phòng Hành chính khoa Nhi của bệnh viện…
Không thể cứ nhận lỗi, hòa giải là xong
Trước thực trạng bức xúc nói trên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, những y bác sĩ bị hành hung có thể không ảnh hưởng nghiêm trọng về thể xác nhưng chắc chắn niềm yêu nghề, nhiệt huyết và sự tự tin sẽ mất đi rất nhiều.
Theo bác sĩ Hiếu, có thể có người nhìn nhận việc y bác sĩ bị hành hung là “đáng đời”, là do “phong bì bệnh viện”... nhưng những “con sâu bỏ rầu nồi canh” trong ngành y chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và thật bất công nếu dùng những “con sâu” để biện hộ cho hành vi phỉ báng, hành hung nhân viên y tế. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, những trường hợp hành hung y bác sĩ chắc chắn phải bị truy tố theo luật hiện hành kèm theo yếu tố tăng nặng.
“Chúng ta đã có quy định về hành vi chống người thi hành công vụ nhưng những người hành nghề y - đối tượng nguy cơ cao bị tấn công thì chưa có một phương án tự vệ nào được tính đến thực sự hiệu quả. Chúng ta hãy cùng lên tiếng mạnh mẽ để xã hội nhìn nhận sự việc một cách công bằng, không thể mãi điệp khúc xin lỗi, thông cảm, hoà giải mà hậu quả là các vụ tấn công nhân viên y tế ngày càng gia tăng…”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Đồng quan điểm này, một bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai phân tích, hành vi cố ý gây thương tích được quy định rất rõ khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, hành vi tấn công y bác sĩ - những người đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa cho người bệnh phải được xem là tình tiết tăng nặng, bởi nó không chỉ đi ngược lại với đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị, cấp cứu cho các bệnh nhân khác, có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng (An ninh thủ đô, trang 9).