Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Người trẻ mắc bệnh… người già: Mất ngủ triền miên, lúc nhớ lúc quên; Hướng tới mục tiêu Bệnh viện Sản Nhi tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ; Cả gia đình thương vong sau khi ăn nấm; Gia tăng học sinh mắc bệnh vì áp lực học và thi; Nhận biết dấu hiệu nặng ở trẻ mắc tay chân miệng

 

Người trẻ mắc bệnh… người già: Mất ngủ triền miên, lúc nhớ lúc quên

Tự nhận mình là "não cá vàng", Lê Thị Cẩm Tú (22 tuổi, trọ tại P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cho biết vì tật hay quên nên cô nàng gen Z này gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Tú kể: "Cách đây vài ngày mình quên tắt chìa khóa xe, để vậy tới sáng dậy đi học mới phát hiện ra. Hậu quả là xe hết bình, đề không nổ. Có hôm đi dạy thêm xong thì bỏ quên chìa khóa trên lầu, xuống tới xe mới nhớ; đi tới đâu mà cần có thẻ giữ xe, đến lúc ra về lại không nhớ mình bỏ đâu. Nhiều lúc đi ra ngoài thì quên mang tiền mặt, nhiều khi mua đồ có mấy nghìn mà xin chuyển khoản cũng ngại nên không mua, chán lắm".

Tú cho biết tình trạng hay quên xuất hiện từ khi cô bắt đầu vào học lớp 10, hiện tại tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều hơn và xảy ra rất thường xuyên khiến Tú không khỏi lo lắng. "Mới 22 tuổi mà đã như vậy rồi, mình sợ sau này đầu óc lú lẫn sẽ chẳng còn nhớ nổi cái gì luôn mất", Tú nói.

Cũng hay quên những thứ lặt vặt, Huỳnh Văn Khanh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kể: "Mình hay nhớ nhầm lịch học, quên deadline. Những món đồ lặt vặt như thẻ ký túc xá, chìa khóa xe nhiều lúc để đâu không nhớ nên mỗi lần cần là tìm muốn quạu luôn. Đồ ăn mua về có khi quên, không ăn để tới hết hạn. Vô tri nhất là những lúc có việc ra ngoài cứ đi khắp phòng tìm mắt kính nhưng thật ra nó đã được đeo trên mắt mình rồi".

Không chỉ hay quên mà nhiều gen Z còn thường xuyên rơi vào trạng thái trằn trọc, khó ngủ. Vy Thị Thanh (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: "Có nhiều khi đau đầu, mắt rất mỏi nhưng mình cứ nằm trằn trọc lăn qua lăn lại cả tiếng đồng hồ cũng không thể ngủ được. Có hôm nằm đến 2 hay 3 giờ sáng vẫn không thấy buồn ngủ".

Thanh cho biết tình trạng mất ngủ này xuất hiện từ sau khi bị Covid-19. Mặc dù mất ngủ triền miên nhưng Thanh không dám đi khám. "Vì mất ngủ nhiều nên mình nhận ra trí nhớ của mình không còn tốt như trước, hay quên những thứ lặt vặt. Học bài rất khó thuộc mặc dù trước kia mình học và nhớ bài rất nhanh, bây giờ học trước quên sau, học đi học lại nhiều lần nhưng vẫn cứ quên. Chưa kể vì ngủ trễ nên thức dậy muộn, do đó mình hay bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ dẫn đến bị dạ dày, chỉ cần ăn đồ cay một chút thôi là đau bụng quằn quại, mắt thì thâm quần", Thanh chia sẻ. Vì sao còn trẻ mà mất ngủ, hay quên ?
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Khánh, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM), hiện nay, tại phòng khám chuyên về bệnh Nội thần kinh, giới trẻ đi khám vì đau đầu, chóng mặt chiếm khoảng 20 - 30% tổng số người bệnh. Đa số những người trẻ bị tình trạng ấy vốn đang có vấn đề với giấc ngủ: ngủ không sâu, khó vào giấc ngủ, tự dưng ngủ bị dậy sớm, hoặc do thiếu ngủ.

Lý giải cho câu hỏi vì sao ngày càng có nhiều người trẻ bị mất ngủ, hay quên, bác sĩ Khánh cho biết cần phân biệt được mất ngủ và thiếu ngủ. Mất ngủ là tình trạng người bệnh muốn vào giấc ngủ nhưng không ngủ được, hoặc ngủ không sâu giấc, còn thiếu ngủ là tự bản thân muốn thức khuya, muốn làm việc dù đó là giờ đi ngủ.

"Theo kinh nghiệm bản thân khi hỏi bệnh, hầu hết các bạn trẻ đều thức khuya để giải trí, như xem phim, chơi game, lướt mạng xã hội... một số bạn thì làm việc khuya để hoàn thành hạn chót công việc, số ít khác là do vấn đề tình cảm khiến họ suy nghĩ, buồn rầu mãi thành ra ảnh hưởng giấc ngủ, lâu dần mất ngủ", bác sĩ Khánh phân tích.

Cũng theo bác sĩ Khánh, mất ngủ sẽ dẫn đến triệu chứng hay quên: "Giấc ngủ rất quan trọng trong việc lưu trữ thông tin và hình thành trí nhớ. Thế nên mất ngủ sẽ làm cho bạn bị giảm trí nhớ. Vì bộ não không có đủ thời gian để củng cố các thông tin bạn vừa học được. Ngoài ra chúng còn có các tác động tiềm ẩn khác bao gồm khó tập trung, giảm kỹ năng ra quyết định và kiểm soát hành vi - cảm xúc kém…".

Nói thêm về hậu quả mà tình trạng mất ngủ gây ra, bác sĩ Khánh cho biết mất ngủ triền miên sẽ khiến mệt mỏi đến mức kiệt sức, đồng nghĩa rằng chúng ta ít có khả năng hoạt động tốt. Hậu quả là các tế bào thần kinh không hoạt động tối ưu, cơ bắp phải làm việc liên tục và các hệ cơ quan trong cơ thể không được đồng bộ, cơ thể uể oải, thiếu sức sống. Giấc ngủ kém chất lượng và thiếu ngủ cũng tác động tiêu cực đến tâm trạng, gây hậu quả xấu cho việc học tập. Những thay đổi trong tâm trạng ảnh hưởng đến khả năng thu nhận thông tin mới và sau đó ghi nhớ thông tin.

Do đó, bác sĩ Khánh khuyên mỗi ngày dành ra 20 - 30 phút tập thể dục và tập trước giờ ngủ 5 - 6 tiếng, tránh tập trước khi ngủ vì đẩy nhịp tim cao, tăng hormone serotonin làm tỉnh táo hơn. Không uống cà phê, trà và nước tăng lực vào buổi chiều, tối, chúng sẽ khiến bạn khó ngủ. Tránh uống rượu trước khi ngủ vì có thể làm giấc ngủ bị gián đoạn. Trước khi ngủ một tiếng, nên ngừng sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ti vi. Thay vào đó, các hoạt động thư giãn như tắm nước ấm, hít thở, thiền định, nghe nhạc hay đọc sách sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Tạo môi trường ngủ dễ chịu, phòng nên tối, không gian yên tĩnh. Đi ngủ vào cùng giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng giờ mỗi buổi sáng sẽ giúp cơ thể xây dựng thói quen ngủ đều đặn (Thanh niên, trang 10). 

 

Hướng tới mục tiêu Bệnh viện Sản Nhi tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã và đang không ngừng nỗ lực trên tất cả các mặt công tác nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em. Bệnh viện là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân Nghệ An và khu vực… Người chèo lái "con thuyền" bệnh viện hạng 1 này hướng trở thành đơn vị tuyến cuối về khám và điều trị sản nhi khu vực Bắc Trung Bộ là Giám đốc, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Tăng Xuân Hải.

Từ năm 2019 đến nay, với vai trò là Phó Giám đốc, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bác sĩ Tăng Xuân Hải luôn cùng tập thể bệnh viện không ngừng vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều kỹ thuật cao được thực hiện tại bệnh viện, trong đó một số kỹ thuật trước đây thực hiện ở tuyến trung ương nay đã trở thành phẫu thuật thường quy tại bệnh viện và phát triển nhiều kỹ thuật cao như: Phẫu thuật tim hở; can thiệp tim mạch; sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; hạ thân nhiệt chỉ huy; giảm đau trong đẻ; sàng lọc khiếm thính; triển khai và thực hiện chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…

Thành công đó vừa góp phần nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ, vừa nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện. Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã đầu tư, nâng cấp, trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân không chỉ trong tỉnh mà cả ngoại tỉnh.

Với uy tín của mình, bác sĩ Tăng Xuân Hải đã mời các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương như: Nhi Trung ương, Tim Hà Nội, Phụ sản Trung ương, Nhi đồng I... đào tạo tại chỗ cho đội ngũ y, bác sĩ theo kiểu cầm tay, chỉ việc và cập nhật, chuyển giao kỹ thuật mới. Bệnh viện tích cực tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa, thường xuyên thực hiện việc kết nối trực tuyến, hội chẩn với các bệnh viện hàng đầu tuyến trên.

Qua đó, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao; rút ngắn khoảng cách giữa tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, mang đến chất lượng y tế tốt nhất phục vụ nhân dân.

Với vai trò người đứng đầu, bác sĩ Tăng Xuân Hải cũng chỉ đạo và triển khai quyết liệt bệnh án điện tử và đã hoàn thành sau tám tháng triển khai.

Ðến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trở thành bệnh viện thứ 12 trong toàn quốc triển khai bệnh án điện tử. Công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm hàng đầu, thực hiện đăng ký đặt lịch khám qua điện thoại, trên website bệnh viện; nằm trong tốp ba bệnh viện có số liệu khảo sát sự hài lòng người bệnh cao nhất cả nước trên Cổng thông tin chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế.

Anh Ðào Quang Vũ, người nhà bệnh nhân ở phường Hưng Dũng (thành phố Vinh) cho biết: Con bị bệnh nặng nhưng gia đình tin tưởng chuyên môn của bệnh viện cho nên đã đưa cháu vào đây chữa trị. Chúng tôi càng vui khi thấy dịch vụ bệnh viện thay đổi rất nhiều, từ khâu đón tiếp, hướng dẫn tận tình đến thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ai cũng nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo…

Giám đốc Tăng Xuân Hải rất coi trọng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Chỉ tính năm 2022, bệnh viện đã thu hút được 30 bác sĩ, trong đó có bảy bác sĩ nội trú. Có hàng trăm lượt cán bộ, y bác sĩ tham gia các lớp chuyên khoa sâu và các kỹ thuật mới.

Gần đây, bệnh viện có 45 đề tài sáng kiến cấp cơ sở; hai đề tài cấp tỉnh được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đặt hàng nghiên cứu; ba công trình được công nhận sáng kiến cấp tỉnh đợt 1 năm 2021; bảy sáng kiến tham gia chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển", do Công đoàn ngành tổ chức và có năm sáng kiến đoạt giải.

Tháng 12/2022, bệnh viện đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học chuyên ngành sản-nhi Nghệ An mở rộng, với quy mô toàn quốc. Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của hơn 500 đại biểu là các chuyên gia đến từ Bộ Y tế và các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu Việt Nam. Ðây là diễn đàn khoa học lớn nhằm cập nhật kiến thức y học, khoa học kỹ thuật mới cho đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, tạo động lực để Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phát triển.

Cùng với đó, với cách điều hành của mình, bác sĩ Tăng Xuân Hải đã tạo ra bước thay đổi lớn về văn hóa giao tiếp trong bệnh viện, giữa các nhân viên y tế với nhau, giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ðiều này đã khiến mọi người thân thiện, cởi mở, đoàn kết và cống hiến hơn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ đánh giá: Gần đây, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã phát triển thành công và hiệu quả nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ khám, điều trị cho trẻ em và sản phụ. Với vai trò của người đứng đầu, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, không chỉ giữ vững được vị thế bệnh viện hạng 1, bác sĩ Tăng Xuân Hải đang chèo lái bệnh viện xứng tầm và hướng trở thành trung tâm sản nhi khu vực Bắc Trung Bộ (Nhân dân, trang 3).

 

Cả gia đình thương vong sau khi ăn nấm

Sau khi đi hái nấm về chế biến và xào với mướp, cả gia đình 3 người rơi vào tình trạng ngộ độc nặng. Hiện người chồng đã tử vong, người vợ tiên lượng khó qua khỏi, duy nhất người con gái có diễn tiến sức khỏe khả quan.

Ngày 8/6, TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, điều trị 3 trường hợp bị ngộ độc rất nặng từ Tây Ninh. Nạn nhân là người trong cùng một gia đình, gồm hai vợ chồng và con gái. 4 ngày trước, hai vợ chồng bệnh nhân đi hái nấm về chế biến, cắt nhỏ xào với mướp và cả gia đình cùng ăn.

Khoảng 8 đến 12 giờ sau khi ăn, cả gia đình có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, dù bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng người chồng không qua khỏi. Người vợ và con gái hiện đang trong tình trạng suy gan cấp, rối loạn đông máu.

Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân ngộ độc nặng do ăn nấm. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định được loại nấm các nạn nhân đã sử dụng. BS Thủy Ngân cho biết, sau 2 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe người con gái đã có cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi, điều trị liên tục về tình trạng rối loạn đông máu. Người vợ hiện rất nguy kịch, suy gan diễn tiến nặng, hiện đang được lọc máu nhưng tiên lượng khó qua khỏi.

Được biết, thời gian qua Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc nấm, đa phần là do người dân có thói quen hái nấm dại về sử dụng. Về vấn đề ngộ độc nấm, BS Thủy Ngân cho biết, mỗi loại nấm có độc tố khác nhau nên người bị nhiễm độc sẽ bị tấn công vào các cơ quan khác nhau. Một số trường hợp từng bị ảo giác sau khi ăn nấm hoặc rối loạn tri giác, rối loạn chức năng gan, suy thận.

Tình trạng nhiễm độc sau khi ăn nấm có thể khởi phát ngay sau khi ăn cũng có thể khởi phát muộn từ 8 đến 12 giờ. Nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng về đường tiêu hóa thường khiến người dân chủ quan, nhập viện trễ khiến tình trạng ngộ độc diễn tiến nặng, khó khăn cho việc điều trị.

Theo BS Thủy Ngân, đến thời điểm hiện nay, việc xác định độc tố ngộ độc nấm thường khó khăn nên giải pháp cứu chữa bệnh nhân chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nấm, gia đình, người thân cần mang theo mẫu nấm hoặc hình ảnh của cây nấm nạn nhân đã sử dụng khi đến bệnh viện cấp cứu. Điều đó sẽ giúp bác sĩ xác định được loại nấm, xác định được độc tố và có giải pháp điều trị tối ưu nhất (Tiền phong, trang 10).

 

Gia tăng học sinh mắc bệnh vì áp lực học và thi

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây khám, điều trị nhiều học sinh mắc bệnh dạ dày, đại tràng do áp lực học tập và thi cử. Đặc biệt có những trường hợp đã xảy ra biến chứng nặng.

Mới nhất, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi L.T.Đ (15 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bụng đau, co cứng như khúc gỗ. Người nhà bệnh nhân cho hay trẻ lo lắng chuyện thi cử, luyện thi nên đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Trước đó, trẻ có tiền sử nhiều lần viêm dạ dày, đại tràng. Sau một ca học thêm buổi tối, trẻ về nhà thì bị đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao. Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. Lập tức, các bác sĩ mổ cấp cứu bằng phương pháp nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện nhưng phải tiếp tục điều trị thuốc và theo dõi khám lại.

Theo các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy (Bệnh viện Bạch Mai), thủng ổ loét là biến chứng nặng nề của bệnh loét dạ dày tá tràng và là hậu quả của mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công (acid, pepsin) và hệ thống bảo vệ niêm mạc của dạ dày, tá tràng. Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng phát hiện và xử trí muộn có tỉ lệ tử vong từ 2,5-10%. Các bác sĩ cho biết, viêm loét dạ dày - tá tràng tiến triển nặng gây ra biến chứng thủng, loét, thậm chí ung thư hóa. Căn bệnh này càng lúc càng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường do áp lực học hành, thi cử, đặc biệt thời điểm cuối năm học.

Dấu hiệu nhận biết

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ và người thân cần sớm nhận biết dấu hiệu căng thẳng, lo âu, thậm chí sợ hãi của trẻ như: mệt mỏi, hay hồi hộp, lo lắng, vã mồ hôi, khó chịu, bồn chồn, rối loạn cảm xúc, ăn ngủ kém, hay đau bụng đi ngoài mỗi khi căng thẳng.

Bác sĩ Nguyễn Hàm Hội, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, cho biết, đã có viêm loét dạ dày, trẻ sẽ có những cơn đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn âm ỉ, giống như rối loạn tiêu hóa nên cha mẹ thường chủ quan tự chữa bằng men tiêu hóa, tẩy giun… Do đó, nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã biến chứng. Ngoài ra, trẻ còn có thể buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua. Đau bụng thường xuất hiện đột ngột, dữ dội vùng thượng vị, vùng mũi ức, trên rốn,”đau như dao đâm” là triệu chứng để mô tả tính chất đau trong thủng ổ loét hành tá tràng. Do đau dữ dội nên bệnh nhân thường gập người về phía trước khi đi, hai chân ép vào bụng khi nằm. Vì đau nên bệnh nhân sợ di chuyển, vẻ mặt hốt hoảng, toát mồ hôi, chi lạnh. Triệu chứng này gặp trên 80% trường hợp. Khoảng 15% bệnh nhân có nôn và buồn nôn nôn ra dịch nâu đen nếu có hẹp môn vị, ít khi có nôn ra máu nhưng nếu có thì là trường hợp rất nặng, tiên lượng xấu, cần xử lí kịp thời. Đa số bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng nhiều năm, ở một số bệnh nhân, thủng dạ dày là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, nói: “Để giúp trẻ tránh áp lực, căng thẳng, cha mẹ cần giúp con có kế hoạch học tập hợp lí, tránh dồn khối lượng lớn trước kì thi, có thời gian xen kẽ nghỉ ngơi, thư giãn, vận động thể chất. Động viên, khuyến khích tạo tâm trạng thoải mái cho trẻ, không đòi hỏi kết quả vượt quá xa năng lực thực tế của trẻ. Không trách mắng, xúc phạm trẻ khi kết quả không đạt được như kì vọng”.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm rau xanh, trái cây và ngũ cốc để tăng cường vitamin, khoáng chất, chất xơ, phytochemical và flavonoid. Các chất này có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường tính toàn vẹn của niêm mạc đường tiêu hóa và chữa lành các vết loét đã có từ trước. Hạn chế thức ăn cay, béo và chiên vì chúng có thể làm trầm trọng thêm viêm loét dạ dày tá tràng; uống thêm nước và hạn chế lượng caffeine; tăng cường hệ thống đường ruột bằng các vi khuẩn lành mạnh có thể có trong thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp, giấm táo hoặc bổ sung men vi sinh nếu bệnh nhân đang được điều trị bằng kháng sinh diệt H.P. Bác sĩ khuyến cáo cần tránh các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như aspirin, ibuprofen, naproxen…

“Hãy chú ý đến sức khỏe tinh thần của con cái. Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể gián tiếp gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng. Thói quen ăn uống và hành vi, lối sống không khoa học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, có thể góp phần gây ra viêm loét dạ dày tá tràng”, bác sĩ Hội nhấn mạnh (Tiền phong, trang 10).

 

Nhận biết dấu hiệu nặng ở trẻ mắc tay chân miệng

Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ hiện tăng so với cùng kỳ 2022. Bệnh nhi tay chân miệng cần được chăm sóc y tế phù hợp để kiểm soát nguy cơ biến chứng.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi
Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm nay, khu vực miền Bắc ghi nhận 1.502 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM); không có ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 588 ca, tăng so với cùng kỳ năm 2022. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay cả nước có gần 9.000 trường hợp mắc TCM, trong đó 3 bệnh nhân tử vong.

Số ca TCM có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

TCM do vi rút đường ruột gây ra, là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ thành dịch. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus (EV71). Biểu hiện chính của TCM là tổn thương da, các phỏng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối…

TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh TCM gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, các ca mắc TCM có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm: từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hằng năm.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Môi trường sinh hoạt tập thể như: nhà trẻ, mẫu giáo, nơi vui chơi tập trung… là yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh.

3 Dấu hiệu cần nhập viện

Theo Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), có 3 dấu hiệu gia đình cần lưu ý để đưa trẻ mắc TCM nhập viện: trẻ sốt cao không đáp ứng điều trị, sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48 tiếng đồng hồ và thuốc hạ nhiệt paracetamol không có tác dụng; trẻ giật mình nhiều; trẻ quấy khóc dai dẳng.

Khi thấy trẻ bị TCM, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định mức độ bệnh và được điều trị phù hợp nhất.

Để phòng bệnh, cần cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên lau rửa các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày…

Theo Bộ Y tế, TCM có thể gây biến chứng thần kinh như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não, với biểu hiện: ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, yếu, liệt chi, co giật, hôn mê. Đó là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn… Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

Có 4 mức độ nặng khi mắc TCM. Độ 1: Trẻ có biểu hiện loét miệng và/hoặc tổn thương da; chăm sóc, theo dõi tại nhà. Độ 2: gồm 2a (dấu hiệu: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám; sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ) và 2b (dấu hiệu: giật mình, ngủ gà, mạch nhanh; sốt cao từ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, lác mắt; yếu chi hoặc liệt chi; liệt thần kinh sọ (nuốt sặc, thay đổi giọng nói…). Bệnh nhân (BN) mắc TCM độ 2 cần điều trị nội trú tại BV huyện hoặc tỉnh.

Độ 3: BN cần điều trị nội trú tại BV tỉnh hoặc BV huyện nếu đủ điều kiện. Các ca bệnh này có các dấu hiệu: mạch nhanh trên 170 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt); một số trường hợp có thể mạch chậm (dấu hiệu rất nặng); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; huyết áp tăng; thở nhanh, thở bất thường (cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản); rối loạn tri giác… Độ 4: Trẻ cần được điều trị nội trú tại BV T.Ư, hoặc BV tỉnh, huyện nếu đủ điều kiện. BN có một trong các dấu hiệu: sốc; phù phổi cấp; tím tái, SpO2 dưới 92%; ngưng thở, thở nấc (Thanh niên, trang 15). 

 

Loạn viên uống chống nắng trắng da

Nhiều loại viên uống chống nắng trắng da đang được rao bán, quảng cáo rầm rộ về công dụng thần kỳ "thách thức" nắng nóng lên đến hơn 40 độ C. Tuy nhiên, các mặt hàng này chủ yếu là hàng xách tay, "mù mờ" về nguồn gốc, xuất xứ.
Đánh vào tâm lý muốn trắng da nhanh, chống nắng hiệu quả mà không cần vất vả thoa kem thường xuyên, hiện nay các sản phẩm viên uống chống nắng trắng da được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội và nhiều nhà thuốc.

"Nổ" tung trời công dụng

Chỉ cần gõ từ khóa "viên uống chống nắng trắng da" trên các trang mạng xã hội Facebook, sàn thương mại điện tử có đến hàng trăm kết quả rao bán quảng cáo.

Các lời mời chào này quảng bá công dụng như thần dược như "đi nắng, đi biển bất chấp không đen", "đi nắng vẫn trắng da mà không cần bôi kem", "viên chống nắng trắng da tiêu diệt sắc tố melanin thải độc toàn thân"...

Theo khảo sát, các loại viên uống chống nắng này được bán trên mạng xã hội, nhà thuốc tư nhân với giá từ 18.000 đồng/viên cho đến 300.000 đồng/hộp tùy loại. Người bán cho hay những loại này chủ yếu là hàng xách tay từ Đức, Mỹ, Nhật Bản...

Tài khoản Facebook H.M. quảng cáo viên uống chống nắng của Đức bao gồm một hộp 60 viên với giá 140.000 đồng/hộp, chỉ cần mỗi ngày uống một viên "thách thức" luôn nắng 41 - 42 độ C. Ngoài ra, theo người này, khi uống chúng còn giúp trắng sáng da đến "bật tông" trông thấy.

"Lọt top năm viên uống chống nắng an toàn và hiệu quả số 1. Thành phần chính của viên chống nắng này là vitamin E, B2. Uống liền cho em mấy chị", tài khoản này quảng cáo.

Chị P.M. (34 tuổi, TP.HCM) cho biết thấy mọi người hay truyền tai nhau chỉ cần uống viên chống nắng, không cần bôi kem nên chị đã đến nhà thuốc để mua về uống.

"Mình ít có thói quen bôi lại kem chống nắng nhiều lần trong ngày, khi thấy quảng cáo các loại viên uống chống nắng này mỗi ngày uống từ 1-2 viên không cần bôi kem nên đã tin tưởng. Đến nay, mình cũng uống được từ 1-2 hộp rồi, uống thì uống chứ cũng không biết được hiệu quả chống nắng ra sao", chị M. nói.

Nghiên cứu chứng minh hiệu quả hạn hẹp

Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, nguyên trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu trung ương, khẳng định viên uống chống nắng không thể thay thế kem chống nắng và thực tế chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả rõ ràng của các sản phẩm này.

Theo bác sĩ Kiêm, hiện có rất nhiều sản phẩm viên uống chống nắng được quảng cáo như "thần dược", thế nhưng các nghiên cứu chứng minh hiệu quả thì còn hạn hẹp.

Trong khi trước đây Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã khuyến cáo việc không thể dùng viên uống chống nắng để thay thế kem chống nắng.

Hiện nay trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm xách tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng, không nên tin vào lời quảng cáo để mua và sử dụng các sản phẩm này", bác sĩ Kiêm khuyến cáo.

Bác sĩ Kiêm cũng cho rằng các thành phần trong những viên chống nắng đúng là có chất chống nắng, sáng da.

"Tuy nhiên, thực tế các sản phẩm mỹ phẩm không được kiểm duyệt chặt chẽ như thuốc. Bởi vậy, về mặt kiểm duyệt chất lượng không được đảm bảo tuyệt đối. Người bán hàng có thể quảng cáo "tùy thích" dẫn đến hiểu sai công dụng sản phẩm. Hệ lụy là nhiều người tin vào lời quảng cáo, không sử dụng kem chống nắng và kết quả làm ảnh hưởng đến làn da", bác sĩ Kiêm cho hay.

Còn bác sĩ Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm laser theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cũng cho rằng thông tin viên uống chống nắng có thể bảo vệ da "bất chấp" nắng nóng từ bên trong là không chính xác.

"Nhiều chị em tin quảng cáo, chỉ cần uống thuốc mà không cần bôi kem chống nắng cả ngày khiến da bị sạm. Đối với những người vốn đã có vấn đề về da như nám, mẫn cảm, viêm da cơ địa... có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong việc điều trị", bác sĩ Tuấn Anh cho hay.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, hiện viên chống nắng được chị em lựa chọn bởi tính tiện dụng. Thành phần của viên uống chống nắng thông thường có tác dụng chống lại tác hại của tia UV tuy nhiên không nhiều, có thể phù hợp với những người làm việc văn phòng.

Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cần thoa kem chống nắng thường xuyên hơn.

Ngoài ra, một số loại viên chống nắng khác có thêm thành phần làm trắng da. Một số người bán hàng lợi dụng công dụng này để đánh vào tâm lý của các chị em phụ nữ muốn chống nắng và làm trắng da.

Trước khi sử dụng các sản phẩm này nên được chuyên gia tham vấn, không nên tự ý sử dụng, đặc biệt đối với người đã có vấn đề về da (Tuổi trẻ, trang 9).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang