Lập 3 đoàn kiểm tra hoạt động hệ thống đường dây nóng ngành y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra, thanh kiểm tra hoạt động hệ thống đường dây nóng trong ngành y tế ở cả ba miền. Theo đó, 3 Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về công tác khám chữa bệnh qua đường dây nóng ngành Y tế tại một số Sở Y tế và đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, gồm: tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương; TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Khánh Hòa; TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất.
Theo báo cáo của Bộ Y tế về hoạt động của đường dây nóng, 6 tháng đầu năm 2015 cả nước có 8.441 cuộc gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế qua số tổng đài 19009095. Trong đó cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận chỉ có 3.159 (37,4%), không đúng phạm vi giải đáp là 5.282 cuộc gọi (62.6%).
Trên cơ sở rà soát các cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận của người dân phản ánh đến đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Qua đó, đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092 trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp, cải thiện cơ sở vật chất 188 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 330 trường hợp, khen thưởng 79 trường hợp. Ngoài ra, nhiều trường hợp khác lãnh đạo cơ sở y tế đã giải thích với người dân về quy trình khám, chữa bệnh và người dân đồng ý rút lại khiếu nại. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):
Phạt nặng một bệnh viện tư nhân chôn rác thải y tế
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng có khả năng bị phạt số tiền lên đến trên 1 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6-10 tháng. Ông Ngô Thủy Chung - Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Đến 16 giờ ngày 1/7, các ngành chức năng Tây Ninh đã kết thúc khai quật 53 hố rác thải y tế của Bệnh viện Đa Khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng đã chôn lấp trái phép trước đó. Trong số 53 hố rác thải y tế đã chôn lấp trái phép, có 44 hố tại khu phố 1, phường 2, thành phố Tây Ninh và 9 hố tại ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành, với tổng khối lượng khai quật lên đến trên 60 tấn.
Toàn bộ số rác thải kể trên được Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường xanh Huê Phương Việt Nam (địa chỉ trụ sở tại ấp Bến Rộng, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) thu gom, vận chuyển và xử lý với đơn giá 9.000 đồng/kg rác thải y tế dạng rắn. Ước tính số tiền chi trả cho số lượng rác này khoảng 600 triệu đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, với vi phạm nói trên Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng có khả năng bị phạt số tiền lên đến trên 1 tỷ đồng và xem xét có thể áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 6 đến 10 tháng theo quy định. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
BHYT học sinh, sinh viên - Linh hoạt trong cách đóng
Từ năm học 2015 - 2016, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%, tương ứng 434.700 đồng.
Đây cũng là năm đầu tiên BHYT HSSV thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đây là nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% gia đình phải tự trả. Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương.
Việc nâng mức đóng BHYT nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Khi đi khám chữa bệnh BHYT, HSSV vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, đồng chi trả 20%, trừ nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Theo luật sửa đổi này, mỗi năm một HSSV phải đóng BHYT 434.700 đồng, tương ứng với 4,5% mức lương cơ sở thay vì 3% như trước (là 289.800 đồng). Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV sẽ theo năm tài chính, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm. Năm nay do đặc thù hầu hết thẻ BHYT của học sinh năm 2014-2015 có thời hạn vào 30/9/2015, nên các trường đều thông báo mức đóng BHYT mới cho 15 tháng kể từ ngày 1/10/2015 đến ngày 31/12/2016. Số tiền phải đóng là 543.375 đồng.
Theo ThS. Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, thực tế, HSSV có thể đóng tiền BHYT 3 tháng (tương ứng với 108.675 đồng), sau đó đến tháng 12 mua tiếp hoặc đóng luôn 15 tháng. Việc thực hiện tùy theo lựa chọn linh hoạt của các trường, các địa phương. Thời hạn sử dụng thẻ từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ được cấp lần trước đến ngày 31/12 của năm sau. Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày 1/1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.
Về phía Bộ GD&ĐT, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở GD&ĐT trực thuộc Bộ chủ động hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội của địa phương tổ chức hướng dẫn HSSV tham gia và được cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Để đảm bảo việc đóng BHYT không là gánh nặng với các HSSV vùng khó khăn, Bộ cũng đề nghị các sở GD&ĐT tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành; dự kiến đề nghị nâng mức vay tín dụng cho sinh viên từ 1,1 triệu đồng/tháng/người lên 1,3 triệu đồng để sinh viên có điều kiện tham gia BHYT...
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau 5 năm tổ chức thực hiện Luật BHYT, với quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia, đến hết năm 2014, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92% học sinh và 78% sinh viên trong cả nước, BHYT đang ngày càng khẳng định những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp trồng người, vì sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách BHYT HSSV đang được dư luận quan tâm, PV báo SK&ĐS đã trao đổi với ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, nhiều người cho rằng mức tăng đóng BHYT của HSSV từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở là quá cao (tăng gần 150.000 đồng)?
Ông Lê Văn Khảm: Tất cả các nội dung nào được quy định trong Luật BHYT đều được bàn thảo rất kỹ sẽ tác động đến quỹ BHYT, đến đời sống xã hội cũng như kinh tế của các gia đình như thế nào. Mức đóng bảo hiểm tăng thể hiện sự thống nhất trong mức đóng của BHYT- mọi người đóng mức như nhau. Hơn nữa, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng nhiều, nên mức đóng cũng phải mở rộng theo.
Đối với học HSSV, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hưởng hơn những người khác. Cụ thể, các em được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Trong trường hợp, các em thuộc hộ nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo vẫn được cấp thẻ miễn phí. Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70%. Ngược lại, những gia đình khác có điều kiện kinh tế khá giả hơn phải tham gia BHYT theo hình thức HSSV.
Đối với học sinh là con em lực lượng vũ trang đã được cơ quan của bố/mẹ mua cho BHYT, thì không cần thiết phải mua tiếp BHYT ở trường học. Vì thế, nhà trường cần lập danh sách cụ thể, tránh trùng lặp trừ trường hợp cha mẹ có nhu cầu. Nếu tiếp tục cấp thêm 1 thẻ BHYT nữa là không đúng với quy định của luật là mỗi người chỉ có 1 thẻ.
PV: Thế nhưng thưa ông, đầu năm học mới, phụ huynh đã phải đóng nhiều khoản chi phí, giờ lại thêm tiền đóng BHYT tăng, liệu có làm nhiều phụ huynh thêm khó khăn?
Ông Lê Văn Khảm: Theo quy định, việc thu BHYT sẽ thực hiện theo năm tài chính nghĩa là từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm đó. Mọi năm tham gia theo năm học, đến hết tháng 9 là xong, năm nay là năm chuyển giao đóng theo năm tài chính nên có 3 cách thực hiện:
- Thứ nhất là đóng từ nay đến hết năm 2015 (3 tháng), sau đó lại đóng tiếp cho năm sau.
- Thứ hai là có thể năm nay đóng 3 tháng, năm sau chia làm hai đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng. Điều này tạo điều kiện cho các gia đình rất nhiều.
- Thứ ba là nếu gia đình nào điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng.
Nội dung này đã có hướng dẫn trong các văn bản của Bảo hiểm xã hội gửi các địa phương. Theo đó, tùy từng điều kiện của từng nhà trường, có thể tách thu khác nhau, linh hoạt theo từng địa phương. Thời hạn của thẻ bằng thời gian đóng tiền, nghĩa là đóng 3 tháng thì có giá trị 3 tháng... (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
PV: Xin cảm ơn ông!
Chóng mặt vì mức đóng bảo hiểm y tế tăng vọt
Ở những năm học trước, học sinh, sinh viên chỉ phải đóng khoảng 290.000 đồng mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì ở năm học 2015-2016, do bắt đầu áp dụng Luật BHYT mới cùng với việc điều chỉnh thời hạn của thẻ BHYT lên 15 tháng, mỗi học sinh, sinh viên phải đóng số tiền tham gia BHYT lên tới 543.700 đồng/ thẻ.
Điều chỉnh mức đóng BHYT
Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ đầu năm 2015) với một số điểm mới. Theo đó, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 3% mức lương cơ sở như trước lên 4,5%. Từ năm học này, mỗi năm, một học sinh sẽ phải đóng tiền mua thẻ BHYT là 434.700 đồng (tăng gần 150.000 đồng). Mức đóng này sẽ giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 30% theo quy định của pháp luật BHYT.
Điểm mới tiếp theo là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh, sinh viên sẽ có giá trị từ ngày 1-1 đến 31-12 của năm chứ không áp dụng theo thời gian của năm học như trước. Do năm học 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện thay đổi hình thức mua thẻ BHYT theo năm tài chính nên các trường có thể yêu cầu học sinh phải đóng luôn phí tham gia BHYT 15 tháng với số tiền 1 thẻ là 543.700 đồng ngay từ đầu năm.
Về quyền lợi, học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh BHYT được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo). Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) lý giải, quy định như trên sẽ có tính khả thi và thuận lợi hơn cho các bên tham gia. Cụ thể, phụ huynh có thể đến tháng 12 mới phải đóng phí BHYT cho con em mình; nhà trường cũng có thêm thời gian triển khai công việc đầu năm học mà không phải quá bận bịu vào việc thu đóng BHYT.
Các trường có thể thu làm 3 đợt
Trước ngày tựu trường, nhiều trường học đã thông báo yêu cầu học sinh phải đóng luôn 15 tháng tham gia BHYT với số tiền 1 thẻ là 543.700 đồng. Do không được giải thích, phân tích kỹ về quy định mới nên nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy “choáng” vì số tiền BHYT phải đóng tăng gần gấp đôi so với những năm trước. Điều này làm tăng đáng kể các khoản chi phí phải nộp đầu năm học mới. Nhiều ý kiến lo ngại tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên năm học này sẽ sụt giảm do nhiều người không muốn cho con tham gia.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, trước khi quyết định tăng mức đóng tham gia BHYT của học sinh, sinh viên, cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã tính toán rất kỹ các tác động của chính sách này. Trước hết, Luật BHYT mới đã mở rộng hơn nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT nên mức đóng cũng phải tăng theo. Thứ hai, việc nâng mức đóng của học sinh, sinh viên còn thể hiện sự thống nhất trong chính sách thu BHYT, đảm bảo mọi đối tượng tham gia đều có đóng mức như nhau.
Dù vậy, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng thì quyền lợi của học sinh, sinh viên cũng cao hơn. Chẳng hạn, các em có quyền được dùng một phần kinh phí tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.
Phó Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm cho biết, do năm học 2015-2016 là năm đầu tiên điều chỉnh nên phải thu BHYT học sinh 15 tháng để từ năm học sau sẽ thu 12 tháng như trước. Tuy vậy, không bắt buộc các trường yêu cầu học sinh phải đóng cùng lúc 15 tháng mà có thể thực hiện một cách linh hoạt theo hướng dẫn của BHXH gửi các địa phương. Cụ thể, trong năm học 2015-2016, các trường có thể áp dụng 3 cách thu BHYT của học sinh, sinh viên.
Thứ nhất là đóng 3 tháng (từ nay đến hết năm 2015) sau đó đóng tiếp cho năm sau. Thứ hai, có thể năm nay đóng 3 tháng, năm sau chia làm 2 đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng. Thứ ba là nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng. Cũng theo ông Lê Văn Khảm, học sinh, sinh viên là đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc theo quy định của Luật BHYT, do đó, các bậc phụ huynh cần nghiêm túc thực hiện mua BHYT cho các em tuân thủ đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho con em mình. (An ninh thủ đô (trang 6), Tiền phong (trang 1).
Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần các năm trước
Theo thống kê của Bộ Y tế, Hà Nội hiện là một trong những địa phương có số ca sốt xuất huyết tăng mạnh nhất cả nước (gấp 3 lần các năm trước và “phủ” tại 29/30 quận, huyện) và nguy cơ bùng phát trong những tháng cuối năm rất lớn.
Số ca mắc tăng chóng mặt
Chỉ trong vài ngày đầu tháng này, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên tục tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tất cả giường bệnh tại khu điều trị nội trú trong khoa đã kín chỗ. Phần nhiều trong số này đang điều trị sốt xuất huyết.
ThS.BS Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, trong tháng 7, tháng 8 năm nay, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị tại khoa là 156 trường hợp, tăng gấp 3 lần cùng kỳ các năm trước, tập trung trong độ tuổi từ 15-30. Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong những ngày này là 27 tháng tuổi. Có những bệnh nhân trên 40 tuổi vẫn bị sốt xuất huyết phải nhập viện cấp cứu.
Theo ThS.BS Hà Huy Tình, một trong những điểm chú ý là không ít bệnh nhân do lạm dụng thuốc hạ sốt, có chứa thành phần paracetamol, uống không đúng liều lượng, khoảng cách giữa các lần uống (4 -6 giờ) nên khi xét nghiệm phát hiện men gan tăng cao từ 5 -10 lần so với mức bình thường. Nếu men gan tăng cao kéo dài sẽ có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, gây ngộ độc gan, suy gan.
Tại quận Hà Đông, hiện điểm nóng về sốt xuất huyết là phường Phúc La với 50 bệnh nhân đã được ghi nhận. Dù là ngày cuối tuần, nhưng lượng bệnh nhân tới khám và điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông liên tục tăng. Chỉ trong hai ngày thứ 6, thứ 7, Khoa tiếp nhận 21 trường hợp. Theo BS Tạ Quang Mậu - Trưởng khoa, không ít bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn vì chủ quan, tưởng nhầm bị sốt virus hoặc sốt phát ban... Việc này không chỉ khiến thời gian điều trị kéo dài mà còn khiến bệnh nhân bị tình trạng nặng. Ngoài ra, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn có thể rơi vào tình trạng xuất huyết giảm, tiểu cầu giảm quá mạnh, sốc xuất huyết, trụy mạch, suy đa phủ tạng hoặc xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 1/9, toàn thành phố ghi nhận 1.285 ca mắc. Con số này tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2014 (chỉ có 438 ca). Đặc biệt, số mắc liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể: Tháng 7 có 359 ca (tăng 28%), tháng 8 có 633 ca (tăng 49,4%) và tiếp tục có xu hướng tăng cho đến hết tháng 11 tới. Bệnh nhân mắc phân bố tại 29/30 quận/huyện/thị xã (trừ huyện Phúc Thọ). Những tuần gần đây số mắc càng lúc càng tăng mạnh, hiện ghi nhận số người mắc cao tại một số huyện trọng điểm như: Thanh Trì (248 ca), Hoàng Mai (241 ca), Hai Bà Trưng (182 ca), Hà Đông (149 ca)…
Một bộ phận người dân chủ quan, bất hợp tác với ngành Y tế
Các bác sĩ tại khoa truyền nhiễm các bệnh viện ở Hà Nội cho biết, một yếu tố rất quan trọng khiến số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng rất mạnh là thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nóng bức, mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh, do đó, hoạt động chính của công tác phòng bệnh là vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh. Tuy nhiên, tại Hà Nội, hiệu quả còn chưa cao. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế, nhiều hộ gia đình vắng mặt khi cán bộ y tế dự phòng đến nhà phun thuốc. Ông Hạnh cho biết, chỉ 64% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế đi phun hóa chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Trong khi đó, tỷ lệ phun hóa chất phải đạt từ 90% mới đảm bảo hiệu quả chống dịch. Đây là khó khăn lớn cản trở công tác phòng chống dịch bệnh này bởi nếu trong một khu vực mà còn một số hộ không được phun hóa chất diệt muỗi thì muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh nên hiệu quả phun diện rộng không đạt được.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, Hà Nội hiện là một trong những địa phương có số mắc sốt xuất huyết tăng mạnh nhất trên cả nước và nguy cơ bùng phát trong những tháng cuối năm rất lớn. “Ngày xưa khi gió heo may về thì dịch sốt xuất huyết thường bắt đầu giảm. Tuy nhiên, theo dõi những năm gần đây cho thấy, xu thế dịch ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc còn tăng mạnh cho đến khoảng cuối tháng 11”, ông Trần Đắc Phu cảnh báo.
“Muỗi nhà vua” thích sống ở các nhà cao tầng
Theo PGS Trần Đắc Phu, quan niệm cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue chỉ sinh sản, gây bệnh ở môi trường ao tù, nước đọng là sai lầm. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (muỗi vằn), còn được gọi là “muỗi nhà vua” bởi chúng có tập tính đẻ trứng ở nơi chứa nước sạch, không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh, nước thải.
“Muỗi nhà vua” xuất hiện nhiều ở trên các nhà cao tầng trong thành phố, nơi có các dụng cụ chứa nước của các gia đình. Loại muỗi “siêu đẻ” này trung bình một vòng đời sống được 1 - 2 tháng. Trung bình một muỗi cái có thể đẻ trứng khoảng từ 8 - 10 lần trong vòng đời của chúng. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp như vào mùa nóng ẩm tháng 9 - 11, muỗi cái có thể sống kéo dài tới 3 tháng. Đây chính là lý do muỗi sinh sôi phát triển với mật độ rất cao, là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại TPHCM
Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho hay, tính đến hết tuần thứ 34 (cuối tháng 8/2015), địa phương này có tổng cộng 7.197 ca sốt xuất huyết nhập viện (bao gồm cả số ca sốt xuất huyết đến từ các địa phương thuộc khu vực phía Nam), tăng 53% so với cùng kỳ năm 2014.
“Xét về diễn tiến, số ca bệnh sốt xuất huyết trong 4 tuần qua tăng rất nhanh. Riêng tuần 34, toàn thành phố đã có 391 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện. Giám sát dịch tễ ghi nhận có 64 phường/xã có số ca bệnh liên tục trong 4 tuần gần đây”, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết thêm. Trước tình trạng số ca sốt xuất huyết tăng cao, người đứng đầu lĩnh vực Y tế dự phòng TPHCM đã lên tiếng về vấn đề kiểm soát dịch bệnh. “Đây phải là trách nhiệm chung của mọi người, từ chính quyền đến tất cả người dân”. (Gia đình & Xã hội (trang 1).
Ghép tạng xuyên Việt
36 giờ sau khi phẫu thuật, chiều qua (6.9) hai bệnh nhân ở Hà Nội - được ghép tim và gan của một người bị chết não ở TP.HCM cho - đã tỉnh và có thể dùng thức ăn nhẹ. Như Thanh iên đã thông tin, người được ghép gan là nam, 60 tuổi, bị ung thư gan, xơ gan; người được ghép tim cũng là nam, 40 tuổi, mắc bệnh giãn cơ tim từ nhiều năm nay, đang ở giai đoạn nặng đã được các bác sĩ (BS) của Bệnh viện (BV) Việt Đức, Hà Nội phẫu thuật ghép gan, tim (ca ghép kết thúc vào rạng sáng 5.9). Nguồn gan, tim ghép có được là từ một bệnh nhân (BN) chết não đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM.
Các BS BV Việt Đức cho biết cả hai BN trên đều đang được chăm sóc hết sức đặc biệt, tuân thủ nghiêm ngặt về vô khuẩn nhằm giảm thấp nhất nguy cơ nhiễm trùng.
Chết não, hiến tim gan
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu (Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy) kể lại: “BN chết não hiến tim, gan còn rất trẻ, không may bị tai nạn trong sinh hoạt và người thân đã đồng ý hiến tạng để cứu các BN khác, sau khi được chúng tôi hỏi ý kiến. Lập tức, BV Chợ Rẫy thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để kịp thời cung cấp thông tin cho các BV đang điều trị cho BN cần ghép tim, gan”.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chiều 4.9, kíp phẫu thuật của BV Việt Đức cấp tốc bay vào BV Chợ Rẫy để tiếp nhận tạng từ người hiến chết não. Ngay trong ngày, kíp phẫu thuật BV Việt Đức mang tim, gan nhận được (bảo quản đặc biệt), nhanh chóng bay quay lại Hà Nội, vì chỉ có thể ghép trong vòng từ 8 - 10 giờ đồng hồ sau khi lấy.
Cả hai ca ghép đã thành công. Ca ghép tim kéo dài 6 giờ 30 phút; ca ghép gan kéo dài 7 giờ 30 phút.
“Những gia đình thật tuyệt vời”
Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, với trường hợp người chết não sẽ hiến được rất nhiều tạng (thận, giác mạc, tim, gan, phổi...) cứu được rất nhiều BN. Còn với người đã ngừng tim thì không thể hiến tim, gan mà chỉ hiến được thận, giác mạc. Từ khi đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy chính thức hoạt động (tháng 10.2014) đến nay đã có 5 BN chết não được người nhà đồng ý hiến tạng và cứu sống được nhiều BN. Trong đó gồm 10 quả thận cho 10 BN, 4 giác mạc cho 4 BN, 2 gan cho 2 BN, 2 tim cho 2 BN, 2 phổi cho 2 BN.
“Đơn vị điều phối thành lập nhằm mục đích cung cấp thông tin, kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng. Đây là nơi tiếp nhận điều phối, quản lý việc hiến - nhận tạng theo quy định của pháp luật, hoàn toàn chỉ vì mục đích cứu người. Mọi thông tin về người hiến, người nhận luôn được giữ kín, bảo mật. Hy vọng, qua các kênh thông tin, ngày càng có nhiều người hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người, từ đó sẽ có nhiều người tham gia hiến, tặng mô tạng, cứu sống được nhiều BN”, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.
Tại Hà Nội, BV Việt Đức cũng đã thực hiện ghép tim, gan nhận từ người cho chết não. Thậm chí có thời điểm, BV cùng lúc phẫu thuật cứu sống 4 BN nhờ ghép tạng. Trong đó 2 người ghép thận, 1 người được ghép gan và 1 người được ghép tim nhờ nguồn tạng ghép từ người hiến chết não.
“Hiến tạng là nghĩa cử vô cùng nhân văn, cao cả. Một người không may ra đi, nguồn tạng hiến từ họ cứu sống được nhiều người bệnh khác. Tôi từng gặp những gia đình thật tuyệt vời, khi biết được có người mong muốn được nhận tạng hiến từ người thân chết não thì họ đồng ý để thân nhân mình hiến tạng. Chúng tôi luôn nhớ những ân nhân - BN của những ca ghép đặc biệt đó”, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức ("tổng" chỉ huy công việc ghép tạng tại BV), xúc động nói với Thanh Niên.
Tại BV Việt Đức, việc tổ chức kíp phẫu thuật đã rất thuần thục, có khả năng xử trí rất nhanh, cùng lúc có các kíp lấy tạng, xử lý rồi chuyển đến các kíp phẫu thuật ghép cho BN. Nhờ đó, nhiều BN đã được cứu sống với chất lượng sống tốt hơn.
Có 13 bệnh viện đủ điều kiện ghép mô, bộ phận cơ thể
Từ năm 2013, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại BV Việt Đức, Hà Nội. Trung tâm thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước. Trung tâm là cầu nối giữa người có nhu cầu với người có khả năng tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người có chỉ số phù hợp sinh học. Tại đây có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Đến nay, cả nước có 13 BV được phép và có đủ các điều kiện ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Hành trình 1.700 km
Theo PGS-TS Trịnh Hồng Sơn (Phó giám đốc BV Việt Đức), hôm 4.9, sau khi nhận được thông tin có BN chết não hiến tạng tại BV Chợ Rẫy có các chỉ số xét nghiệm phù hợp với BN đang chờ ghép tại Hà Nội, PGS-TS Sơn và PGS-TS Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực) cùng ê kíp phẫu thuật của BV cấp tốc bay vào TP.HCM để phẫu thuật, tiếp nhận di chuyển khối tim, gan bằng đường hàng không vượt hành trình 1.700 km từ TP.HCM ra Hà Nội để thực hiện 2 ca ghép tim và gan ngay trong đêm.
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết, ngoài hiến tim, gan cho 2 BN ở BV Việt Đức, người chết não còn hiến 2 quả thận để ghép cho 2 BN tại BV Chợ Rẫy. Hiện sức khỏe 2 BN được ghép thận này diễn tiến khả quan, các chỉ số sinh hóa ổn định. Thanh niên (trang 3), An ninh thủ đô (trang 2), Tiền phong (trang 2), Gia đình & Xã hội (trang 7), Lao động (trang 3).