Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 9/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện ồ ạt xin... xuống hạng; Chữa bệnh ngày nghỉ, ngày lễ cho bệnh nhân BHYT: Bệnh viện nỗ lực, người dân đồng tình; Gia tăng bệnh nhân bị rắn cắn; Cứu sống bệnh nhi có nội tạng lồi ra ngoài thành bụng

Bệnh viện ồ ạt xin... xuống hạng

Thời gian gần đây, thông tin một số bệnh viện chủ động xin “xuống hạng” để được áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế nhằm thu hút bệnh nhân đã dấy lên nhiều nghi ngại về tính minh bạch. Tại Hà Nội, tình trạng này tuy chưa xảy ra, song việc siết chặt quản lý quỹ BHYT để  tránh bị trục lợi do thông tuyến cũng là vấn đề cấp bách được đặt ra.

Hạng 2 xin xuống hạng 3 vì lo mất bệnh nhân

Không thể phủ nhận việc triển khai thông tuyến khám chữa bệnh BHYT từ đầu năm 2016 đến nay đã mang lại thuận lợi và đảm bảo quyền lợi tốt hơn rất nhiều cho người bệnh, tuy nhiên mặt trái của chính sách này cũng đang bộc lộ ngày càng rõ, tác động lớn đến sự an toàn của quỹ BHYT. Điển hình, đầu tháng 8 này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có thông báo kết luận về trường hợp Phòng khám đa khoa tư nhân Phương Nam (tỉnh Cà Mau) chi sai BHYT lên tới 35,6 tỷ đồng.

Theo đó, lợi dụng chính sách thông tuyến BHYT (người bệnh được tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến, phòng khám tư nhân để khám bệnh mà vẫn được hưởng BHYT như khám đúng tuyến), Phòng khám Phương Nam đã sử dụng nhiều chiêu trò như tặng quà bệnh nhân BHYT đến khám, chỉ định “rộng rãi” các dịch vụ, thuốc men cho người bệnh… để thu hút  người khám, khiến lượng bệnh nhân đến phòng khám tăng đột biến hàng chục lần.

Lo ngại hơn khi gần đây, một số bệnh viện hạng 2 ở Biên Hòa, Đồng Nai, Nghệ An… đã xin xuống hạng 3 để được khám chữa bệnh BHYT ban đầu, tức thuộc diện bệnh viện được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện trong cả nước. Trên thực tế, sau 7 tháng thực hiện chính sách thông tuyến BHYT đến nay, một số bệnh viện hạng 2 ở Đồng Nai, Biên Hòa… đã bị sụt giảm lượng bệnh nhân đến khám BHYT tới 50%, thậm chí có bệnh viện giảm tới 90%.

Nguyên nhân, theo lãnh đạo các bệnh viện này, khi bệnh viện được nâng hạng từ hạng 3 lên hạng 2 thì theo quy định sẽ không còn được tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT ban đầu mà chỉ nhận các trường hợp chuyển từ tuyến huyện lên, trong khi với chính sách thông tuyến các bệnh viện tuyến huyện cũng nỗ lực giữ bệnh nhân.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng thừa nhận có thực trạng này và cho biết, trước tình trạng nhiều bệnh viện xin xuống hạng để được khám chữa bệnh thông tuyến BHYT, BHXH Việt Nam đang rà soát lại tình trạng này, nếu phát hiện bệnh viện nào cố tình xin xuống hạng để trục lợi quỹ BHYT sẽ cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Bác sĩ khám là “chốt chặn” đầu tiên

Tại Hà Nội, theo đại diện BHXH thành phố, đến thời điểm này, chưa có bệnh viện công hay bệnh viện tư nhân nào xin xuống hạng vì lý do trên song qua thực tiễn từ khi triển khai chính sách thông tuyến BHYT đến nay có sự biến động nhất định về số lượng bệnh nhân ở các cơ sở khám chữa bệnh thuộc diện thông tuyến.

Cụ thể, qua khảo sát một số bệnh viện tuyến quận/huyện có chất lượng khám chữa bệnh được đánh giá cao đã ghi nhận lượng người đến khám BHYT từ khi thông tuyến tăng 10-15% do sự dịch chuyển bệnh nhân (bệnh nhân BHYT từ huyện này chuyển sang khám ở bệnh viện huyện khác vì thấy chất lượng tốt hơn). Trong đó, cũng phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám 3 lần/ngày và hơn 1.000 trường hợp đến khám 2 lần/ngày tại 2 bệnh viện tuyến huyện khác nhau.

Ngoài ra, một số bệnh viện tư nhân cũng nổi lên trở thành đối trọng của các bệnh viện công, cạnh tranh thu hút bệnh nhân từ bệnh viện công bởi với chính sách thông tuyến, bệnh nhân cũng có quyền đến khám chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám tư mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, nhìn chung công tác khám chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện thuộc Hà Nội chưa có biến động quá lớn từ khi triển khai thông tuyến, song nguy cơ lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn còn đó. Một mặt, quy định thông tuyến BHYT đòi hỏi các phòng khám, bệnh viện trong diện thông tuyến phải tự nâng cao chất lượng, bởi nếu người bệnh thấy không hài lòng, lần sau họ sẽ tìm đến cơ sở y tế có dịch vụ tốt hơn và như vậy, nguồn thu của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, nếu không kiểm soát chặt sẽ nảy sinh tình trạng cơ sở y tế tìm cách lôi kéo bệnh nhân BHYT để trục lợi quỹ, ngay bản thân người bệnh cũng sẽ lạm dụng để trục lợi. 

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, BHXH TP Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát việc trục lợi quỹ BHYT từ các cơ sở y tế thông qua việc tăng cường đội ngũ giám định BHYT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

BHXH TP Hà Nội đã lập danh sách những bệnh nhân đi khám nhiều lần/ ngày trong diện có khả năng lạm dụng BHYT gửi các cơ sở khám chữa bệnh để phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện đúng theo quy định.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị các bệnh viện tuyến huyện yêu cầu bác sĩ khi khám bệnh cho bệnh nhân BHYT phải hỏi kỹ xem trong 1 tuần trước đó bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện nào chưa, khám bệnh gì, dùng thuốc nào rồi… để tránh tình trạng bệnh nhân vừa đi khám ở bệnh viện này hôm trước, hôm sau lại đến khám ở bệnh viện khác, thuốc được cấp cho dùng chưa hết lại xin cấp thuốc tiếp. Bác sĩ phải là khâu chốt chặn đầu tiên. Chốt kiểm soát tiếp theo là cơ quan BHXH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra” - ông Nguyễn Đức Hòa nói (An ninh thủ đô trang 7, Thanh niên trang 2).

 

Chữa bệnh ngày nghỉ, ngày lễ cho bệnh nhân BHYT: Bệnh viện nỗ lực, người dân đồng tình

Trước tình trạng bệnh viện (BV) luôn quá tải dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh chưa nhận được sự hài lòng của người dân, Bộ Y tế đã triển khai Thông tư liên tịch số 16/2015 do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, từ ngày 1-9-2015, người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh trong ngày nghỉ, ngày lễ sẽ vẫn được thanh toán BHYT. Tại TPHCM, nhiều BV đã thực hiện thông tư này có hiệu quả và nhận được phản hồi tích cực từ người dân.
Người bệnh chủ động thời gian đi khám

Dù là sáng thứ bảy nhưng lượng bệnh nhân đổ về BV Nhân dân Gia Định khá đông. Khu vực ghế chờ đăng ký khám bệnh và trước cửa các phòng khám kín người ngồi đợi. Đội ngũ y, bác sĩ đều tất bật với công việc theo quy trình không khác ngày thường. Vừa lấy máu xét nghiệm xong, chị Trần Thu Hằng (ngụ quận Bình Thạnh) được gọi tên chụp X quang phổi. “Đợt trước tôi đi khám vào ngày thường, đông đúc mệt mỏi lắm. Mới đây hay tin BV Nhân dân Gia Định có khám chữa bệnh ngày thứ bảy, người bệnh vẫn hưởng đầy đủ chế độ của BHYT nên tôi thu xếp đi khám bệnh, không ngờ mọi thủ tục rất nhanh chóng và được khám kỹ lưỡng”, chị Hằng chia sẻ.

Tại BV Quận 2, riêng ngày thứ bảy, chúng tôi thấy lượng bệnh nhân tới khám đông. Mới hơn 6 giờ sáng đã có hàng trăm người làm thủ tục để khám bệnh, ngồi kín các dãy ghế chờ. Trong khi đó, BV Quận Bình Thạnh, từ năm 2010 đến nay đã triển khai khám bệnh cho bệnh nhân BHYT cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Có mặt tại BV Quận Bình Thạnh vào sáng chủ nhật, chúng tôi được đội ngũ y tá đón, thăm hỏi tình hình và hướng dẫn thủ tục rất nhiệt tình. Các quy trình khám có BHYT và không có BHYT đều như nhau, thủ tục nhanh chóng. “Nếu khám ngày thường phải từ sáng tới chiều mới xong, chờ nhận thuốc thì cũng khá trễ nhưng khi đi khám ngày chủ nhật, dù có đóng thêm phụ thu tiền khám bệnh 21.000 đồng/lượt, chỉ buổi sáng là chúng tôi đã hoàn tất các quy trình khám bệnh, lấy thuốc”, dì Sáu Đài (ngụ đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh), cho biết. 

Khám ngày cuối tuần đông nhất là BV Quận Thủ Đức. Anh Phùng Gia Khánh (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Chúng tôi là công nhân, nghỉ ngày thường thì bị trừ lương, trừ tiền trách nhiệm nên hầu hết có đau bệnh gì đều tranh thủ khám ngày nghỉ. Nói là ngày nghỉ chứ đi khám nhiều tôi biết, ở BV Quận Thủ Đức thì 365 ngày đều khám như nhau, các chuyên khoa đều làm việc, vẫn có đội ngũ hướng dẫn bệnh nhân tới từng phòng khám nên đỡ cho công nhân chúng tôi lắm”. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ngày cuối tuần còn có BV Quận Bình Tân, BV Đa khoa Củ Chi, BV Tai mũi họng, BV Mắt, BV Da Liễu, BV Nguyễn Tri Phương…

Nâng chất lượng phục vụ

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, cho biết là BV tuyến dưới, gần người dân nhất nên chúng tôi hiểu họ mong muốn gì. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân bởi rất nhiều đối tượng như cán bộ công nhân viên, nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên… không thể thu xếp thời gian đi khám vào giờ hành chính, vì vậy BV đã lấy ý kiến của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ công nhân viên và đề xuất lên Sở Y tế, UBND TPHCM, UBND quận 2 để xin được khám ngoài giờ. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, ngoài giờ hành chính, BV khám thêm từ 16 giờ 30 đến 19 giờ vào những ngày thường và thứ bảy khám từ 7 giờ đến 16 giờ 30. Trung bình các ngày thứ bảy, lượng bệnh nhân đến BV Quận 2 khám từ 600 - 800 người(bằng 40% ngày thường), chủ yếu có BHYT. Tuy nhiên, so với khám ngày thường thì ngày nghỉ và ngoài giờ, bệnh nhân sẽ đóng thêm 45.000 đồng tiền khám bệnh. Các dịch vụ cận lâm sàng, chuyên khoa, cấp phát thuốc theo đơn đều được hưởng 100% BHYT như ngày thường. “Để triển khai chương trình khám bệnh vào ngày nghỉ là nỗ lực rất lớn của đội ngũ y, bác sĩ. Hầu hết những bác sĩ giỏi đều có phòng mạch, vì nhu cầu của bệnh nhân nên BV cũng vận động các bác sĩ tham gia khám vào ngày nghỉ để chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn”, bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.

Bác sĩ Lê Hoàng Quý, Phó Giám đốc BV quận Bình Thạnh, cho biết ngoài lịch khám thứ bảy, chủ nhật, BV thực hiện khám bệnh phủ kín 24 giờ/ngày. Ở tất cả các khung giờ khám bệnh, bệnh nhân có BHYT đều được thanh toán theo quy định. Do thời gian phục vụ bệnh nhân linh động nên các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, BV quận Bình Thạnh đón khoảng 1.600 - 1.800 bệnh nhân tới thăm khám và điều trị (chiếm 65% lượng bệnh nhân ngày thường).

Đặc thù nhất là BV quận Thủ Đức, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, trường đại học, do đó các đối tượng này khó đi khám vào giờ hành chính. Nhận thấy nhu cầu của người dân trong quận, năm 2009, BV Quận Thủ Đức đã trình đề án thí điểm khám ngoài giờ có hưởng 100% BHYT. Theo đó, ngoài giờ hành chính, BV Quận Thủ Đức còn khám đến 21 giờ vào các ngày trong tuần. Riêng thứ bảy, chủ nhật và tất cả các ngày lễ, tết, bệnh nhân tới đều được khám và điều trị như ngày bình thường. “Bệnh đến không từ ngày nào nên chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận và khám, điều trị cho bệnh nhân như bình thường. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân chủ động sắp xếp thời gian đi khám bệnh, giảm tải lượng bệnh nhân cho ngày thường, giúp các bác sĩ khám và giải thích cho bệnh nhân được kỹ càng hơn”, bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, cho biết (Sài gòn giải phóng trang 3).

 

Gia tăng bệnh nhân bị rắn cắn

Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì bị rắn cạp nia cắn khi đang nằm ngủ trên nền nhà.  Bệnh nhân 38 tuổi, người Hải Dương, hiện vẫn đang phải điều trị trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán liệt cơ hô hấp phải mở khí quản, thở máy. Theo lời kể của người nhà, sáng 2-8, khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy người khó chịu, đau họng, khó nuốt, đau người; bên cạnh có con rắn cạp nia to bằng đầu ngón tay út bị đè chết từ lúc nào. Gia đình lập tức đưa anh vào bệnh viện tỉnh điều trị rồi chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc. Đại diện Trung tâm Chống độc cho biết, mùa mưa là thời điểm gia tăng bệnh nhân bị rắn cắn, nhất là ở các vùng ven đô, nông thôn, miền núi (An ninh thủ đô trang 7).

 

Chấn chỉnh hoạt động các trạm y tế xã

Sau câu chuyện “Phó thủ tướng bất ngờ kiểm tra trạm y tế xã đóng cửa” (Tuổi trẻ online ngày 7-8), lãnh đạo Trung tâm y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết đã yêu cầu 21 trạm y tế trên toàn TP nghiêm túc chấn chỉnh thái độ làm việc.

Sáng 8-8 bảy cán bộ của trạm y tế xã Cư Ebur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lawsk)- trạm y tế đóng cửa khi phó thủ tướng bất ngờ kiểm tra ngày 7-8 đã có mặt từ rất sớm để quét dọn, phát quang bụi rậm và lau dọn các thiết bị y tế bám bụi. Công việc vệ sinh tại trạm được hoàn thành vào giữa trưa. Ông Y Son Êban, trưởng trạm y tế xã Cư EEbur, cho biết ông và một cán bộ trực đang làm bản tường trình, kiểm điểm về việc trạm đóng kín cửa ngày chủ nhật. Ông Y Son thừa nhận đã chủ quan khi chưa giám sát chặt chẽ các ca trực vào ngày nghỉ…

* Pháp luật TP.HCM (trang 2 ngày 8.8): Bệnh sốt xuất huyết ở Tây Nguyên cao gấp hàng chục lần cả nước

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 7-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát một số địa điểm có ổ dịch SXH trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đến thăm hỏi một số hộ dân có người mắc SXH tại thôn 2 (xã Hòa Thuận) và buôn Jù (xã Êatu, TP Buôn Ma Thuột), Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân trong phòng, chống SXH. Phó Thủ tướng cho rằng với sự thay đổi của thời tiết ngày càng cực đoan, người dân cần nhận thức rõ để chủ động ứng phó với bệnh dịch SXH. Chiều cùng ngày, tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH khu vực Tây Nguyên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tính đến ngày 30-7, cả nước ghi nhận hơn 49.000 trường hợp mắc bệnh tại 48 tỉnh, thành phố; 17 trường hợp tử vong. Hiện tỉ lệ người dân mắc bệnh SXH tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên cao gấp vài lần đến hàng chục lần so với mức trung bình của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các tỉnh, TP có số bệnh nhân mắc SXH gia tăng phải triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng với sự vào cuộc của các hội, đoàn thể; giám sát các trường hợp mắc bệnh và tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; tổ chức điều trị bệnh nhân đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong (Tuổi trẻ trang 9).

 

Cứu sống bệnh nhi có nội tạng lồi ra ngoài thành bụng

Ngày 6-8, Khoa Ngoại và chuyên khoa - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bé Vũ Đặng Thùy Vân, 1 giờ tuổi (ở phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) được chuyển đến trong tình trạng khối thoát vị rốn, ruột và các tạng lộ ra ngoài thành bụng. Qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị thoát vị rốn, chỉ định mổ cấp cứu phẫu thuật phục hồi thành bụng, tiên lượng bệnh nhân rất nặng. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp tham gia kíp mổ cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 3 giờ và đến hơn 1h sáng 7-8 thì kết thúc. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bé đã tạm ổn định (An ninh thủ đô trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang