Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: Thêm một phụ nữ tử vong do sốt xuất huyết; Sốt xuất huyết hoành hành dữ dội; Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết; Lập khoa điều trị dã chiến sốt xuất huyết trong bệnh viện; Vụ thai phụ tử vong sau nâng ngực: Bác sĩ nâng ngực trái phép?; Bộ Y tế chăm lo sức khỏe người dân vùng bị lũ lụt; ...

 

Hà Nội: Thêm một phụ nữ tử vong do sốt xuất huyết

Trao đổi với báo chí trưa nay, 8-8, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác nhận, chiều 7-8, tại bệnh viện này đã có thêm một bệnh nhân ở Hà Nội tử vong do mắc sốt xuất huyết (SXH) dengue. Bệnh nhân tử vong mới nhất này là nữ, 36 tuổi, ở Hoàng Mai (Hà Nội), nhập viện ngày 23-6 trong tình trạng sốt cao, đau tức hạ sườn và bị sốc. Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được xác định mắc SXH dengue. Dù được các bác sĩ tích cực điều trị nhưng tình trạng bệnh nhân diễn tiến ngày càng nặng.

Đến ngày 26-7, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, có những diễn biến nặng hơn như não tổn thương không hồi phục, thận tổn thương nặng bị vô hiệu hoàn toàn. Để duy trì sự sống cho người bệnh, phía bệnh viện tiến hành chạy thận, lọc máu liên tục và đặc biệt là miễn phí cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, do bị suy đa tạng, bệnh nhân đã qua đời chiều ngày 7-8. Như vậy, đây đã là ca tử vong thứ 6 do SXH tại Hà Nội tính từ đầu năm 2017 đến nay, đồng thời đưa năm 2017 trở thành năm mà Hà Nội ghi nhận số ca tử vong do SXH nhiều nhất trong khoảng 10 năm qua. 5 trường hợp tử vong do SXH trước đó gồm 4 trường hợp là người lớn mắc SXH trên nền bệnh cảnh khác (nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao, rung nhĩ) và một trường hợp cháu bé 8 tuổi dương tính với SXH kèm bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn. Hiện tại, dịch SXH ở Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, số mắc vẫn đang tăng cao theo từng ngày. Chỉ tính riêng trong tuần qua, toàn thành phố đã ghi nhận thêm 2.745 ca mắc SXH mới, nâng tổng số ca mắc của thành phố lên tới gần 11.800 ca (An ninh Thủ đô, trang 8; Tiền phong, trang 6; Hà Nội mới, trang 2).


Sốt xuất huyết hoành hành dữ dội

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, la liệt các ca sốt xuất huyết (SXH) được chuyển tới. Do quá tải, việc thăm khám cho bệnh nhân phải thực hiện cả ở… hội trường. Tuần đầu tháng 8, Hà Nội ghi nhận đến hơn 2.700 bệnh nhân mắc SXH, nâng số người mắc lên con số hơn 11.750 ca, trong đó có 6 ca tử vong. TPHCM ghi nhận hơn 11.000 ca bệnh, tăng 23% so với cùng kỳ. Hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 20 ca tử vong, số bệnh nhân SXH tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.

Tận dụng kê giường bệnh mọi nơi

Ths-Bs Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - không ngơi tay, cho biết: Bệnh SXH đang vào giai đoạn căng nhất. Bệnh nhân nhập viện đông, bác sĩ phải làm việc thông trưa, tăng ca, hầu như không có ngày nghỉ. Giờ ăn trưa của bác sĩ chỉ trong chớp nhoáng rồi lại quay vào với bệnh nhân. Giờ làm việc được đẩy lên 7h và kết thúc lúc 17h30. BV phải dùng hội trường kê thêm giường điều trị.

Bác sĩ Trần Hải Ninh - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, thời điểm này mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám, trong đó 60-80% là bệnh nhân SXH. Điều đáng nói, do quá tải bệnh nhân SXH bệnh viện buộc phải kê thêm giường ở những khu trống, dùng hội trường làm khu điều trị ban ngày. Bệnh nhân nặng, phải điều trị nội trú sẽ được sắp xếp vào phòng bệnh, bệnh nhân nhẹ sẽ được điều trị ban ngày hoặc chuyển tuyến.

Ngày 7.8, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đưa 20 giường vào hội trường bệnh viện làm khu điều trị ban ngày. Nếu bệnh nhân tiếp tục tăng, bệnh viện phải kê thêm giường điều trị ở hành lang giống như bệnh viện dã chiến và huy động thêm phòng của nhân viên y tế làm nơi điều trị cho bệnh nhân. Hiện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải mượn gần 400 giường bệnh của một số công ty thiết bị y tế để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép.

Tại BV Đống Đa (Hà Nội), một nửa số bệnh nhân đang điều trị nội trú mắc SXH. Các khoa phòng của bệnh viện phải dành đất kê giường cho bệnh nhân SXH. Tuy nhiên, dù tận dụng mọi khoảng trống, một số người vẫn phải ngồi ghế để truyền dịch. Bệnh viện có gần 350 giường thực kê nhưng 350 quá nửa trong đó là bệnh nhân mắc SXH. BV Thanh Nhàn - tuyến dưới - cũng đang phải gồng mình với bệnh SXH. BV đang điều trị cho khoảng hơn 500 bệnh nhân SXH. Tình trạng quá tải khiến bệnh viện phải dồn các khoa phòng để kê giường bệnh. Tình trạng nằm ghép là khó tránh khỏi vào thời điểm này.

Còn tại TPHCM, ghi nhận chiều ngày 8.8 tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có hơn 100 trẻ đang điều trị. Trong đó, hơn 45% là trẻ đến từ các tỉnh, thành khác. Bệnh nhân khá đông khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. 2-3 bệnh nhi phải nằm chung 1 giường.

BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - cho biết, hiện tại, khoa có một số bé bị sốc sốt xuất huyết khá nặng. Tình trạng nhập viện tăng cao khiến cho các bác sĩ làm việc cũng vất vả và áp lực hơn vì phải tăng cường lọc bệnh, dặn dò và theo dõi các ca nặng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, từ đầu năm đến nay đã điều trị cho hơn 3.600 ca ngoại trú vì sốt xuất huyết, chỉ tháng 7 đã có 506 ca.

Bệnh viện Nhiệt Đới đã tiếp nhận 4.238 ca sốt xuất huyết đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng kín bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng như sốc thoát huyết tương, xuất huyết nặng, suy đa tạng.

Đáng chú ý tại các bệnh viện ở TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp cả gia đình cùng bị sốt xuất huyết hay trong một xóm có tới bốn người mắc bệnh. Trường hợp của bà N.T.H (ở Vĩnh Long) có 2 con cùng điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết: “Hai tháng trước, tôi bị sốt xuất huyết và điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Vừa xuất viện thì bé út 4 tuổi bị bệnh phải đưa lên Nhi Đồng 1 điều trị và bác sĩ cho xét nghiệm cũng bảo sốt xuất huyết. Thằng Út vừa xuất viện thì anh nó 10 tuổi lại bệnh, triệu chứng tương tự”.

Sốt xuất huyết còn “phi mã”

Chỉ riêng Hà Nội, sau 8 năm địa phương lại trở thành điểm nóng của bệnh SXH. Tuần đầu tháng 8, Hà Nội ghi nhận đến hơn 2.700 bệnh nhân SXH. Từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận hơn 11.750 ca sốt xuất huyết, 6 ca tử vong. Năm nay, dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có SXH, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân, 40% người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ. Các chuyên gia nhận định, khả năng sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội là rất lớn vì thời tiết mưa nắng thất thường và người dân ở nhiều nơi còn thờ ơ với dịch bệnh.

BS Nguyễn Trí Dũng - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, thời điểm hiện, bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa và số ca tăng rất cao. Thống kê đến thời điểm đầu tháng 8, TPHCM ghi nhận hơn 11 ngàn ca bệnh, tăng 23% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tốc độ gia tăng bệnh sốt xuất huyết trong tháng 7 tăng 46% so với tháng 6. Và trong các tháng tiếp theo, bệnh chưa “hứa hẹn” sẽ giảm nhiệt.

Hiện tại, toàn TP đã ghi nhận 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Ổ dịch sốt xuất huyết TPHCM đang nằm ở một số vùng ven như quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh - nơi có nhiều kênh rạch, ao tù nước đọng phát sinh loăng quăng, muỗi. Kỷ lục là tại quận Bình Tân, số ca mắc trong tháng 7 tăng 54% so với tháng trước.

Hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 20 ca tử vong, số bệnh nhân SXH tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cần “hạ hỏa” ngay dịch bệnh SXH, bởi đây là bệnh chữa được và dự phòng được, ngành y tế quyết tâm không để dịch lan rộng, không để xảy ra tử vong nhiều. Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các bệnh viện xử lý, phân loại bệnh nhân nặng, nhẹ để chuyển về các tuyến sao cho hợp lý, tránh tình trạng bệnh nhân đến khám là cho vào viện, nhận điều trị, cần họp lại phân tuyến, tập trung cứu chữa bệnh nặng, bệnh nhân nhẹ cho về tuyến dưới theo dõi (Lao động, trang 3; Nông thôn ngày nay, trang 5).


Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết

Thống kê cho thấy, cứ 10 năm số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng gấp đôi, vì vậy khẩu hiệu “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” không bao giờ cũ và đây là việc dễ làm. Đó là khẳng định của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội với phóng viên Báo Hànộimới khi trao đổi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
- Phun thuốc được xem là một trong những biện pháp hiệu quả tiêu diệt muỗi sốt xuất huyết. Vậy có phải chỉ cần phun một lần là hàng tháng sau, muỗi sẽ “sợ” không dám vào nhà?

- Việc phun thuốc (hóa chất) diệt muỗi chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Nhiều người nghĩ rằng, gia đình đã từng phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại là hoàn toàn sai lầm. Bởi thuốc phun diệt muỗi là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương và diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Nếu phun thuốc muỗi dập dịch cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để. Khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.
- Thưa ông, dịch sốt xuất huyết gia tăng có phần do nhiều người dân lo sợ thuốc phun muỗi độc hại nên không hợp tác với cán bộ y tế và từ chối cho phun thuốc?
- Thời gian qua có tình trạng nhiều hộ gia đình không hợp tác khi đội cơ động cán bộ y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi, vì sợ hóa chất gây độc. Qua thống kê, có tới 20% hộ gia đình đi vắng khi cán bộ tới diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đình đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch. Hiện thuốc phun muỗi được ngành Y tế sử dụng để diệt muỗi là loại bảo đảm an toàn, máy phun chuyên dụng được nhập từ Đức. Có nhiều biện pháp phun thuốc diệt muỗi. Với máy phun cỡ lớn trên xe ô tô áp dụng cho những công trường xây dựng, còn máy phun đeo vai sẽ áp dụng cho từng ngõ xóm, từng hộ gia đình và phun mù nhiệt có hiệu quả ở các bãi đất trống, nhà trọ… Để bảo đảm an toàn khi phun thuốc muỗi, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành Y tế. Cụ thể, dọn dẹp nhà cửa gọn trước khi phun thuốc. Thông thường, các loại thuốc diệt muỗi thường không có mùi hoặc có mùi hắc nhẹ. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe thì mọi người nên ra ngoài khi nhân viên phun thuốc và sau 30-45 phút có thể vào nhà. Nếu nhà có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai thì sau 1-2 tiếng mới vào nhà, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.

- Do quá lo lắng nên một số gia đình đã thuê người phun thuốc diệt muỗi hoặc tự phun. Về vấn đề này, ông có khuyến cáo gì?

- Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Việc người dân tự ý mua thuốc về phun hoặc thuê người đến nhà phun diệt muỗi có thể “lợi bất cập hại”. Bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi. Hơn nữa, nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, người dùng bị dị ứng thuốc phun muỗi do không rành cách sử dụng. Người dân có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc gọi tới đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội để được tư vấn đầy đủ.

Việc phun thuốc diệt muỗi là cần thiết tại khu vực ổ dịch sốt xuất huyết để loại trừ tác nhân gây bệnh. Song, phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế, nhằm bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng. Loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã, thị trấn tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản kinh phí nào. Người dân cũng có thể sử dụng các bình xịt muỗi đã được cấp phép lưu hành trên thị trường để sử dụng phun diệt ở phạm vi hẹp trong gia đình. Tuy nhiên, việc cá nhân gia đình tự phun, xịt, diệt muỗi trong nhà chỉ diệt muỗi tức thì. Chỉ vài ngày sau, muỗi có thể xuất hiện trở lại, nếu không loại trừ được các ổ lăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình và khu vực xung quanh.

- Ông có cho rằng, người dân vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết?
- Mặc dù sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát, nhưng người dân vẫn hết sức chủ quan. Bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị đặc hiệu, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi và bọ gậy. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế tại nhiều hộ gia đình, việc thực hành làm như thế nào để không có bọ gậy lại không tốt. Chúng tôi đến nhiều hộ dân và phát hiện nhiều bình hoa để lâu ngày bên trong còn nguyên nước, dốc ra rất nhiều lăng quăng, bọ gậy. Hay trong các bể chứa nước, cũng phát hiện có nhiều lăng quăng, bọ gậy…
- Chống dịch sốt xuất huyết không phải là câu chuyện trong một hay hai tháng, mà là vấn đề của nhiều năm. Vậy, chúng ta phải làm gì để chống dịch một cách hiệu quả nhất, thưa ông?

- Cứ 10 năm số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng gấp đôi, vì vậy khẩu hiệu: “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” không bao giờ cũ và đây là việc dễ làm. Mỗi người dân nên thay nước bình hoa hằng ngày, chú ý diệt lăng quăng bằng thu dọn phế thải, chai, lọ, bình, vỏ xe… chứa nước đọng. Chỉ cần hai ngày là đủ để muỗi đẻ trứng và bắt đầu vòng đời mới. Để chống dịch đạt hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã thành lập những đội xung kích diệt bọ gậy, nhằm giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Mỗi đội gồm 2-3 người; là thành viên từ các tổ chức, đoàn thể như: Thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng…

Mỗi đội phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu công cộng (vườn hoa, bãi đất trống, nghĩa trang, đình chùa…). Nhiệm vụ của các đội là kiểm tra, hướng dẫn, cùng các gia đình, cơ quan… xử lý triệt để dụng cụ chứa nước, đồ vật chứa nước có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân; giám sát phát hiện bệnh nhân nghi sốt xuất huyết tại cộng đồng. 7 ngày/lần các đội phải kiểm tra công tác diệt bọ gậy, bảo đảm 100% hộ gia đình, cơ quan được xử lý các nguồn có thể gây bệnh. UBND các quận, huyện, thị xã lập các tổ giám sát phòng, chống dịch. Các tổ này chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5 - 10 đội xung kích diệt bọ gậy. Kết quả thực hiện của các đội xung kích được đánh giá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên từ 5 đến 10% hộ gia đình và khu vực phụ trách. Chống dịch không đơn giản, song khó mấy chúng ta cũng phải làm và phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa (Hà Nội mới, trang 2).

Lập khoa điều trị dã chiến sốt xuất huyết trong bệnh viện
Theo tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) ngày 8.8, do số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng bất thường, mỗi ngày có gần 1.000 người mắc và nghi mắc SXH đến khám, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đã dành hội trường lớn kê thêm 20 giường bệnh làm khu điều trị ban ngày cho bệnh nhân SXH. Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết đa số các bệnh nhân SXH nặng nhập viện ở độ tuổi trung niên đều có nền bệnh sẵn như đái tháo đường, tăng huyết áp... Hiện tại BV đang có 7 bệnh nhân nặng và có các biến chứng do SXH. Tại đây vừa ghi nhận thêm một trường hợp là bệnh nhân N.T.N (36 tuổi, ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội) tử vong do SXH. Đây là ca tử vong thứ 5 do SXH tại Hà Nội tính từ đầu năm đến nay. Hiện trên địa bàn TP.Hà Nội đã ghi nhận gần 11.800 ca mắc SXH, tập trung chủ yếu ở một số quận, huyện như: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì (Thanh niên, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).


Vụ thai phụ tử vong sau nâng ngực: Bác sĩ nâng ngực trái phép?

Liên quan vụ thai phụ S.B.T tử vong sau nâng ngực (Thanh Niên đã đưa tin), ngày 8.8, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc bác sĩ Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TP.HCM, thực hiện nâng ngực cho chị T. tại BV Vạn Hạnh là trái phép. Ngày 8.11.2013, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho bác sĩ Lê Tấn Hùng với hình thức phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ngoài giờ hành chính, cơ sở đặt tại số 547A đường 3 Tháng 2, P.8, Q.10. Trong đó, phạm vi chuyên môn hoạt động của bác sĩ Hùng được ghi chi tiết: "Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ. Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai". Theo Thanh tra Sở Y tế, với phạm vi chuyên môn được cấp phép làm ngoài giờ như vậy, bác sĩ Hùng chỉ được làm như giấy phép, làm khác là vượt phạm vi chuyên môn; và theo luật Khám bệnh, chữa bệnh, có khả năng sẽ bị rút chứng chỉ hành nghề. Cũng trong ngày 8.8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đến BV đa khoa khu vực Hóc Môn niêm phong bệnh án của chị T. mang về làm rõ (Thanh niên, trang 8).


Sốt xuất huyết tăng mạnh: Lấy phòng bác sĩ cho bệnh nhân nằm

Vừa có thêm một bệnh nhân nữ, 36 tuổi, mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội tử vong hôm 7-8. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết số người mắc SXH tính từ đầu năm 2017 đã lên tới trên 78.000 người, trong đó có 20 người tử vong.

Đặc biệt dịch đang diễn biến cực kỳ phức tạp tại Hà Nội, với trên 10.000 người mắc bệnh từ tháng 5-2017 cho đến nay. TP.HCM mỗi tuần cũng ghi nhận 500 người bệnh SXH mới.

Hà Nội: trưng dụng hội trường để trị SXH

Số người mắc SXH tại Hà Nội đã tăng 17 lần so với cùng kỳ 2016. Hiện tất cả các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đã quá tải trầm trọng.

Tại Bệnh viện Đống Đa, mặc dù kê thêm giường, trưng dụng phòng bác sĩ và cả những khoa nội trú nhưng nhiều người mắc SXH phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận đến 500 người đến điều trị SXH.

Ông Phạm Bá Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa, cho biết đây là bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội về bệnh truyền nhiễm nên sức ép người bệnh SXH được chuyển từ tuyến trên chuyển xuống, từ tuyến dưới chuyển lên trong những ngày gần đây vô cùng lớn. Bệnh viện đã có nhiều biện pháp cũng như huy động tổng lực để ứng phó với tình hình trên, kể cả việc kê thêm giường bệnh, mở khu điều trị ban ngày tại hội trường của bệnh viện...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết trong những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800 - 900 người bệnh đến khám SXH, đặc biệt hôm 7-8 đỉnh điểm lên tới hơn 1.000 người bệnh.

Qua sàng lọc, mỗi ngày tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân SXH nặng, nguy cơ biến chứng vào điều trị nội trú. Những người bệnh khác đều được hướng dẫn điều trị ngoại trú, trường hợp người bệnh phải điều trị nhưng không ở mức độ nặng có thể chuyển xuống bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục điều trị hoặc ở lại bệnh viện điều trị ban ngày (nửa buổi), sau khi theo dõi ổn định có thể cho ra viện.

Bệnh viện cũng lập khu điều trị ban ngày cho người bệnh SXH bằng việc bố trí thêm 20 giường tại phòng hội trường tầng 6 để làm nơi điều trị nhằm giảm áp lực quá tải. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến thời điểm này Hà Nội có 4 trường hợp chết do SXH hoặc liên quan đến SXH.

TP.HCM: mỗi tuần 500 ca

BS Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết thời điểm này mới là thời điểm bắt đầu mùa dịch SXH nhưng mỗi tuần TP có khoảng 500 ca SXH nhập viện, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Dự báo số ca SXH còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

BS Hồng Nga cho biết từ đầu năm đến nay TP có 11.733 ca SXH nhập viện, tăng 26% so với cùng kỳ 2016.

Từ đầu năm 2017 đến nay, TP.HCM có 4 người SXH tử vong tại Q.12, Q.5, Q.Bình Tân và Q.Bình Thạnh. Các quận, huyện trong TP có số ca mắc SXH cao là Q.Bình Tân (1.809 ca), huyện Bình Chánh (1.103 ca), Q.12 (1.004 ca), Q.Tân Phú (903 ca).

ĐBSCL: nóng bỏng

ĐBSCL triển khai nhiều phương án dập dịch, như vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, diệt lăng quăng, muỗi… Tuy nhiên các biện pháp vẫn chưa hiệu quả. Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh khu vực ĐBSCL, tình hình dịch SXH rất có thể sẽ bùng phát mạnh hơn trong thời điểm tháng 9 đến tháng 11.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, BS Trần Văn Dễ - giám đốc bệnh viện - cho biết năm nay tình hình dịch SXH khá phức tạp. Bệnh viện đã tiếp nhận trên 4.100 ca bệnh liên quan đến SXH, trong đó 2.800 ca khám điều trị ngoại trú và 1.300 ca SXH nhập viện điều trị nội trú. Người bệnh đến từ nhiều tỉnh trong khu vực. Số ca đặc biệt nặng cũng cao hơn, 59 ca nguy kịch (chưa có trường hợp tử vong).

Tại các địa phương, tình hình dịch SXH vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao ở khu vực ĐBSCL.

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, toàn tỉnh đã có trên 2.300 trường hợp mắc SXH (tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 87 ca sốc nặng, 1 trường hợp tử vong (ở huyện Phú Tân). Đồng Tháp khoảng 1.300 ca, số ca bệnh nặng cũng gia tăng, vì vậy có 2 trường hợp tử vong tại huyện Tháp Mười và Hồng Ngự.

Tại Trà Vinh, đã có 106 ổ dịch SXH với trên 1.000 trường hợp mắc. Điều đáng nói là có đến 3 ca tử vong. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Trà Vinh, dù đã được vận động, nhắc nhở, nhưng đa số người dân vẫn chưa quan tâm đến việc diệt lăng quăng. Qua kiểm tra cho thấy có đến 60/106 xã phường dụng cụ chứa nước có mật độ lăng quăng vượt ngưỡng quy định.

Sẽ mở thêm cơ sở mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-8, ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho rằng sẽ rà soát tính toán để có thể mở thêm cơ sở điều trị SXH mới.

Tuy nhiên trong cuộc họp bàn về điều trị cho người bệnh SXH được tổ chức cách đây vài ngày, ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, yêu cầu các bệnh viện rà soát các tiêu chí để cho người bệnh SXH nhập viện, chỉ cho người bệnh đủ tiêu chí nhập viện. Ông Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới, Nhi T.Ư, Đống Đa, Đức Giang và các bệnh viện ngành thay đổi quy trình tiếp nhận người bệnh.

Việc chỉ cho bệnh nhân đủ tiêu chí nhập viện, vậy với những người mắc nhẹ liệu có nguy hiểm cho chính họ hoặc nguồn lây hay không? Ông Khuê cho biết Hà Nội đang điều phối các phòng khám và bệnh viện tư tiếp nhận người bệnh, cố gắng kiểm soát và đảm bảo chất lượng điều trị (Tuổi trẻ, trang 14).


Bộ Y tế chăm lo sức khỏe người dân vùng bị lũ lụt

Sáng ngày 8/8/2017, cơ quan Bộ Y tế đã thực hiện ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ.

Cũng tại lễ phát động này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: ngay sau khi các tỉnh Tây Bắc bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Bộ Y tế đã chỉ đạo và thông báo về việc hỗ trợ y tế và cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh hiệu quả; đồng thời sẽ hỗ trợ các cơ sở y tế, các trung tâm y tế xã, y tế huyện gặp khó khăn do mưa lũ...
Quyên góp ủng hộ, cử đoàn công tác và cấp phát thuốc phòng chống dịch

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các vụ/cục/văn phòng/thanh tra Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Y tế đã tham gia ủng hộ với mức 1 ngày lương trở lên. Chỉ trong giờ đầu phát động, số tiền ủng hộ đã lên tới hàng chục triệu đồng sẽ được cơ quan Bộ Y tế chuyển đến ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.

Phát biểu tại buổi lễ quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân bị thiệt mạng, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà người dân các tỉnh Tây Bắc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ phải đối mặt.

Cũng tại buổi quyên góp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, hiện nay, đồng bào các tỉnh miền núi Tây Bắc, đặc biệt là các tỉnh như: Sơn La, Yên Bái... đang chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trong và sau mưa lũ, Bộ Y tế đã và sẽ cử đoàn công tác đi khảo sát thực tế để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp, hiệu quả tại các địa phương bị mưa lũ.

“Hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai do mưa lũ vừa là trách nhiệm vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cán bộ, công nhân viên chức toàn ngành” -  Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, đặc biệt tìm giải pháp giúp các trạm y tế xã tại các vùng lũ lụt được thiết kế phù hợp nhằm phát huy hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ.

Thông tin mới nhất, chiều ngày 8/8, từ Bộ Y tế cho biết, dự kiến ngày 11/8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn sẽ đến khảo sát công tác y tế và vệ sinh phòng dịch sau mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái.

Tính đến chiều ngày 8/8, Bộ Y tế đã cấp phát 110 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 90 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão và 150.000 viên cloramin B cho các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 2.
Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm vùng lũ lụt

Trước đó, để đảm bảo công tác y tế trong điều kiện ảnh hưởng của mưa lũ tại các tỉnh Tây Bắc, Bộ Y tế đã có Công văn số 862/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu đề nghị triển khai công tác y tế ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh trên chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị thiếu thuốc khi ốm đau. Sở Y tế các địa phương trên cũng cần củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo lại cơ sở vật chất để nhanh chóng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng.

Chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ...

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang