Để người dân đến với phòng khám bác sĩ gia đình
Vừa nhận điện thoại từ tổng đài, chiếc xe cấp cứu chuyên dụng của Phòng khám Bác sĩ gia đình (BSGĐ) Sài Gòn (quận Tân Phú) nổ máy lên đường. Rất may là sau khi thăm khám, người bệnh cao tuổi nọ chỉ bị cao huyết áp, không đến nỗi phải chuyển tuyến lên bệnh viện mà chỉ cần dùng thuốc tại nhà…
Bác sĩ đi cùng xe cấp cứu thở phào, nói: “Người bệnh cần dùng thuốc để đưa chỉ số huyết áp về mức bình thường. Tuy nhiên, người bệnh này cần điều trị các tổn thương cơ quan do huyết áp cao gây ra. Vì phải điều trị suốt đời cho nên người bệnh cao huyết áp nói chung và trường hợp này có khả năng không theo được thường xuyên. Kết quả là các cơ quan bị tổn thương không hồi phục, gây nguy hiểm đến tính mạng”.
Đó là một trong những trường hợp mà Phòng khám BSGĐ Sài Gòn thường xuyên xử lý hằng ngày. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, về bảo hiểm y tế (BHYT), người dân đến BSGĐ ở trạm y tế phường, xã sẽ được BHYT thanh toán; khi đến phòng mạch BSGĐ tư nhân thì sẽ phải trả tiền chênh lệch giữa mức giá khám bệnh ở phòng mạch, phần còn lại BHYT chi trả. Về chuyển tuyến, giao cho các phòng khám quyền chuyển tuyến trong trường hợp chuyên khoa hoặc người bệnh bệnh nặng. Theo các phòng khám BSGĐ, do Bảo hiểm xã hội vẫn chưa ủng hộ, phòng khám BSGĐ chưa thể khám theo BHYT và thiệt thòi vẫn thuộc về người dân.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến khích, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. BSGĐ có thể khám nhiều bệnh tật trên cơ thể con người và đủ năng lực để xử trí ban đầu. BSGĐ không chỉ chăm sóc cho cá nhân người bệnh mà còn chăm sóc cho cả gia đình của họ ở mọi lứa tuổi do đặc tính phạm vi hoạt động chuyên môn của BSGĐ rộng, được khám nhiều chuyên khoa. Vì vậy, khi người bệnh đến BSGĐ khám bệnh có những tiện ích như: Khám và chẩn đoán nhiều chuyên khoa khác nhau (như nhi, nội, cơ xương khớp, nội tiết, sản,...); hồ sơ bệnh án của cá nhân và gia đình được lưu, quản lý theo dõi đến suốt cuộc đời của bệnh nhân. Đối với những bệnh mãn tính, người bệnh đến trạm y tế được BSGĐ khám, quản lý và cấp phát thuốc nhanh và tiện lợi hơn so với đến các bệnh viện lớn. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em, BSGĐ còn có trách nhiệm theo dõi sức khỏe thai kỳ qua tiêm ngừa và theo dõi tiêm chủng.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2013, Sở Y tế thành phố đã xây dựng đề án mô hình BSGĐ ở các cấp, từ phường, xã đến quận, huyện. Vì đây là tuyến đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cho nên đã giúp giảm tải tuyến trên và giảm lây truyền các bệnh nguy hiểm từ trong bệnh viện đến người bệnh. Toàn thành phố hiện có 212 phòng khám BSGĐ, trong đó có 184 phòng khám ở các trạm y tế phường, xã; 23 ở các bệnh viện quận, huyện và năm phòng khám BSGĐ tư nhân. Nhiều phòng khám BSGĐ được đầu tư và phát triển mạnh trong năm 2016 và thu hút nhiều người bệnh đến khám.
Hiện nay, Phòng khám BSGĐ Sài Gòn còn tham gia phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, tư vấn sức khỏe, quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe. Bác sĩ Tô Quang Định, phụ trách chuyên môn của Phòng khám BSGĐ Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi còn sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp, chăm sóc sức khỏe, giúp sàng lọc bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh. Chúng tôi có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến... Tuy nhiên, phòng khám của chúng tôi vẫn chưa được sự ủng hộ của Bảo hiểm xã hội thành phố dù Sở Y tế cho phép phòng khám được khám cho người bệnh diện có BHYT”.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, từ những ưu điểm nổi bật theo chức năng, nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ nêu trên, cần có cơ chế phù hợp làm cơ sở xây dựng và phát triển mô hình BSGĐ mạnh hơn nữa, nhằm hấp dẫn được cả người dân lẫn các bác sĩ, từ đó bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân một cách hệ thống và toàn diện, góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn.
Thời gian tới, Sở Y tế thành phố sẽ phối hợp UBND các quận, huyện chỉ đạo cho các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phối hợp bệnh viện quận, huyện triển khai triệt để việc ký kết với Bảo hiểm xã hội ở tất cả các trạm y tế và xây dựng cơ số thuốc đầy đủ hơn, tương đương danh mục cơ số thuốc điều trị tuyến huyện, nhằm thu hút người bệnh đến khám nhiều hơn… (* Nhân dân (trang TP.HCM))
Chung tay cứu giúp bệnh nhân nghèo
Chiều 8.9, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm hỏi và trao 67,85 triệu đồng do bạn đọc đóng góp giúp ông Nguyễn Chánh Điểm (46 tuổi, quê H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang điều trị tại đây.
Trong khi đó, nhân dịp công tác khu vực phía nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng ghé thăm, tặng quà cho ông Điểm.
Ông Nguyễn Chánh Điểm là nhân vật được đề cập trong bài Đã túng quẫn lại lâm trọng bệnh trên chuyên mục Lá lành đùm lá rách của Báo Thanh Niên ngày 9.8.2016.
Ngoài số tiền giúp đỡ của bạn đọc Báo Thanh Niên, GS-TS-BS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết xét hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Điểm nên bệnh viện sẽ giảm 30 triệu đồng chi phí điều trị cho ông. “Bệnh nhân Điểm nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở hơn 20 phút nhưng chúng tôi đã tích cực cấp cứu, điều trị nên hiện đã qua cơn nguy kịch và đang phục hồi”, GS-TS-BS Công cho biết thêm.
Bà Công Thị Mỹ Tưởng, vợ ông Điểm, xúc động: “Gia đình tôi vô cùng cảm kích và tri ân tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên, của Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các y - bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất đã tận tâm, sẻ chia khó khăn giúp chồng tôi vượt qua bệnh tật”.
Trước đó, trong khi cùng vợ từ quê nghèo vào TP.HCM kiếm kế mưu sinh, ông Điểm bị nhồi máu cơ tim, phải vào Bệnh viện Thống Nhất mổ cấp cứu gắn stent nong động mạch vành. Do hoàn cảnh nghèo khó nên gia đình ông phải nhờ sự giúp đỡ và vay mượn từ anh em, bạn bè đủ số tiền để mổ cấp cứu và được cứu sống. (* Thanh niên (trang 9))
Nỗ lực tìm nụ cười cho trẻ
Hơn 120 trẻ em bị dị tật môi – vòm miệng sẽ được “trả lại nụ cười” là mục tiêu của chương trình từ thiện do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bện viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba thực hiện từ tháng 6.2016.
Bà nội Bùi Thị Sơn (trú tại Thanh Hóa) nóng ruột chờ cháu đang được phẫu thuật tại Bệnh viện (BV) Việt Nam - Cuba. Bà Sơn cho biết, cháu gái là 1 trong 2 bé sinh đôi, đã được 8,5 tháng. Chị của cháu khỏe mạnh, lành lặn, riêng cháu lại bị sứt môi, hở hàm ếch. Vì bị sứt môi nên cháu bị bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên, sức khỏe kém. Hơn 8 tháng mà cháu mới được 6kg. Gia đình đã dự định đưa cháu đi phẫu thuật nhưng kinh tế còn eo hẹp, chưa đủ điều kiện. Nay có chương trình phẫu thuật miễn phí do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (Hội Bảo trợ) giúp đỡ nên gia đình rất mừng. “Mẹ cháu thương con nên khóc suốt, cứ lo con gái lớn mà sứt sẹo như vậy thì khổ cả đời. Nay cháu có cơ hội lành lặn thì cả nhà đều vui mừng. Nụ cười của cháu cũng là nụ cười của cả gia đình chúng tôi” – bà Sơn cho biết.
Cũng dẫn cháu gái lên BV phẫu thuật, bà Đỗ Thị Sáu (quê ở Thái Bình) cho biết, cháu gái đã 17 tuổi, bị hở hàm ếch nặng nên đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật ghép xương, ghép da. Hiện bà dẫn cháu lên để vá môi cho hoàn chỉnh hơn. Bà cho biết, cháu gái rất thông minh, học giỏi, nhưng có phần rụt rè vì tự ti về vẻ ngoài. “Gia đình đều làm nông dân, hoàn cảnh cũng không dư dả, vì vậy chúng tôi rất mừng khi nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Sang năm cháu sẽ thi đại học nên sự giúp đỡ này sẽ cho cháu tương lai tốt đẹp hơn” – bà Sáu bộc bạch.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình-hàm mặt (BV Việt Nam – Cuba) cho biết, theo một vài nghiên cứu nhỏ, cứ khoảng 500-700 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị sứt môi. Trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch còn bị suy dinh dưỡng, dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp, viêm phổi, phế quản. Dị tật này còn gây biến dạng mặt, chủ yếu là môi, răng, mũi và ảnh hưởng đến chức năng phát âm, lời nói khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Cần phải phẫu thuật sớm cho trẻ để các em cải thiện khả năng ăn uống và hoàn thiện khả năng nói. “Chi phí của một cuộc phẫu thuật xấp xỉ 10 triệu đồng và được bảo hiểm y tế chi trả theo chế độ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ phải trải qua 3-4 lần phẫu thuật, nên gia đình sẽ phải chịu nhiều chi phí đi lại, ăn nghỉ và một phần viện phí. Do đó, đối với các gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì trẻ sẽ chịu thiệt thòi, không được phẫu thuật hoặc phẫu thuật rất muộn. Sự trợ giúp của các tổ chức sẽ đem lại cho trẻ em cơ hội được hòa nhập sớm hơn, tránh được nhiều bệnh tật” – bác sĩ Thái nhận định.
Bác sĩ Thái cho biết, từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8.2016, với chương trình phẫu thuật miễn phí do Hội Bảo trợ tổ chức, BV Việt Nam – Cuba đã phẫu thuật thành công cho hơn 70 trẻ sứt môi có hoàn cảnh khó khăn, đến từ nhiều vùng miền của cả nước. Cháu bé nhất mới có 6 tháng tuổi, lớn nhất là 17 tuổi.
Nhịp cầu hạnh phúc
Ông Nguyễn Đình Liêu- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồi côi Việt Nam cho biết, chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ em là một trong những hoạt động của đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 do Hội Bảo trợ thực hiện. Chương trình đã nhận được 1,2 tỷ đồng tiền tài trợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Dự tính có 120 trẻ em sẽ được phẫu thuật trong dịp này. Ngoài ra, các cháu và người nhà sẽ được hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại.
“Hoạt động vô cùng có ý nghĩa này đã đem lại cơ hội sống khỏe mạnh, học tập tốt hơn, hòa nhập với cuộc sống hơn cho những trẻ em khuyết tật, người dân nghèo. Hội sẽ là cầu nối để cùng với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm có thể giúp đỡ thêm càng nhiều người nghèo, người già, trẻ em” – ông Liêu nhấn mạnh.
Báo cáo của Hội Bảo trợ cho biết, trong năm 2015, Hội đã được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, trợ giúp với số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 426 tỷ đồng. Hội đã hoàn thành trợ giúp trực tiếp cho 2,6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi với kinh phí hơn 420 tỷ đồng. Cụ thể như: hỗ trợ dịch vụ y tế (phẫu thuật mắt, chỉnh hình, phẫu thuật tim, cấp thẻ bảo hiểm y tế) cho gần 12.500 lượt người; tặng 10.800 xe lăn cho người khuyết tật, 4.000 xe đạp cho trẻ mồ côi; tổ chức dạy nghề, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ sinh kế cho hơn 15.000 lượt người; trợ cấp, thăm hỏi… cho hơn 446.400 lượt người…
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa của tập thể cán bộ nhân viên VietinBank, ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho biết, trong nhiều năm qua, VietinBank đã dành hơn 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ trẻ em nghèo trên toàn quốc như: Xây dựng trường học, phòng học, nhà nội trú cho trẻ vùng cao, tặng học bổng, cặp phao cứu sinh cho trẻ vùng lũ; phẫu thuật miễn phí tim, sứt môi… “Trẻ em chính là hạnh phúc của mọi gia đình. Do đó, chúng tôi mong muốn đem lại cho trẻ em vùng khó khăn, trẻ em nghèo có cơ hội được sống khỏe mạnh, học tập và vui chơi, nhân rộng thêm nhiều hạnh phúc” – ông Thắng cho biết. (* Nông thôn Ngày nay (trang 4))
Cứu bệnh nhân từ tay tử thần
“Điểm ơi, khỏe thì gật đầu cảm ơn bác sĩ Tân đi”. Chị Công Thị Mỹ Tưởng âu yếm nói với chồng khi thấy bác sĩ và chúng tôi bước vào. Nghe vợ gọi, dù chưa nói được, anh Điểm vẫn nở nụ cười tươi rói, gật đầu cảm ơn bác sĩ.
Nhìn TS.BS Nguyễn Văn Tân - phó khoa tim mạch cấp cứu và can thiệp Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - thăm khám bệnh nhân Điểm, tôi thấy giữa thầy thuốc và bệnh nhân chỉ có tình yêu thương, chia sẻ, chứ không có khoảng cách nào.
Cứu người ngưng tim ngưng thở
Sau gần một tháng rưỡi được cấp cứu, can thiệp mạch vành, bệnh nhân Nguyễn Chánh Điểm (46 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú TP.HCM) đã chiến thắng cái chết nhờ tấm lòng và sự nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất.
Chị Tưởng - vợ anh Điểm - cho biết anh chị mới vào TP.HCM thuê nhà ở làm việc được hơn một tháng. Sáng 29-7, chồng chị ôm ngực than tức ngực, mệt nhiều, chị pha nước đường cho anh uống thì khoảng năm phút sau anh Điểm thở gấp, hụt hơi và bất tỉnh trên tay chị.
Chị kêu taxi đưa chồng đi cấp cứu nhưng bị kẹt xe, taxi không vào đón được nên chị và người bạn phải chở anh bằng xe máy vào Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng anh đã ngưng tim ngưng thở.
“Khi bệnh nhân đến bệnh viện đã mê sâu, ngưng tim ngưng thở 30 phút. Chúng tôi tiến hành đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi, dùng thuốc vận mạch, sốc điện nhiều lần. Sau hơn một giờ cấp cứu thì bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại nhưng bị chết não do ngưng tim, ngưng thở hơn một giờ. Vì bệnh nhân còn trẻ, người nhà tha thiết cứu chữa nên còn hi vọng dù chỉ 1% chúng tôi cũng cố gắng cứu” - TS Tân chia sẻ.
Từ kết quả chụp mạch vành, thấy bệnh nhân bị tắc một nhánh rất lớn nên các bác sĩ quyết định đặt stent can thiệp để nong mạch vành bị tắc. Sau khi được đặt stent, bệnh nhân phục hồi dần nhưng tổn thương não phục hồi chậm do thời gian thiếu máu não kéo dài hơn một tiếng.
Thời gian đầu, bệnh nhân sống đời sống thực vật nhưng nhờ được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo nên bệnh nhân từ từ hồi phục, có tri giác lại, hiểu được và tiếp xúc được.
Sáng 8-9, khi thấy TS Tân vào khám, hỏi thăm sức khỏe, anh Điểm cứ cười tươi rói dù anh chưa nói được do còn phải thở qua đường mở khí quản.
Chuẩn bị chôn nhưng được cứu sống
Đặc biệt, ngày 8-9 một bệnh nhân “chết đi sống lại” đã quay trở lại Bệnh viện Thống Nhất để các bác sĩ tiếp tục đặt stent điều trị nhánh mạch vành bị tắc còn lại.
Đó là bà Lê Thị Minh (70 tuổi, Bình Dương) đã được bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TP.HCM “chê”, cho về nhà chờ chết nhưng đã được các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất cứu sống rất ngoạn mục chỉ sau 10 ngày nằm viện.
Chị Nguyễn Thị Huy, con gái bà Minh, cho biết sáng 31-7 mẹ chị bị đau ngực, sau đó chuyển sang ngưng tim ngưng thở, hôn mê sâu tại một phòng khám tư nhân với chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp.
Sau đó mẹ chị được cho chuyển viện đến ba bệnh viện khác nhau ở TP.HCM. Đến bệnh viện thứ ba thì bác sĩ cho về và nói không cứu được.
Gia đình chị đành đưa mẹ về, mọi chuyện hậu sự cho bà đã sẵn sàng nhưng hàng xóm đến thăm ai cũng khuyên đưa đi bệnh viện khác xem sao vì mắt bà thi thoảng vẫn còn chớp.
Gia đình chị đã đưa bà đến Bệnh viện Thống Nhất ngay trong tối cùng ngày.
“Hiện mẹ tôi khỏe, ăn uống, đi lại bình thường, mới nhập viện để chuẩn bị điều trị một nhánh mạch vành khác bị tắc” - chị Huy cho hay.
Theo TS Tân, từ lúc bệnh nhân Minh ngưng tim ngưng thở cho đến khi gia đình đưa bà Minh vào Bệnh viện Thống Nhất lúc 21g đêm 31-7 là khoảng 14-15 giờ. Khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân mê sâu, đồng tử giãn tối đa, suy gan, suy thận.
Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, tiêm thuốc vận mạch, tiến hành đặt stent can thiệp mạch vành bị tắc...
Chỉ sau mười ngày cứu chữa, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường và xuất viện ngày 11-8.
Còn nước còn tát
Theo TS Tân, Bệnh viện Thống Nhất đã từng cấp cứu, can thiệp tim mạch thành công cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh như bà Minh.
Bệnh viện còn có ba êkíp cấp cứu tim mạch và can thiệp sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân bất cứ lúc nào. Nếu bệnh nhân vào cấp cứu trong đêm, bác sĩ tim mạch có thể hội chẩn với bác sĩ cấp cứu qua điện thoại và phòng thông tim can thiệp chuẩn bị sẵn sàng để chỉ trong vòng 20-30 phút là có thể can thiệp cứu bệnh nhân ngay.
“Dù còn một tia hi vọng, dù còn 1% cơ may, chúng tôi vẫn cố gắng cứu sống người bệnh. Khi gia đình đã tha thiết, bác sĩ nỡ lòng nào không cứu người bệnh”, bác sĩ Tân chia sẻ.
PGS.TS Hồ Thượng Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết thêm trước một bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim ngưng thở, người thầy thuốc có khi rất phân vân giữa nhiều yếu tố.
Bác sĩ quyết tâm cứu nhưng cũng lo. Lỡ không thành công, lại thêm tốn kém cho người bệnh, không khéo gia đình người bệnh không thông cảm, họ đi kiện thì thế nào...
Tuy nhiên, theo TS Tân, các bác sĩ trong khoa luôn xem bệnh nhân như người nhà. Nếu bệnh nhân nghèo, khó khăn, các y, bác sĩ luôn tìm cách giúp đỡ.
“Có khi người nhà bệnh nhân nói họ chỉ có 10 triệu, nhưng chúng tôi nỡ lòng nào không cứu bệnh nhân. Cứ phải làm, sau đó tìm cách gói ghém, lèo lái sao cho bệnh nhân đỡ chi phí nhất. Có những khi chúng tôi cấp cứu, can thiệp mạch vành cho bệnh nhân từ nửa đêm đến sáng, thấy bệnh nhân sống lại thì không còn niềm vui, hạnh phúc nào bằng.
Trường hợp bệnh nhân Điểm và bệnh nhân Minh, cơ may cứu sống chưa đến 1% nhưng khi gia đình bệnh nhân hợp tác, chúng tôi quyết tâm thì cơ may cứu sống người bệnh vẫn có” - TS Tân chia sẻ. (* Tuổi trẻ (trang 14))
Bộ Y tế công bố SĐT tiếp nhận phản ánh vi phạm ATTP
Bộ Y tế tiếp nhận phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) tại số điện thoại 04.32321556 hoặc địa chỉ email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn.
Ngày 8/9, TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục An toàn thực phẩm vừa chính thức thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo đó, các cá nhân và đơn vị khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm có thể gọi điện đến đường dây nóng qua số điện thoại: 04.32321556 hoặc địa chỉ email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn.
Đơn vị này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin, giao các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý thông tin mà người dân phản ánh.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, khi xảy ra vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân trông chờ thái độ của cơ quan chức năng xử lý vấn đề đó như thế nào. Nếu thờ ơ trước thông tin, người dân sẽ mất lòng tin. Vì thế, ông Phong khẳng định, dù nhận được bất cứ thông tin phản ánh về thực phẩm bẩn nào cần phải đi giải quyết, xác minh. Thông tin có thể đúng, có thể chưa đúng như phản ánh nhưng bắt buộc phải xuống xác minh thông tin để có trách nhiệm với người tiêu dùng. (*Tuổi trẻ, Sức khỏe& Đời sống (trang 2))
Sẽ thí điểm thuê Tổng giám đốc bệnh viện tự chủ tài chính
Chiều ngày 8/9, trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Trong đó các bệnh viện tự chủ tài chính thường xuyên được thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, thí điểm thuê Tổng giám đốc... Theo ông Công, do đây là mô hình BV mới nên khi xây dựng cần có thời gian tham khảo, so sánh, học tập cả trong và ngoài nước, bảo đảm tính khả thi khi triển khai. Sau khi hoàn tất nghiên cứu, Bộ Y tế sẽ hoàn trỉnh dự thảo, dự kiến trình Chính phủ ký đầu năm 2017.
Bộ y tế cho biết, đền nay cả nước cos24 BV công được giao tự chủ, trong đó có 9 bệnh viện thuộc Bộ quản lý: Bạch Mai; Chợ Rẫy, Việt Đức, Mắt TW, Phụ sản TW... (* Sức khỏe& Đời sống (trang 2))
Đối mặt với gánh nặng 'kép' về bệnh tật
Ngày 8/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với WHO công bố kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng 'kép' về bệnh tật.
Trong khi tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm thì tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng; từ 40% vào năm 1986, lên 60% năm 2006 và 71,6% vào năm 2012.
Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch sau đó là các bệnh ung thư, đái tháo đường và bệnh đường hô hấp mạn tính.
Các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh là do liên quan đến: hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu-bia và chế độ ăn không hợp lý. (* Lao động (trang 2) )
Với bệnh ung thư, không phải cứ ăn gạo lứt, muối vừng là tốt
Không ít người quan niệm, ăn gạo lứt, ăn chay, ăn muối vừng, thậm chí… nhịn ăn để “chạy trốn” ung thư. Liệu đây có phải là cách hay để chiến đấu với ung thư không?
Thực hư chuyện ăn gạo lứt, muối vừng sẽ giúp teo… u
Không ít người mang trong mình khối u, bệnh ung thư cho rằng, nhịn ăn, ăn gạo lứt muối vừng hoặc không ăn các chất dinh dưỡng... với hy vọng “bỏ đói” khối u để nó chậm phát triển hoặc chết (?!).Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: Đây là một phương pháp phản khoa học, bởi nhịn đói hay không nhịn đói thì tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn.
GS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết: “Tế bào ung thư có phát triển được hay không là phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt... sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng, tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu đói, bệnh nhân ung thư sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết vì bệnh”.
Còn theo TS Hoàng Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, y học hiện nay không bài xích, phê phán phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh nhưng cũng không khuyến khích. Đó là bởi quá trình nhịn ăn kéo dài sẽ dẫn đến một số diễn biến khác thường trong cơ thể. Do vậy, cần có những nghiên cứu chứng minh các diễn biến đó không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
“Cơ sở lý thuyết của nhịn ăn để chữa bệnh là khi nhịn ăn, cơ thể sẽ phải tự tiêu hao phần thịt của mình để duy trì sự tồn tại, do đó một số khối u, tổ chức viêm… sẽ tiêu đi và thay vào đó là các tế bào lành lặn. Tuy nhiên việc nhịn ăn cũng khó thực hiện, người nhịn ăn phải có quyết tâm cao, khi nhịn ăn phải 7-8 ngày trở lên và tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc về ăn uống. Quá trình này cần có sự chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của chuyên gia y tế để phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến không tốt xảy ra”, TS Hoàng Kim Thanh cho biết. Hơn nữa, mỗi cơ thể có sự điều chỉnh, thích hợp khác nhau nên không phải ai nhịn ăn cũng chữa được bệnh. Có những trường hợp thất bại dẫn đến hậu quả nguy hiểm như viêm phổi, suy nhược cơ thể, ngất… Nhịn ăn hoặc kiêng ăn một cách quá khắt khe, về cơ bản là trái ngược với khoa học dinh dưỡng.
Đồng quan điểm ăn gạo lứt, muối vừng phải tùy theo đối tượng, theo PGS.TS Đỗ Đức Hùng (nguyên Trưởng khoa C7, Viện Tim mạch quốc gia, đồng thời là một bệnh nhân vừa thoát khỏi “án tử” ung thư phổi giai đoạn cuối), di căn toàn thân thì việc ăn gạo lứt, muối vừng để “trốn” bệnh sẽ không phù hợp với người đang làm việc, người trẻ tuổi. Bởi đối tượng này cần rất nhiều năng lượng, nếu không ăn thịt, cung cấp protein, đạm… thì khó duy trì và cung cấp đủ năng lượng.
Theo PGS.TS Đỗ Đức Hùng, với những người “nằm im một chỗ”, không vận động, không có nhiều sự chuyển hóa… thì có thể áp dụng. Ngoài ra, theo TS.BS Cao Thị Thu Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), gạo lứt có thể là yếu tố hạn chế chuyển hóa tinh bột thành gluco, tốt cho người bị ung thư do tế bào ung thư rất ưa đường. Gạo lứt cũng có phần vỏ, cám rất tốt, cung cấp chất xơ. Nhưng tùy từng trường hợp có thể lựa chọn phương pháp ăn này. Đơn cử, vỏ gạo lứt rất cứng, người bị bệnh dạ dày ăn không tốt bởi đối tượng này phải ăn đồ ăn rất mềm.
Người vừa chiến thắng bệnh ung thư đã ăn gì?
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Đỗ Đức Hùng cho rằng: “Hiện nay ở Việt Nam, mọi phương tiện kỹ thuật, thuốc men... hầu như đã tiệm cận với xu thế chung của thời đại. Nhưng, không thể bỏ qua những kiến thức, kinh nghiệm của đời xưa. Bản thân người đã từng bị ung thư giai đoạn cuối như tôi luôn thấm thía phương pháp: "Đông - Tây y kết hợp". Trong đó, bệnh nhân phải biết lựa chọn những phương pháp có cơ sở khoa học. Với Tây y, tôi đã tuân thủ phác đồ điều trị xạ trị, hóa chất, nhắm trúng đích hay xạ phẫu bằng dao gamma quay. Bản thân tôi hiện tại vẫn phải uống thuốc trị bệnh, với mỗi viên thuốc được mua từ nước ngoài có giá 2,6 triệu đồng/viên”.
PGS.TS Đỗ Đức Hùng cho rằng, Tây y có ưu thế là đánh bật nhanh, tiêu diệt tế bào ung thư nhưng lại gây ra những tác dụng phụ. Còn Đông y sẽ giúp ông tăng cường sức khỏe, bồi bổ cơ thể. Đơn cử, ông đã dùng sâm Ngọc Linh của Việt Nam để phối hợp chữa trị giúp cơ thể không bị sụt cân, mệt mỏi vì tác dụng phụ “nhiều lúc cảm thấy không sống nổi” của phương pháp Tây y, hoặc dùng tam thất để bổ máu, tăng huyết, thanh huyết. “Tôi cũng không rõ vì sao tôi khỏe được như thế này! Khi dùng Tây y, khối u teo đi và biến mất. Nhưng chính Đông y lại giúp tôi khỏe, không mệt, không sụt cân”, PGS.TS Đỗ Đức Hùng nói.
Chia sẻ về phương pháp ăn uống để phòng chống ung thư, cũng như người bệnh ung thư duy trì thể lực để chiến đấu với bệnh tật, PGS.TS Đỗ Đức Hùng cho rằng, chả cứ người bệnh mà người thường cũng nên thực hành theo khoa học để tránh bệnh tật. Ưu tiên hàng đầu của người vừa thoát “án tử” này là rau, hoa quả. Đây là nguồn vitamin cung cấp cho người thường, đặc biệt người bệnh, nó sẽ giúp phòng chống bệnh tật. Ngoài ra, rau chân vịt, các loại rau họ nhà cải, cải bó xôi, xúp lơ xanh, nước ép củ cải đỏ… cũng rất tốt. Điều cần lưu ý là các thực phẩm này phải có nguồn gốc rõ ràng và “sạch”. PGS.TS Đỗ Đức Hùng cho biết, gia đình ông cũng tự trồng nhiều loại rau ở nhà để “xen canh” ăn quanh năm.
PGS.TS Đỗ Đức Hùng cũng lưu ý người mắc bệnh ung thư nên dùng hoa quả để chiến đấu như cam, chanh, mãng cầu xiêm, bơ, táo... “Tôi đặc biệt thường hay ăn các loại nha đam, lô hội phối cùng mật ong xay sinh tố vào uống. Với liều lượng một phần nha đam phối cùng hai phần mật ong. Mỗi lần uống khoảng 30cc, uống trong 10 ngày hết một đợt, rồi nghỉ một tuần lại uống 10 ngày tiếp. Kể cả người bình thường dùng cũng rất tốt cho sức khỏe. Bản thân tôi cũng trồng vài chậu nha đam ở nhà”, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng chia sẻ.
Về thịt, PGS.TS Đỗ Đức Hùng nhấn mạnh, những thịt đỏ, thịt gia súc nên hạn chế, tuyệt đối không ăn thịt bò, thịt trâu, thịt chó. Ông nói: “Các tế bào ung thư sợ môi trường kiềm và ưa môi trường axit. Các nhóm thịt đỏ tạo môi trường axit, kích thích tế bào ung thư phát triển”. Trong khi đó, nhóm thịt gia cầm, hải sản, người bệnh vẫn có thể ăn bình thường. (* Lao động (trang 2) )