Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 9/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Thông điệp mới trong phòng, chống dịch Covid-19; Cần minh bạch cơ chế tài chính các bệnh viện công; Sớm thành lập Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc về đấu thầu, cung ứng thuốc; TP.HCM: Công nợ của các bệnh viện có khuynh hướng gia tăng…

 

Thông điệp mới trong phòng, chống dịch Covid-19

Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao và xuất hiện biến thể mới, Bộ Y tế đưa ra thông điệp mới trong phòng, chống dịch.Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện 2K (khẩu trang và khử khuẩn). Cùng đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp “thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức” trong phòng, chống dịch.

Về khẩu trang, Bộ Y tế khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Đối với “thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức” trong phòng, chống dịch, cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc Covid-19; sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu, độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng…

Bộ Y tế lưu ý, thời gian gần đây, số ca mắc mới Covid-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; tại nhiều địa phương ghi nhận các biến thể mới của virus, đồng thời xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng.

Trong khi đó, tại một số địa phương việc tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Các địa phương triển khai chậm cần tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; tăng cường việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Đổi thông điệp phòng chống COVID-19 từ 5K thành 2K”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Thông điệp mới nhất phòng, chống dịch COVID-19”; Công an Nhân dân, trang 1: “Thông điệp mới của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19”; Lao động, trang 1: “Phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới: Sửa thông điệp 5K thành 2K”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Bộ Y tế ra thông điệp mới về phòng, chống COVID-19 khi dịch bệnh đang phức tạp trở lại”.

 

Sớm thành lập Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc về đấu thầu, cung ứng thuốc

Ngày 8-9, Sở Y tế TPHCM tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo sở với 25 doanh nghiệp cung ứng thuốc, 33 bệnh viện công lập và BHXH TPHCM nhằm mục đích trao đổi thông tin, hiểu hơn các khó khăn gặp phải của các bệnh viện, doanh nghiệp dược trong cung ứng và thanh toán công nợ.

Đại diện các doanh nghiệp dược khẳng định, sự hợp tác giữa ngành y và ngành dược đang cùng hướng về một mục tiêu chung là chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các doanh nghiệp dược nỗ lực để hỗ trợ cho hệ thống y tế thành phố, tìm mọi cách để việc cung ứng thuốc không bị gián đoạn, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn như: bất cập trong quy định, hướng dẫn về công tác đấu thầu và thanh quyết toán tiền thuốc của các bên liên quan.

Vấn đề công nợ của các đơn vị đối với doanh nghiệp đang có khuynh hướng gia tăng kéo dài, gây khó khăn cho việc vận hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bất cập trong quản lý giá thuốc, xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu khiến giá thuốc bị đóng khung qua nhiều năm. Trong khi tình hình thị trường đang biến động rất lớn về giá nguyên liệu đầu vào, giá các dịch vụ bổ trợ cho sản xuất vận hành đang có khuynh hướng tăng.

Tình hình biến động về sử dụng thuốc, khó dự đoán cho cả đơn vị y tế và doanh nghiệp, trong khi công tác dự trù sản xuất thuốc phải cần có lộ trình thời gian để đáp ứng.

Về phía các đơn vị y tế, nhiều giám đốc bệnh viện cũng cho biết gặp nhiều khó khăn, lý do liên quan đến nguồn thu giảm, chậm thanh toán công nợ thuốc. Các bệnh viện còn gặp khó và mất khá nhiều thời gian để thực hiện giải trình cho công tác thanh quyết toán từ nguồn quỹ BHYT. Bệnh viện mong nhận được sự chia sẻ của BHXH và các doanh nghiệp dược.

Lắng nghe ý kiến của các đơn vị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, qua buổi đối thoại các bên đã hiểu hơn và cùng chia sẻ trách nhiệm nhằm đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ thuốc cho công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở.

Sở Y tế phối hợp với BHXH TPHCM tiếp tục tập huấn về công tác thanh quyết toán BHYT, hạn chế tối đa tình trạng thanh toán chậm, kéo dài hoặc xuất toán; đồng thời tiếp tục tập huấn lại công tác đấu thầu thuốc và giải quyết các vấn đề liên quan đến đấu thầu cho các đơn vị trực thuộc.

“Sở Y tế sớm thành lập Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng và thanh toán công nợ thuốc, thành viên Tổ tư vấn bao gồm đại diện của Sở Y tế, BHXH thành phố, cơ sở khám chữa bệnh và đại diện các doanh nghiệp dược, nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để phục vụ người dân được tốt hơn”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cung ứng thuốc đã thống nhất và ủng hộ chủ trương đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng của Sở Y tế TPHCM nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở, giảm được khối lượng công tác liên quan đấu thầu cho khối doanh nghiệp dược.

Tuy nhiên, các đơn vị cũng đề nghị Sở Y tế phối hợp BHXH TP và các cơ quan liên quan triển khai ngay Quyết định 3029/UBND-VX ngày 29-8 của UBND TPHCM về quy định mức thanh toán giá thuốc trúng thầu ở các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TPHCM.

Nghiên cứu giảm thủ tục hành chính không cần thiết về hồ sơ, chứng từ trong công tác đấu thầu, thanh quyết toán và kiến nghị sử dụng công nghệ số trong công tác đấu thầu.

Đề nghị Sở Y tế phối hợp với các sở ngành, BHXH, kho bạc và các bên liên quan thống nhất mẫu hợp đồng sử dụng chung trên địa bàn bởi hiện nay trên cùng một địa bàn thành phố nhưng có sự khác nhau về thủ tục hành chính do các kho bạc quận, huyện yêu cầu.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đề nghị BHXH cùng chung tay với các đơn vị y tế để đảm bảo nguồn thu - chi cho hoạt động của đơn vị y tế, đặc biệt là hoạt động thanh toán chi phí cho các doạnh nghiệp cung ứng. (Sài Gòn giải phóng, trang 5).

 

Vận động phụ huynh cho con tiêm vaccine Covid-19

Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trong năm học 2022-2023, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị trường học nghiêm túc triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học, rà soát và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và Tổ an toàn Covid-19.

Đặc biệt, tất cả trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và đơn vị trực thuộc phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong năm học 2022-2023. Trong đó, trường học triển khai nhiều hình thức truyền thông với thông điệp “Vaccine - Khẩu trang - Khử khuẩn”, tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn ngành. Đối với cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho con tiêm vaccine Covid-19, các trường sẽ gửi thư ngỏ để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con tham gia. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

TP.HCM: Công nợ của các bệnh viện có khuynh hướng gia tăng

Ngày 8.9, Sở Y tế TP.HCM tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa 25 doanh nghiệp (DN) dược và 33 đơn vị y tế công lập ở TP liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng thuốc, thanh toán công nợ thuốc của các bệnh viện (BV).

Buổi đối thoại có sự tham dự của đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.

Tại cuộc đối thoại, đại diện của các DN dược cho biết đang gặp nhiều khó khăn về hướng dẫn đấu thầu, nhiều quy định chưa rõ ràng. Đặc biệt là các quy định trong công tác đấu thầu mua sắm cần được bổ sung, điều chỉnh theo hướng công nhận thuốc là hàng hóa đặc biệt, việc mua sắm cần lấy định hướng về chất lượng đặt lên hàng đầu.

Vấn đề công nợ của các BV đối với DN đang có khuynh hướng gia tăng đáng kể và kéo dài, gây khó khăn rất lớn cho việc vận hành DN. Sự bất cập trong quản lý giá thuốc, xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu khiến giá thuốc bị đóng khung qua nhiều năm. Trong khi tình hình thị trường đang biến động rất lớn về giá nguyên liệu đầu vào, giá các dịch vụ bổ trợ cho sản xuất vận hành… đang có khuynh hướng tăng. Tình hình biến động về sử dụng thuốc, khó dự đoán cho cả đơn vị y tế và DN...

Bên cạnh đó, các DN đề nghị Sở Y tế phối hợp BHXH TP.HCM và các cơ quan liên quan triển khai ngay Quyết định 3029 của UBND TP.HCM về quy định mức thanh toán giá thuốc trúng thầu ở các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Đề nghị BHXH cùng chung tay với các đơn vị y tế để đảm bảo nguồn thu - chi cho hoạt động của đơn vị y tế...

Các BV cũng đã trình bày những khó khăn và các lý do khách quan, chủ quan liên quan đến nguồn thu giảm, chậm thanh toán công nợ thuốc và mất khá nhiều thời gian để thực hiện trong giải trình cho công tác thanh quyết toán từ nguồn quỹ BHYT. Các BV mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của BHXH và các DN dược.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho hay Sở Y tế phối hợp với BHXH TP tiếp tục tập huấn về công tác thanh quyết toán BHYT, hạn chế tối đa tình trạng thanh toán chậm, kéo dài hoặc xuất toán. Sở tiếp tục tập huấn và tập huấn lại công tác đấu thầu thuốc và giải quyết các vấn đề liên quan đến đấu thầu cho các đơn vị trực thuộc. Sở sớm thành lập “Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng và thanh toán công nợ thuốc”... (Thanh niên, trang 5).

 

Nhiều bệnh nhân tái nhiễm sốt xuất huyết 2, 3 lần

Trong các ca sốt xuất huyết nặng đang nằm viện tại TP.HCM, chủ yếu là bệnh nhi, có rất nhiều trường hợp đã bị sốt xuất huyết lần 2, thậm chí 3 - 4 lần.

Đáng lưu ý, sốt xuất huyết (SXH) tái nhiễm lần 2 rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường diễn tiến nặng hơn lần đầu, vì có thể gây choáng váng, xuất huyết, thậm chí suy tim dẫn đến tử vong.

Trong các trường hợp bệnh nhi mắc SXH hiện nay, đa số phụ huynh còn chưa nhận biết được dấu hiệu và cách xử trí tại nhà do con lần đầu bị SXH. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp trẻ đã mắc đến 3 lần SXH, nhưng khi trẻ biểu hiện sốt, tím tái, chóng mặt, tiểu cầu giảm… phụ huynh vẫn lầm tưởng là cảm sốt thông thường hoặc nhiễm Covid-19, vì nghĩ rằng con đã bị SXH rồi thì sẽ không bị lại.

Lưu ý khi tái nhiễm sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhiễm nhi - Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM), nhiều người hiểu lầm rằng mình bị SXH một lần rồi thì sẽ miễn dịch suốt đời, điều này hoàn toàn sai. Mắc SXH là do vi rút dengue gây ra và có thể tái nhiễm vì loại vi rút này có đến 4 týp là D1, D2, D3 và D4. Khi tái nhiễm, việc chăm sóc và điều trị sẽ cần lưu ý nhiều hơn, người nhà tuyệt đối không tự xử trí và mua thuốc điều trị.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hà lưu ý SXH là bệnh quanh năm và chúng ta thường nghĩ muỗi hay chích vào ban đêm, nhưng thực ra muỗi SXH lại là loại đốt vào ban ngày. Vì vậy, trong các biện pháp phòng chống, việc ngủ mùng vào ban ngày cũng rất quan trọng.

Tái nhiễm SXH thường nặng hơn lần đầu nhưng hiện ngành y tế đã có phác đồ điều trị. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần được theo dõi kỹ hơn, cần được uống thật nhiều nước, ăn uống đầy đủ đúng bữa, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, và tuyệt đối không tự mua thuốc hạ sốt mà không có hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ. Khi sốt đến ngày thứ 2 không khỏi, người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế.

Sai lầm thường gặp khi điều trị tại nhà

Về việc chăm sóc người mắc SXH tại nhà, TS-BS Lê Văn Nhân, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, lưu ý người nhà chủ yếu cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi, bù nước. Tuy nhiên, khi tự chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà, người nhà rất dễ mắc các sai lầm, chẳng hạn như việc dùng thuốc hạ sốt không đúng cách.

Thuốc hạ sốt an toàn cho bệnh nhân mà Bộ Y tế khuyến cáo là Paracetamol. Một số phụ huynh thường tự dùng Aspirin, loại thuốc này nếu dùng cho bệnh nhân SXH hoặc các bệnh nhiễm vi rút nói chung có thể gây tổn hại đến gan và não, dẫn đến bệnh trở nặng, thậm chí tử vong.

Một số phụ huynh còn có quan niệm sai lầm là khi sốt cần ủ ấm con, vì sợ gió lạnh làm bệnh thêm nặng. Tuy nhiên khi ủ ấm, trẻ sẽ có nguy cơ sốt cao hơn dẫn đến co giật.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý quan sát các dấu hiệu trở nặng của trẻ. Chẳng hạn như khi bệnh nhi xuất hiện những mảng SXH mẩn đỏ to trên người, bị chảy máu chân răng, chảy máu mũi hay đi ngoài ra máu…, nhất là khi trẻ bắt đầu đau hạ sườn phải, lơ mơ, li bì, vật vã…, phụ huynh phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, tuyệt đối không chần chừ để trẻ ở nhà tự chăm sóc. (Thanh niên, trang 15).

 

Giải 'bài toán' cho ngành y: Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ như thế nào?

Theo các chuyên gia, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được tính toán đầy đủ tất cả chi phí. Bệnh nhân đóng BHYT khi vào bệnh viện công phải được hưởng gói dịch vụ cơ bản, phác đồ điều trị như nhau...

Căn nguyên thất bại của mô hình tự chủ BV chính là “giá”

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không tính đúng, tính đủ là căn nguyên dẫn tới sự thất bại của mô hình tự chủ. Trong đó, có 3 “lỗ hổng” chủ yếu gồm: giá dịch vụ KCB tại bệnh viện (BV) công cho đối tượng tham gia BHYT; giá dịch vụ KCB theo yêu cầu; và giá dịch vụ y tế liên doanh liên kết (LDLK) với tư nhân.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, nguồn tài chính là một trong các yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của đề án. Tuy nhiên, về giá dịch vụ KCB (nguồn thu chính của BV) đang gặp khó khăn do mức thu bất hợp lý. Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, giá dịch vụ KCB do BHYT chi trả mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ (chưa có chi phí quản lý, khấu hao tài sản, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin...). Đồng thời, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi. BV Bạch Mai bị hụt thu 4.000 tỉ trong năm 2020 và 2021.

Trong khi đó, giá KCB theo yêu cầu và LDLK cũng rơi vào hỗn loạn khi các BV tự chủ không biết tính theo mức nào; bởi 2 năm qua Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn. Đơn cử, tại BV Bạch Mai sau những sai phạm LDLK, BV phải rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị. Kết quả dịch vụ của nhiều máy xã hội hóa đã phải điều chỉnh về giá BHYT. Ví dụ, giá siêu âm đang thu 110.000 đồng xuống còn 43.900 đồng/lần, Gamma Knife giảm từ 40 triệu đồng/lần xuống 28,79 triệu đồng/lần phẫu thuật; chụp CT 256 giảm từ 4,723 triệu đồng xuống 2,985 triệu đồng/lần...

Trong khi đó, các BV khác vẫn được thu với giá chênh lệch rất lớn, với cùng dịch vụ, tương đương về thiết bị và nhân lực chuyên môn. Cụ thể, siêu âm Doppler màu tim hoặc mạch máu, tại BV Bạch Mai được thu 222.000 đồng/lần nhưng BV ĐH Y Hà Nội là 310.000 đồng/lần; BV Hữu nghị Việt Đức là 500.000 đồng/lần. Siêu âm tim gắng sức, BV Bạch Mai 587.000 đồng/lần, BV ĐH Y Hà Nội và BV Hữu nghị Việt Đức thu 1 triệu đồng/lần.

Để xảy ra tình trạng loạn giá này có trách nhiệm rất lớn của Bộ Y tế khi thiếu quy định hướng dẫn. Chính vì vậy, ngoài tính đúng, tính đủ giá dịch vụ BHYT thì việc quản lý giá dịch vụ KCB theo yêu cầu và giải quyết giá dịch vụ LDLK sao cho minh bạch, bình đẳng là bài toán rất lớn của ngành y.

Theo GS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, vấn đề này chỉ giải tận gốc khi chúng ta tôn trọng tính đúng, đủ các yếu tố giá vào chi phí KCB, để BV không lo bù lỗ, trước khi tính đến phương án đưa ra dịch vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đưa ra phương án tính giá hợp lý cho khu vực dịch vụ, để họ chủ động cuộc chơi, trao cho họ cơ chế, lằn ranh pháp luật.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, thừa nhận giá dịch vụ y tế chưa phù hợp đang là mấu chốt với hệ thống y tế, với các BV tự chủ tài chính. Theo ông Long, Chính phủ đã có thông báo cho phép Bộ Y tế thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ. Bộ Y tế đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai lộ trình này, và thời gian tới, vấn đề giá dịch vụ sẽ được điều chỉnh.

Đóng ít mà muốn hưởng nhiều, chất lượng cao thì thật khó

Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng để giải quyết bài toán giá ngành y thì cần phải tách bạch được rõ BV công - tư. Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), BV công là của nhà nước nên nhà nước cần đầu tư. Và nguyên tắc tài chính là “công ra công, tư ra tư”.

Ông Quang cũng cho rằng BV công đã có khu vực KCB theo yêu cầu, do đó không nên xã hội hóa nữa. Khi đã vào BV công là phải chung 1 phác đồ, được hưởng dịch vụ như nhau. Người có khả năng chi trả thêm thì lựa chọn phòng dịch vụ. “Tương tự như lên máy bay, có tiền ngồi ghế hạng thương gia, ít tiền thì hạng phổ thông nhưng tất cả phải được đảm bảo như nhau về an toàn. Bây giờ dịch vụ y tế công nửa vời là không nên”, ông Quang so sánh.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cũng ủng hộ phương án BV công phải là công đích thực, tức chỉ cung cấp dịch vụ công y tế, không có giá LDLK, thậm chí không có dịch vụ KCB theo yêu cầu. Trả BV công về đúng nghĩa thì phải giảm tải mục tiêu chính sách, chất lượng tốt; giá cả rẻ và phải cho y tế tư nhân phát triển.

Với hướng tư duy này, theo ông Đồng, nhà nước (trực tiếp là BHXH) nên thiết kế gói dịch vụ KCB chi trả bảo hiểm cơ bản được tính đúng, tính đủ. “Nhà nước phải nâng mức chi trả BHXH, BHYT lên để cho người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn. Còn về mặt bản chất là ở mức cơ bản và lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo, thông qua quỹ và thuế”, ông Đồng nói và phân tích thêm, để tạo sự bình đẳng thì điều tiết chính sách bù đắp thêm cho những nhóm đối tượng cụ thể.

Gói cơ bản mà BHYT chi trả, theo ông Đồng cần được áp dụng tại tất cả BV công và tư. Nhà nước tạo điều kiện để tất cả BV đủ tiêu chuẩn có thể tham gia, còn ai muốn dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn sẽ KCB theo yêu cầu và chi trả nhiều hơn.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cũng cho rằng việc tính đúng, tính đủ đương nhiên phải làm rõ ràng, minh bạch. Nhà nước có tính tới việc thiết kế giá sàn tính đúng, tính đủ (tức gói cơ bản), thậm chí có thể mở rộng, gói cao hơn có thể chi nhiều tiền hơn cho BHYT. “Như hiện nay, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, hằng năm phải chi hết để lo cho người dân trong KCB thì lại kết dư khá nhiều tiền. Nguyên nhân do điều trị giá rẻ, đẩy ngành y vào chất lượng thấp. Như vậy người dân làm sao tin vào ngành y nữa. Mình không tính đúng, tính đủ, mà cứ ngồi đóng ít lại muốn hưởng nhiều thì thật khó”, ông Phong nói.

Về lo ngại tăng mức đóng có thể gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, theo ông Phong, điều cốt yếu là chất lượng tốt và sự minh bạch. Khi tính đúng, tính đủ và minh bạch thì người dân đóng BHYT sẽ biết mình được hưởng ở mức nào và an tâm hưởng mức đó. Còn giá cả có thay đổi kèm theo chất lượng cao hơn, phải đóng thêm tiền thì người bệnh cũng vui vẻ chấp nhận. (Thanh niên, trang 15).

 

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ em

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4, hơn 80 quốc gia đã tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ em.

"Chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả ứng phó với dịch COVID-19"

Tại lễ phát động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" do Bộ Y tế phối hợp với UNICEF và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng 7/9, PGS.TS Nguyễn thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã có xấp xỉ 100% người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19; 85,4% trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1. Nước ta đang bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phục hồi và phát triển kinh tế, khôi phục đời sống văn hóa, xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, nhớ lại những ngày khó quên vào tháng 2/2020, xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam. Khi đó thế giới hiểu biết còn rất hạn chế về dịch bệnh và chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị, tỉnh Vĩnh Phúc đã phải cách ly, phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi trong vòng 21 ngày, người dân hoang mang, lo sợ, chính quyền các cấp phải vào cuộc rất quyết liệt mới kiểm soát được dịch bệnh.

Hay vào những ngày này năm 2021, các thầy cô và các em học sinh phải dạy và học trực tuyến, học sinh không được đến trường, cộng đồng, các trường học  không thể tổ chức Tết Trung thu cho các cháu.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bài học kinh nghiệm qua hơn 2 năm phòng chống dịch và cho đến nay Tổ chức Y tế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các quốc gia vẫn tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...

Trong khi tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi.

Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, người dân, các em học sinh cần được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh để tiếp tục kiểm soát được dịch COVID-19, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các em học sinh được đến trường học tập bình thường, an toàn, để phụ huynh học sinh, thầy cô giáo yên tâm, không lo lắng, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong việc tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhằm chung tay phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, nhân dịp Năm học mới 2022-2023 và Tết Trung thu năm 2022, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cả nước với chủ đề "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" với mong muốn mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vaccine để có miễn dịch chủ động với dịch bệnh, để có thể vui chơi, học tập và sinh sống an toàn đồng thời nhằm hỗ trợ các địa phương đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine.

Với phương châm "tiêm vaccine là để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch"; "tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của chính mình và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng"; người dân, trẻ em, các em học sinh cần được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều, Bộ Y tế kêu gọi các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp ở tất cả các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo ngành giáo dục, ngành thông tin truyền thông phối hợp với ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, nêu rõ lợi ích và hiệu quả của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao và trẻ em;

Vận động phụ huynh đồng thuận để con em mình từ 12 - dưới 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 3; các em từ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine; tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

"Đây cũng chính là cách quan tâm thiết thực nhất để đảm bảo điều kiện an toàn cho năm học mới, thể hiện tình yêu của chúng ta đối với trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng kêu gọi và đề nghị các thầy cô giáo vận động cha mẹ học sinh cho con em tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19, phổ biến đầy đủ đến cha mẹ học sinh những nội dung cần thực hiện khi đến tiêm theo hướng dẫn của ngành y tế.

Với các em học sinh, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của nhà trường, thầy cô giáo; chủ động thuyết phục cha mẹ cho các em được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều.

Phát biểu hưởng ứng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nêu rõ, để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch; hưởng ứng phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" của Bộ Y tế, yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh; tiếp tục khẳng định và quán triệt quan điểm chỉ đạo: Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Tiêm vaccine là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phó Chủ tịch Vũ Việt Văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng trên địa bàn; thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là đối với trẻ em ở độ tuổi đến trường, để có thể miễn dịch chủ động với COVID-19.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ nhằm tạo sự đồng thuận trong tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cần minh bạch cơ chế tài chính các bệnh viện công

Chiều 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Góp ý vào điều khoản về hợp tác công - tư trong y tế, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất nên bỏ từ "xã hội hóa y tế", bởi tìm kiếm trong lịch sử ngành y Việt Nam và thế giới không thấy có định nghĩa thế nào như thế. "Chúng ta không thể xã hội hóa bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện công mua cái máy đặt trong bệnh viện sử dụng rồi chia nhau lợi nhuận. Không xã hội hóa bằng cách như vậy và chúng ta không nên dùng từ xã hội hóa y tế", đại biểu nói.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế. Trong đó, hình thức đầu tiên là cho vay. Chúng ta khuyến khích điều này để các bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế cho vay. Chúng ta đầu tư bằng nguồn tiền vay đó và bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như trách nhiệm cả một doanh nghiệp.

Thứ hai là thuê, chúng ta có thuê 2 chiều. Chiều thứ nhất, bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư, tư nhân như các máy móc đắt tiền, không đủ điều kiện mua; bệnh viện chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả. Chiều thứ hai, là tư nhân thuê của bệnh viện công. Chiều này rất khó nhưng trong dự án Luật nên đặt ra hướng để các luật khác hỗ trợ trở thành hiện thực.

"Y tế công có thương hiệu, hiểu biết, nguồn lực chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và kém nhất là vận hành bệnh viện về mặt quản trị. Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin của người dân, chất xám các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học và vận hành do tư nhân thực hiện", ĐBQH tỉnh Bình Định lấy ví dụ.

Hình thức thứ ba theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu là hợp tác công - tư phi lợi nhuận, và đây là hướng trên thế giới đã triển khai rất lâu, thành công. Tức là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện rồi cho bệnh viện công vận hành. Lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các bệnh nhân nghèo, khó khăn. "Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước phục vụ người bệnh, để tiếng thơm cho các quỹ, cá nhân đó", đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ, minh bạch về cơ chế tài chính của các bệnh viện công, để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

"Các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu là nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng trong bản dự thảo cuối cùng của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thấy có điều riêng cho nội dung này", đại biểu băn khoăn.

Liên quan vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề phức tạp của ngành y tế mà nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế. Theo đại biểu, lần sửa đổi này là cơ hội lớn để tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh; sửa đổi các quy định hiện hành để các cơ sở y tế quản lý được, thực hiện được một cách công khai, thuận lợi.

Viện dẫn Điều 106 của dự thảo luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí lo ngại chỉ quy định "tính đủ" thì sẽ không đảm bảo được về việc "tính đúng".

Do đó, cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ" giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các quy định của luật đi vào đời sống và tạo được hiệu quả rõ ràng khi luật được ban hành và áp dụng trong thực tiễn.

* Trước đó, hội nghị thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hội nghị bế mạc vào chiều cùng ngày. (Công an Nhân dân, trang 2).

Cùng chủ đề Sài Gòn giải phóng, trang 5: “Xác lập cơ chế tài chính của bệnh viện công”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang