Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Dịch sốt xuất huyết đến sớm và bất thường; Hôm nay, hơn 50 bệnh viện điều chỉnh tăng viện phí; Thành công trong việc ghép tạng: Vai trò không thể thiếu của chuyển giao công nghệ; Vì sao bác sỹ Bệnh viện Thể thao bị bắt quỳ xin lỗi người nhà bệnh nhân?; Cứu sống bé gái hơn 1 tháng tuổi dị tật gan lọt trong lồng ngực; ...

 

Dịch sốt xuất huyết đến sớm và bất thường

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 36.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 10 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 700 trường hợp với 1 ca tử vong. Các chuyên gia nhận định, năm nay dịch SXH đến sớm hơn thường lệ và diễn biến bất thường nên người dân không nên chủ quan.

TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, năm nay, dịch SXH đến sớm hơn mọi năm và diễn biến bất thường. Tại Khoa Truyền nhiễm, từ đầu năm 2017 đã có 60 ca SXH nhập viện điều trị nội trú. Trên thực tế số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú lớn hơn rất nhiều. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là học sinh, sinh viên đến từ các khu dân cư đông đúc như các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên khi điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo.

Điển hình là trường hợp em T.T.N.Q, 22 tuổi, sinh viên thuê trọ tại đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội. Ngày 10/5, T.T.N.Q được chuyển đến Khoa Truyền Nhiễm trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, kinh nguyệt ra sớm và nhiều hơn bình thường.

Điều đáng chú ý là do nhận thức và hiểu biết về bệnh SXH còn hạn chế nên bệnh nhân sốt cao liên tục đến ngày thứ 5 mới đi khám và nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus SXH Dengue, tiểu cầu hạ chỉ còn 69 G/L, men gan tăng. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện ngày 15/5.

Theo TS Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm, SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt theo phác đồ của Bộ Y tế, theo dõi tiến triển bệnh bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.

Đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh SXH thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nếu trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi...), đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng.

SXH có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí nhiều người tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Các chuyên gia đánh giá, sự nguy hiểm của căn bệnh SXH ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội (Tiền phong, trang 4).

 

Hôm nay, hơn 50 bệnh viện điều chỉnh tăng viện phí

Chiều 19-6, theo tin từ Bộ Y tế, hơn 50 bệnh viện hạng đặc biệt, chuyên khoa và bệnh viện hạng 1 thuộc thẩm quyền quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và một số bệnh viện thuộc các trường y, dược chính thức điều chỉnh tăng viện phí đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) kể từ hôm nay (20-6). Theo đó, giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, ban hành ngày 15-3-2017, quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với 1.916 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20-30%. Bộ Y tế quy định mức giá cụ thể khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến trung ương, còn HĐND tỉnh, thành phố sẽ quy định mức giá đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. Ngoài hơn 50 bệnh viện áp dụng giá viện phí mới trong tháng 6, khoảng 1.200 bệnh viện còn lại sẽ lần lượt áp dụng mức thu mới. Đến hết năm 2017, giá viện phí mới đối với người không có BHYT sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Thông tư 02 trong tháng 8-2017 (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 8; Thanh niên, trang 8).

 

Thành công trong việc ghép tạng: Vai trò không thể thiếu của chuyển giao công nghệ

Kể từ khi ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam được thực hiện ngày 4-6-1992, đến nay nền y học Việt Nam đã đón nhận thêm nhiều thành công nổi bật khác về việc ghép tạng. Trong thành tựu này có vai trò quan trọng của việc trao đổi, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật y học hiện đại từ các nền y học tiên tiến trên thế giới. 
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y - cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai ghép tất cả các loại tạng - về vấn đề này.

- Xin được bắt đầu bằng thông tin về ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam diễn ra ngày 21-2-2017 mà các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Ông có thể cho biết về tình hình sức khỏe của bệnh nhân sau hơn 3 tháng phẫu thuật? 

- Đó là ca ghép phổi đối với cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; người cho phổi là bố và bác ruột của cháu. Để thực hiện ghép, chúng tôi đã cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi của cháu, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy từ bác ruột để ghép. Ca ghép đã thành công sau khoảng 11 giờ tiến hành. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của cả người bố và người bác đều ổn định, hiện họ đã đi lại, ăn uống tốt. Cháu Bình cũng đang hồi phục rất tốt. Hằng ngày cháu chơi đùa, chạy nhảy rất thoải mái, đặc biệt, cháu đã tăng cân - hiện nặng 15,5kg.

- Như ông đã đề cập, thành công này có sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia Nhật Bản. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật y học hiện đại giữa hai bên khi thực hiện ca ghép này? 

- Trước khi triển khai ca ghép, chúng tôi đã cử 3 đoàn sang Nhật học tập. Mỗi đoàn gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ hô hấp và điều dưỡng. Mỗi kíp đi học về, chúng tôi lại rút kinh nghiệm xem các y, bác sĩ đã lĩnh hội được gì. Ba kíp đã làm chủ được kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ. Đoàn bác sĩ Nhật Bản thường xuyên trao đổi với chúng tôi qua email, hình ảnh và nhiều phương tiện khác, sau đó sang Việt Nam để cùng hội chẩn, tiến hành phẫu thuật. 

Nhìn lại quá trình chuyển giao công nghệ, có thể rút ra một số kinh nghiệm. Cụ thể là phải mạnh dạn tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới trong lĩnh vực của mình, tạo mối liên hệ với các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Chúng tôi đã tìm và thấy Bệnh viện Đại học Okayama là đơn vị đi đầu trong ghép phổi từ người cho sống, nhanh chóng tiếp cận và có được sự hợp tác. Các bạn Nhật rất nhiệt tình, chu đáo, hướng dẫn rất kỹ càng, do vậy, quá trình chuẩn bị và chuyển giao công nghệ rất hiệu quả. Ngoài ra, Học viện Quân y có đội ngũ nhân lực với năng lực ngoại ngữ rất tốt. Trong đợt làm việc với chuyên gia Nhật Bản, khi chuẩn bị cũng như diễn ra ca ghép phổi, hai bên đều trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh. 

Chuyên gia Nhật Bản tin tưởng rằng, Học viện Quân y có thể làm chủ được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong ghép phổi và sẽ thực hiện tốt các ca ghép tiếp theo. Hiện nay, chúng tôi đang có bệnh nhân 57 tuổi, ở Khoa Hồi sức và đã có chỉ định ghép phổi. Chúng tôi đang tìm người cho phù hợp. Nếu hợp lý, chúng tôi sẽ chủ động triển khai ghép, và sẽ mời chuyên gia sang chỉ đạo, thậm chí chỉ đạo từ xa. 

- Ông có thể khái quát về thành tựu ghép tạng trong 25 năm qua của đơn vị và những yếu tố cơ bản làm nền tảng cho những thành công này?

- Sau 25 năm, có rất nhiều những cột mốc, đỉnh cao mà Học viện Quân y đã trải qua. Ngày 4-6-1992, ca ghép thận đầu tiên đã diễn ra thành công, bệnh nhân là một đồng chí thiếu tá quân đội và nhận thận từ người em ruột. Sau đó 12 năm, tháng 1-2004, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện. Sáu năm sau, tháng 6-2010, ca ghép tim đầu tiên trên người đã ghi tên Việt Nam vào danh sách một số ít nước ghép tim trên người thành công. Ngày 1-3-2014, ca ghép đồng thời thận - tụy đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công...

Để có được kết quả nói trên, cần phải nói rằng Học viện đã xác định ghép tạng là hướng đi mới, là những đỉnh cao trong y học cần phải chinh phục. Vì là cơ sở đào tạo nên Học viện có rất nhiều chuyên ngành - điều kiện thuận lợi cho việc ghép tạng. Ngoài ra, Học viện cũng có truyền thống hợp tác, đoàn kết quân - dân y rất tốt, tính tổ chức kỷ luật rất cao. Trong ghép tạng, bên cạnh chuyên môn, kỹ thuật thì công tác tổ chức cũng rất quan trọng. Nếu không có tổ chức kỷ luật tốt, không có sự kết hợp thật nhuần nhuyễn quân - dân y, ca ghép không thể thành công. 
- Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ông hy vọng gì vào điều này?

- Tôi cho rằng việc sửa đổi là cần thiết. Sau 10 năm kể từ khi Luật Chuyển giao công nghệ ra đời, thế giới đã có nhiều thay đổi, tư duy hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ cần có sự đổi mới để bắt nhịp với sự biến đổi không ngừng của đời sống công nghệ. Trong xu thế hội nhập, phát triển, chúng ta cần cập nhật, chuyển giao những công nghệ tiên tiến. Tôi tin rằng, việc sửa đổi luật sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp cho các nhà khoa học, doanh nghiệp của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong tình hình mới (Hà Nội mới, trang 5). 

 

Vì sao bác sỹ Bệnh viện Thể thao bị bắt quỳ xin lỗi người nhà bệnh nhân?

Ngày 19-6, CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Trần Tuấn Anh về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý Trần Tuấn Anh về hành vi “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”. Trước đó, như ANTĐ đã đưa tin, trưa ngày 16-6, tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã xảy ra vụ việc bác sỹ Phạm Đình V bị 2 người đàn ông chửi bới, dùng tay, chân, đấm đá liên tiếp vào người anh V, đe dọa gây mất trật tự tại khu vực cổng bệnh viện.

Khi anh V vào phòng khám số 4 thì 2 người đàn ông tiếp tục đi theo, một người dùng phim chụp X - quang đánh vào mặt, yêu cầu anh V phải quỳ xuống xin lỗi, người còn lại dùng điện thoại quay lại sự việc trên. Khi mọi người vào can ngăn, 2 người đàn ông đuổi ra và đe dọa dọa mọi người. Sau khi anh V xin lỗi thì 2 đối tượng trên bỏ về. Anh V bị thương tích ở vùng mặt, gáy và thái dương, được mọi người đưa đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an để điều trị.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng CAP Mỹ Đình 1, CAQ Nam Từ Liêm đã có mặt tại hiện trường bắt giữ đối tượng Trần Tuấn Anh (SN 1992) trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm - người có hành vi đánh bác sỹ V. Đối tượng Tân, người dùng điện thoại quay lại sự việc đã bỏ trốn. Tại cơ quan điều tra, Trần Tuấn Anh thừa nhận hành vi đánh bác sỹ V vì quá bức xúc. Theo lời khai của Tuấn Anh, nguyên nhân sự việc là do ngày 30-5, con trai Tuấn Anh là cháu Trần Nhật L (5 tuổi) bị ngã, được đưa đến khám tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thể thao thì được bác sỹ Phạm Đình V kết luận chỉ bị chấn thương phần mềm.

Tuy nhiên 10 ngày sau đó, khi gia đình đưa cháu L đến khám tại Bệnh viện Nhi TƯ thì được các bác sỹ kết luận bị rạn xương khuỷu tay phải, mẻ đầu khớp nối. Kết quả này dựa theo phim chụp X - quang tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Vì vậy, Tuấn Anh bức xúc cho rằng bác sỹ V đã không làm tròn trách nhiệm, chẩn đoán hình ảnh sai, có khả năng làm cháu L bị tật nên đã tấn công bác sỹ V.

Trao đổi với PV báo ANTĐ, đại diện Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho rằng, sự việc trên đã ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Bệnh viện trong hơn 2 giờ đồng hồ, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, gây hoang mang cho tập thể cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện. Do đó, rất mong cơ quan công an xử lý nghiêm hành vi vi phạm của cá nhân Trần Tuấn Anh (An ninh Thủ đô, trang 12; Lao động, trang 4; Thanh niên, trang 5; Tuổi trẻ, trang 4).

 

Lấy cây tăm nhang gãy trong tai cụ ông 73 tuổi

Ngày 19-6, bác sĩ Thái Hữu Dũng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa điều trị cho một nam bệnh nhân 73 tuổi, ngụ ở Long An, bị rò luân nhĩ có biến chứng.  Từ khi sinh ra bệnh nhân đã có một lỗ nhỏ trước vành tai (rò luân nhĩ).

Đường rò này thường tiết dịch hôi, gây cảm giác ngứa nên bệnh nhân có thói quen dùng cây tăm nhang ngoáy vào đường rò. Cách đây một năm, do sơ ý bệnh nhân làm gãy cây tăm nhang vào sâu bên trong đường rò. Sau đó, bệnh nhân đi khám ở nhiều cơ sơ y tế nhưng bác sĩ vẫn nói không thấy. Cách đây một tháng bệnh nhân bị sưng, phù nề ở lỗ rò nên đã đến Bệnh viện Tai Mũi Họng khám.

Bệnh nhân đã được nhập viện để điều trị nhiễm trùng, viêm nhiễm ổn định sau đó đã được phẫu thuật để lấy đường rò luân nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong vùng mô xơ nhiễm trùng có dị vật là cây tăm nhang dài 2cm.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Theo bác sĩ Dũng, đây là một trường hợp rất hiếm gặp trong gần 40 năm nay tại bệnh viện này. Các bác sĩ khuyên những người có đường rò luân nhĩ bẩm sinh nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò vì dễ làm cho lỗ rò bị tắc, viêm nhiễm (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cứu sống bé gái hơn 1 tháng tuổi dị tật gan lọt trong lồng ngực

Ngày 19/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện sức khỏe của bé gái N.B.P.T (hơn 1 tháng tuổi, quê Đắk Lắk) bị gan trong lồng ngực và thủng túi thừa Meckel đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe hoàn toàn bình phục. Trước đó, ngày 15/5, bé N.B.P.T nhập viện trong tình trạng nhẹ cân (2,2 kg), nôn ói, chướng bụng, đe dọa sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu.

Khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phát hiện bệnh nhi bị dị tật thủng túi thừa Meckel (dị dạng ở ruột non có hình dáng giống ruột thừa), phân xu tràn ra gây viêm phúc mạc (nhiễm trùng) toàn bộ ổ bụng, đe dọa đến tính mạng và được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ vệ sinh ổ bụng, vá lại vị trí bị thủng cho bệnh nhi.    

 Sau khi được mổ cấp cứu, bé bắt đầu bình phục, có thể bú sữa mẹ được.

Tuy nhiên, sau 9 ngày phẫu thuật, bệnh nhi lại có triệu chứng khó thở, thở co rút lồng ngực. Sau khi chụp phim, phát hiện có đờm ở đáy phổi bên phải, nghi bị viêm phổi. Mặc dù đã chuyển hướng điều trị, nhưng khối mờ ở phổi phải cứ tăng dần đến đỉnh phổi, dù đã sử dụng kháng sinh, tính mạng của bệnh nhi tiếp tục bị đe dọa.

Nghi ngờ bệnh nhi bị thêm một dị tật đi kèm, sau khi thực hiện hai cuộc hội chẩn, với kỹ thuật CT scanner dựng hình dọc, các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhi bị dị tật thoát vị hoành phải (gan lọt qua lỗ thủng bẩm sinh ở cơ hoành phải (rộng 4x6cm) chui lên lồng ngực, chiếm hết chỗ của phổi và đẩy tim lệch hẳn qua bên trái. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi khó thở và được tiến hành mổ lần 2 để đưa gan trở về vị trí cũ ở ổ bụng, khâu phục hồi lại cơ hoành an toàn cho bệnh nhi.

Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đây là trường hợp hết sức hy hữu, lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi bị dị tật kép. Cả hai dị tật này đều đe dọa tính mạng của bé nếu không được cứu chữa kịp thời; trong đó, dị tật thoát vị hoành phải cực kỳ hiếm gặp với tỷ lệ xuất hiện là 1/50.000 trẻ sơ sinh còn sống. Sau hai cuộc phẫu thuật, hiện bé N.B.P.T đã hoàn toàn bình phục, thở nhẹ nhàng, bú tốt, tăng cân và sẽ được xuất viện trong 3 - 5 ngày tới (Tiền phong, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang