Hiện tại, Bình Thuận có người mắc SXH cao, đứng 5 trong 20 tỉnh phía Nam có dịch SXH lưu hành. Đây cũng là tỉnh có thu hút rất đông lượng khách du lịch với lượng du khách nước ngoài lưu trú cao. Vì vậy, nguy cơ bùng phát bệnh SXH và lây truyền vi rút Zika là có thể xảy ra.
Theo Sở Y tế Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 411 ca mắc SXH, không có tử vong. Đã phun 42 lít hóa chất cho 120 hecta tại 2 phường Mũi Né và Hàm Tiến, phân bổ 150 lít hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, gửi 32 mẫu bệnh phẩm có kết quả âm tính với SXH để tầm soát nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cho Viện Pasteur Nha Trang. Các hoạt động chuyên môn đã được triển khai đồng bộ như: tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh SXH, Zika, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi-rút Zika, công tác truyền thông được tăng cường...
Tại buổi làm việc, tiến sĩ Viên Quang Mai đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của Bình Thuận trước diễn biến phức tạp của Zika. Bộ Y tế cũng yêu cầu Bình Thuận khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm trên các trường hợp sốt siêu vi nhẹ, các trường hợp chỉ đến khám, không điều trị nội trú tại các điểm có nguy cơ cao để theo dõi sự lưu hành của virus Zika. Các bệnh viện, cơ sở y tế cần chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, thiết bị y tế và bố trí nhân lực khám, tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định. Để kịp thời cấp cứu, đáp ứng nhanh nếu có dịch xảy ra. Qua đó, Đoàn công tác cũng yêu cầu, Bình Thuận cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Cần lập kế hoạch truyền thông theo lình huống; khẩn trương in ấn và cấp phát các tài liệu truyền thông; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt tại các vùng có nhiều khách du lịch, vùng có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao.
Tin, ảnh: Xuân Vân, T4G Bình Thuận