Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đoàn đã kiểm tra giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong công tác vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận công dân nhập cảnh qua cửa khẩu.
Người dân qua cửa khẩu biên giới Mộc Bài được yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định về bảo hộ phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang cũng như thực hiện các kiểm tra hành chính đúng quy định, đối với phương tiện sang biên giới để vận chuyển hàng hóa ngoài việc kiểm tra các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với tài xế, các phương tiện cũng được thực hiện phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; các luồng di chuyển được kiểm soát và bố trí theo một chiều, các yêu cầu về trang phục bảo hộ, giãn cách, hạn chế tiếp xúc được thực hiện chặt chẽ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt cũng như quyết tâm trong công tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu. Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh cần quản chặt đường biên giới, đặc biệt là đường mòn lối mở, các trường hợp phức tạp do đặc điểm về giao thoa dân cư tại vùng biên; Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép đặc biệt là các đối tượng, tổ chức đứng ra tổ chức nhập cảnh trái phép; Đề nghị ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo ban chỉ đạo các huyện, các xã có biên giới giáp ranh với nước bạn cần có những quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh cũng như đấu tranh với các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép để tăng cường sự phối hợp đa phương, nâng cao công tác an toàn phòng dịch, an ninh biên giới; Các hoạt động chống dịch tại cửa khẩu phải được thực hiện dưới sự phối hợp liên ngành, trong đó Tỉnh chủ động lựa chọn đơn vị đảm nhiệm trưởng ban để làm đầu mối thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia vào ban chỉ đạo cấp huyện cho phù hợp; Rà soát, tiến hành thành lập, bổ sung, xây dựng quy chế hoạt động của các ban chỉ huy phòng chống dịch tại các đồn biên phòng, cửa khẩu chuyên nghiệp, rõ ràng để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Tại khu K71 (Gò Dầu), nơi đang có 118 người thực hiện cách ly, công tác cách ly tại khu tập trung K71 được thực hiện tốt, quản lý chặt chẽ, nhất là trong công tác điều phối, tiếp nhận suất ăn, nhu yếu phẩm… Đoàn công tác yêu cầu vấn đề phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly cần được đặc biệt quan tâm.
Tại buổi làm việc với BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu một số vấn đề:
Tỉnh nên chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch; Ban chỉ đạo tỉnh chủ động chọn các địa điểm xây dựng thành bệnh viện dã chiến dựa trên các cơ sở y tế sẵn có, xây dựng đề án cơ sở, nhân sự nhằm sẵn sàng đưa vào hoạt động, vận hành khi có yêu cầu với lực lượng được huy động từ nhân viên y tế, quân y, công an…; Tuân thủ nguyên tắc truy vết nhanh, khoanh vùng diện hẹp, xét nghiệm diện rộng có trọng tâm khi xuất hiện ca bệnh, tuân thủ các chỉ định, quy định về xét nghiệm, sàng lọc, nâng cao năng suất xét nghiệm; Viện Pasteur TP.HCM xây dựng các phương án, báo cáo Bộ Y tế để sẵn sàng huy động các cơ sở y tế của Bộ để hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; Tập huấn, quán triệt quy định đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập như đảm bảo các phương án phòng, chống dịch, phát hiện sàng lọc và báo cho các đơn vị y tế, các cơ sở không đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch thì chủ động rút giấy phép hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép; lưu ý các cơ sở kinh doanh thuốc cần có hồ sơ thông tin liên hệ, theo dõi đối với các trường hợp khách hàng mua, sử dụng thuốc có liên quan đến các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19; Tính đến các biện pháp an toàn phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp để đảm bảo mục tiêu kép phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả, đối với các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng chống dịch kiên quyết tạm dừng hoạt động để khắc phục, kiểm tra, giám sát; Truy cập, cập nhật bản đồ an toàn COVID để người dân chủ động nắm bắt được thông tin.
Về công tác tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19, với 400 liều được phân bổ trong đợt 1, tỉnh cần có kế hoạch và khẩn trương thực hiện để nhanh chóng tạo ra đáp ứng miễn dịch, hình thành lá chắn sinh học giúp bảo vệ người tiêm trước nguy cơ dịch bệnh. Chậm nhất trong đầu tuần tháng 4 hoàn thành tiêm chủng đợt 1, nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng, tuyệt đối không chạy theo số lượng, các đối tượng có nguy cơ, chống chỉ định thì không tiêm trong đợt này; Cập nhật, tập huấn cho các cán bộ y tế trong hệ thống tiêm chủng và các cơ sở y tế trên địa bàn có tổ chức tiêm chủng; Khi có các phản ứng sau tiêm, Hội đồng đánh giá chuyên môn của tỉnh cần đánh giá ngay, phân tích nguyên nhân của các phản ứng. Báo cáo gửi cho Cục Y tế dự phòng sau khi kết thúc đợt tiên đầu tiên của tỉnh để tổng hợp đánh giá nhằm nâng cao độ an toàn, đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả trong tương lai. Làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của vắc xin cũng như những trường hợp tác dụng sau tiêm của vắc xin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng phù hợp với đặc điểm dân cư địa phương.
Ngọc Lâm