Tại lễ phát động, TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới nhất là những khu vực có khí hậu nhiệt đới, Đông Nam Á là khu vực dịch sốt xuất huyết lưu hành thường xuyên, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó dịch bệnh do vi rút Zika vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Đặc biệt, trong thời gian từ cuối tháng 8/2016 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch dịch bệnh này với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 65.339 trường hợp mắc sốt xuất huyết và có 20 trường hợp tử vong; ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zikia tại Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh và Phú Yên.
Đối với Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.084 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 243 xã phường, thị trấn của 29 quận, huyện (trừ thị xã Sơn Tây), hiện chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc giảm 46% so với cùng kỳ năm 2015. Số ca mắc sốt xuất huyết xu hướng gia tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8 và những ngày đầu tháng 9 do yếu tố thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây lan. Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zikia. Tại huyện Hoài Đức, từ đầu năm đến nay ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, xác định 27 ổ dịch sốt xuất huyết.
Trước tình hình sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh bùng phát dịch sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika là có thể nếu không có biện pháp chủ động, quyết liệt. Do vậy, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika, không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. “Ngay sau buổi phát động hôm nay, đề nghị các quận, huyện, thị xã ra quân tổ chức chiến dịch tổng VSMT phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika trên địa bàn, đặc biệt tại các xã, phường trọng điểm, khu vực có ổ dịch cũ, các khu công trường, trường học…huy động cộng đồng hưởng ứng và tham gia các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika cho cộng đồng”, TS Hạnh nhấn mạnh.
Đối với các đơn vị trong ngành y tế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc giám sát các ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời triệt để. Tổ chức hướng dẫn và triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật VSMT thu gom phế thải, phế liệu; thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Tăng cường các biện pháp giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm ca bệnh do vi rút Zika để kịp thời khoanh vùng, xử lý không để bệnh lan rộng. Làm tốt công tác khám, điều trị, cấp cứu cho người bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika, không để tử vong.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh như ngủ màn, VSMT diệt bọ gậy không cho muỗi có nơi cư trú, sinh sản...
Chỉ đạo tại lễ phát động, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn nhấn mạnh: “Để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả cần có sự vào cuộc của mỗi người dân, mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Bởi, cán bộ y tế chỉ có thể hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà không thể theo sát người dân hằng ngày vệ sinh nhà ở, khu dân cư, các vật dụng chứa nước... Do vậy, người dân cần chủ động, hằng ngày, hằng tuần vệ sinh môi trường, lập úp các vật dụng chứa nước trong gia đình không để muỗi đẻ trứng”.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Đặng Quang Tấn cũng yêu cầu Hà Nội cần tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống dịch trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm dân cư, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân thực hành các hành vi phòng chống dịch. Tiếp tục triển khai phun hóa chất diện rộng phòng chống dịch tại các khu vực nguy cơ cao theo chỉ định của Bộ Y tế. Tăng cường phối hợp liên ngành, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết”.
Tại lễ phát động, ban tổ chức đã thành lập các đoàn bao gồm các cán bộ y tế, cộng tác viên ra quân VSMT, tuyên truyền lưu động vào tận các ngõ; kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt…
Tin, ảnh: Đức Vân, t4g Hà Nội