Theo đó, qua giải trình tự gen 72 mẫu từ người mắc COVID-19 trong tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2023 cho kết quả: Hầu hết các mẫu phân lập được chủng XBB như: XBB.1.5, XBB.1.9, XBB.1.11.1, XBB.1.16, XBB.2.3. Kết hợp với đặc điểm lâm sàng của những người bệnh điều trị trong giai đoạn này cho thấy hầu hết người bệnh vẫn có các triệu chứng bệnh không đặc hiệu như: sốt, ho, viêm long đường hô hấp trên, đau mỏi người…
Ngoài ra, phân tích thông tin của 25 trường hợp người bệnh nặng, nguy kịch (có tình trạng suy hô hấp cần can thiệp oxy hỗ trợ như thở máy, oxy kính. 90% các bệnh nhân nặng đều mắc các bệnh lý nền nặng trước đó như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, bệnh lý ác tính. Ở nhóm bệnh nhân này khi được can thiệp, điều trị phù hợp thì có tới 76,2% người bệnh phục hồi hoàn toàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng lo ngại về số ca mắc mới COVID-19 sẽ gia tăng trong thời gian tới bởi sắp tới là kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với lưu lượng người đi lại lớn, các kỳ thi với sự tham gia đông đảo của học sinh, sự chủ quan trong phòng bệnh của người dân.
Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các địa phương cần chủ động và lên phương án ứng phó với dịch bệnh như: COVID-19, Sốt xuất huyết… “Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, do đó các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lây lan ra cộng đồng”- ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Trọng Tiến