
Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử và chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa, trong năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo của Ngành và ban hành Kế hoạch 193/KH-BYT về việc “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế năm 2016”, đến nay, đã đạt được một số kết quả nhất định như: ban hành được chuẩn hóa đầu ra của phần mềm khám chữa bệnh; ban hành bộ mã dùng chung; triển khai thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh tại 04 tuyến với BHXH tại 06 tỉnh thí điểm (Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau); 3405 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã trích xuất được dữ liệu điện tử đầu ra phục vụ yêu cầu thanh toàn BHYT...
Tại Hội nghị, các đại biểu cùng tập chung thảo luận các nội dung như: phổ biến và hướng dẫn nguyên tắc áp dụng bộ mã dùng chung; hướng dẫn trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh lên Cổng dữ liệu Y tế của Bộ Y tế và dữ liệu yêu cầu thanh toán BHYT lên Cổng dữ liệu giám định của BHXH Việt Nam; góp ý cho Thông tư trích chuyển và quản lý dữ liệu khám chữa bệnh và BHYT; thống nhất một số công việc cần làm từ nay đến ngày 30/6/2016 để đảm bảo cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng tốt phục vụ công tác giám định, thanh toàn BHYT.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục hữu quan trực thuộc Bộ Y tế; các đơn vị có liên quan của BHXH Việt Nam chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp với Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; UBND các tỉnh/thành phố để kịp thời có phương hướng giải quyết.
Tin, ảnh: Nguyễn Hiển