Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội nghị giao ban công tác dược năm 2024

  • |
T5g.org.vn - Ngày 17/12/2024, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Y tế tổ chức hội nghị giao ban công tác dược, mỹ phẩm năm 2024. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực Bộ Y tế, Cục An ninh chính trị nội bộ. Về phía tỉnh Quảng Ninh có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh. Ngoài ra, Hội nghị cũng chào đón hơn 300 đại biểu là đại diện các Sở Y tế, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, trong năm 2024, ngành dược Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là công tác xây dựng thể chế, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung thuốc cho nhu cầu phòng, điều trị bệnh của người dân. Đặc biệt, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2024 vừa qua đã mang lại nhiều điểm đột phá. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục tập trung xây dựng vững mạnh ba trụ cột bao gồm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và thuốc, vật tư y tế để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Dược cần quan tâm triển khai các nội dung trong Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030; Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh triển khai các chiến lược chương trình, đề án của Chính phủ; Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy đăng kí lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đảm bảo người dân được tiến cận thuốc nhanh với giá cả hợp lý nhất; Chú trọng phát triển công nghiệp dược theo hướng hiện đại, đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của WHO; tăng cường xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế lĩnh vực dược. 

Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo  báo cáo của DS.CKII Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thực hiện công bố 17 đợt gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu thuốc đến hết ngày 31/12/2024 với tổng số 13.900 thuốc theo Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội; thực hiện cấp, gia hạn cho 12.333 thuốc theo quy định của luật Dược năm 2016, gần bằng tổng số lượng thuốc được cấp, gia hạn Giấy đăng ký lưu hành trong 05 năm gần đây. Tại mốt số thời điểm, một số nơi còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ một số thuốc hiếm do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột tại một số khu vực. Một số thuốc hiếm khó dự trù số lượng sử dụng vì nhu cầu phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh. 

DS.CKII Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

Hiện nay, hệ thống cung ứng thuốc có 430 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 5144 cơ sở bán buôn, 66.727 cơ sở bán lẻ thuốc. Nhìn chung, việc triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ bản đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, phương án phòng chống dịch bệnh, thiên tai.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được phổ biến về một số thông tư mới ban hành. Bên cạnh đó, đại diện một số đơn vị như Sở Y tế Hà Nội, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị liên quan tham luận các vấn đề như: Triển khai công tác bảo đảm cung ứng thuốc tại cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý, công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm tại Sở Y tế, triển khai chuyển đổi số ngành dược...; đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Qua các tham luận, báo cáo và ý kiến đóng góp từ các đại biểu đã cung cấp cái nhìn tổng quan và sâu sắc về thực trạng ngành dược trong năm vừa qua, và mở ra những định hướng quan trọng cho năm 2025. Đồng thời, ngành Dược cũng đã chỉ rõ những thành tựu, những khó khăn, vướng mắc trong quản lý hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; cũng như việc đổi mới công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng. Đây là những thách thức lớn mà ngành cần quyết tâm vượt qua.
    Thứ trưởng đề nghị Ban tổ chức tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện thể chế và triển khai một số nội dung trọng tâm công tác năm 2025, cụ thể như sau: 
    1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
    2. Đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Triển khai Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ, đảm bảo tiến độ xây dựng Nghị định, các Thông tư hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2024. 
    3. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030.
    4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy đăng lý lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuôc, cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đảm bảm đúng quy định và đúng tiến độ; triển khai các biện pháp để chủ động đảm bảo nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế.
    5. Đẩy mạnh CCHC, cải cách TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo hướng công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động tác nghiệp của ngành Dược Việt Nam.
    6. Tăng cường quản lý chất lượng thuốc; quản lý giá thuốc; công tác kiểm tra, hậu kiểm nhằm mục tiêu đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc có chất lượng, hiệu quả, giá cả phù hợp; tăng cường công tác dược địa phương để bảo đảm nâng cao chất lượng công tác quản lý dược tại các Sở Y tế.
    7. Hội nhập quốc tế: Tận dụng các hiệp định thương mại để mở rộng xuất khẩu, đồng thời học hỏi công nghệ và kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế.
    8. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và hợp tác với các cơ sở giáo dục, nghiên cứu trong và ngoài nước.

Cùng ngày Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đã chủ trì Hội nghị phổ biến luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược và lấy ý kiến dự thảo Nghị định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược.

                                                                                                                                                                                                              Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương
 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang