
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS. Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết; hàng năm trên thế giới có khoảng 300 triệu người bị mắc hen phế quản; tỷ lệ mắc là 4% dân số và có trên 250 nghìn người tử vong hàng năm do hen phế quản trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hàng năm có từ 3-4 nghìn trường hợp tử vong do hen phế quản. “Hen phế quản nói riêng và bệnh phổi mạn tính nói chung là các bệnh có thể dự phòng được. Tỷ lệ mắc hen phế quản ngày càng cao. Nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan như: khí hậu, môi trường, già hóa dân số thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác như: năng lực kỹ thuật của cán bộ lao, phổi tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế… ngoài ra, việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng là những rào cản làm cho bệnh hen phế quản vẫn còn cao trong cộng đồng.
Tại Hội nghị, nhiều bài báo cáo khoa học về cập nhật những nội dung mới nhất trên thế giới cũng như trong nước về công tác chẩn đoán và điều trị bệnh hen phế quản đã được các chuyên gia y tế trực tiếp trình bày như bài: “Cập nhật chẩn đoán, điều trị hen theo GINA 2016” và bài “Vai trò của FeNO trong theo dõi quản lý hen phế quản” do GS.TSKH.BS. Dương Qúy Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, thành viên Ủy ban GINA (Tổ chức toàn cầu về hen) trình bày. Bài “Hen khó trị” do ThS.BS. Vũ Văn Thành, Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương trình bày… các đại biểu thảo luận, chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh hen phế quản, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống và điều trị bệnh hen phế quản cho nhân dân trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Hoàng Hiền