Chủ tọa Hội nghị
Ngày 20/11/2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường các biện phòng chống bệnh tay - chân - miệng (TCM) cho khu vực phía Nam. Tới dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Y tế Thế giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Truyền thông GDSK 43 tỉnh/thành phố có tỷ lệ mắc cao hoặc có tử vong.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm 2011 đến hết tuần 45, cả nước đã ghi nhận 90.189 trường hợp mắc TCM tại 63 địa phương, trong đó đã có 153 trường hợp tử vong tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Các tỉnh có tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất là: Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bến Tre, Hòa Bình, Long An, Đồng Nai, Sóc Trăng và Tiền Giang. Tỷ lệ bệnh nhi TCM dưới 3 tuổi là 86%, dưới 5 tuổi 98%. Đáng chú ý là số mắc TCM ở cộng đồng chiếm tỷ lệ cao 76,9%. Týp vi rút gây bệnh TCM do EV71 chung cả nước chiếm tỷ lệ 39%, riêng khu vực miền Nam, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với EV71 chiếm tỷ lệ cao nhất 56,7%. Theo dự báo, bệnh TCM ở nước ta đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9 và đang có xu hướng giảm vào tháng 10 và các tháng tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt phòng chống bệnh TCM của Bộ Y tế, UBND các tỉnh/thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành trung ương và địa phương chung tay phòng chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Số ca mắc bệnh TCM năm nay tăng gấp 10 và số tử vong tăng 25 lần so với cùng kỳ năm trước, cho thấy dịch tăng đột biến cả lượng và chất. Để chủ động phòng chống bệnh TCM đang diễn biến phức tạp, giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm tác động của bệnh dịch đến kinh tế xã hội và sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố cần quyết liệt, sâu sát, nắm chắc tình hình bệnh TCM tại địa phương mình và tập trung vào các hoạt động chính. Công tác truyền thông cần làm cho người dân hiểu rõ 4 nội dung phòng chống bệnh TCM: đối tượng nguy cơ cao là trẻ em dưới 5 tuổi; lây truyền bệnh chủ yếu thông qua đường tiêu hóa nên phải ăn sạch, ở sạch và đồ chơi cho trẻ phải sạch; nguy cơ tăng cao ở khu vực có nhiệt độ cao, thời tiết nóng kéo dài; chưa có thuốc đặc trị nên phải phòng bệnh là chính. Về công tác điều trị, phải có phác đồ điều trị phù hợp cho từng tuyến.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giao cho các Vụ, Cục triển khai ngay. Bộ trưởng cũng đã biểu dương sự nỗ lực của cả hệ Dự phòng, đặc biệt hệ Truyền thông trong cả nước đã làm rất tốt, góp phần khống chế chế bệnh TCM bùng phát trong thời gian qua tại khu vực phía Nam. Đồng thời Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay tình hình bệnh TCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, toàn Ngành phải tăng cường nhân lực cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, tập huấn cho các tỉnh trọng điểm; chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện, Y tế các Bộ Ngành thành lập các tổ lưu động về hồi sức cấp cứu, chống dịch tăng cường hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới; bổ sung ngân sách cho công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát, bổ sung trang thiết bị thiết yếu, không để thiếu thuốc; tăng cường trách nhiệm của chính quyền, của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát kiểm tra, xử lý ổ dịch TCM và theo dõi sự biến đổi của vi rút nhằm quyết tâm khống chế dịch bệnh, hạn chế tủ vong ở mức thấp nhất.
Tin và ảnh: Công Chiến