Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ IV

  • |
T5g.org.vn - Ngày 25/10/2015, tại Hà Nội, Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam phối hợp với Hội Tim mạch can thiệp Hoa Kỳ và Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ IV với chủ đề “Giải pháp tốt nhất từ giường bệnh đến can thiệp”. Tới dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam; GS.BS. Charles Chambers, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Hoa Kỳ; cùng đông đảo các đại biểu, báo cáo viên là các chuyên gia về tim mạch trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số gánh nặng bệnh tật, 72% tổng số tử vong, trong đó tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch chiếm 30%. Điều đáng báo động là tử vong do các bệnh lý tim mạch chủ yếu là tử vong sớm do không được can thiệp kịp thời. Cách đây 30 năm, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp. Nhưng ngày nay, nhồi máu cơ tim đã trở thành phổ biến là một bệnh lý gặp hàng ngày trong bệnh viện trên toàn quốc. “Như vậy có thể khẳng định, Tim mạch can thiệp đang và sẽ là chuyên ngành mũi nhọn của Tim mạch học Việt Nam và là một chính sách y tế công cộng cần được chú trọng trong thời gian tới”. Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội nghị gồm có 25 phiên họp khoa học với 130 bài báo cáo trực tiếp do hơn 80 báo cáo viên trình bày tại 5 Hội trường chính. Đặc biệt, Hội nghị lần này có sự tham dự của đoàn báo cáo viên quốc tế gồm 30 người là các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tim mạch học can thiệp trên thế giới. Các chủ đề được thảo luận trong Hội nghị đều là những vấn đề chuyên môn sâu và có tính thực tiễn, ứng dụng cao. Đặc biệt, 5 ca can thiệp tim mạch điển hình và 1 ca phẫu thuật sẽ được truyền hình trực tiếp từ Bệnh viện Tim Hà Nội tới Hội nghị để phục vụ các phiên thảo luận như: Bít lỗ thông liên thất; Can thiệp thân chung động mạch vành; Phẫu thuật cầu nối chủ vành; Can thiệp chỗ chia nhánh động mạch vành; Điều trị rối loạn nhịp bằng 3D và Can thiệp động mạch ngoại biên.

GS.TS. Phạm Gia Khải chia sẻ: Hội nghị lần này là cơ hội để các chuyên gia, bác sỹ đầu ngành về tim mạch học trong nước có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi về kỹ thuật tim mạch đối với các chuyên giá quốc tế. Với qui mô lớn, thu hút hàng nghìn bác sỹ, chuyên gia, đây sẽ là một sự kiện y học lớn, một hội nghị với chất lượng chuyên môn cao, chứng minh tim mạch học can thiệp Việt Nam đang phát triển với tầm cỡ y học thế giới.

Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ IV được tổ chức cũng là dịp đánh dấu khoảng thời gian 20 năm hình thành và phát triển của ngành Tim mạch học can thiệp tại Việt Nam. Từ những ngày đầu hình thành, ngành Tim mạch can thiệp tại Việt Nam chỉ phát triển một cách sơ khai và là tập hợp của những bác sĩ tim mạch can thiệp tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hiện nay "bản đồ" Tim mạch can thiệp Việt Nam đã có mặt ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với hơn 50 đơn vị tim mạch can thiệp, hàng trăm bác sĩ có thể thực hiện thành thạo các kỹ thuật can thiệp khó, nhiều bác sĩ tim mạch can thiệp của Việt Nam trở thành chuyên gia hàng đầu tại Châu Á và trên thế giới, thường xuyên được mời giảng dạy và chủ tọa đoàn, mổ trình diễn ở nhiều Hội nghị Tim mạch can thiệp trên thế giới và được mời chuyển giao kỹ thuật cho các nước bạn như Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Indonesia.

Tin, ảnh: Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang