Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Cục Phòng bệnh, Quản lý Khám chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế… và đại diện Bệnh viện Nhiệt đới, Bạch Mai, Nhi Trung ương và Đại diện Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Y tế, phòng nghiệp vụ; Trung tâm kiểm soát bệnh tật; các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh có vắc xin phòng bệnh từ lâu như sởi, ho gà... có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Tại Việt Nam, việc biến đổi khí hậu làm cho tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc sởi có xu hướng tăng. “Thời gian qua số ca mắc sởi có giảm so với giai đoạn trước đây nhưng theo chu kỳ 5 năm 1 lần thì hiện là chu kỳ của dịch sởi bùng phát. Năm 2024, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, công điện triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, ngoài tiêm thường xuyên trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm lứa tuổi thấp hơn hoặc cao hơn). Trong quá trình triển khai đến năm 2025, các trường hợp mắc sởi vẫn còn phức tạp”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi. Bộ trưởng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích các vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp trọng tâm, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện, đánh giá tình hình bệnh sởi, công tác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi để nhanh chóng khống chế, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc, tử vong. Các đơn vị, địa phương tham luận các ý kiến cần toàn diện, sâu sắc, cụ thể vào các giải pháp tháo gỡ, trách nhiệm thực hiện để có thể triển khai một cách nhanh nhất.
Cả nước ghi nhận 38.807 ca nghi sởi trên cả nước
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 38.807 ca nghi sởi trên cả nước, trong đó có 3.447 ca dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố; 5 ca tử vong liên quan đến sởi.
Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận số ca cao nhất (57%), miền Trung chiếm 19,2%, miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).
Một số tỉnh, thành phố có số mắc xu hướng tăng cao gồm: Cao Bằng (582 ca), Nghệ An (737 ca), Quảng Nam (499 ca), Đà Nẵng (2043 ca), Khánh Hòa (1661 ca), Đắk Lắk (621 ca), Gia Lai (1879 ca), Kon Tum (624 ca), Đồng Tháp (1202 ca), An Giang (1046 ca), Lâm Đồng (476 ca).
Các tỉnh, thành phố có số mắc cao nhưng bắt đầu chững lại gồm: Lào Cai (1180 ca), Hà Giang (6.017 ca), Hà Tĩnh (547 ca), Bình Thuận (1208 ca), Bạc Liêu (1167 ca), TP. Hồ Chí Minh (3321 ca), Bình Dương (2085 ca), Đồng Nai (4099 ca), Tây Ninh (668 ca), Cà Mau (1995 ca).
Cũng theo ông Hoàng Minh Đức, bệnh có xu hướng tăng cao từ cuối năm 2024 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2025. Đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, tuy nhiên đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.
Bệnh chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt 95%
Bệnh sởi có khả năng lây truyền cao và chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi miễn dịch bảo vệ đặc hiệu cần đạt ít nhất 95%. Các trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ tích lũy qua nhiều năm tạo khoảng trống miễn dịch làm giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, việc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm chủng (khoảng hơn 20% trẻ dưới 9 tháng tuổi) làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh, ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trên cả nước còn thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh. Có những tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng ở các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh chỉ có 40%, trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin cũng thấp. Một bộ phận người dân chủ quan, lơ là, không đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Hiện tượng chống vắc xin đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng, nhất là ở các đô thị lớn. Ngoài ra, còn có nhóm ở vùng sâu, vùng xa khả năng tiếp cận tiêm vắc xin còn khó, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà ở vùng xa cũng khó tiếp cận việc tiêm vắc xin cho trẻ. Đây là những lý do khiến tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi tại một số địa phương còn thấp.

Theo ông Hoàng Minh Đức, kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hằng năm hạn chế, chậm, không kịp thời. Nhiều hoạt động y tế dự phòng, kiểm dịch chưa có định mức chi tại địa phương. Thống kê có khoảng 7-8 tỉnh đến thời điểm này mới phê duyệt kế hoạch tiêm chủng theo mở rộng đối tượng mà chỉ mới tiêm bù. “Hiện nay số mắc sởi có xu hướng giảm nhưng chưa dừng lại, vì thế chúng ta không được chủ quan, cần hết sức thận trọng. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi thấp”, ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức về vai trò của vắc xin trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm
Trong bối cảnh dịch bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh và chủ động báo cáo tình hình dịch bệnh. Đồng thời, các địa phương cần huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, không chỉ riêng ngành y tế, để cùng đối phó với dịch sởi. Các biện pháp tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin và tạo miễn dịch cộng đồng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Bệnh sởi là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền các cấp và sự hợp tác của người dân trong việc tiêm vắc xin, dịch bệnh có thể được kiểm soát và ngừng lây lan. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức về vai trò của vắc xin trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay.
Theo quy định, Bộ Y tế là đơn vị được giao nhiệm vụ mua và chủ động bàn giao vắc xin trong Chương trình tiêm chủng quốc gia tới các địa phương. Việc rà soát đối tượng tiêm, mua sắm sinh phẩm vật tư đi kèm hoạt động tiêm chủng là do địa phương chủ động và mua sắm. Tuy nhiên, có địa phương ban hành kế hoạch chậm nên việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ cũng còn chậm so với dự kiến.
Hiện tại, Kon Tum mới triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ. 10 địa phương khác trên cả nước triển khai tiêm còn chậm như: Đắc Nông, Nghệ An, Thanh Hoá, Bến Tre, Bình Phước...
Ngoài ra, các trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ tích luỹ qua nhiều năm cũng tạo khoảng trống miễn dịch làm giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, việc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm chủng (khoảng hơn 20% trẻ dưới 9 tháng tuổi) làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ông Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện ghi nhận hơn 1000 ca mắc sởi, trong đó có số ca mắc chưa tiêm chủng chiếm hơn 50%.
Một số giải pháp được thực hiện
Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Đức, mặc dù các chiến dịch tiêm chủng đã được triển khai, nhưng tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, dẫn đến miễn dịch cộng đồng chưa đạt mức an toàn. Một số địa phương như Kon Tum, Đắk Nông, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Phước, Bến Tre... hiện vẫn còn triển khai chiến dịch tiêm chủng chậm.
Tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng
Qua các báo cáo của Cục Phòng bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế); Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương và đại diện một số điểm cầu như Bến Tre, Đắc Nông, Hà Giang, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Nghệ An… chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, thành công trong công tác tiêm chủng, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực, không ngại khó khăn vất vả, sự chủ động, những sáng kiến, kết hợp với chính quyền địa phương, tiếp cận đến người dân… của đội ngũ cán bộ phòng, chống dịch trong cả nước.

Dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi thấp. trên cơ sở triển khai quyết liệt hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như khoanh vùng, dập dịch và tiêm chủng vắc xin... tình hình dịch bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát; sẽ từng bước được khống chế để hạn chế lây lan, bùng phát và số trường hợp mắc bệnh. Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức, ưu tiên đảm bảo nhân lực, hậu cần, kinh phí, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi, phải hoàn thành trước ngày 20 tháng 3 năm 2025;
Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi; Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn, ưu tiên tiêm cho trẻ ở các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc sởi; Không để tình trạng thiếu kinh phí, thiếu thiết bị, vật tư y tế, không đủ nhân lực y tế làm trì hoãn, chậm tiến độ tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi; Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch sởi trong cộng đồng, áp dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc để vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều vắc xin phòng bệnh sởi và đi khám, chữa bệnh kịp thời khi có các dấu hiệu mắc bệnh sởi…;
Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tỉnh, thành phố tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi kịp thời. Chủ động phối hợp với các địa phương cập nhật kết quả đánh giá nguy cơ, xác định các khu vực nguy cơ cao để đề xuất các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng phù hợp với diễn biến thực tế; Khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhất là đối với việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng được bổ sung trong kế hoạch; kịp thời phân bổ vắc xin và thường xuyên giám sát hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai;
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Bệnh viện tuyến Trung ương: Chỉ đạo tăng cường phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong;
Cục Phòng bệnh: Tiếp tục đôn đốc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo, tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; Đồng thời tham mưu các giải pháp phòng, chống các bệnh có vắc xin dự phòng, nhất là bệnh sởi;
Văn phòng Bộ, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương, Báo Sức khoẻ Đời sống đẩy mạnh công tác truyền thông; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh và cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Tập trung thông tin, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; khuyến khích tiêm vắc xin phòng sởi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế tổ chức triển khai các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các Viện, các đơn vị y tế địa phương giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Hoài Phương