
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 11/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế đã xây dựng, ban hành Quyết định số 1568/QĐ-BYT về Kế hoạch nhân rộng, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Kế hoạch là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, góp phần giảm tải bệnh viện. Tính đến hết năm 2015, cả nước đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 06 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vượt chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn 2013 - 2015 (80 phòng khám bác sĩ gia đình). Hầu hết các phòng khám này gắn với các cơ sở khám chữa bệnh như bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại nhiều nước phát triển trên thế giới, 70% nhu cầu khám chữa bệnh của người dân được thực hiện bởi hệ thống bác sĩ gia đình. Ở nước ta, việc phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình kết hợp với trạm y tế tuyến cơ sở sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, giảm chi phí khám chữa bệnh. Bác sĩ gia đình được coi như “người canh cổng” bảo vệ sức khỏe người dân trong sàng lọc, quản lý bệnh, tật ngay tại mỗi gia đình; tư vấn phòng chống dịch, bệnh; giáo dục nâng cao sức khỏe... Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham gia Hội nghị thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm, góp ý kiến về cơ chế tổ chức, quản lý tài chính, thu hút nguồn nhân lực để phát triển của mô hình bác sĩ gia đình phù hợp với các vùng, miền. Bộ trưởng cũng đề nghị ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường phối hợp các cơ quan hữu quan ngành Y tế sửa đổi, bổ sung, kiện toàn danh mục kỹ thuật, thuốc với cơ chế tài chính phù hợp tạo thuận lợi cho các cơ sở bác sĩ gia đình trong quản lý, thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm, nhất là khi, năm 2021, dự kiến sẽ thông tuyến bảo hiểm y tế toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình theo lộ trình, đảm bảo đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương triển khai mô hình bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế cần nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh thực hiện nhằm rút ngắn thời gian thực hiện lộ trình phát triển mô hình bác sĩ gia đình, giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp nhằm khuyến khích phát triển bác sĩ gia đình; nghiên cứu, đánh giá đặc thù kinh tế - xã hội của vùng, miền để phát triển mô hình bác sĩ gia đình cho phù hợp với từng địa phương.
Tin, ảnh: Nguyễn Hiển