Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, Chủ tịch Hội cho biết, trải qua 2 nhiệm kỳ (từ ngày thành lập tháng 6/2007 đến nay), Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã tham gia tích cực trong nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam hoạt động dựa vào cơ chế huy động cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS; tham gia phản biễn những văn bản pháp quy của nhà nước; tổ chức bộ máy trên tinh thần tự nguyện tham gia Hội; trong đó ngân sách hoạt động do Hội tự vận động và tìm kiếm. Tiêu chí của Hội là làm sao để giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng, qua đó làm giảm gánh nặng cho nhóm người này. Trong thời đại 4.0, công tác truyền thông giáo dục tới người nhiễm HIV/AIDS của Hội luôn được ưu tiên, luôn thay đổi để thích hợp, dễ hiểu hơn; đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ, đào tạo ngắn hạn giúp người nhiễm HIV/AIDS và tái hòa nhập cộng đồng bớt tự ti trong xã hội.
Hiện tại, cơ cấu của Hội có gồm Văn phòng và các ban: Ban Truyền thông vận động và chuyên môn kỹ thuật; Ban Hậu cần và huy động nguồn lực; Ban Đào tạo và phát triển mạng lưới; Ban Kiểm tra. Việc phát triển mạng lưới các Hội về Phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã được đẩy mạnh đáng kể, phát triển cá chiều rộng lẫn chiều sâu, với thành phần đa dạng; đến nay đã có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Hội Phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV; đã kết nạp được 130 hội viên tổ chức và trên 1.000 hội viên cá nhân. Các Hội từ trung ương đến địa phương đã tăng cường hoạt động qua các buổi hội thảo, diễn đàn, truyền thông, tổ chức các sự kiện nhằm chuyển tải các thông điệp giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức dân sự trong và ngoài nước.
Công tác đào tạo tập huấn của Hội cũng được tăng cường thông qua việc phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Vụ Khoa học – Đào tạo, Bộ Y tế và lãnh đạo các địa phương tiếp tục mở rộng đào tạo người nhiễm HIV tự nguyện, còn sức khỏe và có trình độ văn hóa trở thành các “Nhân viên chăm sóc đồng đẳng HIV/AIDS”; phối hợp với Tiểu ban quản lý Dự án ADB, Sở Y tế, Trung tâm PC HIV/AIDS một số tỉnh/thành phố tổ chức lớp đào tạo “Nhân viên chăm sóc đồng đẳng HIV/AIDS”…
Trong Nhiệm kỳ II, Hội đã tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối cử với người có H, tích cực tham gia các hoạt động giảm thiểu tác hại do HIV/AIDS; đảm bảo cơ chế truyền thông trong tổ chức, tạo điều kiện cho các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kiến thức giữa các thành viên trong Hội về phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, càn bộ còn kiêm nhiệm nhiều song Hội đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ II. Mục tiêu của Hội trong nhiệm kỳ tới (2021-2026) là củng cố tổ chức, tăng cường phát triển năng lực, mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động của Hội để góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Đại hội, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những thành tựu mà Hội đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng gợi ý phương hướng trong thời gian tới của Hội cần củng cố phát triển tổ chức, nâng cao hoạt động của Hội, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, kể cả tại địa phương; cần mở rộng tổ chức hội rộng lớn hơn, nhiều người tham gia hơn; đa dạng các hoạt động giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Tại Đại hội, Ban chấp hành nhiệm kỳ mới (2021-2026) của Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã được bầu ra, gồm 51 người. PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế được bầu làm chủ tịch Hội nhiệm kỳ III.
Nam Nguyên