Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội thảo cập nhật kỹ thuật về bằng chứng, mô hình và cách tiếp cận phù hợp đề điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

  • |
T5g.org.vn - Ngày 10/3/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo cập nhật kỹ thuật về bằng chứng, mô hình và cách tiếp cận phù hợp đề điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, với sự tham gia Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); PATH (tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế); các đơn vị y tế hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.
TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS phát biểu tại Hội thảo

Dự phòng phơi nhiễm HIV (phương pháp PrEP) là việc người chưa bị nhiễm nhưng có nguy cơ cao bị lây nhiễm vi rút HIV chủ động sử dụng thuốc kháng vi rút nhằm dự phòng nhiễm HIV. Hiện nay, một số các quốc gia như Mỹ, Pháp, Thái Lan, Braxin chấp thuận sử dụng PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV. Phương pháp này cũng được thử nghiệm thành công tại nhiều quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đây là cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan y tế hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam thảo luận, xem xét các bằng chứng mới nhất về hiệu quả của PrEP, cũng như học hỏi về mô hình dự phòng phơi nhiễm HIV từ những nước đã áp dụng thành công.

TS. Nguyễn Thụy Vân, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, trong nhóm đối tượng mắc mới HIV, nhóm đối tượng đồng tính đang chiếm một tỷ lệ khá cao. WHO khuyến nghị, nhóm đối tượng này nên được cung cấp PrEP bên cạnh những biện pháp dự phòng như sử dụng bao cao su, thuốc bôi trơn và các biện pháp giảm tác hại khác và thực hiện xét nghiệm HIV thường xuyên. TS. Nguyễn Thụy Vân cũng cho biết, sử dụng PrEP trong dự phòng nhiễm HIV có chi phí không cao. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, người tham gia điều trị dự phòng phải tuân thu nghiêm túc phác đồ trị liệu. Nhiều nghiên cứu về PeRP cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV mới giảm rỏ rệt ở nhóm đối tượng thực hiện dự phòng với PrEP.

TS. Phan Thị Thu Hương nhận định, với nỗ lực cao, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nhiễm HIV. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu 90-90-90 và loại trừ dịch HIV/AIDS vào năm 2030, bên cạnh những biện pháp dự phòng truyền thống như phát bao cao su, bơm kim tiêm, truyền thông, tư vấn... , PrEP có thể được xem như một biện pháp dự phòng bổ sung hỗ trợ đặc lực cho hoạt động dự phòng lây truyền HIV/AIDS ở cộng đồng trong thời gian tới, đặc biệt, là ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như đồng tính nam, phụ nữ chuyển giới, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người có HIV.

Tin, ảnh: Như Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang