
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc SKTD/SKSS, bao gồm các dịch vụ lồng ghép trong công tác kế hoạch hóa gia đình đã được mở rộng. Chất lượng một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch về tỷ lệ tử vong bà mẹ/trẻ em và bệnh tật giữa các vùng miền, đặc biệt là ở nhóm dân tộc thiểu số; vẫn còn có sự khác biệt trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKTD/SKSS có chất lượng giữa các vùng miền.
TS. Lưu Thị Hồng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt Nam hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: tình trạng quan hệ tình dục không an toàn; có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn; một số nhóm đối tượng còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; hạn chế trong phòng chống ung thư cổ tử cung; còn tồn tại một số vướng mắc trong quản lý điều hành công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Giai đoạn sau 2015, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc SKSS/SKTD/KHHGĐ cần: xây dựng các chương trình hành động chăm sóc SKTD/SKSS/KHHGĐ có hiệu quả kinh tế, phù hợp về yếu tố văn hóa và tôn trọng quyền con người, đặc biệt cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Ngành Y tế cần mở rộng hợp tác công - tư trong lĩnh việc SKSS/SKTD/KHHGĐ, phát triển nguồn lực cho công tác chăm sóc SKTD/SKSS/KHHGĐ.
Tại Hội thảo, Bộ Y tế và UNFPA cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường cải thiện dịch vụ chăm sóc SKTD/SKSS/KHHGĐ theo hướng để mọi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Tin, ảnh: Như Hiển