Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; GS.TS. Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam; GS.TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS.TS. Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 103; PGS.TS. Phạm Xuân Phong, Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội và cùng đại diện các chuyên gia đầu ngành về gan mật, y học cổ truyền; các báo cáo viên đến từ các đơn vị y tế trên cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh đánh giá cao Hội Gan mật Việt Nam, nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành trong việc phòng và điều trị bệnh lý gan mật. Một trong những nhiệm vụ chính của Hội là phát triển chuyên môn, quản lý y tế, đảm bảo quyền lợi của bác sĩ cũng như người dân; phát triển lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng. Việc kết hợp 2 nền y học trong bệnh lý gan mật góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền y học nước nhà.
Hội thảo gồm có 3 phiên: 01 phiên toàn thể và 02 phiên chuyên đề. Tại phiên toàn thể, sẽ có 05 bài báo cáo khoa học được trình bày gồm: Kết quả bước đầu sử dụng tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị xơ gan mất bù do HBV; Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu – Fibroscan định lượng gan nhiễm mỡ và xơ hóa; Kinh nghiệm điều trị viêm gan vi rút tại Bệnh viện Bạch Mai; Nghiên cứu tác dụng bảo vệ tế bào gan của viên nang cứng CTHepaB và Đánh giá tác dụng điều trị viêm gan B mạn tính bằng chế phẩm Vigab kết hợp Tenofovir. Tại chuyên đề 1: với chủ đề: Viêm gan vi rút gồm 7 báo cáo khoa học. Chuyên đề 2: Một số bệnh lý gan mật hay gặp, sẽ gồm 8 bài báo cáo khoa học với các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Học viện Quân y và Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.
Hoàng Hiền