Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, trong hơn 20 năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, sự nỗ lực của ngành Y tế và sự chung tay của toàn cộng đồng, công tác phòng chống HIV/AIDS đã thu lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã xây dựng, ban hành hệ thống luật pháp phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường bộ máy phòng, chống HIV/AIDS, đầu tư thích đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, và đặc biệt quan trọng là đã huy động mọi tầng lớp nhân dân. trong đó có sự đóng góp tích cực của khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, các ca nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm mạnh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng nhận định, hiện nay, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm nghiện chích ma túy tăng nhanh; độ bao phủ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ nước ngoài đang bị cắt giảm nhanh.
Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long, nguồn tài trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam bị giảm mạnh là thách thức lớn đối với việc duy trì chương trình phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Do vậy, bên cạnh nguồn lực tài chính từ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng, giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng, chống HIV/AIDS. Ông Long cho biết thêm, theo ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc AVR nguồn bảo hiểm y tế. Sự tham gia của y tế tư nhân đã góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát do Dự án Healthy Markets thực hiện với 9 tổ chức là phòng khám tư cộng đồng, doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa và dịch vụ HIV cho thấy, trong 5 năm qua, các đối tác tư nhân tham gia lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS có thể tự chủ về mặt tài chính. Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long nhận định, việc tạo hành lang pháp lý để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị tự nhân tham gia sâu, rộng vào chuỗi cung ứng vât tư, dịch vụ sẽ đóng vai trò quan trọng cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Như Hiển