Tham dự Hội thảo có TS.BS. Nguyễn Quốc Triệu, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Quân Dân y Việt Nam; PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Quân Dân y Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bác sĩ Việt Nam; TS. Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và gần 4.500 các tình nguyên viên là những cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu.
Phát biểu tại Hội thảo tập huấn, TS. Nguyễn Quốc Triệu cho biết, hiện nay bệnh nhân F0 không có triệu chứng hoặc rất nhẹ và F1 cách ly tại nhà chiếm tới 80%. Vì vậy, chăm sóc F0 tại nhà và đẩy mạnh công tác phòng chống COVID-19 ngay từ tuyến y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân… cần phải tăng cường công tác truyền thông để người dân biết, hiểu, ủng hộ, tham gia và thay đổi hành vi phù hợp trong cuộc sống hàng ngày nhằm hạn chế các ca nhiễm mới và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong, đồng thời chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Hội thảo tập huấn là một hoạt động thiết thực và kịp thời nhằm hưởng ứng lời kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học đề xuất các giải pháp chung sức phòng chống dịch COVD-19, quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Triệu đề nghị các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học và phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam cần làm rõ các công việc phòng chống COVID-19 trên các lĩnh vực y học, xã hội học, tâm lý học, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng kinh tế trong điều kiện đang có dịch COVID-19.
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn cho biết, Hội thảo tập huấn nhằm cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ y tế, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế cộng đồng, tuyên truyền viên giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng… góp phần nâng cao năng lực cho đội tuyến đầu, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngay tại nhà và trong cộng đồng.
Tại Hội thảo tập huấn, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ các nội dung “Bảo vệ và chăm sóc cho đối tượng yếu thế trước bệnh dịch Covid-19”; “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại cộng đồng - Nhận diện sớm các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà”; “Tổ chức khám bệnh từ xa (Telemedicine) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”; “Hiệu quả - Kinh nghiệm triển khai mô hình hoạt động của “Tổ y tế từ xa” của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch”; “Một số vấn đề về sức khỏe tâm thần trên bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà”; “Vai trò của Điều dưỡng trong theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà” ...
Phúc Trí