
Năm 2013, Hội Nhãn khoa ASEAN chính thức được thành lập. Theo Điều lệ của Hội, cứ 2 năm sẽ tổ chức Hội nghị ở các nước thành viên tiếp theo. Năm nay, Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị và là Chủ tịch của Hội nghị lần này.
Hội nghị Nhãn khoa ASEAN lần II có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu Việt Nam và hơn 230 đại biểu quốc tế là các bác sỹ nhãn khoa đến từ nhiều nước thuộc khối ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Ấn Độ... Hội nghị sẽ có 289 bài báo cáo về tất cả các chuyên ngành Nhãn khoa như: glôcôm, thể thủy tinh, dịch kính võng mạc, tật khúc xạ, mắt trẻ em, giác mạc và phòng chống mù lòa…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Đến năm 2020, ước tính trên thế giới có khoảng 75 triệu người bị mù và hàng trăm triệu người bị khiếm thị. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt công tác phòng, chống mù lòa trên toàn quốc. Thay mặt Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam đã ký cam kết ủng hộ và thực hiện sáng kiến toàn cầu “Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy”. Sáng kiến này nhằm huy động mọi nỗ lực xã hội cùng hành động để đạt được mục tiêu thanh toán những bệnh gây mù có thể phòng tránh được vào năm 2020 như: bệnh đục thể thủy tinh, tật khúc xạ, glôcôm… Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể tích cực thực hiện cam kết trên. Với vai trò là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực Nhãn khoa ở Việt Nam, Bệnh viện Mắt Trung ương đã cùng với hệ thống bệnh viện mắt trong cả nước có những đóng góp to lớn trong việc triển khai và chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc đẩy mạnh việc chăm sóc và điều trị các bệnh về mắt, đem lại ánh sáng cho nhiều người bệnh.
Hội nghị Nhãn khoa ASEAN lần II là cơ hội tốt cho các bác sỹ nhãn khoa Việt Nam và các đồng nghiệp từ nhiều nước trên thế giới chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng khám, điều trị các bệnh về mắt, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2020 thanh toán được các bệnh gây mù có thể phòng ngừa được.
Tin, ảnh: Tuấn Minh