.jpg)
Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2035 được xây dựng với mục tiêu đảm bảo mọi người dân được bảo vệ và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng, hạn chế bệnh tật, được phòng bệnh từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, được sống trong cộng đồng an toàn, đảm bảo an ninh y tế; người dân chủ động tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe; phấn đấu đạt mức sinh thay thế, tỉ số giới tính khi sinh đạt mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với già hóa dân số và dân số già, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.
.jpg)
Trong đó, mục tiêu cụ thể Chương trình là: - Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng đến mọi người dân, đáp ứng việc thực hiện chủ trương chính quyền 2 cấp tại địa phương.
- Chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra. Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến tới khống chế, chấm dứt, loại trừ một số dịch bệnh như lao, AIDS, sốt rét. Khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Bảo đảm người dân được sống trong môi trường an toàn về thực phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn thương tích cộng đồng, y tế trường học. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vận động thể lực góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực, trí tuệ người dân Việt Nam.
- Thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh đủ hai con để đạt mức sinh thay thế; giảm tỉ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số gắn với chất lượng nguồn nhân lực; thích ứng với già hóa dân số và dân số già, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc xã hội cho đối tượng yếu thế.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự báo xu hướng dân số và mô hình dịch bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe.
.jpg)
Phạm vi Chương trình là các tỉnh/thành phố trong cả nước, ưu tiên khu vực khó khăn, miền núi, biên giới, biển đảo.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình: Toàn bộ dân số Việt Nam, trong đó ưu tiên các đối tượng: người sống ở khu vực khó khăn, miền núi, biên giới, biển đảo, người nghèo, bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em tự kỷ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin; thanh thiếu niên; các cặp vợ chồng, cá nhân trong độ tuổi sinh đẻ, người di cư, lao động ở các khu công nghiệp.
.jpg)
Đối tượng thực hiện Chương trình: Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình.
Thời gian thực hiện: 10 năm, từ năm 2026 đến hết năm 2035. Chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2026 - 2030: triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030; Giai đoạn 2031 - 2035: tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến năm 2035.
.jpg)
Phát biểu kết luận Cuộc họp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao hiệu quả ý kiến, phát biểu đầy đủ, đúng đắn và tâm huyết của đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, của lãnh đạo các vụ, cục Bộ Y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập ghi nhận, tiếp thu những ý kiến của các bộ, ngành trong cuộc họp này để chỉnh sửa, hoàn chỉnh Chương trình. “Ban soạn thảo, Tổ biên tập trên cơ sở ý kiến của các đại biểu cần tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh sửa vào Chương trình cho phù hợp; cần tham khảo lại ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan trước khi xin ý kiến chính thức, bám sát từ nay đến tháng 10 có bản Chương trình đầy đủ”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh cập nhật lại danh sách Ban soạn thảo, thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị cần rà soát lại những việc làm được, khó khăn, tồn tại, sắp sếp lại cho rõ ràng, rành mạch. Các bộ, ban, ngành cần phối hợp, rà soát lại các chương trình đã có, đã triển khai để tránh chồng lặp cũng như nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của Chương trình…
.jpg)
Trong xây dựng Chương trình, thời gian qua, Bộ Y tế đã đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-BYT ngày 22/02/2025 xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Bộ Y tế có văn bản gửi các bộ, ngành, đơn vị liên quan đề nghị cử đại diện tham gia xây dựng Chương trình (Công văn số 1306/BYT-CDS ngày 10/3/2025 và 1535/BYT-KHTC ngày 17/3/2025). Trên cơ sở văn bản cử đại diện tham gia của các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1282/QĐ-BYT ngày 15/4/2025 thành lập Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ giúp việc xây dựng Chương trình.
.jpg)
Bộ Y tế có văn bản gửi các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ đưa vào Chương trình. Đến nay, ngoài các đơn vị thuộc Bộ Y tế có các bộ, cơ quan đã gửi đề xuất: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bộ Y tế đã tổng hợp, dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trong đó dự kiến có 5 Dự án:
+ Dự án 1: Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở
+ Dự án 2: Nâng cao hiệu quả hệ thống y tế dự phòng
+ Dự án 3: Dân số và phát triển
+ Dự án 4: Nâng cao chất lượng chăm sóc xã hội cho người yếu thế
+ Dự án 5: Quản lý, theo dõi và giám sát
Trọng Tiến