
Cho dù, Việt Nam là quốc gia đã có những chính sách, nghị định tích cực hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) và nuôi dưỡng trẻ nhỏ (NDTN) tối ưu bao gồm: được nghỉ việc đi khám thai 5 lần trong thời gian mang thai; nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng (nếu sinh đa thai thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con nghỉ thêm 1 tháng); nghỉ cho con bú 1 giờ/ngày cho tới khi trẻ tròn 12 tháng tuổi; hỗ trợ 2 triệu đồng cho phụ nữ nghèo vùng cao chấp nhận quy mô gia đình nhỏ khi sinh con (Nghị định số 39/2015/NĐ-CP) hoặc Quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo (Nghị định số 100/2014/NĐ-CP); Quy định về việc người cha cũng có chế độ nghỉ thai sản khi vợ sinh con (Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016)… Nhưng trong quá trình triển khai và thực hiện hóa Chương trình vẫn còn thấy tồn tại nhiều hạn chế do không có phân cấp quản lý rõ ràng; chưa duy trì được sáng kiến Bệnh viện Bạn hữu trẻ em; chưa có cơ chế Nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong điều kiện khẩn cấp (thiên tai, lũ lụt…); thực hành cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh chưa được chú trọng; thực hành cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thấp, chỉ đạt 19,6%; đặc biệt, là vẫn còn tồn tại thực trạng vi phạm quảng cáo – kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ trên các phương tiện thông tin, internet, website… Vì vậy, để hướng tới tương lai bền vững, Chương trình rất cần sự chung tay của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các tổ chức đoàn thể xã hội để triển khai và duy trì các hoạt động thiết thực góp sức cho trẻ nhỏ được phát triển toàn diện, được khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần, nhất là phải ”Được cho trẻ bú và trẻ được bú mẹ ở mọi lúc mọi nơi”.
TS.BS. Quan Lệ Nga, Viện trưởng Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng cho rằng, để Chương trình đảm bảo thành công, việc nuôi con bằng sữa mẹ cần phải tuân thủ thực hiện 10 yêu cầu: thứ nhất, Quy định nuôi con bằng sữa mẹ và thường xuyên phổ biến tới tất cả các nhân viên y tế; thứ hai, Đào tạo cho tất cả những nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện Quy định trên; thứ ba, Giáo dục trước sinh về lợi ích và nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai; thứ tư, Giúp các bà mẹ cho con bú sớm trong một giờ đầu sau sinh; thứ năm, Hướng dẫn cho bà mẹ cách cho con bú và cách duy trì nguồn sữa khi phải xa con; thứ sáu, Không cho trẻ sơ sinh ăn uống bất kỳ thứ gì ngoài sữa mẹ khi không có chỉ định của bác sỹ; thứ bảy, Cho trẻ sơ sinh được nằm cạnh mẹ cả ngày và đêm; thứ tám, Khuyến khích cho trẻ bú theo nhu cầu; thứ chín, Không cho trẻ bú bình và ngậm đầu vú giả; thứ mười, Tăng cường thành lập và duy trì các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu cho bà mẹ về lĩnh vực này khi xuất viện.

Minh Hiền