Tham dự lễ khai giảng có PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), lãnh đạo các Trung tâm y tế và Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1, Quận 5, Quận 6 và huyện Cần Giờ, Ban Giám hiệu các Trường Tiểu học trên địa bàn TP…
Phát biểu tại lễ khai giảng, TS.BSCKII Lê Trung Chánh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Đề án 5628, Giám đốc Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cho biết, việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030” là nhiệm vụ hết sức cần thiết, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành y tế, giáo dục, Chính phủ, các bộ, ban ngành mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần mang lại sức khỏe răng miệng tốt hơn cho thế hệ tương lai.
TS.BSCKII Lê Trung Chánh nhấn mạnh, tiếp nối thành công của Mô hình trường - trạm được triển khai năm 2023 tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre,... Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế TPHCM triển khai thí điểm mô hình trường - trạm tại 4 quận, huyện: Quận 1, Quận 5, Quận 6, huyện Cần Giờ. Các nội dung thực hiện bao gồm: Tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận đã tham gia cho các cán bộ y tế đã có chứng chỉ hành nghề đang công tác tại trạm y tế, trung tâm y tế của 4 quận, huyện tham gia thí điểm về thực hiện các kỹ thuật dự phòng sâu răng không xâm lấn và tập huấn cho nhân sự đang công tác tại trạm y tế, trung tâm y tế của 4 quận, huyện tham gia thí điểm cách sử dụng phần mềm quản lý, theo dõi và thống kê, đánh giá về sức khỏe răng miệng, triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh.
Theo đó, lớp đào tạo kỹ thuật dự phòng sâu răng và chăm sóc răng ban đầu theo mô hình trường - trạm đầu tiên tại TPHCM có 132 học viên là nhân viên y tế trường học và nhân viên y tế cơ sở của 4 quận, huyện tham gia.
Phát biểu chúc mừng tại lễ khai giảng, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, với việc thí điểm tại 4 quận huyện trên địa bàn TPHCM sẽ là dịp để triển khai, sơ kết rút kinh nghiệm để sau đó triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn TPHCM thời gian tới, góp phần kiện toàn, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe răng miệng, gắn kết các cơ sở khám, chữa bệnh với nhà trường và các tổ chức xã hội, nâng cao hoạt động chăm sóc và dự phòng các bệnh răng miệng, xây dựng và chuẩn hóa quy trình chuyên môn kỹ thuật răng hàm mặt. Đồng thời góp phần phát triển năng lực khám, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị các bệnh răng hàm mặt.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, hiện nay, ngành Y tế TPHCM đang quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tình trạng sức khoẻ của người cao tuổi. Cùng đó ngành Y tế TP cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình sức khoẻ của trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai... Cùng với việc tập huấn áp dụng sử dụng phần mềm quản lý, theo dõi và thống kê, đánh giá về sức khỏe răng miệng, triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh trong chương trình đào tạo lần này của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức sẽ góp phần số hoá tình hình sức khoẻ của người dân TPHCM, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân.
Ngay sau lễ khai giảng, ban tổ chức chương trình đào tạo đã tiến hành tập huấn về lý thuyết và thực hành kỹ thuật phòng ngừa sâu răng kéo dài trong 1 tuần cho các học viên là nhân viên y tế cơ sở và nhân viên y tế trường học. Chương trình đào tạo diễn ra tại Hội trường tầng 3 Khu A, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM (Số 201A Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TPHCM).
Hương Ngọc (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM)