Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Khẳng định vị thế tiên phong trong điều trị và nghiên cứu khoa học

  • |
(ND) - Ngày 20-12-1950, tại thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng (huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ), Đội điều trị 3 (tiền thân của Bệnh viện Quân y 103 ngày nay) được thành lập, với những lán trại bằng tranh, tre, nứa, lá ở chiến khu Việt Bắc, chỉ có chiếc nồi hấp và hai bộ tiểu phẫu. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Quân y 103 ngày nay đã trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu đào tạo về y học hàng đầu của quân đội và ngành y tế...

Năm 1950, khi mới thành lập, Đội điều trị 3 có hơn 60 người, trong đó có năm đảng viên, với nhiệm vụ chủ yếu của đội là cấp cứu, điều trị ngoại khoa và phục vụ các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 12-1958, Tổng cục Hậu cần quyết định chuyển Đội điều trị 3 thành Viện Quân y 103, là bệnh viện thực hành của Trường sĩ quan Quân y. Sau gần mười năm, củng cố xây dựng trong điều kiện hòa bình, viện đã có những bước phát triển mới về chất, có đủ điều kiện và khả năng đảm đương nhiệm vụ của một bệnh viện tuyến cuối; một cơ sở giảng dạy lâm sàng bậc đại học. Đây là nền tảng căn bản để Bệnh viện Quân y 103 vững vàng, phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Trong những năm gần đây, bệnh viện đã được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Qua đó, đã đủ sức triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến phục vụ tốt nhiệm vụ điều trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, bệnh viện có bảy phòng, ban chức năng và 42 bộ môn, với gần 1.100 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, trong đó có 18 giáo sư, 124 phó giáo sư, bảy tiến sĩ khoa học, 216 tiến sĩ và hàng trăm bác sĩ chuyên khoa (CKI, CKII)… Trong những năm qua, bệnh viện đã tham gia đào tạo hơn 1.500 lớp, với 60 nghìn học viên; đào tạo gần 30 nghìn cán bộ và nhân viên, trong đó có gần 700 tiến sĩ, hơn 1.800 thạc sĩ, hơn bốn nghìn bác sĩ CKI, CKII và gần hai nghìn bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng… Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vai trò quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân cả nước. Bệnh viện cũng thường xuyên chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới cho các bệnh viện: Xanh-pôn, Đa khoa Thái Nguyên, Quân y 4, Quân y 5, Quân y 9, Quân y 110… Trong mười năm trở lại đây, bệnh viện đã khám cho hơn 2,5 triệu lượt người bệnh; cấp cứu cho hơn 365 nghìn lượt người bệnh và tiến hành phẫu thuật hơn 122 nghìn ca, trong đó tỷ lệ mổ lớn hơn 71%; thời gian điều trị được rút ngắn, trung bình 10,2 ngày/người bệnh… Rất nhiều người bệnh nặng, hiểm nghèo được các thầy thuốc tập trung trí tuệ, công sức cứu chữa thành công.

Với phương châm lấy khoa học làm động lực nâng cao chất lượng đào tạo và điều trị, bệnh viện đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong tập hợp lực lượng, phát huy nhiệt tình, trí tuệ của đội ngũ khoa học. Nhiều năm qua, cùng với Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào việc điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, bệnh viện đã chủ trì hàng chục đề tài cấp Nhà nước, với hơn 100 đề tài nhánh và đề tài cấp Bộ Quốc phòng, trong đó có những đề tài thực hiện nhiều năm và có ý nghĩa xã hội cao, như: Ghép tim, ghép tụy, thận từ người cho chết não; các đề tài ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều trị, thu dung điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, bệnh viện thường xuyên phát động các phong trào nghiên cứu khoa học trong lớp trẻ, có sự định hướng nghiên cứu của các chuyên gia cao cấp. Thông qua các phong trào này, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng vào chẩn đoán và điều trị, như: Sử dụng tế bào gốc trong thoái hóa khớp gối; phẫu thuật thay khớp, kết xương khớp bằng nẹp khóa; kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng tần số ra-đi-ô, đặt van một chiều điều trị khí phế thũng, sốc điện điều trị rối loạn tâm thần, cắt giảm thể tích phổi điều trị khí phế thũng…

Kể từ năm 1992 đến nay, Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã ghi vào lịch sử y học nước nhà, trong khu vực và trên thế giới, khi lần lượt thực hiện thành công ca ghép tạng đầu tiên, như: Ghép thận (năm 1992), ghép gan (năm 2004), ghép tim (năm 2010). Mới đây nhất, ngày 1-3-2014, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng (tụy-thận) đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não. Tính đến thời điểm này, bệnh viện đã thực hiện được tổng số 212 ca ghép tạng. Với giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao, đặc biệt xuất sắc, Bệnh viện Quân y 103 là thành viên quan trọng của “Cụm công trình Ghép tạng” và được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. 
Hằng năm, bệnh viện đã tích cực giúp đỡ về chuyên môn cho các bệnh viện tuyến trước như bảo đảm quân y đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa); trao đổi với nhiều bệnh viện quân, dân y như Bệnh viện Việt Đức, 108, Chợ Rẫy, Bạch Mai, Trung ương Huế, 110, Xanh- pôn… Ngoài ra, bệnh viện tổ chức trung bình từ 30 đoàn đến 40 đoàn, với gần 1.000 lượt cán bộ, thầy thuốc tham gia khám cho hơn 20 nghìn lượt người, gồm: Thương binh, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng khu vực phía bắc; các đối tượng chính sách, người có công và cho nhân dân gặp nhiều khó khăn ở một số vùng sâu, vùng xa các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Tây Nguyên…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác khám bệnh, chữa bệnh; phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là trong công tác nghiên cứu khoa học, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bệnh viện Quân y 103 nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã xác định: Chủ động bám sát nhiệm vụ, nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng để tổ chức thực hiện tốt các đề tài, dự án. Chú trọng phát triển các chuyên ngành y học quân sự và các chuyên ngành mũi nhọn của y học cơ sở và y học lâm sàng; xây dựng bệnh viện có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; lấy nhiệm vụ đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học làm trung tâm. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; trong sáng về y dược, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ… để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và yêu cầu hội nhập quốc tế…

Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Quân y 103 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Ba lần phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều huân chương, huy chương các loại. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, bệnh viện vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những thành tích đặc biệt xuất sắc của bệnh viện trong sự nghiệp đào tạo; nghiên cứu khoa học, nhất là trong công tác điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân thời gian qua…

Theo Nhân dân

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang