
Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia. Chương trình thử nghiệm mang tên Breath for life - Hơi thở cuộc sống, kéo dài 02 năm, sẽ được triển khai thử nghiệm tại Nghệ An. PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Dự án chọn Nghệ An - một tỉnh có gánh nặng bệnh lao cao với mong muốn tìm được một mô hình phòng chống lao hiệu quả có thể nhân rộng áp dụng tại các tỉnh thành khác. Chương trình thử nghiệm sẽ tập chung nâng cao khả năng phát hiện, điều trị, quản lý lao ở trẻ em”. Bệnh lao gây tử vong cao tại nhiều quốc gia đang lưu hành bệnh. Có gần 400 trẻ em tử vong mỗi ngày do bệnh gây nên. Tại Việt Nam, hàng năm, có khoảng 130.000 ca mắc lao mới và khoảng 17.000 trường hợp tử vong do lao. Việt Nam xếp thứ 12 trên tổng số 22 quốc gia chịu gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu và xếp thứ 14 trên tổng số 27 quốc gia chịu gánh nặng lao đa kháng thuốc.
Ông Jason Caroll, Tổng Giám đốc Johnson & Johnson Việt Nam cho biết: dù bệnh lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc chẩn đoán, phát hiện ca bệnh mới, do vậy, sẽ có trẻ đang mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây chuyền bệnh trong cộng đồng. Việc hợp tác với PATH và Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ tạo nên một mô hình có khả năng nâng cao năng lực chẩn đoán, phát hiện lao sớm giúp các trẻ mắc lao được điều trị và chăm sóc y tế ngay lập tức.
BS. Kimberly Green, Giám đốc Dự án của PATH cho biết, Dự án sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho cán bộ y tế về kỹ năng, chuyên môn trong việc phát hiện, điều trị, quản lý các ca mắc lao, thiết lập hệ thống phòng chống lao giữa các cơ sở y tế công, tư có liên quan. Các trẻ được xác định có nguy cơ mắc lao sẽ được đăng ký tham gia Chương trình điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (IPT) và sẽ được hỗ trợ hoàn thành điều trị. Dự án cũng sẽ tập chung cải tiến hệ thống báo cáo, ghi chép các trường hợp mắc lao ở trẻ em.
Tin, ảnh: Như Hiển